Chương trình GDPT 2018 đối với môn Ngữ văn lấy việc rèn luyện các kĩ năng giao tiếp (đọc, viết, nói và nghe) làm trục chính xuyên suốt cả ba cấp học nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình theo định hướng năng lực và bảo đảm tính chỉnh thể, sự nhất quán liên tục trong tất cả các cấp học, lớp học. Các kiến thức phổ thông cơ bản, nền tảng về tiếng Việt và văn học được hình thành qua hoạt động dạy học tiếp nhận và tạo lập văn bản; phục vụ trực tiếp cho yêu cầu rèn luyện các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe. Chương trình được xây dựng theo hướng mở, thể hiện ở việc không quy định chi tiết về nội dung dạy học mà chỉ quy định những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe cho mỗi lớp; quy định một số kiến thức cơ bản, cốt lõi về tiếng Việt, văn học và một số văn bản có vị trí, ý nghĩa quan trọng của văn học dân tộc là nội dung thống nhất bắt buộc đối với học sinh toàn quốc. Chương trình vừa đáp ứng yêu cầu đổi mới, vừa chú trọng kế thừa và phát huy những ưu điểm của các chương trình môn Ngữ văn đã có, đặc biệt là chương trình hiện hành.
Hai trong bốn kĩ năng được các thầy cô giáo trường THPT Sơn Tây rèn luyện và cho học sinh thực hành đạt hiệu quả chính là kĩ năng Nói và nghe. Đây là hai kĩ năng giúp học sinh phát triển khả năng giao tiếp, rèn luyện học sinh khả năng trình bày ý kiến, quan điểm một cách rõ ràng, logic và thuyết phục. Giúp học sinh lắng nghe, thấu hiểu và phản hồi ý kiến của người khác, tạo sự tương tác hiệu quả trong giao tiếp. Nói và nghe còn hỗ trợ học tập và tư duy: Tăng cường khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin qua việc nghe hiểu các bài giảng, thảo luận, và văn bản nói; Phát triển tư duy phản biện, khả năng phân tích và tổng hợp thông qua việc trao đổi ý kiến và tranh luận. Tiếp theo là ứng dụng trong đời sống: Trang bị cho học sinh kỹ năng giao tiếp cần thiết trong các tình huống đời sống, học tập, và công việc sau này. Hình thành sự tự tin khi trình bày ý tưởng trước đám đông hoặc trong các tình huống giao tiếp chính thức. Thêm nữa là Nuôi dưỡng cảm xúc và thẩm mỹ: Thông qua các hoạt động nói và nghe, học sinh cảm nhận được vẻ đẹp của ngôn ngữ, văn học và văn hóa. Tạo cơ hội bày tỏ cảm xúc, quan điểm về các vấn đề xã hội, đạo đức, và nhân văn. Cuối cùng là phát triển năng lực ngôn ngữ: Tăng cường vốn từ, ngữ điệu, phong cách diễn đạt phù hợp với các đối tượng giao tiếp khác nhau. Học cách sử dụng ngôn ngữ linh hoạt, sáng tạo và chính xác trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.
Việc rèn luyện kỹ năng nói và nghe trong môn Ngữ văn giúp học sinh không chỉ học tốt môn học mà còn phát triển toàn diện về năng lực ngôn ngữ và khả năng giao tiếp trong đời sống.
Cô giáo Phạm Thị Huệ - tổ phó chuyên môn tổ Ngữ văn đã chọn thao giảng tiết 22 Nói và nghe: Trình bày kết quả so sánh đánh giá hai tác phẩm thơ tại lớp 12 chuyên Văn – trường THPT Sơn Tây. Tiết học đã đạt được những mục đích, yêu cầu đề ra. Học sinh trình bày kết quả so sánh đánh giá hai tác phẩm thơ
“Mùa xuân xanh” (Nguyễn Bính) và “Mùa xuân chín” (Hàn Mặc Tử).
Học sinh đã có phần trình bày và phản biện sâu sắc từ những cảm nhận chân thực về hai bài thơ, qua đó có sự so sánh xác đáng, tạo cảm xúc cho người nghe. Dưới đây là trích các sản phẩm trong phần trình bày của học sinh:
- Giới thiệu chung về hai tác phẩm:
I. Tác phẩm “Mùa xuân xanh” (Nguyễn Bính):
1. Hoàn cảnh ra đời
Bài thơ Mùa xuân xanh của tác giả Nguyễn Bính được trích từ tập thơ “Nước giếng thơi”, NXB Hội Nhà văn, 1957. Sau này vào năm 2003 lại được xuất bản lần nữa trong tập Nguyễn Bính – thơ và đời, NXB Văn học.
