1. Khái niệm
Phương pháp đóng vai là một trong những phương pháp tích cực nhằm phát huy cao độ tính tự giác, độc lập và sáng tạo của người học. Phương pháp này đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng và nhận được sự hưởng ứng tích cực của học sinh. Tại Việt Nam, phương pháp này cũng đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu giáo dục và giáo viên Lịch sử ở các trường phổ thông. Vận dụng PPĐV trong dạy học lịc sử sẽ là một giải pháp phát triển toàn diện học sinh cả về nhận thức, tư tưởng thái độ cũng như năng lực nhằm nâng cao chất lượng dạy học.
Theo Từ điển tiếng Việt (tác giả Hoàng Phê – NXB Đà Nẵng năm 2008), đóng vai là “Thể hiện nhân vật trong kịch bản lên sân khấu hay màn ảnh bằng hành động, nói năng như thật”. Vận dụng PPĐV trong dạy học có thể hiểu là đóng kịch đã được sử dụng trong lớp học và cho thấy hiệu quả rất cao nếu có sự chuẩn bị chu đáo.Theo đó, “Giáo viên xây dựng kịch bản và học sinh là người thực hiện kịch bản” hoặc “học sinh đảm nhận vai trò sáng tạo kịch bản để giải quyết tình huống mở do giáo viên đưa ra”. Bằng việc nhập vai vào các nhân vật người học được chủ động tìm hiểu, chiếm lĩnh kiến thức và được hoạt động trực tiếp trong suốt quá trình ĐV, giúp người học khắc sâu kiến thức dễ dàng hơn, có cơ hội hình thành kinh nghiệm cá nhân
2. Ý nghĩa của phương pháp đóng vai trong dạy học Lịch sử ở trường phổ thông.
Mỗi phương pháp dạy học đều có những ưu điểm nhất định, mỗi giáo viên cần lựa chọn PPDH phù hợp với nội dung, đối tượng học sinh, điều kiện thực tế ở mỗi trường, mỗi địa phương. Vận dụng PPĐV trong quá trình dạy học có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển toàn diện học sinh, cụ thể là:
Thứ nhất: Làm phong phú thêm PPDH cho giáo viên, góp phần tích cực vào xu thế đổi mới PPDH ở trường THPT. Hiện nay đổi mới PPDH đang là vấn đề được đặt ra cấp thiết đối với ngành giáo dục nói chung và bộ môn Lịch sử nói riêng. GV khi tổ chức dạy học lựa chọn được một phương pháp khoa học, phù hợp với nội dung bài học, với đối tượng học sinh là một trong những yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng bài học đồng thời tạo hứng thú học tập cho học sinh. Nhiều giáo viên hiện nay vẫn vận dụng phương pháp thuyết trình là chủ yếu khiến cho học sinh không có nhiều cơ hội để phát triển tư duy sáng tạo. Trong khi đò, đóng vai là một phương pháp có khả năng kích thích tư duy sáng tạo của học sinh (Sáng tạo trong lựa chọn tình huống hoặc lựa chọn nhân vật, sáng tạo trong xây dựng kịch bản, trong cách thể hiện vai diễn…). Do vậy lựa chọn PPĐV kết hợp nhuần nhuyễn với các phương pháp dạy học truyền thống làm cho bài giảng thêm sinh động, góp phần nâng cao hứng thú học tập của học sinh và làm phong phú thêm PPDH ở trường phổ thông.
Thứ hai: Giúp học sinh nhận thức sâu sắc hơn nội dung lịch sử đang học, phát triển trí tuệ và giáo dục các phẩm chất nhân cách cho người học. Sử dụng PPĐV không chỉ giúp học sinh hình thành hệ thống kiến thức sát với mục tiêu cụ thể của bài học mà còn có vai trò lớn trong việc phát triển khả năng tư duy, khả năng sáng tạo, kích thích học sinh đưa ra nhiều ý tưởng mới trong bài học. Đặc biệt có thể nhấn mạnh, sử dụng PPĐV còn có tác dụng rất lớn giúp học sinh phát triển các kĩ năng thực hành, gắn lý luận với thực tiễn qua đó hình thành các năng lực và phẩm chất cho học sinh.
