Rừng xà nu là truyện ngắn xuất sắc của nhà văn Nguyễn Trung Thành viết năm 1965 khi đế quốc Mĩ đổ quân ồ ạt vào miền Nam nước ta. Tác phẩm đã góp phần khẳng định vị trí của nhà văn trong nền văn chương hiện đại – vị trí của người đầu tiên đưa vùng đất Tây Nguyên vào văn xuôi, và cho đến hôm nay, vẫn là cây bút văn xuôi viết hay nhất về miền rừng núi ấy.
Tác phẩm không phải là những trang văn viết ra chủ yếu đưa trí tưởng tượng của người dọc phiêu du tới một miền đất lạ, cũng không phải chỉ để góp thêm những dẫn chứng về biểu hiện của chủ nghĩa anh hùng cách mạng hay về tội ác của quân thù. Với Rừng xà nu, Nguyễn Trung Thành muốn tiếp tục nghiền ngẫm, tìm cách lí giải và cắt nghĩa, bằng hình tượng nghệ thuật, con đường mà đất nước ta, dân tộc ta, cuộc cách mạng của chúng ta đã đi, và phải đi, trong hoàn cảnh quân giặc đã cầm vũ khí, đã sử dụng bạo lực hòng huỷ hoại, tiêu diệt sự sống của chúng ta (điều mà nhà văn đã từng thể hiện trong nhiều tác phẩm trước đó như Đất nước đứng lên, Đường chúng ta đi).
Ở Rừng xà nu, chúng ta có thể thấy vẻ đẹp riêng không thể nào trộn lẫn của Tây Nguyên, cũng có thể thấy hình ảnh con người với lí tưởng và hành động anh hùng, thấy sự tàn bạo của kẻ thù… Tất cả được quyện chặt với nhau dưới sự chi phối của một cảm hứng chung về một vấn đề đang đặt ra gay gắt, bức bách, trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ: vấn đề lựa chọn con đường chúng ta cần đi để có thể bảo vệ cho sự sống của quê hương đất nước, của nhân dân được trường tồn. Câu nói của cụ Mết “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!” chính là lời khẳng định đanh thép, chắc nịch về quyết tâm hành động của nhân dân trong cuộc chiến sống còn bảo vệ đất nước.
Lựa chọn Tây Nguyên là nguồn đề tài và cảm hứng trong những sáng tác của Nguyễn Trung Thành bởi đây là mảnh đất mà nhà văn đã gắn bó và am hiểu sâu sắc qua hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Miền rừng núi còn xa lạ với rất nhiều người ấy lại chính là nơi lưu giữ những kỉ niệm đáng nhớ của những năm tháng có ý nghĩa nhất trong cuộc đời nhà văn. Viết về Tây Nguyên, nguồn cảm hứng chủ đạo nuôi dưỡng các trang văn của Nguyễn Trung Thành không gì khác hơn tình yêu của ông đối với những người con của đất nước, quê hương anh hùng và đẹp đẽ. Để rồi chính nguồn đề tài và cảm hứng ấy đã làm cho văn chương Nguyễn Trung Thành đạt tới tầm vóc của những khúc sử thi hào hùng và mang rất nhiều vẻ đẹp trữ tình lãng mạn.
Mở đầu tác phẩm Rừng xà nu, Nguyễn Trung Thành đã dựng lên một không gian nghệ thuật đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên, đó là hình ảnh những cánh rừng xà nu bao bọc lấy buôn làng Xô Man. Đây là những dòng tả cảnh hiếm có, được làm nên bởi một ngòi bút biết dùng con chữ để hoà hợp các sắc màu, chạm khắc thành hình khối, tạo nên mùi hương, tạo nên ánh sáng và sức nóng, không chỉ góp phần đem lại cho tác phẩm một thứ hương vị kì thú của Tây Nguyên mà còn có khả năng làm cho người đọc ngây ngất khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước.
Cánh rừng xà nu được miêu tả ngay ở đoạn văn mở đầu là một cánh rừng “trong tầm đại bác”, ngày nào cũng bị bắn hai lần. Như vậy, ngay trong câu đầu tiên của tác phẩm, nhà văn đã dựng lên một sự sống trong tư thế đối mặt với cái chết, một sự sinh tồn đang đứng trước mối đe doạ của diệt vọng. Cánh rừng xà nu trong tác phẩm, vì thế, còn là biểu tượng của đau thương, chứ không chỉ là hiện thân cho vẻ đẹp. Đấy là sự đau thương của một khu rừng “hàng vạn cây không có cây nào không bị thương”. Và nỗi đau hiện ra trong nhiều vẻ. Có cái xót xa của các cây non, tựa như đứa trẻ thơ, “nhựa còn trong, chất dầu còn loãng, vết thương không lành được, cứ loét mãi ra, năm mười hôm thì cây chết”. Lại có cái đau dữ dội của những cây xà nu, như con người đang giữa tuổi thanh xuân, bỗng “bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão”. Và còn những cây có tấm thân cường tráng, “vết thương của chúng chóng lành”, đại bác không giết nổi. Như thế, hình tượng rừng xà nu không chỉ là hình ảnh tạo dựng không gian thiên nhiên của câu chuyện mà còn mang ý nghĩa phản ánh những đau thương của một thời mà dân tộc ta đã phải chịu đựng.