- Đề tài: Mùa xuân
- Ý nghĩa nhan đề
- “Mùa xuân” - biểu trưng cho sự tươi mới và hy vọng và mùa xuân trong văn học thường gắn liền với những gì tươi đẹp, sinh sôi, nảy nở và tràn đầy sức sống. Mùa xuân còn tượng trưng cho một khởi đầu mới, một thời kỳ đầy hứa hẹn, hi vọng, và sức sống.
- “Xanh” là màu sắc của sự trẻ trung, sức sống: Màu xanh trong nhan đề không chỉ gợi đến màu sắc của mùa xuân mà còn thể hiện sự trong trẻo, thanh thoát, là sự căng tràn sức sống, hy vọng mãnh liệt vào tương lai.
- Khát vọng, sự tươi mới của tình yêu: trong thơ Nguyễn Bính, mùa xuân cũng là biểu tượng của tình yêu, đặc biệt là tình yêu đôi lứa nhẹ nhàng, với sự ngây thơ, trong sáng và những ước mơ, hy vọng.
=> Tóm lại, nhan đề “Mùa xuân xanh” của Nguyễn Bính vừa thể hiện sự tươi đẹp, trong sáng của thiên nhiên, của tuổi trẻ và tình yêu, thể hiện niềm tin, niềm lạc quan, sự hy vọng vào một tương lai tương sáng.
- Vị trí trong nền văn học
- Nguyễn Bính là một trong những nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới, đặc biệt là trong dòng thơ lãng mạn. Thơ lãng mạn Thơ mới chủ yếu chú trọng vào cảm xúc cá nhân, tình yêu, cái tôi và những ước mơ, khát vọng.
- “Mùa xuân xanh” được viết trong giai đoạn này, với các đặc trưng nổi bật của phong cách thơ lãng mạn. Vì vậy có thể nói bài thơ là một ví dụ điển hình cho phong trào thơ lãng mạn của thời kỳ Thơ mới.
- Mạch cảm xúc
- Bài thơ Mùa xuân xanh của Nguyễn Bính là một tác phẩm mang đậm màu sắc lãng mạn, đặc biệt là trong việc diễn tả vẻ đẹp của thiên nhiên, mùa xuân với những cảm xúc mãnh liệt. Xuyên suốt trong bài thơ là cảm xúc nhẹ nhàng, trong sáng, nhưng cũng thể hiện một tình yêu đôi lứa thuần khiết, ngây thơ nhưng không kém phần mãnh liệt
- Niềm vui, sự tươi mới của cảnh sắc mùa xuân: mùa xuân được miêu tả một cách sinh động và tươi mới của sự sống và sự sinh sôi nảy nở tràn đầy sắc “xanh”. Nguyễn Bính đã dùng những hình ảnh như “mùa xuân xanh”, “giời ở trên cao, lá ở cành”, tạo nên một không gian thoáng đãng tràn trề sức sống, nó là sự khởi đầu mới, tươi sáng, ngập tràn hy vọng vào tương lai. Bên cạnh đó là cảm giác ngập tràn niềm vui, sự nhẹ nhàng và tươi mát của mùa xuân, lúc đất trời giao hòa đã tạo nên một không khí thanh bình, hân hoan và khoáng đạt.
- Tình yêu lứa đôi trong sáng, ngây thơ, nhẹ nhàng nhưng cũng mãnh liệt tràn đầy sức sống, đầy ắp hy vọng tựa như mùa xuân
- Mối liên hệ giữa thiên nhiên và tâm trạng con người
- Bên cạnh đó mạch cảm xúc trong bài thơ cũng thể hiện khát vọng sống mãnh liệt, mong muốn được yêu thương và sống trọn vẹn từng khoảnh khắc. Đặc biệt, mùa xuân là thời điểm để con người cảm nhận được sức sống, khát khao tình yêu và ước vọng về một cuộc sống đôi lứa hay về một tương lai đầy ắp niềm vui, hạnh phúc.
=> Mạch cảm xúc trong Mùa xuân xanh của Nguyễn Bính rất phong phú, vừa thể hiện vẻ đẹp của mùa xuân và vẻ đẹp của tình yêu đôi lứa, vừa thể hiện niềm tin, sự hy vọng vào tương lai tươi sáng của tác giả
- Nhân vật trữ tình
- Nhân vật trữ tình trong bài thơ Mùa xuân xanh của Nguyễn Bính là một con người đắm mình trong thiên nhiên, trong tình yêu và khát vọng sống. Tuy không phải là một nhân vật cụ thể, nhưng qua những cảm xúc và suy tư của mình, “tôi” – nhân vật trữ tình – trở thành người đại diện cho những tâm hồn lãng mạn, yêu đời và khát khao sống trọn vẹn những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống.