Thứ ba: PPĐV có tác dụng lớn trong việc nâng cao hứng thú, sự say mê và động cơ học tập cho học sinh. Đối với quá trình dạy học, mục tiêu bài học có đạt được hay không phụ thuộc rất nhiều vào thái độ, hứng thú học tập của học sinh. Hứng thú học tập, sự say mê học tập của học sinh sẽ hình thành tính tích cực, tự giác và thúc đẩy quá trình nhận thức. Sử dụng PPĐV là một phương pháp mang lại hiệu quả lớn trong việc nâng cao hứng thú học tập cho học sinh bởi vì mang lại cho người học một cảm giác mới lạ trong lớp học, không khí lớp học sôi nổi hơn, khi tham gia vào các hoạt động ĐV, HS có trao đổi giao lưu với thầy cô, bạn bè, được thể hiện ý tưởng sáng tạo của mình, được hóa thân vào các nhân vật, được thể hiện năng khiếu, sở trường của bản thân. Như vậy với PHĐV, học sinh không còn cảm giác nhàm chán với các giờ học Lịch sử, ngược lại tạo cho học sinh một tâm thế thoải mái đón chờ giờ học tiếp theo hay nói cách khác hình thành động cơ học tập tích cực cho học sinh.
Thứ tư: PPĐV có tác dụng trong việc giáo dục kĩ năng sống và định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
Kĩ năng giao tiếp: Trong quá trình chuẩn bị và thể hiện các vai diễn, học sinh có cơ hội giao lưu, tăng cường sự giao tiếp giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với tập thể từ đó giúp học sinh hình thành và rèn luyện kĩ năng giao tiếp, ứng xử với bạn bè và những người xung quanh.
Kĩ năng thuyết trình: Thông qua quá trình chuẩn bị và thể hiện kịch bản, học sinh được rèn luyện kĩ năng thuyết trình trước đám đông, được rèn luyện cả ngôn ngữ nói và ngôn ngữ hình thể để hóa thân vào nhân vật. Nếu được thực hành nhiều lần, mỗi học sinh sẽ tự rút ra những bài học về kĩ năng thuyết trình và ngày càng tự tin hơn.
Kĩ năng giải quyết tình huống: Thông qua ĐV, học sinh thể hiện nhận thức, thái độ trong mỗi tình huống cụ thể và phải có cách ứng xử phù hợp với tình huống đó. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng kịch bản và hóa thân vào các nhân vật khác nhau giúp học sinh định hướng nghề nghiệp, nhiều học sinh bộc lộ những năng khiếu, sở trường đối với các ngành nghề như biên kịch, đạo diễn, diễn viên, nhà báo, hướng dẫn viên du lịch hoặc làm các ngành nghề của các nhân vật mà học sinh đã đóng vai.
Tóm lại, có thể thấy rằng vận dụng PPĐV có những vai trò quan trọng trong quá trình đổi mới PPDHLS ở trường phổ thông, tạo hứng thú học tập cho HS, nâng cao chất lượng GD .
3. Một số biện pháp triển khai PPĐV trong dạy học lịch sử ở trường THPT
Đóng vai nhân vật: Khi đóng vai nhân vật, người học được cung cấp thông tin về nhân vật sẽ đóng. Học sinh có thể tìm hiểu thông tin về nhân vật qua nhiều nguồn tư liệu khác nhau như sách báo, phim ảnh, tạp chí, sách lịch sử. Hoặc học sinh cũng có thể tham khảo qua các tượng đài để thấy được dáng vẻ, thần thái của nhân vật mình cần thể hiện. Tuy nhiên để có được ngoại hình và thần thái giống nhân vật Lịch sử đòi hỏi học sinh phải tìm hiểu rất kĩ và thực sự say mê với vai diễn của mình.
Đóng vai tình huống: Học sinh phải tự hình dung về các nhân vật sẽ đóng qua các dữ liệu của tình huống. Học sinh được thỏa sức phát triển trí tưởng tượng và sự sáng tạo. Qua đóng vai tình huống, kích thích học sinh suy nghĩ sâu sắc một vấn đề, được bộc lộ khả năng tự nhận thức, tự giải quyết vấn đề, được rèn luyện khả năng thực hành và thúc đẩy sự thay đổi nhận thức, hành vi thái độ theo hướng tích cực.
4. Vận dụng phương pháp đóng vai trong các tiết thực hành lịch sử lớp 10
4.1. Các bước thực hiện.
Bước 1: Lựa chọn tình huống: GV, HS lựa chọn tình huống đóng vai và xác định rõ đóng vai trong tình huống đó nhằm mục đích gì.
Bước 2: Chọn người tham gia: HS tự nguyện tham gia hoặc GV cử và được HS hứng thú chấp nhận đóng vai
Bước 3: Chuẩn bị diễn xuất: Các DV bàn bạc cách thể hiện vai diễn và đưa ra các tình huống. GV định hướng để HS chủ động thể hiện ý tưởng
Bước 4: Thể hiện vai diễn: Các diễn viên nhập vai và diễn xuất, các học sinh khác theo dõi, cổ vũ và nhận xét.