Tuy nhiên, cảm hứng chủ yếu của những trang viết về cánh rừng xà nu ấy vẫn không phải là cảm hứng đau thương. Nhà văn muốn làm đọng lại trong tâm trí của người đọc về một rừng xà nu mà cho dù đạn bại bác của giặc có thể gây ra hàng ngàn vạn nỗi đau thương, nhưng sẽ không bao giờ và không thể nào huỷ diệt được chúng. Sự sống luôn mạnh hơn cái chết.
Viết về sức sống bất diệt của xà nu, nhà văn đã dùng những câu văn hào hùng, tha thiết để miêu tả về loài xà nu khao khát sống, háo hức phóng mạnh lên bầu trời rộng lớn không gì cản nổi, như để thoả mãn tình yêu tự do và ánh sáng: “Trong rừng ít có loại cây sinh sôi nảy nở khoẻ như vậy. Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời. Cũng có ít loại cây ham ánh sáng mặt trời đến thế. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng…”. Và cứ thế, ấn tượng rừng cây xà nu, như những điệp khúc xanh, sẽ còn ngân mãi trong tâm trí người đọc về một sức sống mênh mông, bất tận.
Hình tượng rừng xà nu cho thấy tác phẩm của Nguyễn Trung Thành thiết tha hướng về sự sống, ca ngợi sự sống đẹp nồng nàn, bất khuất và bất diệt. Đấy là điều chủ yếu làm nên chất nhân văn sâu đậm trong thiên truyện ngắn này.
Đọc đoạn văn mở đầu, có thể thấy nhà văn đã sử dụng chủ yếu biện pháp tu từ nhân hoá và so sánh. Xà nu được nói đến như cách mà người ta vẫn nói đến con người. Để rồi sau đó, nhà văn sẽ nói về con người trong mối liên hệ mật thiết với cây, với nhựa xà nu. Rừng xà nu, với hình ảnh của một tấm ngực lớn đang ưỡn ra để che chở cho làng, do vậy, còn mang ý nghĩa ẩn dụ về những con người đang chiến đấu để bảo vệ quê hương đất nước trong những năm tháng chống Mĩ.
Bên cạnh đó, để tăng hiệu quả ẩn dụ của hình tượng xà nu, nhà văn còn sử dụng kết cấu đầu cuối tương ứng có sự phát triển. Nhà văn đã hai lần nhắc đến, ở phần đầu khi đứng nhìn ra xa thì “Đến hết tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài đồi xà nu nối tiếp chạy đến chân trời”, và cuối tác phẩm vẫn là câu văn ấy, hình ảnh ấy, chỉ khác chữ “đồi” ở đầu đã được thay bằng chữ “rừng” và chữ “hết” được thay bằng chữ “hút”: “Đến hút tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời”. Sự lặp lại ấy là một dụng ý nghệ thuật, cho phép ta hiểu rừng xà nu không chỉ là biểu tượng của con người làng Xô Man với sức mạnh quật khởi từ đau thương đã anh dũng cầm vũ khí chống giặc bảo vệ buôn làng, mà còn mang ý nghĩa khát quát rộng lớn. Rừng xà nu, đó có thể là biểu tượng của cả Tây Nguyên, của cả miền Nam và hơn nữa, của dân tộc Việt Nam trong thời kì chống đế quốc, thực dân, đau thương nhưng quyết làm tất cả để giành sự sống cho Tổ quốc mình.
Bên cạnh việc xây dựng hình tượng rừng xà nu như một biểu tượng về con người kiên cường, bất khuất, tác phẩm còn gây ấn tượng sâu sắc bởi kết cấu độc đáo truyện lồng trong truyện. Có thể nói “Rừng xà nu là truyện của một đời, và được kể trong một đêm”. Đó chính là câu chuyện về cuộc đời của người dũng sĩ Tnú, nhân vật trung tâm của tác phẩm. Qua câu chuyện ấy, nhà văn dựng lại được một thời kì đau thương nhưng anh dũng của dân làng Xô Man trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.
Nhân vật Tnú là một bước tiến mới trong sự nhận thức và biểu hiện phẩm chất của một người anh hùng lí tưởng. Ở Tnú không có vấn đề tìm đường, nhận đường như anh hùng Núp hay A Phủ. A Phủ và Núp chỉ đến với cách mạng, chỉ gặp “người Đảng” khi câu chuyện của đời mình đã đi vào phần kết. Trong khi đó, Tnú đã sống gần người cán bộ cách mạng là anh Quyết khi còn là một đứa trẻ. Tnú đã có những điều kiện mà các nhân vật anh hùng của miền núi trước đó còn chưa có, hay chỉ có sau khi đã trải qua vô vàn đau khổ, gian truân. Câu chuyện về Tnú được mở ra chính từ chỗ câu chuyện về A Phủ hay Núp dần khép lại.
Tnú còn có những phẩm chất mà con người ở thế hệ Vợ chồng A Phủ hay Đất nước đứng lên chưa thể có. Từ khi còn bé, Tnú đã được học chữ, đã có ý thức lớn lên sẽ thay anh Quyết làm cán bộ, lãnh đạo phong trào cách mạng của quê hương. Lòng dũng cảm, không sợ hi sinh, sự mưu trí, tình yêu và tinh thần trung thành với cách mạng của Tnú cũng sớm được kiểm nghiệm qua các công việc tiếp tế cho cán bộ, làm giao liên, cũng như qua thái độ của anh trước tra tấn và tù ngục. Và tới khi Tnú vượt tù trở lại làng thì anh đã là một chàng trai hoàn hảo: rắn chắc, cao lớn, đẹp đẽ như cây xà nu cường tráng nhất của khu rừng, hay như người dũng sĩ trong truyền thuyết dân gian. Rồi Tnú sẽ chan hoà trong niềm hạnh phúc bên người vợ hiền dịu và đứa con đầu lòng của hai người. Tưởng như Tnú đã có tất cả những gì mà con người mong được có.
Nhưng đó vẫn không phải là điểm then chốt trong câu chuyện về cuộc đời Tnú mà người già làng kể bên bếp lửa, trong “cái đem dài như cả một đời” ấy. Phần chính của câu chuyện về cuộc đời Tnú gắn liền với cuộc nổi dậy của dân làng Xô Man chỉ bắt đầu từ sự việc giặc kéo về làng, để tiêu diệt phong trào nổi dậy ở Xô Man. Để truy tìm Tnú, chúng đã bắt vợ con anh và tra tấn dã man bằng gậy sắt. Cả Mai và đứa con đều gục chết dưới đòn tra tấn của kẻ thù hung ác. Toàn bộ sự việc ấy đã diễn ra trước mắt Tnú. Và anh đã không cứu nổi vợ con, dẫu lòng căm thù đã biến mắt anh thành hai cục lửa hồng và anh đã xông vào lũ giặc như hổ dữ. “Ừ, Tnú không cứu sống được mẹ con Mai…”, nhà văn đã để cho những lời ấy trở đi trở lại tới bốn lần trong lời kể của cụ Mết, day dứt, như một điệp khúc thương đau. Tnú cũng không bảo vệ được chính mình. Anh bị giặc bắt, trói chặt bằng dây rừng và đốt bàn tay bằng nhựa xà nu, sợi dây và khối nhựa của quê hương mình.
Như thế nghĩa là, với chừng ấy những cái đã có được, Tnú vẫn không giữ gìn được sự sống. Đâu là nguyên nhân của tấn bi kịch ấy? Tác giả như muốn để lịch sử phán truyền qua lời cụ Mết: “Trong tay mày chỉ có hai bàn tay trắng”. Và dù có thương Tnú đến đâu thì dân làng Xô Man cũng không thể cứu anh. Bởi vì, vẫn theo lời cụ Mết: “Tau không nhảy ra cứu mày. Tau cũng chỉ có hai bàn tay không”. Câu chuyện về Tnú, ở phần đau đớn nhất của nó, cho thấy: Sẽ thế nào, nếu mình chưa kịp cầm giáo, khi kẻ thù đã cầm lấy súng rồi. Đây chính là mặt bên kia của chân lí mà cụ Mết đã muốn ghi tạc vào lòng các thế hệ con cháu: “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!”.
Còn đây là chiều thuận của chân lí đó. Nguyễn Trung Thành, bằng hình tượng nghệ thuật của mình đã cho thấy: khi chúng ta đã cầm giáo đứng lên chống lại súng đạn của kẻ thù thì mọi thứ sẽ thay đổi hẳn. Khi đó, ngọn lửa xà nu sẽ tắt trên bàn tay Tnú. Lửa xà nu chỉ còn soi xác giặc chết ngổn ngang. Nhựa xà nu sẽ lại cháy lên, để hoà cùng tiếng chiêng làm thành cảnh tượng hùng tráng của núi rừng trong đêm khởi nghĩa. Khi đó, đôi bàn tay với những ngón chỉ còn hai đốt cũng sẽ trở thành bàn tay hồi sinh. Những kẻ ác phải đền tội bởi chính những dấu tích của tội ác do chúng gây ra. Và Tnú sẽ được sống trong cảm giác tìm lại được những gì mình đã mất. Mai sẽ tiếp tục sống trong hình ảnh Dít, cô em giống chị như hai giọt nước. Nhưng không như Mai dường như chỉ biết nhường nhịn, yêu thương, Dít sẽ có thêm đôi mắt nghiêm nghị và sự cứng cỏi của người chiến sĩ. Đứa con không còn, nhưng sẽ xuất hiện thêm hình ảnh của bé Heng. Nếu cụ già Mết “là cội nguồn” thì Heng như vừa làm nhớ lại hình ảnh của Tnú và Mai hồi nhỏ, vừa gợi nghĩ đến một triển vọng của tương lai: “Nó sẽ còn đi tới đâu, chưa ai lường được”.
Có thể thấy, xuyên suốt toàn thiên truyện, hình tượng rừng xà nu và Tnú không tách rời mà gắn bó khăng khít với nhau, bổ sung cho nhau để cùng trở nên hoàn chỉnh. Rừng xà nu sẽ không thể trải mãi tới chân trời trong màu xanh bất diệt, khi con người còn chưa thấm thía bài học “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo” rút ra từ cuộc đời của Tnú. Mặt khác, nếu con người có phải như Tnú, cầm vũ khí đứng lên, thì mục đích sau cùng của việc làm đó cũng không phải là huỷ diệt, mà là để giữ cho sự sống, như cánh rừng kia, mãi mãi sinh sôi. Nói cách khác, sự sống của Tổ quốc, của nhân dân, đó là mục đích; còn cầm vũ khí đứng lên, đó là con đường duy nhất vào lúc bấy giờ có thể giúp chúng ta đạt được mục đích cao đẹp ấy.
Như vậy, có thể nói cảm hứng về Rừng xà nu, đã được khởi phát từ một vấn đề trọng đại bậc nhất trong hoàn cảnh lịch sử của nước ta lúc bấy giờ. Đó là những năm tháng đang diễn ra cuộc đấu tranh chống đế quốc Mĩ cứu nước. Hiệp định Giơ-ne-vơ không được thi hành, kẻ thù ra sức khủng bố, Hoa Kì ào ạt đổ quân vào miền Nam và mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Vấn đề đặt ra là: Chúng ta phải làm gì? Nhân danh bảo vệ hoà bình để chịu “trường kì mai phục” hay cầm vũ khí đứng lên? Và liệu ta có bảo tồn được sự sống của mình không, trong một cuộc chiến mà, xét về phương tiện kĩ thuật, là không cân sức ấy. Trong bối cảnh ấy, Rừng xà nu đã được viết ra như một sự biểu dương, bằng sức mạnh của nghệ thuật, cho con đường chúng ta đi, con đường được mở đầu bằng cuộc đồng khởi ở miền Nam và kết thúc với chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Tuy nhiên, tác phẩm Rừng xà nu không chỉ có giá trị lịch sử. Đến nay, thiên truyện vẫn còn nhắc nhở chúng ta hãy biết yêu cuộc sống và hãy làm tất cả vì cuộc sống của đất nước, nhân dân, cũng là của chính mình.
Ngoài giá trị nội dung tư tưởng, Rừng xà nu còn mang giá trị nghệ thuật độc đáo, đó là màu sắc sử thi. Tác phẩm là tiếng nói của lịch sử và thời đại, gắn liền với những sự vận động, những biến cố có ý nghĩa trọng đại đối với toàn dân. Những bức tranh thiên nhiên hay những hình tượng anh hùng trong tác phẩm đều là sự kết tinh của những lí tưởng cao quý nhất của cộng đồng. Thiên truyện cũng mang một hình thức sử thi hoành tráng. Hoành tráng trong hình ảnh, với vóc dáng vạm vỡ, cao cả của rừng núi, cũng như của con người. Và hoành tráng trong âm hưởng, với lời văn được đẽo gọt, để không những giàu sức tạo hình, mà còn giàu có về nhạc điệu, khi vang động, khi tha thiết hoặc trang nghiêm.
Tóm lại, Rừng xà nu là một thiên truyện mang ý nghĩa và vẻ đẹp của một khúc sử thi trong văn xuôi hiện đại. Thông qua câu chuyện về những con người ở một bản làng hẻo lánh, bên những cánh rừng xà nu bạt ngàn, xanh bất tận, tác giả đã đặt ra một vấn đề có ý nghĩa lớn lao của dân tộc và thời đại: Để cho sự sống của đất nước và nhân dân mãi trường tồn, không có cách nào khác hơn là phải cùng nhau đứng lên, cầm vũ khí chống lại kẻ thù tàn ác.