- Nghệ thuật
- Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn.
- Lời thơ giản dị, trong sáng, gần gũi
- Hệ thống hình ảnh đa dạng, phong phú nhưng gần gũi, thân thuộc: giời, lá cành, lúa ở đồng, lũy tre, cỏ… -> sự mở rộng không gian, sự bao trùm của cảnh sắc mùa xuân gợi sức sống mãnh liệt, sự sinh sôi bao trùm không gian rộng lớn
- Sử dụng biện pháp nhân hóa: Cỏ có tư thế, tâm trạng như con người: nằm, đợi => khiến thiên nhiên, cây cỏ có hồn, sinh động hơn.
- Nghệ thuật đối giữa hai câu thơ:
“Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh” > < “Tôi đợi người yêu đến tự tình”.
- Nấm mộ gợi về cõi chết nhưng cỏ lại gợi lên sự sống căng tràn và mọi thứ dường như đang được hồi sinh
- Không chỉ có sự sinh sôi của của mà sự sinh sôi của tình yêu trong trời xuân cũng dần dần được bắt đầu.
- Nghệ thuật này nhằm nhấn mạnh sự giao hòa giữa thiên nhiên với thiên nhiên, giữa con người với con người, giữa thiên nhiên với con người lúc xuân sang. Tất cả như ngập tràn trong hơi thở tình yêu.
- Qua đó, người thi sĩ đã thể hiện vẻ đẹp căng tràn, tươi mới, của mùa xuân, cũng như mối giao hòa giữa thiên nhiên và con người. Vẻ đẹp ấy đã tạo cho độc giả thấy niềm vui tươi, hứng khởi và rộn rã, sự ngập tràn sắc xuân trong thi phẩm cũng cho thấy một tâm hồn thơ trẻ trung đầy lãng mạn và yêu đời.
- Ẩn dụ: thắt lưng xanh. Hình ảnh này có thể là ẩn dụ cho một cô thiếu nữ đang độ tuổi đẹp nhất, tràn đầy sức sống, khao khát tình yêu lứa đôi và hy vọng hay chính là người con gái mà tác giả yêu hay nói cách khác màu xanh của chiếc thắt lưng chính là biểu tượng cho tình yêu, là màu của thời gian, màu của hy vọng tuổi trẻ.
II. Tác phẩm Mùa xuân chín (Hàn Mặc Tử):
- Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác:
Chưa rõ thời điểm sáng tác Mùa xuân chín, nhưng theo Trần Thanh Mại thì: “Qua cái năm bệnh hoạn đầu, nghĩa là vào cuối năm 1937, Hàn Mặc Tử gom góp xong tập thơ làm trên giường bệnh, theo một thể tài mới mà chàng gọi Thơ Điên”, nghĩa là thi phẩm đã được sáng tác trước thời điểm đó.
2. Thể thơ: Thất ngôn (7 chữ)
3. Đề tài: Xoay quanh vẻ đẹp của mùa xuân và cảnh sắc thiên nhiên, nhưng ẩn chứa trong đó là những nỗi niềm sâu lắng của nhà thơ trước sự sống, thời gian và con người.
4. Chủ đề: Vẻ đẹp rực rỡ của thiên nhiên mùa xuân và cảm xúc bâng khuâng, tiếc nuối của con người trước sự trôi chảy của thời gian.
- Mạch cảm xúc của bài thơ:
- Mạch cảm xúc bài thơ đi từ bức tranh ngoại cảnh đến bức tranh tâm cảnh, từ cảnh xuân đến tình xuân.
- Mạch cảm xúc của bài thơ diễn ra theo trình tự từ niềm say mê trước vẻ đẹp rực rỡ, tràn đầy sức sống của mùa xuân, dần chuyển sang cảm xúc bâng khuâng, tiếc nuối và man mác buồn trước sự trôi chảy của thời gian và kiếp người. Từ niềm vui, ngỡ ngàng với cảnh sắc mùa xuân, cảm xúc của nhà thơ chuyển sang nỗi niềm xót xa trước sự tàn phai của thiên nhiên và những gì mong manh, hữu hạn trong cuộc đời.
- Nhân vật trữ tình:
- Nhân vật trữ tình trong bài thơ Mùa xuân chín xuất hiện cùng với âm thanh. Nó đọng lại trong từng tiếng thơ, độ ngân rung, “vắt vẻo” hòa nhịp với âm trầm “hổn hển” thể hiện một sự chuyển đổi cảm giác rất tinh tế, tài tình. Tâm hồn thi sĩ đã hòa nhập hẳn vào cái thế giới âm thanh mùa xuân ấy. Tiếng ca như vút lên cao, như ngập ngừng, như lưu luyến giữa “lưng chừng núi”. Dư âm tiếng hát dường như giăng mắc, rung lên “vắt vẻo” gợi lên nhiều xao xuyến bâng khuâng trong lòng nhà thơ.
- Tiếng hát “hổn hển” được so sánh “với lời của nước mây”, lời của thiên nhiên. Hai tiếng “hổn hển” như nhịp thở gấp gáp, vội vàng đầy hương xuân, tình xuân, cảm xúc vừa thực vừa mơ đến lạ kì. Lời hát của các cô thôn nữ sao mà đáng yêu thế, như hút hồn người, như tràn ngập cả không gian, góp phần làm nên một “mùa xuân chín”.
- Và còn có tiếng thầm thì “thầm thì với ai...” dưới bóng trúc, hẳn là tâm sự, là thân thương rồi. “Vắt vẻo”, “hổn hển”, “thầm thì” là ba cung bậc của ba âm thanh mùa xuân đang chín, thấm sâu vào hồn người đến nhẹ nhàng lắng dịu, chan chứa thương yêu.
=> Sự phong phú về giai điệu và phức điệu của khúc hát đồng quê, làm say mê mọi người.
- Nghệ Thuật
Ngôn ngữ giàu hình ảnh và giàu cảm xúc
- Hàn Mặc Tử sử dụng những hình ảnh gợi cảm và tinh tế, giúp khắc họa rõ nét vẻ đẹp sống động của mùa xuân. Hình ảnh “làn nắng ửng”, “sóng cỏ xanh tươi”, “mái nhà tranh lấm tấm vàng” đều tạo nên một bức tranh mùa xuân đầy sức sống và ấm áp. Từng câu chữ của ông không chỉ miêu tả mà còn truyền tải cảm xúc, giúp người đọc cảm nhận được sự chuyển động của thiên nhiên cũng như tâm trạng của thi nhân.
- Lối diễn đạt giàu chất thơ làm cho hình ảnh thiên nhiên không chỉ là cảnh vật mà còn phảng phất tâm hồn thi sĩ, tạo nên sự cộng hưởng cảm xúc mạnh mẽ.
Biện pháp tu từ phong phú
So sánh và nhân hóa: Trong câu “Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời” tác giả sử dụng phép so sánh để làm nổi bật sự sống động và tràn trề sức sống của cỏ non trong mùa xuân. “Sóng cỏ” được nhân hóa, như những làn sóng tự nhiên, gợi lên sự hài hòa giữa đất trời và thiên nhiên.
Ẩn dụ: Hình ảnh “khói mơ tan” là một ẩn dụ tinh tế, thể hiện sự hòa quyện, mờ ảo giữa thực và mộng, làm cho bức tranh thiên nhiên mùa xuân trở nên huyền ảo và lung linh hơn.
Nhạc điệu nhẹ nhàng, du dương
- Bài thơ có nhịp điệu nhẹ nhàng, êm ái như một bản nhạc mùa xuân, phản ánh không gian thanh bình của thiên nhiên. Nhịp thơ đều đặn, âm điệu uyển chuyển, giàu tính nhạc giúp truyền tải cảm xúc nhẹ nhàng, lắng đọng. Sự kết hợp giữa ngôn từ tinh tế và âm điệu du dương tạo nên một cảm giác sâu lắng trong lòng người đọc.
Sự kết hợp giữa tả cảnh và tả tình
Hàn Mặc Tử khéo léo kết hợp giữa tả cảnh và tả tình. Bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp được lồng ghép khéo léo với những cảm xúc bâng khuâng, tiếc nuối của con người. Qua cảnh sắc thiên nhiên, tác giả bộc lộ tâm trạng của mình trước sự thay đổi của thời gian và những quy luật tất yếu của cuộc đời. Mùa xuân hiện lên không chỉ là sự tươi mới mà còn là sự mong manh, thoáng qua – cũng chính là trạng thái tâm hồn của thi nhân.
Sự tương phản trong cảm xúc
Hàn Mặc Tử đã tạo ra sự đối lập trong cảm xúc: từ niềm vui ngỡ ngàng trước mùa xuân, ông chuyển dần sang cảm giác bâng khuâng, tiếc nuối. Sự đối lập này làm nổi bật nỗi buồn man mác trước sự chảy trôi của thời gian và những thay đổi trong đời người, qua đó thể hiện chiều sâu trong tư duy nghệ thuật của tác giả.
B. Đánh giá, nhận xét, mở rộng:
I. Sự tương đồng:
- Thể thơ: tự do
- Chủ đề mùa xuân: Cả hai bài thơ đều miêu tả mùa xuân như một biểu tượng của sự sống, sự tươi mới. Mùa xuân trong cả hai tác phẩm đều được lấy làm hình ảnh tượng trưng gắn liền với tình cảm và khát vọng sống mãnh liệt của tác giả.
- Sử dụng hình ảnh thiên nhiên: Cả hai tác giả Nguyễn Bính và Hàn Mặc Tử đều sử dụng hình ảnh thiên nhiên để biểu đạt cảm xúc của mình tạo nên một hồn thơ sống động với không gian xuân thơ mộng, tươi đẹp mà bao trùm lên nó là cảm xúc tâm trạng của mỗi người thi sĩ đặt vào tác phẩm của mình. Cả hai thi sĩ đều nhìn mùa xuân như một trái cây ngọt lành đang chuyển từ xanh đến chín.
- Tình yêu với mùa xuân: không có một tác phẩm thành công nào được sáng tạo nên mà không mang trong mình tình yêu với cuộc sống mãnh liệt, tha thiết. Mùa xuân trong cả hai bài thơ đều được nhắc đến với sự yêu mến, trân trọng mà gắn bó. Hai bài thơ như có ma lực ám ảnh ta mãi mãi, nó chứa chan nhựa sống của mùa xuân và tuổi trẻ, của tình yêu và hy vọng.
II. Sự khác biệt:
Hai tác phẩm “Mùa xuân xanh” của Nguyễn Bính và “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử đều viết về mùa xuân, một biểu tượng đầy sức sống và tràn đầy cảm hứng trong thơ ca Việt Nam. Tuy nhiên, dù cùng chung một chủ đề, cách thể hiện mùa xuân của hai tác giả này có nhiều sự khác biệt rõ rệt cả về nội dung lẫn hình thức:
1. Nội dung và chủ đề:
- “Mùa xuân xanh” của Nguyễn Bính là một bài thơ tràn đầy niềm vui, sự lạc quan và tình yêu cuộc sống. Tác phẩm mở ra một không gian của mùa xuân tươi đẹp, nơi mà thiên nhiên và con người hòa quyện vào nhau. Những hình ảnh hoa lá, cỏ cây được miêu tả một cách sống động, thể hiện sự hồi sinh của đất trời sau những tháng ngày đông lạnh giá. Tác giả đã miêu tả mùa xuân một cách đầy màu sắc và niềm vui, như một thời gian của tình yêu, khát vọng và sự sống. Đó không chỉ là mùa xuân của thiên nhiên mà còn là mùa của tình yêu, của những kỉ niệm đẹp đẽ trong tâm hồn con người.
- Trong khi đó, bài thơ “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử lại mang một không khí trầm lắng, u buồn. Mùa xuâ ở đây không chỉ là sự tươi mới mà còn là một biểu tượng của sự chín muồi, gợi lên một cảm giác tiếc nuối và xa vắng. Tác phẩm không chỉ đơn thuần miêu tả vẻ đẹp của mùa xuân mà còn thể hiện những suy tư, trăn trở của tác giả về cuộc sống, về cái chết và sự tồn tại. Mùa xuân trong thơ của Hàn Mặc Tử không chỉ là mùa của sự sống mà còn là mùa của sự tàn phai, của những nỗi buồn và sự cô đơn. Tác giả đã khéo léo kết hợp giữa vẻ đẹp của thiên nhiên và những cảm xúc nội tâm tạo nên một bức tranh xuân vừa đẹp đẽ vừa bi tráng.
2. Nghệ thuật và hình thức:
“Mùa xuân xanh” - Nguyễn Bính:
Ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, dễ hiểu gần gũi với cuộc sống dân gian.
Hình ảnh trong bài thơ chủ yếu là cảnh vật tự nhiên như: hoa, lá, cây cối, đất trời,… được xây dựng một cách sinh động, giàu sức gợi, tạo nên một không khí vui tươi, phấn khởi. Các hình ảnh trong thơ Nguyễn Bính mang tính hiện thực, tạo nên một không gian dễ chịu, êm đềm cho người đọc.