Bước 5: Đánh giá kết quả: GV và HS nhận xét, đánh giá chất lượng diễn xuất, khen thưởng (nếu có).
4.2. Một số yêu cầu khi vận dụng PPĐV trong dạy học Lịch sử ở trường THPT.
Đảm bảo mục tiêu giáo dục: về kiến thức, năng lực, phẩm chất.
Đảm bảo tính kế thừa và phát triển: Kế thừa những nội dung các bài đã học, lấy nội dung kiến thức học sinh đã được học làm nền tảng, cở sở để tổ chức hoạt động.
Đảm bảo tính khả khi: Khả thi về kịch bản: Kịch bản xây dựng phải căn cứ vào mục tiêu, nội dung bài học để đảm bảo sử dụng PPĐV đúng lúc, đúng chỗ. Kịch bản phải có tính kịch tính (Có xung đột, mâu thuẫn giữa các nhân vật) để gây hứng thú, gây sự chú ý và mang tính thuyết phục cao. Kịch bản phải có tính tích cực, mang lại hiệu quả giáo dục cao, bồi dưỡng cảm xúc, thẩm mỹ cho người học. Các nguồn tư liệu sử dụng trong kịch bản phải được kiểm chứng.
Khả thi về thời gian: Tình huống trong kịch bản không nên quá dài và quá phức tạp. Nếu giáo viên giao nhiệm vụ trên lớp thì phải dành thời gian phù hợp cho học sinh thảo thảo luận xây dựng kịch bản và đóng vai.
Khả thi về điều kiện vật chất, phương tiện hỗ trợ dạy học: PPĐV sẽ phát huy hiệu quả nếu có sự chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ dạy học.
Khả thi về cách thức chia nhóm: Nhóm (tổ) học tập không nên quá đông để có thể quan sát, theo dõi được các vai đóng đầy đủ, tham gia thảo luận và rút kinh nghiệm qua hoạt động đóng vai.
Đảm bảo phát huy tính tích cực, độc lập và sáng tạo của học sinh: Khi tham gia ĐV học sinh được phát huy tinh thần độc lập của bản thân và chủ động tham gia vào các hoạt động chung của nhóm. Giáo viên nên tôn trọng sự lựa chọn của học sinh, khuyến khích học sinh tự đưa ra ý tưởng và tự xây dựng kịch bản dưới sự định hướng của giáo viên.
4.3. Vận dụng PPĐV trong các tiết thực hành Lịch sử lớp 10.
Ví dụ 1: Vận dụng PPĐV trong tiết thực hành chủ đề 2: Vai trò của sử học.
Sau khi kết thúc tiết 6, giáo viên chuyển giao nhiệm vụ cho học sinh để chuẩn bị cho tiết thực hành (tiết 7).
Giáo viên chia cả lớp làm 4 nhóm và giao nhiệm vụ học tập cho từng nhóm:
Tình huống 1 (Nhóm 1,2): Nam cùng các bạn đang dạo chơi trong thành cổ Sơn Tây, một du khách đến hỏi Nam về các giá trị văn hóa và du lịch của Thành cổ Sơn Tây. Đóng vai là nhân vật Nam và các bạn của Nam để giải quyết tình huống trên.
Tình huống 2 (Nhóm 3,4): Ông A được mời tham gia Hội thảo về phát triển du lịch Làng cổ Đường Lâm. Đóng vai là ông A, hãy đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển du lịch Làng cổ Đường Lâm.
Giáo viên cung cấp bảng tiêu chí đánh giá sản phẩm học tập để học sinh các nhóm tham khảo và hoàn thành sản phẩm học tập.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, học sinh có thể họp nhóm trực tiếp hoặc lập các nhóm thông qua các nền tảng mạng xã hội để trao đổi, thảo luận, thống nhất ý tưởng và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Các thành viên của các nhóm thực hiện nhiệm vụ đc phân công. Giáo viên có thể hỗ trợ học sinh trong việc định hướng xây dựng kịch bản, lựa chọn các nhân vật đóng vai.
Thời gian thực hiện đóng vai: Tiết 7 theo kế hoạch dạy học. Mỗi nhóm có 5-7 phút để báo cáo sản phẩm học tập.
Địa điểm: Lớp học
Cách thức đánh giá sản phẩm: Mỗi nhóm đánh giá sản phẩm của 2 nhóm còn lại theo tiêu chí đã được gửi đến các nhóm (khi giáo viên chuyển giao nhiệm vụ học tập).
Ví dụ 2: Vận dụng PPĐV trong tiết thực hành chủ đề 3: Một số nền Văn minh thế giới thời kỳ cổ - trung đại.
Sau khi kết thúc tiết 13, giáo viên chuyển giao nhiệm vụ cho học sinh để chuẩn bị cho tiết thực hành (tiết 14,15).
Giáo viên chia cả lớp làm 4 nhóm và giao nhiệm vụ học tập cho từng nhóm:
Nhóm 1: Đóng vai là phóng viên Đài THVN thường trú tại Trung Quốc, hãy giới thiệu về công trình kiến trúc Vạn Lý trường Thành
Nhóm 2 : Đóng vai là một nhà nghiên cứu Văn hóa phương Đông hãy giới thiệu những nét độc đáo về kĩ thuật xây dựng Kim tự tháp của người Ai Cập cổ đại.
Nhóm 3: Đóng vai là một nhà văn, hãy viết lại đoạn kết của tác phẩm Rômêô và Juliet của Sếch-xpia
Nhóm 4 : Đóng vai là một họa sĩ đang tham dự Buổi triển lãm tranh của danh họa Lê ô na đờ vanhxi, hãy nêu những giá trị nghệ thuật của tác phẩm: Bữa ăn tối cuối cùng.
Ví dụ 3: Vận dụng phương pháp đóng vai trong các tiết thực hành chủ đề 4: Các cuộc CMCN trong lịch sử TG - lịch sử lớp 10
Bước 1: Xây dựng tình huống: GV chia lớp làm 4 nhóm và xây dựng tình huống cho từng nhóm. Các tình huống được GV định hướng sau khi kết thúc tiết 23 để học sinh có thời gian chuẩn bị.
Nhóm 1,2: Đóng vai là một nhà sản xuất chương trình, hãy xây dựng chương trình Mini Game với chủ đề: cách mạng công nghiệp trong lịch sử. (Giúp học sinh củng cố lại kiến thức đã học).
Nhóm 3: Đóng vai là một nhà biên kịch hãy xây dựng một kịch bản ngắn làm rõ tác động của cuộc cách mạng CN lần thứ 3 và lần thứ 4 đối với cuộc sống của bản thân em.
Nhóm 4 : Hoàng được mời tham gia cuộc thi Hùng biện với chủ đề: Giải pháp khắc phục tác động tiêu cực của cuộc CMCN lần thứ 3 và lần thứ 4 đối với cuộc sống con người. Hãy đóng vai là Hoàng xây dựng nội dung hùng biện.
Bước 2: Chọn người tham gia: GV chọn cử mỗi nhóm 1 nhóm trưởng. Nhóm trường chọn cử các thành viên trong nhóm tham gia các vai diễn. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Nhiệm vụ viết kịch bản: là người có khả năng viết tốt, có năng lực đặt vấn đề và giải quyết vấn đề.
Bước 3: Chuẩn bị diễn xuất: Các diễn viên bàn bạc cách thể hiện vai diễn để thực hiện kịch bản. GV định hướng để HS chủ động thể hiện ý tưởng và hỗ trợ kịp thời học sinh trong quá trình chuẩn bị (Nếu cần)
Bước 4: Thể hiện vai diễn: Các diễn viên nhập vai và diễn xuất ở giờ thực hành tiết 24,25. Các học sinh khác theo dõi, cổ vũ và nhận xét.
Bước 5: Đánh giá kết quả: GV mời HS nhận xét phần diễn của các nhóm (Những ưu điểm, những hạn chế, góp ý). GV đánh giá, nhận xét và bổ sung góp ý cho các nhóm. Đánh giá cho điểm.
5. Một số ưu điểm của biện pháp.
- Với cách thức thực hiện tiết thực hành như vậy, trước hết đã đạt được mục tiêu của tiết học: Giúp học sinh hệ thống hóa lại kiến thức đã học của chủ đề và vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra.
- Phát huy được tính chủ động, tích cực của học sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập.
- Phát huy sự sáng tạo của học sinh thông qua việc xây dựng kịch bản và cách thức diễn xuất, giải quyết tình huống.
- Rèn luyện cho học sinh kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng thuyết trình trước đám đông, rèn luyện kĩ năng sử dụng ngôn ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin.
- Hình thành các phẩm chất yêu nước, lòng tự hào về truyền thống và những giá trị văn hóa của nhân loại. Trân trọng những đóng góp của các thế hệ đi trước từ đó thấy được trách nhiệm của bản thân đối với việc gìn giữ và phát huy những thành tựu văn minh đó.
- Thông qua tiết học giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn vai trò của sử học để từ đó nhận thức được tầm quan trọng của việc học lịch sử suốt đời.
Dưới đây là một số hình ảnh học sinh đóng vai trong các tiết thực hành Lịch sử: