1. Đặt vấn đề
Theo Điều 3, luật Bảo vệ môi trường 2020, Môi trường bao gồm các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, xã hội, sự tồn tại, phát triển của con người, sinh vật và tự nhiên. Thành phần môi trường là yếu tố vật chất tạo thành môi trường gồm đất, nước, không khí, sinh vật, âm thanh, ánh sáng và các hình thái vật chất khác.
Môi trường có vai trò quan trọng là không gian sống của con người và sinh vật; cung cấp tài nguyên thiên nhiên cho sản xuất và đời sống của con người; chứa đựng, cân bằng và phân hủy chất thải do con người tạo ra; lưu giữ và cung cấp thông tin để qua đó con người có thể hiểu được quá khứ, dự đoán được tương lai. Thực tế hạnh phúc và chất lượng sống của con người phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên đem lại. Vậy mà hiện nay, nhân loại đang đứng trước tình trạng hết sức mâu thuẫn một mặt khoa học kĩ thuật phát triển nhanh, kinh tế cũng phát triển rất nhanh mặt khác tài nguyên thiên nhiên bị khai thác ngày càng nhiều và môi trường cũng đang bị nhiều tác động xấu chưa từng có.
Bảo vệ môi trường là việc làm cần thiết của nhân loại. Để bảo vệ môi trường cần nhiều biện pháp như luật pháp, kinh tế, công nghệ và giáo dục. GDMT là vấn đề quan trọng, giáo dục cần là tiền đề trong mọi hoạt động bảo vệ môi trường, GDMT hiệu quả không chỉ cung cấp kiến thức về môi trường, mà còn phải làm thay đổi cách sống để có lợi cho thế hệ tương lai.
Hiện nay toàn ngành Giáo dục đang trong quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018. Ở bậc học THPT - giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, Địa lí là môn học lựa chọn. Lớp 10, môn Địa lí giúp HS nắm được những đặc điểm tổng quát của khoa học địa lí, các ngành nghề có liên quan đến địa lí, khả năng ứng dụng kiến thức địa lí trong đời sống. Nội dung kiến thức Địa lí 10 đề cập đến những vấn đề cơ bản và quan trọng nhất của các thành phần tự nhiên trên Trái Đất, đặc điểm dân cư thế giới, các vấn đề kinh tế của con người, … Có thể nói giảng dạy Địa lí 10 có nhiều thuận lợi để GDMT vì những kiến thức về các thành phần của môi trường tự nhiên, môi trường kinh tế - xã hội, mối quan hệ qua lại giữa môi trường và con người là một phần của kiến thức địa lí.
2. Mục đích, yêu cầu của GDMT trong dạy học Địa lí
GDMT là một quá trình tạo dựng cho HS những nhận thức, mối quan tâm về môi trường và các vấn đề môi trường, vận dụng được những kiến thức, kỹ năng vào gìn giữ, bảo tồn, sử dụng môi trường theo cách thức bền vững bao hàm cả việc giảm thiểu và phòng tránh những thảm họa môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên. Tạo cho các em trở thành những công dân thấu hiểu về môi trường, có trách nhiệm với môi trường.
Để GDMT thực sự hiệu quả cần trang bị kiến thức về môi trường, ứng dụng kiến thức đó vào hành động bảo vệ môi trường. Nói cách khác, giáo dục môi trường bao gồm giáo dục về môi trường và giáo dục vì môi trường.
- Trang bị kiến thức cho người học là giáo dục về môi trường. Kiến thức về môi trường rất rộng, GDMT không là môn học độc lập mà tích hợp vào các môn Địa lí, Sinh học, Giáo dục địa phương, trải nghiệm hướng nghiệp,… Thông qua việc tổ chức các hoạt động học tập Địa lí 10, HS có thể tự chiếm lĩnh các tri thức về môi trường như: các khái niệm môi trường, tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, hệ sinh thái, hiệu ứng nhà kính, … HS sẽ hiểu biết sâu hơn mối tương quan và lệ thuộc lẫn nhau trong thiên nhiên, nhận thức rõ được con người có thể gây tác động (tích cực và tiêu cực) đến môi trường trong quá trình khai thác tài nguyên phát triển kinh tế xã hội. Từ đó bồi dưỡng tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước, có thái độ, ứng xử đúng đắn với thiên nhiên như chính ngôi nhà của mình.
- Giáo dục với các hoạt động thực tế thực thi bảo vệ môi trường là giáo dục vì môi trường. GDMT phải đưa đến hành động, người học tham gia vào các hoạt động sẽ nhận diện được trực tiếp những vấn đề liên quan đến môi trường, đến cuộc sống hằng ngày… Kiến thức về môi trường đã được trang bị sẽ là phương tiện để hành động đúng đắn vì một môi trường lành mạnh, từ đó HS điều chỉnh lối sống có lợi cho môi trường, có lợi cho sức khỏe của cá nhân và cộng đồng. Cam kết hành động thường xuyên vì một tương lai bền vững.
3. Nguyên tắc GDMT trong dạy học Địa lí
- GDMT trong dạy học Địa lí không được làm ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực HS theo yêu cầu cần đạt môn Địa lí, Chương trình GDPT 2018, không được gây quá tải cho HS.
- Nội dung GDMT phải phù hợp với trình độ của HS, phải có hệ thống, có mối liên hệ lôgic chặt chẽ với nội dung trong bài học. Nội dung bài học địa lí phải là nền móng, là cơ sở cho nội dung GDMT.
- Các kiến thức GDMT đưa vào bài học phải phản ánh được hiện trạng môi trường hoặc tình hình bảo vệ môi trường ở địa phương, giúp HS dễ dàng nhận thấy một cách cụ thể, không đưa ra những vấn đề xa lạ đối với HS.
- Sử dụng các phương pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học đa dạng để nâng cao hiệu quả dạy học phát huy tốt phẩm chất và năng lực người học.
- Đảm bảo HS được tham gia trực tiếp vào quá trình hành động vì môi trường, giải quyết các vấn đề về môi trường: làm sạch môi trường, tích cực tuyên truyền bảo vệ môi trường, sống xanh, tiêu dùng xanh,…
4. Nội dung GDMT trong dạy học Địa lí 10 chương trình GDPT 2018
Chương trình Địa lí có nhiều khả năng GDMT vì các kiến thức về môi trường tự nhiên, môi trường nhân tạo, … là một phần của kiến thức địa lí.
Nội dung chương trình Địa lí 10 đề cập đến những vấn đề cơ bản và quan trọng nhất của các thành phần tự nhiên trên Trái Đất, đặc điểm dân cư thế giới, các vấn đề phát triển kinh tế nên tích hợp GDMT có dạng bài tích hợp toàn phần, tích hợp một phần hoặc bài có khả năng liên hệ GDMT.
Kiến thức GDMT trong chương trình Địa lí 10 có thể phân làm hai nhóm
- Kiến thức đề cập đến khái niệm môi trường, tài nguyên thiên nhiên; các thành phần của môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, môi trường nhân tạo, …
- Kiến thức đề cập đến tình hình khai thác và sử dụng tài nguyên phát triển kinh tế; tác động của con người đến tài nguyên và môi trường, …
Bảng 1: Liệt kê nội dung tích hợp toàn phần GDMT trong dạy học Địa lí 10 Chương trình GDPT 2018 (bài học SGK Cánh Diều)
TT | Bài học | Yêu cầu cần đạt |
1 | Bài 14. Vỏ địa lí. Quy luật thống nhất và hoàn chỉnh | – Trình bày khái niệm vỏ địa lí; phân biệt được vỏ địa lí và vỏ Trái Đất. – Trình bày được khái niệm, biểu hiện và ý nghĩa thực tiễn của quy luật thống nhất và hoàn chỉnh của vỏ địa lí; liên hệ được thực tế ở địa phương. – Giải thích được một số hiện tượng phổ biến trong môi trường tự nhiên bằng quy luật thống nhất và hoàn chỉnh. |
2 | Bài 15. Quy luật địa đới và phi địa đới. | – Trình bày khái niệm, biểu hiện và ý nghĩa thực tiễn của quy luật địa đới và phi địa đới; liên hệ được thực tế ở địa phương. – Giải thích được một số hiện tượng phổ biến trong môi trường tự nhiên bằng các quy luật địa lí. |
3 | Bài 29. Môi trường và tài nguyên thiên nhiên | – Phân biệt được khái niệm, đặc điểm của môi trường và tài nguyên thiên nhiên. – Phân tích được vai trò của môi trường, tài nguyên thiên nhiên đối với sự phát triển của xã hội loài người. |
4 | Bài 30. Phát triển bền vững, tăng trưởng xanh | – Trình bày được khái niệm và sự cần thiết phải phát triển bền vững. – Trình bày được khái niệm và biểu hiện của tăng trưởng xanh. – Liên hệ được một số vấn đề tăng trưởng xanh ở địa phương. |
5 | Chuyên đề: Biến đổi khí hậu (các lớp chọn chuyên đề) | – Trình bày được khái niệm, các biểu hiện của biến đổi khí hậu. – Giải thích được nguyên nhân của biến đổi khí hậu. – Phân tích được các tác động của biến đổi khí hậu và hậu quả trên phạm vi toàn cầu. – Giải thích được tầm quan trọng và sự cấp bách của ứng phó với biến đổi khí hậu. – Hệ thống hoá được các nhóm giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. |
Bảng 2: Liệt kê bài học Địa lí 10 Chương trình GDPT 2018 theo nhóm kiến thức phù hợp tích hợp GDMT (bài học SGK Cánh Diều)
TT | Nội dung | Bài học | Nội dung tích hợp GDMT chủ yếu |
1 | Địa lí tự nhiên | Bài 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12 | Kiến thức đề cập đến các thành phần của môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, môi trường nhân tạo. |
2 | Địa lí dân cư | Bài 17 |
3 | Địa lí các ngành kinh tế | Bài 20, 21, 23, 24, 26, 27, 28 | Kiến thức đề cập đến tình hình khai thác và sử dụng tài nguyên phát triển kinh tế; tác động của con người đến tài nguyên và môi trường. |
5. Phương pháp, hình thức tổ chức
Để nâng cao hiệu quả giáo dục môi trường trong dạy học Địa lí 10, cần tổ chức dạy học với các hoạt động học tập đảm bảo HS phát triển năng lực nhận thức về môi trường; tìm hiểu môi trường và vận dụng kiến thức kĩ năng vào thực tế. Các hoạt động học tập kết hợp với nhau giúp HS không chỉ tiếp thu được kiến thức mà còn hình thành và rèn luyện thói quen, kĩ năng và lối sống thân thiện với môi trường, trở thành những thành viên tích cực tuyên truyền phổ biến kiến thức và đi đầu trong các phong trào bảo vệ môi trường.
Các phương pháp, hình thức tổ chức GDMT trong dạy học Địa lí 10:
- Phương pháp sử dụng các phương tiện trực quan:
Thực tế HS chỉ được quan sát một số các vấn đề môi trường, tài nguyên nơi các em sinh sống. Các phương tiện trực quan như tranh ảnh, băng, đĩa hình giúp các em quan sát được các vấn đề môi trường ở Việt Nam và trên thế giới mà các em không có điều kiện quan sát trực tiếp.
VD: Khi tổ chức cho HS tìm hiểu các nhân tố ảnh hưởng đến chế độ nước sông có thể sử dụng hình ảnh hoặc đoạn phim về mùa lũ của sông ở miền Trung nước ta để HS xác định đoạn phim về hiện tượng gì, ở đâu, phân tích nguyên nhân và hậu quả của hiện tượng.
- Phương pháp thảo luận:
HS thảo luận theo nhóm về các vấn đề môi trường có liên quan đến nội dung bài học. Thảo luận tạo cho HS cơ hội trình bày ý kiến, suy nghĩ của mình và lắng nghe ý kiến của các bạn về một vấn đề môi trường.
VD: Học về ngành công nghiệp điện lực có thể tổ chức cho HS thảo luận tác động của công nghiệp đến môi trường, sự cần thiết phải phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo.
- Phương pháp tham quan, điều tra, khảo sát thực địa:
Tham quan, điều tra, khảo sát thực địa không chỉ là PPDH đặc trưng của bộ môn Địa lí, mà còn là phương pháp đạt hiệu quả cao trong GDMT. Phương pháp này không chỉ giúp HS kiểm nghiệm các kiến thức đã học trên lớp, mà còn phát triển kĩ năng quan sát và rèn luyện hành vi ứng xử phù hợp với môi trường.
Việc tham quan, khảo sát thực địa giúp HS cảm nhận được sự phong phú, đa dạng, vẻ đẹp của tự nhiên; đồng thời qua đó thấy được hiện trạng cũng như một số vấn đề của môi trường, nguyên nhân và hậu quả của sự suy giảm, suy thoái và ô nhiễm môi trường.
VD: Học về đất và sinh quyển tổ chức, hướng dẫn cho HS tham quan, khảo sát vườn quốc gia Ba Vì tìm hiểu hiện trạng hệ sinh thái vườn Quốc gia. Tác động của con người đến sinh vật ở vườn quốc gia. Tiềm năng, giải pháp phát triển du lịch bền vững ở vườn quốc gia Ba Vì.
- Phương pháp dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề:
GV đặt ra trước HS các vấn đề nhận thức có chứa đựng mâu thuẫn giữa cái đã biết và cái chưa biết, chuyển HS vào tình huống có vấn đề, kích thích HS tự lực, chủ động và có nhu cầu mong muốn giải quyết vấn đề.
VD: Dạy phần đô thị hóa, tình huống có vấn đề cần giải quyết là đô thị hóa ở địa phương diễn ra nhanh đã làm cho diện tích đất nông nghiệp giảm, môi trường bị ô nhiễm vậy có nên hạn chế quá trình đô thị hóa không? Làm thế nào để vừa đô thị hóa, công nghiệp hóa lại vừa bảo vệ được môi trường?
- Phương pháp đóng vai:
HS được đặt vào vị trí các nhân vật, bối cảnh thực tế nhất là ở địa phương để tìm hiểu, trình bày, phản hồi, tranh luận, đưa ra các giải pháp về môi trường.
VD: Liên hệ khi dạy học nội dung ngành du lịch. Tình huống một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch muốn khai thác tuyến du lịch bằng tàu thủy từ trung tâm Hà Nội đến Ba Vì với kế hoạch đem lại nhiều việc làm và thu nhập. Hãy đóng vai các nhân vật người nông dân, cán bộ phòng tài nguyên môi trường, nhà khoa học trong lĩnh vực thủy văn, giám đốc xí nghiệp vận tải thủy,…phân tích và biểu quyết chấp thuận hay phản đối.
- GDMT thông qua trò chơi:
Các trò chơi dạy học gắn với nội dung GDMT có thể là trò chơi khởi động, trò chơi luyện tập và cũng có thể là game show quy mô về một vấn đề môi trường khi kết thúc một chủ đề dạy học tích hợp toàn phần nội dung GDMT. Trò chơi thu hút nhiều HS tham gia góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, làm cho nội dung GDMT bớt khô khan, không làm nặng chương trình, không gây căng thẳng cho cả giáo viên và HS.
VD tổ chức game show Tìm kiếm nhà hoạt động môi trường tài ba. Các thí sinh dự thi có thời gian chuẩn bị trong 10 phút và có thời gian thuyết trình trong 5 phút tuyên truyền sử dụng hợp lí tài nguyên, bảo vệ môi trường, lối sống xanh, sản xuất xanh.
- Dạy học theo dự án
HS thực hiện nhiệm vụ học tập phức hợp, gắn với thực tiễn, kết hợp lí thuyết với thực hành, tự lập kế hoạch và thực hiện. Hình thức làm việc chủ yếu là theo nhóm, kết quả thực hiện dự án là những sản phẩm, hành động về môi trường có thể giới thiệu, sử dụng.
VD: Dự án lối sống xanh với ngày hội đổi đồ của HS câu lạc bộ Địa lí
6. Xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động học tập GDMT trong dạy học Địa lí 10
a) Quy trình thiết kế hoạt động dạy học Địa lí tích hợp GDMT
Bước 1: Xác định nội dung dạy học
Căn cứ vào yêu cầu cần đạt, đối tượng HS, điều kiện dạy học,... để xác định nội dung tích hợp GDMT. Bổ sung thông tin thực tiễn về môi trường có liên quan đến nội dung bài học nhất là vấn đề môi trường ở địa phương.
Bước 2: Thiết kế các hoạt động GDMT
Thiết kế các hoạt động GDMT với các mô đun: Tìm hiểu tri thức về môi trường; vận dụng kiến thức kĩ năng vào tìm hiểu và giải quyết vấn đề thực tế; hình thành thói quen, thái độ, lối sống thân thiện với môi trường; tích cực trong các hoạt động cộng đồng vì môi trường.
Bước 3: Lựa chọn hình thức và các phương pháp, kĩ thuật dạy học
GV xác định các hình thức, phương pháp dạy học có thể thực hiện sau đó phân tích, lựa chọn phương pháp phù hợp nhất để đạt được mục tiêu kép vừa phù hợp với dạy học nội dung địa lí vừa phù hợp GDMT
Bước 4: Thiết kế công cụ đánh giá kết quả học tập
Thiết kế công cụ để đảm bảo đáng giá việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Công cụ cần đảm bảo đáng giá được cả quá trình học tập của HS, đánh giá nhóm và đánh giá cá nhân trong nhóm, đánh giá vận dụng kiến thức lí thuyết vào thực tiễn. Công cụ đánh giá giúp người học có định hướng học tập, tự điều chỉnh trong quá trình học tập để đạt hiệu quả cao.
b) Tổ chức dạy học Địa lí tích hợp GDMT
Tiến hành tổ chức dạy học theo 4 bước
Bước 1: Tạo hứng thú và kết nối, tạo tâm thế học tập cho HS giúp cho HS ý thức được nhiệm vụ học tập, hứng thú với hoạt động học tập.
Bước 2: GV chuyển giao nhiệm vụ học tập, cung cấp học liệu cần thiết, cung cấp công cụ đánh giá quá trình và đánh giá sản phẩm.
Bước 3: HS làm việc cá nhân, thảo luận theo cặp, nhóm, cả lớp, trải nghiệm tham quan thực tế, … để hoàn thành nhiệm vụ học tập.
Bước 4: Báo cáo sản phẩm học tập, đánh giá
HS được báo cáo sản phẩm cá nhân, theo nhóm. GV quan sát sản phẩm học tập, ghi nhận thái độ, hành vi của HS. GV tự đánh giá quá trình dạy học, so sánh với mục tiêu đã xác định, nếu cần thiết điều chỉnh việc tổ chức dạy học cho hợp lí.
c. Một số kế hoạch tổ chức thực hiện GDMT trong dạy học Địa lí 10
- GDMT tích hợp trong bài học Địa lí có nội dung gắn với vấn đề môi trường.
THƯƠNG MẠI, TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG VÀ DU LỊCH
Bài 28 SGK Cánh Diều
a. Mục tiêu tích hợp GDMT
- Liên hệ được các hoạt động du lịch tại địa phương
- Viết được báo cáo tìm hiểu về ngành du lịch
b. Nội dung
Học sinh trải nghiệm thực tế, qua sách vở, tài liệu địa phương, hoạt động theo nhóm lựa chọn 1 trong các nhiệm vụ học tập:
- Đánh giá tiềm năng du lịch của Làng cổ Đường Lâm. Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quảng bá phát triển du lịch bền vững ở Làng cổ Đường Lâm.
- Tìm hiểu hiện trạng phát triển du lịch tại Thành cổ Sơn Tây. Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quảng bá phát triển du lịch bền vững ở Thành Cổ Sơn Tây.
- Tìm hiểu tác động của việc phát triển du lịch đến môi trường tự nhiên, giải pháp phát triển du lịch bền vững ở Vườn quốc gia Ba Vì.
- Phân tích tiềm năng phát triển du lịch trên lưu vực sông Hồng, giải pháp phát triển du lịch bền vững trên sông Hồng tại Hà Nội.
c. Sản phẩm
Hoàn thành sản phẩm học tập theo nhóm bằng một trong các hình thức bản trình chiếu, sơ đồ tư duy, tranh vẽ, poster, …
d. Tổ chức thực hiện
- Bài học 28 theo kế hoạch dạy học được bố trí thực hiện trong 3 tiết. GV giao nhiệm vụ tìm hiểu cho HS khi thực hiện tiết dạy thứ nhất của bài học.
- Các nhóm HS trải nghiệm, tìm hiểu và hoàn thành sản phẩm học tập trong 1 tuần. Giáo viên đồng hành, định hướng, đóng góp ý kiến cho các nhóm
- Tiết học thứ 3 các nhóm học sinh báo cáo kết quả.
HS các nhóm thuyết trình báo cáo với bản trình chiếu Power Point
HS sử dụng sơ đồ tư duy minh họa khi báo cáo sản phẩm học tập
- Bài học Địa lí toàn bộ nội dung về môi trường và tài nguyên thiên nhiên
CHỦ ĐỀ: PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÀ TĂNG TRƯỞNG XANH
Bài 29 và bài 30 SGK Cánh Diều
a. Mục tiêu GDMT cũng là mục tiêu bài học địa lí
– Phân biệt được khái niệm, đặc điểm của môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
– Phân tích được vai trò của môi trường, tài nguyên thiên nhiên đối với sự phát triển của xã hội loài người.
– Trình bày được khái niệm và sự cần thiết phải phát triển bền vững.
– Trình bày được khái niệm và biểu hiện của tăng trưởng xanh.
– Liên hệ được một số vấn đề về tăng trưởng xanh tại địa phương.
b. Kế hoạch thực hiện chủ đề
Chủ đề có thời lượng 3 tiết theo kế hoạch dạy học.
- Tiết thứ nhất và tiết thứ 2 tổ chức học tập kiến thức về môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.
- Tiết thứ 3 tổ chức game show: Tìm kiếm nhà hoạt động môi trường tài ba
c. Sản phẩm
Các nhà hoạt động môi trường thuyết trình kết hợp sử dụng sơ đồ, hình ảnh, bản trình chiếu tuyên truyền các nội dung: Sử dụng hợp lí tài nguyên; Thực hiện lối sống xanh; Sử dụng vật liệu tái chế.
d. Tổ chức thực hiện tiết 3 của chủ đề
- Chuẩn bị: Bầu ban giám khảo, thống nhất thời gian trình bày, tiêu chí đánh giá.
- Đại diện các nhóm dự thi
- Công bố kết quả
- Giáo viên tổng kết cuộc thi và tổng kết chủ đề
Một số Poster tuyên truyền sử dụng hợp lí tài nguyên bảo vệ môi trường lớp 10 Văn
Hoàn thành báo cáo chủ đề Môi trường và phát triển bền vững nhiều dự định …
7. Kết luận
- Để bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững, GDMT là vấn đề đặc biệt quan trọng, giáo dục là tiền đề trong mọi hoạt động bảo vệ môi trường. GDMT bao gồm giáo dục về môi trường và giáo dục vì môi trường góp phần hình thành nên những công dân có hiểu biết về môi trường, sống thân thiện với môi trường và biết hành động vì môi trường.
- Môn Địa lí có nhiều thuận lợi để GDMT cho HS vì những kiến thức về các thành phần của môi trường tự nhiên, môi trường kinh tế - xã hội, mối quan hệ qua lại giữa môi trường và con người là một phần của kiến thức địa lí.
- GDMT tích hợp trong các môn học trong đó có môn Địa lí hiệu quả cần có các giải pháp đồng bộ
Nâng cao chất lượng, năng lực chuyên môn của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục. Thường xuyên tập huấn cho đội ngũ về vấn đề môi trường, tài nguyên và phát triển bền vững.
Xây dựng và thống nhất nội dung, chương trình GDMT, đa dạng hóa phương pháp, hình thức tổ chức GDMT.
Đánh giá hiệu quả hoạt động định kỳ hàng năm, phổ biến, chia sẻ các kinh nghiệm hay, xác định những trở ngại, khó khăn, hạn chế từ đó tìm ra những giải pháp khắc phục phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả GDMT.
- GDMT trong dạy học Địa lí nói chung, Địa lí 10 nói riêng rất thuận lợi nhưng để GDMT thực sự hiệu quả thì chỉ môn Địa lí thôi chưa đủ nhất là các vấn đề về môi trường, tài nguyên ở địa phương. Chương trình GDPT 2018 đang được triển khai thực hiện, ở cấp THPT môn Địa lí là môn học tự chọn. Hiện nay có khoảng hơn 50% HS mỗi khối tự chọn học môn Địa lí vì vậy việc GDMT thông qua môn Địa lí nói chung không được thực hiện ở nhiều HS THPT vì vậy đòi hỏi có sự quan tâm của các cấp quản lí để tìm ra các giải pháp đồng bộ và hiệu quả.
Tài liệu tham khảo
1) Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018), Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Hà Nội.
2) Quốc hội (2020). Luật bảo vệ môi trường. (số 72/2020/QH14).
3) Thủ tướng Chính phủ (2001). Quyết định phê duyệt đề án Đưa nội dung giáo dục bảo vệ môi trường vào hệ thống giáo dục quốc dân. (số 1363/QĐ-TTg).
4) Đặng Văn Đức – Nguyễn Thị Thu Hằng (2006), Thiết kế các mô đun khai thác nội dung giáo dục môi trường trong sách giáo khoa địa lí bậc trung học, NXB Đại học Sư Phạm.
5) Lê Thị Thanh Hà (2023), Bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.
6) Trịnh Thị Hương và Lữ Hùng Minh (2022), một số giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục bảo vệ môi trường cho học sinh tiểu học, Tạp chí khoa học trường Đại học Cần Thơ
7) Nguyễn Thị Miền - Trần Thị Tuyết Lan (2023), Bảo đảm an ninh môi trường để phát triển bền vững kinh tế Việt Nam, Tạp chí Cộng sản.
8) Lê Văn Khoa (chủ biên) (2009), Môi trường và phát triển bền vững, NXB Giáo dục Việt Nam
9) Lê Thông (tổng Chủ biên) (2022), Địa lí 10, NXB Đại học Sư Phạm
10) Lê Huỳnh (tổng chủ biên) (2022), Địa lí 10, NXB Giáo dục Việt Nam
11) Nguyễn Mạnh Tưởng (2021), Tích hợp giáo dục môi trường vào trong các cấp đào tạo, Tạp chí Môi trường, viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.