Âm điệu nhẹ nhàng, êm ái như một bản nhạc xuân rộn ràng.
Trong thơ của Nguyễn Bính, mùa xuân là một phần của cuộc sống, được gắn liền với con người, tình yêu và niềm vui sống, thường xuất hiện với những hình ảnh gần gũi với con người.
“Mùa xuân chín” - Hàn Mặc Tử:
Mang đậm tính triết lý và chiều sâu tâm hồn.
Ngôn ngữ: thường mang tính biểu tượng, giàu hình ảnh và thường mang tính biểu cảm mạnh mẽ. Những câu thơ thường chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa, khiến người đọc phải suy ngẫm và cảm nhận.
Âm điệu: thường trầm lắng, sâu sắc, tạo nên một không gian thơ đầy chất suy tư.
Trong thơ của Hàn Mặc Tử, mùa xuân mang tính chất nội tâm hơn. Nó không chỉ là thiên nhiên mà còn là một thế giới của cảm giác, nỗi niềm của những khổ đau tinh thần.
=> Những khác biệt này không chỉ phản ánh phong cách sáng tác riêng biệt của mỗi tác giả mà còn tạo nên những ấn tượng khác nhau về mùa xuân trong lòng người đọc.
3. Đánh giá chung:
- Cả hai tác phẩm đều thể hiện tài năng của hai nhà thơ trong văn học Việt Nam, nhưng lại phản ánh hai thế giới cảm xúc khác nhau.
- Mặc dù viết về mùa xuân nhưng sự khác biệt trong cảm nhận và thể hiện của hai tác giả đã tạo nên hai hình ảnh mùa xuân hoàn toàn khác biệt, thể hiện sự đa dạng trong cách nhìn nhận và cảm xúc về cuộc sống.
- Qua việc so sánh hai tác phẩm, chúng ta không chỉ thấy được sự đa dạng trong cảm xúc và tư tưởng của các nhà thơ mà còn cảm nhận được vẻ đẹp phong phú của mùa xuân trong đời sống con người.
- Qua đó thể hiện tài năng quan sát và cảm nhận của người thi sĩ. Bằng con mắt thấu hiểu cuộc đời, họ đã sáng tạo nên tác phẩm mang những tư tưởng, tình cảm sâu sắc về đời, về người khiến người đọc phải cùng suy tư, cùng cảm nhận và hòa mình vào bức tranh mùa xuân không chỉ mang vẻ đẹp đặc sắc mà còn chứa đựng nhiều nỗi trăn trở về cuộc đời này của con người nói chung và thi sĩ nói riêng.
III. Nguyên nhân của sự tương đồng và khác biệt giữa 2 tác phẩm.
1. Nguyên nhân của sự tương đồng giữa hai tác phẩm
Ảnh hưởng của thời đại và phong trào Thơ mới: Cả “Mùa xuân xanh” (Nguyễn Bính) và “Mùa xuân chín” (Hàn Mặc Tử) đều ra đời trong giai đoạn phát triển rực rỡ của phong trào Thơ mới (1932-1945). Đây là thời kỳ thơ ca đề cao cảm xúc cá nhân, hướng tới cái đẹp và sự tinh tế trong cách biểu đạt. Sự tương đồng giữa hai bài thơ nằm ở việc cả hai đều tập trung thể hiện cảm xúc cá nhân qua thiên nhiên và mùa xuân – hình ảnh biểu tượng của vẻ đẹp, tình yêu và sự trôi chảy của thời gian.
Tình yêu thiên nhiên và con người Việt Nam: Cả hai nhà thơ đều có chung niềm say mê trước vẻ đẹp của thiên nhiên Việt Nam. Điều này dễ dàng nhận thấy trong bức tranh làng quê mùa xuân của Nguyễn Bính – gần gũi, dung dị; và trong mùa xuân giàu sức gợi cảm của Hàn Mặc Tử – lung linh, huyền ảo. Mùa xuân trong cả hai tác phẩm đều là biểu tượng của sự tươi mới, tuổi trẻ và niềm khát khao cuộc sống.
Tâm hồn nhạy cảm và trữ tình: Nguyễn Bính và Hàn Mặc Tử đều sở hữu tâm hồn thi sĩ nhạy cảm, yêu đời và trân trọng những giá trị tinh thần. Chính tâm hồn trữ tình ấy đã khiến cả hai chọn mùa xuân – thời điểm đẹp nhất của thiên nhiên để thể hiện cảm xúc.
⇒ Xuất phát từ tình yêu thiên nhiên và cảm hứng từ phong trào Thơ mới.
2. Nguyên nhân của sự khác biệt giữa hai tác phẩm
Phong cách nghệ thuật riêng biệt:
Nguyễn Bính: Nguyễn Bính được mệnh danh là “thi sĩ của hồn quê”, vì vậy thơ của ông thường mang đậm chất dân gian, giản dị và mộc mạc.“Mùa xuân xanh” thể hiện tình cảm chân thật qua lối biểu đạt nhẹ nhàng, dễ hiểu, gần gũi với ngôn ngữ đời sống thôn quê. Ông không tập trung vào chiều sâu triết lý, mà nhấn mạnh vào sự hòa quyện giữa thiên nhiên và con người một cách tự nhiên nhất.
Hàn Mặc Tử: là một nhà thơ mang phong cách lãng mạn và giàu tính siêu thực. Trong “Mùa xuân chín” ông không chỉ miêu tả vẻ đẹp mùa xuân mà còn gửi gắm những suy tư triết lý về sự trôi chảy của thời gian, cái đẹp và sự hữu hạn của đời người. Ngôn ngữ thơ của Hàn Mặc Tử tinh tế, giàu biểu tượng, mang hơi hướng triết lý và cảm xúc dâng trào.
Quan điểm sống và hoàn cảnh sáng tác:
Nguyễn Bính: Xuất thân từ vùng quê Bắc Bộ, Nguyễn Bính gắn bó sâu sắc với đời sống làng quê mộc mạc. Tình yêu thiên nhiên của ông gần gũi, giản dị và những cảm xúc trong “Mùa xuân xanh” phản ánh trực tiếp sự gắn bó này.
Hàn Mặc Tử: Cuộc đời của Hàn Mặc Tử đầy biến cố và đau thương, đặc biệt khi ông biết mình mắc bệnh phong. Chính hoàn cảnh ấy đã làm thơ của ông mang màu sắc buồn bã, triết lý về cái đẹp ngắn ngủi. Trong “Mùa xuân chín” ông nhìn mùa xuân không chỉ là niềm vui, mà còn là sự tiếc nuối, một vẻ đẹp mong manh không giữ được mãi.
Cách cảm nhận về mùa xuân:
Nguyễn Bính: Cảm nhận về mùa xuân của Nguyễn Bính mang tính trực tiếp, thiên về miêu tả và cảm xúc tự nhiên. Ông xem mùa xuân là thời gian cho tình yêu và sức sống, gần gũi với người nông dân.
Hàn Mặc Tử: Mùa xuân trong thơ Hàn Mặc Tử có tính biểu tượng cao, không chỉ đẹp về hình thức mà còn là một biểu hiện của sự thăng hoa lẫn hữu hạn của đời người. Ông không chỉ ngắm mùa xuân mà còn suy tư về ý nghĩa của nó trong dòng thời gian.
Ngôn ngữ thơ:
Nguyễn Bính: Sử dụng ngôn ngữ giản dị, lời thơ gần gũi, quen thuộc với người dân quê Việt Nam. Hình ảnh thơ cụ thể, ít biểu tượng và dễ cảm nhận ngay từ lần đọc đầu tiên.
Hàn Mặc Tử: Ngôn ngữ thơ của ông giàu nhạc điệu, ẩn dụ và biểu tượng. Cách diễn đạt của Hàn Mặc Tử mang tính đa chiều, đòi hỏi người đọc phải chiêm nghiệm để cảm nhận sâu sắc.
=> Phong cách nghệ thuật riêng biệt, quan điểm sống, và bối cảnh sáng tác đã tạo nên hai cách nhìn hoàn toàn khác về mùa xuân.
⇒ Sự tương đồng và khác biệt ấy góp phần tạo nên vẻ đẹp riêng cho cả hai tác phẩm, giúp người đọc khám phá những khía cạnh phong phú của mùa xuân trong văn học Việt Nam.
2. Giá trị độc đáo và đóng góp của từng tác phẩm:
- Tác phẩm Mùa xuân xanh (Nguyễn Bính)
Giá trị độc đáo:
Vẻ đẹp dung dị, đậm chất quê hương: Mùa xuân xanh là một bài thơ mang phong cách đặc trưng của Nguyễn Bính – giản dị, chân chất, và mộc mạc. Bài thơ không chỉ miêu tả thiên nhiên mùa xuân mà còn tái hiện trọn vẹn một không gian làng quê Việt Nam với cánh đồng, hoa lá, và tình người. Vẻ đẹp ấy gần gũi, thân quen, khiến người đọc như tìm thấy chính mình trong bức tranh quê hương.
Tình yêu và tuổi trẻ giản đơn nhưng sâu lắng: Tình yêu trong thơ Nguyễn Bính không cầu kỳ, xa hoa mà rất tự nhiên, gắn liền với nhịp sống thôn quê. Qua đó, ông tái hiện những xúc cảm đầu đời trong sáng, tự nhiên, giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp tinh khiết của tình yêu đôi lứa trong không gian đồng quê.
Đóng góp:
Dẫn lối thơ ca hiện đại về gần với dân gian: Nguyễn Bính đã đưa thơ mới quay trở về với nét dân gian, tạo nên một phong cách thơ mới mang đậm bản sắc Việt Nam. Mùa xuân xanh là minh chứng tiêu biểu, thể hiện cách Nguyễn Bính khéo léo hòa trộn ngôn ngữ đời thường với thi pháp truyền thống, làm nổi bật vẻ đẹp của thiên nhiên và tâm hồn Việt.
Lưu giữ văn hóa truyền thống qua thơ ca: Qua những hình ảnh và ngôn ngữ mộc mạc, Mùa xuân xanh không chỉ là một bài thơ, mà còn là một tư liệu văn hóa, giúp người đọc hôm nay cảm nhận và hiểu thêm về đời sống, cảm xúc và tinh thần của người Việt trong bối cảnh làng quê thời kỳ trước.
b. Tác phẩm Mùa xuân chín (Hàn Mặc Tử)
Giá trị độc đáo:
Biểu tượng và chiều sâu triết lý: Mùa xuân chín không chỉ dừng lại ở việc miêu tả vẻ đẹp thiên nhiên mà còn mang đến những suy tư sâu sắc về sự hữu hạn của thời gian, tuổi trẻ, và đời người. Mùa xuân trong thơ Hàn Mặc Tử không đơn thuần là một mùa, mà còn là biểu tượng của cái đẹp mong manh, vừa rực rỡ vừa lụi tàn.
Ngôn ngữ thơ giàu nhạc tính và cảm xúc mãnh liệt: Lời thơ của Hàn Mặc Tử không chỉ đẹp mà còn thấm đẫm âm điệu và cảm xúc. Ông sử dụng từ ngữ giàu sức gợi, kết hợp với hình ảnh tinh tế, tạo nên một không gian thơ đầy chất mơ mộng nhưng không kém phần buồn thương.
Đóng góp:
Đổi mới và nâng tầm phong trào Thơ mới: Hàn Mặc Tử đã góp phần định hình và phát triển phong trào Thơ mới với phong cách sáng tác độc đáo của mình. Mùa xuân chín là ví dụ tiêu biểu cho cách ông kết hợp giữa cảm hứng lãng mạn và triết lý nhân sinh, mở rộng không gian biểu đạt của thơ ca hiện đại.
Khám phá chiều sâu cảm xúc của con người: Mùa xuân chín không chỉ dừng lại ở những cảm xúc đơn thuần mà còn đi sâu vào nội tâm, giúp người đọc đối diện với những nỗi niềm về thời gian, cái đẹp và sự mất mát. Tác phẩm khẳng định tài năng của Hàn Mặc Tử trong việc chuyển tải những xúc cảm phức tạp thành hình ảnh thơ tinh tế, chạm đến tầng sâu của tâm hồn độc giả.
⇒ Cả hai tác phẩm đều góp phần quan trọng vào việc làm phong phú nền thơ ca Việt Nam:
Mùa xuân xanh đại diện cho vẻ đẹp dân gian mộc mạc, gần gũi, tạo nên một phong cách thơ mang hồn quê.
Mùa xuân chín đưa thơ ca vào chiều sâu triết lý và cảm xúc, thể hiện tài năng sáng tạo và tầm vóc nghệ thuật của Hàn Mặc Tử.
Hai tác phẩm, với hai phong cách khác nhau, không chỉ làm rạng danh tên tuổi của hai tác giả mà còn trở thành những viên ngọc quý trong kho tàng thơ ca Việt Nam, mang đến cho người đọc những góc nhìn đa chiều và sâu sắc về mùa xuân, tuổi trẻ, và cuộc đời.
Sản phẩm trình bày trên của học sinh là thành công bước đầu trong thực hiện GDPT 2018 ở lớp 12 trường THPT Sơn Tây, đáp ứng đúng yêu cầu đổi mới của Chương trình.