Căn cứ Công văn số 4653/SGDĐT-CTTT-KHCN ngày 30/12/2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường quản lý hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa (tham quan) cho học sinh của các trường trực thuộc Sở;
Căn cứ nguyện vọng của học sinh và Biên bản thống nhất giữa nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh;
Trường THPT Sơn Tây xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa (tham quan) dành cho học sinh lớp 10 năm học 2023 – 2024 Tạo cơ hội cho học sinh trải nghiệm thế giới tự nhiên, thực tế cuộc sống và công việc, giúp học sinh khám phá những điều mới lạ, tìm hiểu, phát hiện vấn đề từ môi trường xung quanh, bồi dưỡng những cảm xúc tích cực và tình yêu quê hương đất nước, ý thức giữ gìn những giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Hoạt động giúp học sinh nâng cao ý thức học tập bộ môn, tạo động cơ học tập tích cực, bồi đắp lòng yêu thiên nhiên và đam mê khám phá, hình thành ý thức bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường đặc biệt là môi trường nơi mình sinh sống đồng thời tạo cơ hội cho học sinh giao lưu, hợp tác và xây dựng tình đoàn kết, rèn luyện các kĩ năng thực hành xã hội.
Hoạt động được tổ chức vào ngày 25/03/2024 tại Khu bảo tồn làng sinh thái Thái Hải (Xóm Mỹ Hào, Xã Đức Thịnh, Tp Thái Nguyên).
Học sinh được trải nghiệm – tìm hiểu về nghi lễ văn hóa truyền thống của đồng bào Tày qua phần tái hiện Lễ Khai hội “Lồng tồng” – lễ hội khai xuân đầu năm của đồng bào Tày cũng là khởi đầu cho ngày hội trải nghiệm vui vẻ và bổ ích tại bản làng:
Phần lễ: Thầy tâm linh hoặc người được giao công việc cùng đại diện các dòng tộc làm nghi lễ Tạ Ơn Trời Đất, cầu cho mưa thuận gió hòa, nhà nhà yên ấm, gửi lời cầu xin an lành qua làn điệu Then cổ: “Cẳm then slắng én”
Phần hội: chuỗi các hoạt động trải nghiệm đan xen.
Sau khi tham gia trải nghiệm lễ hội Lồng Tồng, học sinh dưới sự hướng dẫn của Hướng dẫn viên Thái Hải đi thăm quan Bản làng người Tày, tìm hiểu - trải nghiệm văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của người Tày, các nét kiến trúc nhà sàn cổ đặc trưng, thăm và khám phá các nghề gia truyền lâu đời được khôi phục vào bảo tồn tại Bản làng Thái Hải:
Làm Chè xanh, Làm Rượu, Làm Thuốc Nam, Làm Bánh
Bên cạnh đó học sinh còn được tìm hiểu thêm về lịch sử hình thành, xây dựng cộng đồng của người Tày tại Bản làng Thái Hải và hoạt động trải nghiệm kỹ năng đời sống: “ NẤU MÂM CƠM NGƯỜI TÀY”. Sau khi hoàn thành 01 mâm cơm, học sinh thuyết trình ý tưởng, ý nghĩa các món ăn, cách trình bày (cảm nghĩ về lòng biết ơn cha mẹ đã chăm sóc hàng ngày) và có sự chấm điểm của ban tổ chức có giải thưởng
Đại diện công ty Du lịch và Nhà Trường sẽ đi chấm điểm cho các Lớp với tiêu chí: Ngon – Sạch – Đẹp – Gọn gàng – Thuyết minh sinh động – Tinh thần tập thể.
Ngoài ra học sinh còn được tham gia trải nghiệm thực hành làm bác nông dân, tham gia hoạt động trồng cây chè đặc trưng của tỉnh Thái Nguyên và được mang 1 chậu chè về làm quà và chăm sóc, tham gia chương trình: “Ngày hội trò chơi dân gian” tham gia trò chơi ném còn, kéo co, bịt mắt bắt gà …
Hoạt động đã được tổ chức thành công và mỗi học sinh lớp 10 đều đã thu nhận cho bản thân những giá trị bổ ích. Đặc biệt đối với mỗi tập thể, mỗi cá nhân sau chuyến tham quan học tập đều có những kỷ niệm trở thành một mảnh ghép trong thanh xuân tươi đẹp của các em. Khi được hỏi về cảm nhận cũng như những ấn tượng của bản thân sau khi tham gia hoạt động tham quan do nhà trường phối hợp với ban chi hội học sinh tổ chức, các em học sinh đã chia sẻ:
“Sau khi tham gia hoạt động tham quan, đặc biệt là được đồng hành cùng lớp mình con thực sự thấy mình và các bạn gắn bó, thân thiết với nhau hơn. Bọn con đã có những giây phút không ngắn mà cũng chẳng dài bên nhau, cùng đi chung chuyến xe, cất chung lời hát, rồi cùng chung sức tham gia các hoạt động, cuộc thi của chương trình. Các hoạt động đó không chỉ làm những trái tim xích lại gần nhau hơn mà còn giúp con mở rộng kiến thức, kĩ năng của mình trong một môi trường tự nhiên, có thể nói sẽ giúp đỡ con cho cuộc sống sau này ạ. Con hi vọng nhà trường sẽ tạo nhiều cơ hội cho các hoạt động tập thể, hội nhóm như vậy hơn để học sinh nói chung, bản thân con nói riêng có thể học hỏi và tự hoàn thiện mình” (Học sinh Trần Kiều Khánh Ly lớp 10 Chuyên Anh).
“Con thấy chương trình vừa rồi là một chương trình bổ ích và giúp cho tập thể 10 Văn có cơ hội được đồng hành và gắn kết với nhau hơn sau gần một năm học. Thực lòng mà nói, tất cả chúng con đã có những giây phút đáng nhớ từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc chuyến đi. Con thay mặt tập thể lớp gửi lời cảm ơn đến nhà trường, các bậc phụ huynh và công ty du lịch đã cho chúng con có cơ hội tham gia chuyến đi này ạ” (Học sinh Nguyễn Hà Linh lớp 10 Chuyên Văn).
“Trong mỗi chúng ta, ai cũng có duy nhất một cuộc đời để sống và một thanh xuân để trải nghiệm. Vốn dĩ thanh xuân chỉ là hữu hạn nên bạn trẻ nảo cũng muốn có cho mình một kỉ niệm đẹp nhất. Và với em đó là chuyến đi thực tế đến với bản làng Thái Hải, xã Mỹ Đức,Thành phố Thái nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Nếu hỏi tại sao thì đó là bởi em được hiểu thêm về 1 bản sắc văn hóa của dân tộc, được vi vu đồng hành cũng những người bạn, được gắn bó cùng với các thầy cô. Dẫu “Cuộc đời là những chuyến đi” nhưng có những chuyến đi không đơn thuần là sự dịch chuyển cơ học đi để đến, để biết mà còn để lại trong lòng mỗi người những dư âm khôn nguôi” (Học sinh Lưu Thị Ngọc Khuê lớp 10 Chuyên Lý)
“Khi tham gia hoạt động, em cảm thấy hứng thú và hào hứng với những trải nghiệm mới, cũng như có thể gặp gỡ được nhiều bạn bè mới. Đồng thời, em được tìm hiểu thêm về những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Tày. Điều quan trọng là hãy tận hưởng và học hỏi từ mỗi trải nghiệm” (Học sinh Trần Hương Giang lớp 10A4).
Dưới đây là một vài hình ảnh khi học sinh khối 10 tham gia hoạt động: