I. Tác giả Phan Châu Trinh (1872 - 1926)
- Tự Tử Cán, hiệu Tây Hồ, biệt hiệu Hi Mã; quê ở Quảng Nam.
- Ông là một nhà yêu nước và cách mạng lớn của nước ta thời kì đầu thế kỉ XX. Ông chủ trương cứu nước bằng con đường khai thông dân trí, mở mang công thương nghiệp, bãi bỏ chế độ quân chủ, thực hiện dân chủ, lợi dụng chiêu bài khai hóa của thực dân Pháp.
- Phan Châu Trinh viết nhiều :
+ bằng chữ Hán, chữ Nôm và chữ quốc ngữ.
+ dùng văn chương làm cách mạng : văn chính luận của ông có lập luận đanh thép, đầy tính chất hùng biện; thơ của ông dạt dào cảm xúc, thấm đượm tư tưởng yêu nước và tinh thần dân chủ.
II. Văn bản “Về luân lí xã hội ở nước ta”
1. Xuất xứ .
- Là một đoạn trong phần 3 của bài “Đạo đức và luân lí Đông Tây” – bài diễn thuyết của Phan Châu Trinh và được ông đọc đêm 19/11/1925 tại nhà Hội Thanh niên ở Sài Gòn.
- Bài diễn thuyết “Đạo đức và luân lí Đông Tây”
+ Thể loại: văn chính luận.
+ Nội dung: đề cao tác dụng của đạo đức, luân lí, khẳng định phải tìm nguyên nhân mất nước trong việc để mất đạo đức, luân lí truyền thống.
2. Tìm hiểu văn bản.
a. Văn bản có cấu trúc gồm 3 phần đã được người biên soạn SGK đánh số cụ thể, nội dung chính từng phần của đoạn trích có thể tóm tắt như sau ;
- Phần 1: Xã hội nước ta tuyệt nhiên không có luân lí.
- Phần 2: Nêu nguyên nhân, hiện trang của việc xã hội nước ta tuyệt nhiên không có luân lí.
- Phần 3: Nêu giải pháp để xây dựng luân lí xã hội ở nước ta.
Đây là cách cấu tứ chặt chẽ, rõ ràng theo hướng đặt vấn đề, nêu hiện trạng và lí giải nguyên nhân, đề ra giải pháp. Cách cấu tứ này dễ dàng thuyết phục người đọc.
b. * Mở đầu đoạn trích, tác giả nêu vấn đề xã hội nước ta tuyệt nhiên không có luân lí. Luân lí xã hội là thứ luân lí đang được cổ vũ ở các nước phương Tây, là luân lí của chủ nghĩa xã hội, coi trọng sự bình đẳng của con người, không chỉ quan tâm đến từng gia đình, quốc gia mà còn đến cả thế giới. Nhưng người dân ta thì chưa có ý niệm gì về điều này “tuyệt nhiên không ai biết đến, so với quốc gia luân lí thì người mình còn dốt nát hơn nhiều’. Ông gạt bỏ cách hiểu đơn giản rằng luân lí xã hội chẳng qua là tình cảm bạn bè giữa người này và người khác; ông cũng gạt luôn cách hiểu chưa đúng về tư tưởng “bình thiên hạ” của Khổng – Mạnh ở “những kẻ có học ra làm quan”. Ông đã vào đề một cách trực tiếp, thẳng thắn, dũng cảm chỉ ra cái thiếu sót của xã hôi Việt Nam khi “một tiếng bè bạn không thể thay cho luân lí được”, phê phán cách hiểu sai, hiểu lệch; cách diễn thuyết hướng thẳng đến công chúng nên thu hút sự chú ý của người nghe.
* Sau đó, tác giả nêu những biểu hiện nước ta tuyệt nhiên không có luân lí bằng cách:
- So sánh luân lí bên châu Âu, bên Pháp với bên ta:
Luân lí xã hội ở Châu Âu, Pháp
|
Luân lí xã hội ở Việt Nam
|
- Rất thịnh hành và phát triển.
- Dẫn chứng: khi người có quyền thế hoặc chính phủ cậy quyền, đè nén, áp bức quyền lợi riêng của cá nhân hay đoàn thể thì người ta tìm mọi cách để dành lại sự công bằng.
- Nguyên nhân: họ có đoàn thể, có ý thức sẵn sàng làm việc chung, có trình độ văn hóa, biết nhìn xa trông rộng, có tinh thần dân chủ,…
|
- Không hiểu, chưa hiểu, điềm nhiên như ngủ, chẳng biết gì.
- Dẫn chứng: phải ai tai nấy, ai chết mặc ai, mặc kệ tai nạn của người khác, bất công cũng cho qua,…
- Nguyên nhân: dân không biết đoàn thể, không trọng công ích, ý thức dân chủ kém, quan lại tham nhung, ham bả vinh hoa…
|
- So sánh luân lí ở ta “ngày xưa” và “ ngày nay” : ngày xưa, ông cha ta hiểu đến rằng “sống thì phải bênh vực nhau”, “dân tộc Việt Nam này hồi cổ sơ cũng biết đoàn thể”, biết “góp gió thành bão” vì lợi ích chung. Nhưng thời nay – thời của Phan Châu Trinh thì con người cũng như dân tộc chỉ biết “trơ trọi, lơ láo, ù lì, sợ sệt”.
- Theo tác giả, tình trạng xã hội không có luân lí, “dân không biết đoàn thể, không trọng công ích” là do các nguyên nhân:
+ dân ta không hiểu cái nghĩa vụ loài người ăn ở với loài người.
+ đám quan trường rắp tâm phá hoại trong vòng “ba bốn trăm năm trở về đây”. Ông đã xác định nguyên nhân sâu xa của tình trạng dân ta dốt nát, không biết đoàn kết, không chăm lo việc đại sự quốc gia là do sự phản động, dốt nát của bọn quan lại Nam triều, ông gọi đó là một “lũ ăn cướp có giấy phép”. Từ đây, ông hướng mũi dùi đả kích vào bọn chúng và gọi bằng nhiều cái tên với thái độ căm ghét cao độ: “bọn học trò”, “kẻ mang đai đội mũ”, “kẻ áo rộng khăn đen”, “bọn quan lại”, “bọn thượng lưu”,… Trong con mắt của nhà diễn thuyết yêu nước, chế độ quân chủ chuyên chế vô cùng tồi tệ, cần phải loại bỏ.
- Tác giả đã sử dụng một loạt các câu cảm thán cho thấy Phan Châu Trinh đã phát biểu không chỉ bằng lí trí mà còn bằng cả nhiệt huyết sục sôi, bằng trái tim giàu cảm xúc chan chứa niềm xót xa, nỗi đau trước thực trạng trì trệ, tù đọng đến thê thảm của xã hôi Việt Nam những năm dưới ách thực dân phong kiến. Ông cũng sử dụng những câu hỏi tu từ, những từ ngữ giàu sắc thái biểu cảm như “người nước ta”, “ông cha mình”…, hướng thẳng đến người nghe, chạm đến trái tim họ, đánh thức ở họ những cảm xúc về dân tộc. Qua đó thấy được tấm lòng yêu nước thiết tha của tác giả và đặc điểm nổi bật của văn diễn thuyết với sự kết hợp chặt chẽ giữa yếu tố biểu cảm và yếu tố nghị luận.
* Phần kết của đoạn trích: chỉ có 2 câu, xác lập mối quan hệ mật thiết giữa “truyền bá chủ nghĩa xã hội” , gây dựng đoàn thể với sự nghiệp dành độc lập tự do. Ông kêu gọi mọi người bỏ thói dựa dẫm vào quyền thế, chấm dứt tệ mua danh bán tước, lật đổ chế độ vua quan chuyên chế thối nát, khai thông dân trí, nâng cao nhận thức cho nhân dân. Đây là giải pháp rõ ràng, thể hiện tư tưởng tiến bộ, tầm nhìn xa trông rộng, tấm lòng yêu nước thiết tha của tác giả.
c. - Đoạn trích đã thể hiện được dũng khí của một người Việt Nam yêu nước: vạch trần thực trạng đen tối của xã hội, đề cao tư tưởng đoàn thể vì sự tiến bộ, hướng về một ngày mai tươi sáng của đát nước. Đoạn trích không chỉ có ý nghĩa thời sự mà còn có ý nghĩa thực tiễn lâu dài.
- Đoạn trích cũng thể hiện được những nét đặc sắc trong cách viết văn chính luận cảu Phan Châu Trinh:
+ Lập luận chặt chẽ, khúc chiết, phát biểu quan điểm bằng cả lí trí và tình cảm.
+ Giọng điệu linh hoạt: lúc từ tốn, mềm mỏng, khi kiên định, đanh thép, lúc mạnh mẽ, khi nhẹ nhàng song giàu sức thuyết phục.
+ Bố cục hợp lí, khoa học.