Mẹ dắt tôi đi tìm cha. Mẹ bảo đã nhìn thấy cha nói trên ti vi. Nhưng tôi lại không xem chương trình ấy. Cha với tôi thật mơ hồ.
Chẳng mấy chốc tôi đã đi khỏi cái bãi sông ngằn ngặt xanh. Mùa này, những hạt ngô đang căng sữa, tròn mẩy trong lớp bẹ. Từng bắp ngô ngoan ngoãn, nằm hiền lành, gục đầu vào thân cây nghe bài hát ru của lá. Lá ngô dài, mướt xanh, xao xác trong gió ngân bài ca diệp lục. Những chùm râu ngô trầm tĩnh và u buồn, như bạc đi trong những cơn gió sông chan chứa vị phù sa.
Chúng tôi bỏ lại bờ bãi sau lưng. Chỉ còn những vòng sóng lan xa đẩy những khóm lục bình tản ra, dập dềnh trên con nước. Hoa nhưng nhức tím, tan ra loang loáng trên mặt sông.
Mẹ dắt tôi lên thành phố.
Cuối cùng, chúng tôi cũng đặt chân đến cái nơi mà mẹ bảo cha đang ở đó.
Chúng tôi thuê một căn phòng nhỏ trong một con ngõ hẹp. Suốt một tuần liền, mẹ dắt tôi qua các con phố hỏi thăm về cha, về người đã nói trên ti vi trong chương trình phát vào giờ đấy ngày đấy ở trên kênh truyền hình đấy. Người ta lắc đầu, nhìn mẹ con tôi như hai kẻ ngớ ngẩn. Mẹ vẫn lặp lại câu hỏi cũ trên dọc dài con phố giăng mắc đèn hoa.
Nhưng không ai cho mẹ một câu trả lời.
Người ta không xem ti vi. Sao người thành phố lại không xem ti vi? Họ còn bận vào facebook, zalo, xem youtube và tiktok. Thời này còn ai xem ti vi.
Mẹ ngẩn người. Chẳng lẽ chúng tôi đang sống ở thời nào? Nếu không xem ti vi, làm sao mẹ thấy cha đã nói ở trên đó để đi tìm. Có người thương cảm, chỉ cho địa chỉ của nhà đài, mẹ con tôi dắt nhau đến đó, vậy mà người ta cũng bảo là không biết.
Mẹ buồn lắm, nhưng vẫn chưa mất niềm tin.
Mẹ bảo, cứ ở đây thêm một thời gian, ban ngày sẽ rong ruổi đi tìm, còn buổi tối sẽ bán ngô nướng ở đầu ngõ để có cơ hội gặp gỡ thêm nhiều người. Gì chứ việc nướng ngô là sở thích của tôi thế nên tôi rất vui vì quyết định ấy.
Những ngày sau đó, tôi lấy cớ bị đau chân nên ở lỳ trong phòng trọ, để mình mẹ tôi mải miết đi tìm cha. Có lúc đôi bàn chân đau đớn và nhức buốt, mẹ vẫn đi, vẫn lặng thầm đào xới, bóc tách từng góc phố, từng mảnh rêu để tìm ra hình bóng của cha. Nhưng cha vẫn chỉ là một ẩn số, một sự vẫy gọi, vừa xác thực, vừa mơ hồ.
Tôi thì không có được cái kiên nhẫn ấy. Nếu tôi được như những du khách kia, ngồi trên chiếc xích lô thư thái thưởng ngoạn phố phường, thì tôi sẽ hào hứng đi cùng mẹ. Đằng này, lê lết bước chân qua từng ngõ ngách, xuyên qua bao lớp xe cộ như mắc cửi khiến tôi mệt mỏi. Thà ở nhà nướng ngô còn hơn.
Rồi cũng đến lúc mẹ không đi nữa. Mẹ ở nhà quạt ngô từ lúc đầu chiều.
***
Mẹ kể.
Cha tôi vốn là một kĩ sư nông nghiệp. Nhà ở thành phố nhưng tốt nghiệp đại học, cha đã xin về một vùng quê nghèo ven sông bạt ngàn ngô để thực hiện dự án đầu tiên của mình. Nhìn những bắp ngô to như bắp tay, căng mẩy, vàng óng trông thật đã mắt nhưng hạt lại cứng, không dẻo thơm, ngọt và bùi, cha bảo, năng suất nhưng không chất lượng thì cũng không có lợi nhuận, nếu ngô chỉ bán dùng làm lương thực cho vật nuôi. Cần phải nghiên cứu ra giống ngô nào vừa năng suất lại vừa ngon thì người nông dân mới đỡ khổ.
Người ta phân cho cha một căn phòng nhỏ trong ủy ban nhân dân của xã. Suốt một thời gian dài, cha cặm cụi hằng ngày ra ruộng ngô, xem xét, tìm tòi, nói chuyện với bà con rồi ghi ghi chép chép, đọc tài liệu, lại lên thành phố mua vật tư…Cha lúc nào cũng là người bận rộn.
Một lần, cha đang ngoài bãi ngô, bị một con rắn cắn. Mẹ đi ngang qua đó, giúp cha giết chết con rắn và sơ cứu vết thương. Mẹ cười, bảo, con rắn nước thôi, không có nguy hiểm gì đâu. Nhìn bộ dạng đáng thương của chàng trai thành phố lần đầu bị rắn cắn, mẹ không khỏi buồn cười. Và mẹ chẳng thể nào xua được dáng hình của chàng kĩ sư trẻ khỏi tâm trí mình. Họ yêu nhau lúc nào không hay.
Thấm thoắt mấy năm trôi qua, dân vùng bãi quê tôi đã trồng được một giống ngô mới năng suất cao và rất thơm ngon. Người ta nô nức kéo đến thu mua ngay tại ruộng. Tuyệt vời nhất là vào chớm đông, khi những cơn mưa phùn đầu tiên giăng mắc trong không gian, mọi người ngồi bên chậu than hồng, háo hức lật những bắp ngô căng mẩy và hít hà hương thơm ngào ngạt rồi đến khi cắn từng hạt ngô, nghe tiếng lép bép tan trong miệng đượm hơi sữa ngọt lành. Ai cũng bảo, chưa bao giờ được ăn món ngô nướng nào ngon như vậy.
Nhờ thành công của dự án nghiên cứu giống ngô mới mà cha tôi đã được nhà nước cho đi nước ngoài làm nghiên cứu sinh. Cha bảo, đi 3 năm sẽ về, mẹ ở nhà trồng ngô và đợi cha. Mẹ gật đầu, chắt chiu thanh xuân vào từng hạt ngô mơn mởn. Mẹ không hề biết, ngày cha ra đi cũng là ngày tôi được hoài thai.
Còn cha thì cũng không hề biết, sau ngày cha ra đi, năm đó lũ dâng cao, làng tôi bị lở. Mẹ bồng bế tôi chạy lụt, dạt sang một vùng quê nghèo khác, cũng xơ xác chỉ toàn ngô là ngô.
Tôi lớn lên bên dòng sông hiền hòa, đâu biết đã có lúc nó làm mình làm mẩy. Như cha tôi từ nước ngoài trở về sau 3 năm đó, cũng đâu có biết rằng cái làng nhỏ ven sông của mẹ tôi đã bị xóa sạch dấu vết xưa.
***
Tôi thích những ngày mưa ở quê, nhìn dòng sông trôi trong một cõi bồng bềnh. Những cơn gió mùa đầu tiên ùa về, dịu dàng thôi, chỉ làm cho cả bãi sông xôn xao lên trong những tiếng lá ngô khua xào xạc. Tôi xoa xoa bắp ngô nướng dẻo thơm, vàng sậm. Giống ngô mà cha tôi nghiên cứu năm xưa, giờ người ta đã đưa vào trồng đại trà. Không biết, ở một nơi nào đó, liệu cha có được nhấm nháp chút hương vị của ngày xưa.
Còn ở đây, giữa thành phố đất chật người đông này, nơi đầu ngõ, mẹ căng cái bạt nhỏ, tôi không thích trời đổ mưa một chút nào. Tôi thường rùng mình trước những cơn gió lạnh thổi kèm theo mưa táp vào mặt. Nhưng chính những lúc ấy lại là lúc chúng tôi đông khách nhất. Họ ngồi xuống, nép sát vào nhau, co ro trong cái rét ngọt ngào. Có lúc mẹ ngẩn ngơ nhìn những cặp đôi đang ăn chung một bắp ngô mà để ngô trên vỉ nướng cháy luôn một mặt. Tôi gọi, mẹ giật mình, tỉnh lại. Một cơn mơ thoáng qua hay một lát cắt kỉ niệm ùa về?
Tối đó, trời cũng vẫn mưa gió sụt sùi, mẹ tôi bị cảm lạnh nằm lại trong phòng trọ, chỉ mình tôi ra bán. Một chiếc ô tô màu đen bóng loáng đi chầm chậm ven đường rồi dừng lại trước quán ngô của mẹ con tôi. Cửa mở, bước xuống là một gia đình, tôi nghĩ vậy. Họ ngồi khá lâu trong quán của tôi. Vì làm một mình, cũng đông khách nên chỉ thi thoảng tôi mới ngẩng đầu lên nhìn họ. Người đàn ông đẹp trai nhưng đôi mắt thật buồn. Người đàn bà ăn mặc sành điệu nhưng khuôn mặt dịu dàng, không giống với những quý bà quý cô đanh đá tôi thường hay thấy. Đứa bé con ngủ gục trong vòng tay mẹ. Vãn khách rồi họ mới đứng dậy ra về và mua hết cho tôi chỗ ngô còn lại.
Tôi về, kể cho mẹ nghe câu chuyện đó. Rồi mẹ gặng hỏi hình dáng của người đàn ông ra sao. Thú thực, tôi cũng không rõ lắm. Vì mải bán hàng mà. Mẹ tôi chợt thở dài, cảm giác như có một cái gì đó tuột khỏi tầm tay.
Hôm sau, dù mệt nhưng mẹ cũng gượng dậy quạt ngô cùng tôi. Tôi bảo, mẹ ở nhà nhưng mẹ vẫn cố đi. Mẹ bịt khăn che khuất đi nửa mặt. Cả buổi, tôi thấy mẹ cứ lơ đãng. Phải chăng mẹ đang kiếm tìm một điều gì đó, từ câu chuyện tôi kể hôm qua. Nhưng hôm nay, chưa thấy người đàn ông đó tới.
Đã vãn khách rồi. Mưa phùn giăng kín lối đi.
Bỗng chiếc xe hôm qua lại đến. Lần này người đàn ông đi một mình. Người đó bảo mua hết chỗ ngô còn lại và tôi không cần trả lại tiền thừa. Tôi đánh bạo hỏi người đàn ông, rằng hôm nay cô bé ngủ rồi hay sao mà không thấy đi cùng. Người đàn ông đáp rằng, con bé bị sốt nhưng vẫn muốn ăn ngô nên muộn rồi cũng vẫn đi mua cho nó.
Rồi chiếc xe rời đi. Tôi thấy mẹ bàng hoàng trông theo bóng người xa khuất. Đôi mắt vô hồn thả vào bóng tối mênh mông và u ẩn. Mưa tràn vào mắt mẹ. Tôi lặng người. Có lẽ nào, đây chính là đích của cuộc kiếm tìm ư?
Mẹ lầm lũi dọn đồ trở về căn phòng trọ. Mẹ bảo bác chủ nhà ngày mai sẽ trả phòng trở về quê. Bác thở dài, vẫn chưa tìm được người, chả có nhẽ bỏ cuộc hay sao? Mẹ không đáp, nhìn trân trân vào khoảng tối nơi con ngõ dài hun hút. Bác bảo, chẳng mấy khi có khách trọ nào bác thương quý như hai mẹ con. Bác cũng có họ hàng ở vùng quê đó, khi nào sẽ tiện thể ghé chơi nhà.
Tôi không dám hỏi mẹ về cha. Tôi cũng không hiểu được nỗi đau của mẹ. Tôi nhớ về người đàn ông, nếu mai người đó đến, không thấy chúng tôi, liệu có chút bùi ngùi?
***
Chúng tôi lại trở về trên con đường mình đã ra đi. Mẹ đã không xem ti vi như người thành phố. Nhưng mẹ cũng không lướt facebook, zalo, không xem youtube và tiktok như họ.
Những mùa ngô trôi qua. Những đôi lứa từng nắm tay nhau cùng ăn bắp ngô nướng trong mùa giá lạnh hoặc đi tiếp con đường tình yêu hoặc rẽ sang ngang để đi về đôi ngả. Chỉ mình mẹ, vẫn miệt mài đi ngược về quá khứ, theo những dấu chân của bờ bãi đã lở tự ngày xưa.
Cho đến một ngày, khi tôi trở về nhà thì trời đã nhá nhem. Tôi sửng sốt khi thấy người đàn ông đó đang đứng bên cạnh mẹ. Người đó lao ra, ôm chầm tôi vào lòng và gọi tiếng con nức nở. Tôi ngỡ ngàng gỡ ra. Mẹ nhìn tôi, giàn giụa nước mắt rồi gật đầu. Thì ra, bao nhiêu năm qua, cha vẫn không ngừng đi tìm mẹ. Người phụ nữ và đứa trẻ đi cùng cha chính là cô ruột và em gái họ của tôi. Chồng cô ấy mất vì tai nạn nên hai anh em về sống dựa vào nhau. Còn cha tôi, bao nhiêu năm nay, đâu có bén duyên cùng người khác.
Mẹ đưa bàn tay run run rờ vào khuôn mặt cha, một sự hiện hữu chân xác bằng xương bằng thịt, bằng tình yêu thương và sự đợi chờ.
Đêm nay, gió mưa tơi bời ngoài cửa.
Nhưng cả bãi sông vẫn ngằn ngặt xanh.