Sau 8 năm tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, quân Pháp ngày càng gặp nhiều khó khăn và lệ thuộc vào Mĩ. Ngày 7-5-1953, được sự thỏa thuận của Mĩ, Chính phủ Pháp đã cử tướng Nava sang làm tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, Sau khi sang Đông Dương, Nava đã đề ra một kế hoạch quân sự với hy vọng trong vòng 18 tháng giành thắng lợi quân sự quyết định để kết thúc chiến tranh trong danh dự. Kế hoạch Na-va Nội dung: gồm 2 bước
Bước 1: Trong thu-đông 1953- xuân 1954, giữ thế phòng ngự chiến lược trên chiến trường miền Bắc, tấn công chiến lược để bình định Trung bộ và Nam Đông Dương, đồng thời mở rộng ngụy quân, tập trung binh lực xây dựng lực lượng cơ động chiến lược mạnh.
Bước 2: Từ thu-đông 1954, chuyển lực lượng ra chiến trường miền Bắc, thực hiện tiến công chiến lược, cố giành thắng lợi quân sự quyết định buộc ta phải đàm phán theo những điều khoản có lợi cho chúng, nhằm kết thúc chiến tranh.
Thực hiện kế hoạch, từ thu đông 1953, Nava đã tập trung lực lượng cơ động ở đồng bằng Bắc bộ là 44 tiểu đoàn (trên tổng số 84 tiểu đoàn trên toàn Đông Dương), mở rộng hoạt động thổ phỉ, biệt kích ở vùng rừng núi biên giới, mở những cuộc tấn công lớn vào vùng giáp biên giới Ninh Bình, Thanh Hóa.
Kế hoạch Nava thể hiện sự câu kết chặt chẽ giữa Pháp – Mĩ. Đây là kế hoạch toàn diện, có quy mô lớn, nên nó sẽ làm cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta gặp nhiều khó khăn mới. Tuy nhiên, ngay từ đầu kế hoạch này đã bộc lộ những nhược điểm không thể khắc phục được, đó là: ra đời trong thế đầy khó khăn, thử thách; mâu thuẫn giữa tập trung với phân tán, giữa thế và lực của quân Pháp với mục tiêu chiến lược mà chúng đặt ra; kế hoạch cho thấy Pháp ngày càng lệ thuộc vào Mĩ. Từ đó cho thấy, từ khi ra đời, kế hoạch Nava đã hàm chứa yếu tố thất bại.
Trước sự thay đổi của cục diện chiến tranh ở Đông Dương và trên cơ sở nhận định âm mưu mới của Pháp – Mĩ, tháng 9 – 1953 Bộ chính trị Trung ương Đảng họp và đề ra kế hoạch tác chiến trong Đông Xuân 1953 – 1954 với phương hướng chiến lược: Tập trung binh lực mở những cuộc tiến công lớn vào hướng quan trọng mà địch tương đối yếu, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng đất đai, bược địch phải bị động phân tán lực lượng để đối phó với ta trên những điểm xung yếu và chúng không thể bỏ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ta tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch. Phương châm chiến lược của ta là “tích cực, chủ động, sáng tạo, linh hoạt, đánh ăn chắc, tiến ăn chắc, chắc thắng thì đánh cho kì thắng, không chắc thắc thì kiên quyết không đánh”.
Thực hiện kế hoạch tác chiến của Trung ương Đảng, ta mở liên tiếp các cuộc tiến công chiến lược trên chiến trường Đông Dương buộc địch phải phân tán lực lượng thành 5 điểm: Đồng Bằng Bắc bộ, Điện Biên Phủ, Xê nô, Luông Pha Băng, Plâycu. Cuộc tiến công chiến lược đông – xuân 1953 – 1954 của ta đã làm phá sản bước đầu kế hoạch Nava của Pháp – Mĩ, buộc quân chủ lực của chúng phải bị động phân tán. Với thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược, ta đã giam chân địch tại miền rừng núi bất lợi cho chúng. Như vậy từ chỗ ta giữ thế chủ động trên chiến trường chính Bắc Bộ, ta tiến lên giữ thế chủ động trên toàn Đông Dương. Những thắng lợi đó đồng thời là sự chuẩn bị những điều kiện vật chất và tinh thần cho quân ta mở đợt tấn công có tính chất quyết định vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp.
Khi kế hoạch Nava đứng trước nguy cơ bị phá sản, Pháp quyết định xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, sẵn sàng tiếp nhận một cuộc quyết chiến chiến lược với quân ta và sắc sàng “nghiền nát” bộ đội chủ lực của ta. Trong tính toán của địch, ta không có khả năng tiến hành một chiến dịch quân sự lớn ở Điện Biên Phủ vì trong trường hợp đó ta không đảm bảo được khả năng tiếp tế hậu cần cho một chiến trường cách xa hậu phương của ta, nếu ta cố tình đánh thì sẽ gặp nhiều khó khăn và sẽ bị tiêu diệt. Địch không thấy được khả năng khắc phục khó khăn của ta và không thấy được chỗ yếu của mình.
Để thực hiện mưu đồ trên, Nava đã tập trung mọi cố gắng xây dựng dựng Điện Biên Phủ trở thành căn cứ quân sự lớn nhất Đông Dương với lực lượng lúc cao nhất lên đến 16200 quân, được bố trí thành một hệ thống phòng thủ chặt chẽ gồm 49 cứ điểm, chia làm 3 phân khu trong đó có 2 sân bay là sân bay Mường Thanh và sân bay Hồng Cúm, với các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại. Chính vì vậy cả Pháp và Mĩ đều coi Điện Biên Phủ là một pháo đài “bất khả xâm phạm”. Như vậy từ chỗ không có trong kế hoạch, Điện Biên Phủ trở thành trung tâm điểm của kế hoạch Nava.
Trên cơ sở phân tích được âm mưu nguy hiểm của Pháp – Mĩ trong việc chiếm đóng Điện Biên Phủ, ta thấy được bên cạnh mặt mạnh, địch có chỗ yếu cơ bản: đây là sản phẩm của thế bị động về chiến lược, Điện Biên Phủ lại nằm sâu giữa rừng núi Tây Bắc hiểm trở, chúng chỉ có đường tiếp tế duy nhất là đường hàng không nên rất dễ bị bao vây, cô lập. Ta có thể khoét sâu chỗ yếu của địch để giành thắng lợi.
Nắm được ý đồ của địch, đầu tháng 12/1953, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ nhằm tiêu diệt toàn bộ lực lượng địch ở đây, giải phóng Tây Bắc, tạo điều kiện giải phóng Bắc Lào.
Việc thay đổi phương hướng tiến công chiến lược trong đông – xuân 1953 – 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ thể hiện sự quán triệt và thực hiện phương châm chiến lược tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt và chắc thắng.
Để chuẩn bị cho chiến dịch, Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ chỉ huy và Đảng ủy mặt trận do đồng chí Võ Nguyên Giáp là chỉ huy trưởng, kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận. Lực lượng chuẩn bị cho chiến dịc gồm: 4 đại đoàn bộ binh (308, 312, 316, 304), một đại đoàn pháo binh, nhiều tiểu đoàn công binh, thông tin, vận tải, quân y…huy động được 55.000 quân, hàng chục nghìn tấn vũ khí, đạn dược; 27.000 tấn gạo; 628 ô tô vận tải; 11 800 thuyền bè; 21.000 xe đạp; hàng nghìn xe ngựa, trâu, bò…được vận chuyển ra mặt trận với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.
Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu ngày 13 tháng 3 năm 1954 và kết thúc ngày 7 tháng 5 năm 1954, chia làm 3 đợt tiến công:
Đợt thứ nhất, ta đánh chiếm các cứ điểm khống chế cửa ngõ tập đoàn cứ điểm ở phía bắc. Trong năm ngày kịch chiến, bộ đội ta đã thể hiện rõ sự tiến bộ vượt bậc về chiến đấu hiệp đồng binh chủng, tiêu diệt gọn các cứ điểm Him Lam, đồi Độc Lập và chiếm cứ điểm Bản Kéo.
Đợt thứ hai, ta đồng loạt đánh các cứ điểm địch trên các ngọn đồi phía Đông, phát triển trận địa tiến công với hàng trăm ki-lô-mét giao thông hào và hàng vạn vị trí bắn tỉa, thắt chặt vòng vây, chia cắt tập đoàn cứ điểm thành từng khúc, khống chế đi đến triệt hẳn đường tiếp tế của địch. Bằng cách vây lấn, bắn tỉa... bộ đội ta đã buộc quân địch ngày đêm phải chui rúc dưới hầm hố bùn lầy nước đọng và làm phạm vi hoạt động của chúng ngày càng bị thu hẹp lại.
Đợt thứ ba, bắt đầu đêm 1 tháng 5 năm 1954. Ta đánh chiếm các điểm cao còn lại ở phía đông, thu hẹp phạm vi chiếm đóng củađịch ở phía Tây, tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm.
17 giờ ngày 7 tháng 5 năm 1954, một mũi của trung đoàn 209, đại đoàn 312, nhanh chóng vượt cầu Mường Thanh tiến thẳng vào sở chỉ huy địch.
Trải qua 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, qua 3 đợt tiến công, với phương châm đánh chắc, tiến chắc, 17h30 ngày 7/5/1954 tướng Đờ Cátxtơri cùng toàn bộ Ban tham mưu của địch bị bắt, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Ta đã đập tan hoàn toàn kế hoạch Nava, giáng đoàn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh, tạo điều kiện cho cuộc đấu tranh ngoại giao của ta giành thắng lợi. Đây là thắng lợi quân sự lớn nhất, là đỉnh cao của cuộc kháng chiến, là một “cột mốc bằng vàng” trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta.
Như vậy qua các thắng lợi của quân dân ta từ 1946 đến năm 1954, ta đã lần lượt đánh bại các âm mưu và kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp, giành nhiều thắng lợi to lớn và đến chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 là thắng lợi quân sự lớn nhất và là thắng lợi quân sự quyết định làm xoay chuyển cục diện chiến tranh, buộc thực dân Pháp phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán ký hiệp định Giơnevơ công nhận các quyền dân tộc cơ bản của các nước Đông Dương.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta, ghi dấu son phát triển vượt bậc của nghệ thuật quân sự Việt Nam, mà tầm vóc của nó như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa của thế kỷ XX.
Chiến thắng Điện Biên Phủ xứng đáng được xem là một cột mốc bằng vàng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Lần đầu tiên, hàng nghìn sĩ quan, kể cả viên tướng chỉ huy, binh lính của quân đội một cường quốc Phương Tây bị quân đội một nước, vốn được coi là nhược tiểu, là thuộc địa bắt làm tù binh.
Đây là thất bại nặng nề nhất, một đòn chí tử đánh sụp hoàn toàn ý đồ tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, là thắng lợi quân sự quyết định buộc thực dân Pháp phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán ký hiệp định Giơ ne vơ công nhận các quyền dân tộc cơ bản của các nước Đông Dương
Thắng lợi Điện Biên Phủ đã mở ra một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên các dân tộc thuộc địa vùng lên đấu tranh đánh đổ chủ nghĩa đế quốc, thực dân để giành lấy quyền sống, quyền làm người của mình. Thắng lợi Điện Biên Phủ góp phần làm thức tỉnh ý thức dân tộc và lòng yêu nước của nhân dân các nước thuộc địa đặc biệt là các thuộc địa của Pháp ở Châu Phi, có tác dụng động viên, cổ vũ các dân tộc bị áp bức, tạo ra niềm tin vô biên về thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Chiến thắng Điện Biên Phủ được coi là mốc mở đầu quá trình phá sản của chủ nghĩa thực dân trên phạm vi toàn cầu. Điện Biên Phủ đã đem lại cho phong trào giải phóng dân tộc nửa sau thế kỷ XX những bài học kinh nghiệm quý giá trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân.
Điện Biên Phủ chứng minh một cách hùng hồn cho chân lý của thời đại ngày nay rằng một dân tộc dù nhỏ, khi đã đoàn kết đứng lên theo một đường lối đúng đắn vì độc lập tự do thì đủ khả năng chiến thắng đội quân xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, thực dân hung hãn nhất. Điện Biên Phủ có dấu ấn sâu sắc về nhiều mặt đối với phong trào gpdt nửa sau thế kỷ XX, Điện Biên Phủ trở thành báu vật, niềm tự hào lớn lao với các dân tộc đang chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc khỏi chủ nghĩa thực dân.
Hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên phủ, trong những ngày tháng năm lịch sử này, trên khắp cả nước tưng bừng tổ chức các chương trình, hoạt động sôi nổi, ý nghĩa như giao lưu, gặp gỡ nhân chứng lịch sử, hành quân đến địa chỉ đỏ, thăm hỏi, trao quá tặng các bà mẹ Việt Nam anh hùng, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, tổ chức các hội thi, khởi công khánh thành các công trình, phần việc thanh niên…Đây cũng là dịp để tuổi trẻ cả nước nói chung và tuổi trẻ trường THPT Sơn Tây nói riêng cùng nhìn lại chiến thắng vẻ vang của dân tộc, khơi dậy hào khí của bản hùng ca chiến thắng Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bồi dưỡng lòng tự hào, lòng biết ơn đối với thế hệ cha anh đi trước – những người đã không tiếc máu xương, chiến đấu hy sinh để chúng ta được hưởng cuộc sống độc lập, tự do như ngày nay. Từ đó thấy được trách nhiệm của thế hệ trẻ tiếp bước các thế hệ đi trước xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, sánh vai các cường quốc năm châu như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn.