Căn cứ kế hoạch số 3560/KH-SGDĐT-CTTT-KHCN ngày 15 tháng 09 năm 2023 của Sở giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị, công tác học sinh năm học 2023 - 2024; Căn cứ vào kế hoạch, nhiệm vụ năm học 2023 – 2024; Trường THPT Sơn Tây xây dựng và ban hành kế hoạch số 175/KH-THPTST ngày 23 tháng 10 năm 2023 về việc Tổ chức các hoạt động “Giáo dục di sản cho học sinh trong nhà trường” năm học 2023 – 2024. Kế hoạch nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của học sinh trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; rèn luyện tính chủ động, tích cực, sáng tạo của học sinh và đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên; nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, phát hiện bồi dưỡng năng khiếu học sinh; khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, qua đó xây dựng tinh thần đoàn kết, thân ái giữa các em học sinh góp phần xây dựng khối đoàn kết cộng đồng các dân tộc trên địa bàn thành phố Hà Nội; tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh nhà trường, tạo cơ hội cho học sinh các được biết, học hỏi và tham gia trải nghiệm tại các di tích lịch sử, văn hóa. Rèn luyện kỹ năng sống, góp phần hình thành nhân cách, giáo dục toàn diện cho học sinh. Bảo tồn phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.
Kế hoạch đã được triển khai rộng rãi tới toàn thể cán bộ giáo viên, nhân viên, học sinh trong toàn trường. Đặc biệt là các giáo viên giảng dạy các bộ môn Ngữ Văn, Lịch sử, Địa Lý, Giáo dục địa phương, giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Giáo dục hướng nghiệp…
Thực hiện kế hoạch của nhà trường, với cương vị là giáo viên trực tiếp giảng dạy bộ môn Lịch sử tôi đã tích cực lồng ghép nội dung giáo dục di sản trong các bài học Lịch sử.
Khi học bài “Bài 3: Sử học với công tác Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, di sản thiên nhiên và phát triển du lịch” (Chương trình Lịch sử lớp 10 – SGK Cánh Diều) học sinh sẽ được tìm hiểu các khái niệm về di sản văn hóa và các loại hình di sản văn hóa. Từ đó học sinh hiểu được di sản văn hóa là một bộ phận của lịch sử, được lưu giữ trong quá khứ, được bảo tồn và phát huy cho đến ngày nay. Giá trị của một di sản được thể hiện trên nhiều khía canhh như lịch sử, văn hóa, kiến trúc, kinh tế, du lịch…
Có nhiều loại di sản văn hóa như di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể và di sản hỗn hợp. Các Loại di sản này đều là những nguồn sử liệu quan trọng đối với việc nghiên cứu lịch sử, là cơ sở quan trọng để miêu tả, trình bày quá khứ một cách chính xác và toàn diện.
Thông qua góc khám phá và góc mở rộng trong SGK giáo viên giúp học sinh tìm hiểu về một số di sản văn hóa của dân tộc và của thế giới.
Thứ nhất: Dân ca Quan họ - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được UNESCO ghi danh vào năm 2009. Đây là loại hình văn hóa dân gian được hình thành từ lâu đời. Từ 49 làng Quan họ cổ, đến nay đã có 369 làng Quan họ thực hành, 381 câu lạc bộ Dân ca quan họ với trên 10.000 người ở các độ tuổi khác nhau tham gia (trong đó có hơn 600 người có khả năng truyền dạy cho lớp trẻ). Dân ca Quan họ là biểu tượng văn hóa trong quá trình hội nhập văn hóa quốc tế, đã lan ra khắp vùng Kinh Bắc và nhiều địa phương trên cả nước, phát triển mạnh trong kiều bào ở Đức, Pháp, Séc, Nga…
Thứ hai: Quần thể kiến trúc cố đô Huế. Tính đến năm 2022, Thừa Thiên Huế có 5 di sản thuộc ba loại hình khác nhau được UNESCO ghi danh: Quần thể di tích Cố đô Huế - Di sản văn hóa thế giới (1993), Nhã nhạc cung đình Huế - Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại (2003); Mộc bản Triều Nguyễn – Di sản tư liệu (2009); Châu bản triều Nguyễn – di sản tư liệu (2014) và thơ văn kiến trúc cung đình Huế - Di sản tư liệu (2016).
Thứ ba: Quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ và các lễ hội đặc sắc vùng núi Tây Bắc (Lễ hội Hoa ban, Lễ hội thành Bản phủ, Lễ hội Hạn Khuống…). Quần thể di tích Điện Biên Phủ có 45 điểm di tích thành phần, được Thủ tướng chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2009. Các điểm di tích được nhiều du khách tham quan là đồi A1, C1, C2, D4, hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, cứ điểm Hồng Cúm, cứ điểm Him Lam, đồi Độc Lập, sân bay Mường Thanh…
Qua hoạt động hướng dẫn học sinh khai thác thông tin SGK tìm hiểu về các di sản văn hóa của dân tộc góp phần giáo dục cho học sinh lòng tự hào về những thành tựu văn hóa vật chất, tinh thần mà ông cha ta đã tạo dựng trong tiến trình lịch sử, đồng thời giáo dục ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đó để khai thác phát triển du lịch, kết hợp việc duy trì kí ức và bản sắc dân tộc với thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Thông qua hoạt động luyện tập, vận dụng giáo viên tổ chức cho học sinh tìm hiểu thêm về các di sản văn hóa của khu vực Sơn Tây – Xứ Đoài như Thành cổ Sơn Tây, Làng cổ Đường Lâm, Đền Và, Chùa Mía…qua đó bồi dưỡng lòng yêu quê hương, đất nước cho học sinh. Giúp học sinh nhận thức được trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc tìm hiểu và quảng bá về các di sản văn hóa của quê hương mình.