Nguyễn Trãi (1380- 1442), là bậc đại anh hùng dân tộc, nhà thơ, nhà văn kiệt xuất, danh nhân văn hóa thế giới. Quê quán ở Chí Linh, Hải Dương sau rời về Thường Tín, Hà Nội. Ông xuất thân trong gia đình nhà nho có truyền thống yêu nước. Nguyễn Trãi đã có những đóng góp lớn cho sự nghiệp phát triển văn hoá, văn học dân tộc, một con người suốt đời lo cho dân cho nước nhưng phải chịu nỗi oan khuất nhất trong lịch sử dân tộc. Vua Lê Thánh Tông từng ca ngợi:
Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo
(Lòng Ức Trai tỏa rạng văn chương)
Tác phẩm Quốc âm thi tập gồm 254 bài thơ chữ Nôm. Tập thơ đưa Nguyễn Trãi lên vị trí là một trong những người đặt nền móng và mở đường cho sự phát triển của thơ Việt. Nội dung phản ánh vẻ đẹp con người Nguyễn Trãi - người anh hùng với lí tưởng nhân nghĩa, yêu nước thương dân; nhà thơ với tình yêu thiên nhiên, đất nước, con người… Nghệ thuật thể thơ thất ngôn Đường luật của Trung Quốc đã được Nguyễn Trãi sử dụng thuần thục như một thể thơ dân tộc, đôi khi chen vào chỗ thích hợp một số câu lục ngôn. Quốc âm thi tập được chia làm bốn phần: Vô đề 193 bài, Môn thì lệnh 21 bài, Môn hoa mộc 33 bài, Môn cầm thú 7 bài. Phần “Vô đề” là những bài thơ không có tựa đề xếp thành một số mục: Ngôn chí 21 bài, Mạn thuật (Kể ra một cách tản mạn) 14 bài, Tự thán 41 bài, Tự thuật 11 bài, Bảo Kính cảnh giới (Gương báu răn mình) gồm 61 bài và bài Cảnh ngày hè là bài số 43. Nhan đề Bảo kính cảnh giới (Gương báu răn mình) thường có nội dung giáo huấn, chủ yếu nói chuyện đạo đức, chuyện tu dưỡng của con người, hoặc cách ứng xử ở đời. Thực chất đây là bài thơ trữ tình cho thấy Nguyễn Trãi có một tâm hồn nghệ sĩ giàu rung cảm trước cảnh vật bình dị và có một ước mơ cao đẹp về hạnh phúc của nhân dân lao động. Qua nội dung bài thơ Cảnh ngày hè và hoàn cảnh ra đời của Quốc âm thi tập, có thể ước đoán tác giả viết bài này vào những năm 1438 – 1442, lúc nhà thơ về ở Côn Sơn, phải rỗi rãi một cách không bình thường. Có thể vì không được tin cậy nữa nên làm quan mà suốt ngày rảnh rỗi, không có việc gì cần kíp. Cảnh ngày hè chất chứa đầy tâm trạng. Bố cục bài thơ hai phần:
+ Sáu câu đầu: Bức tranh thiên nhiên và cuộc sống (cảnh ngày hè).
+ Hai câu cuối: Bức tranh tâm trạng (vẻ đẹp tâm hồn)
Sáu câu thơ đầu là vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên và cuộc sống. Câu thơ thứ nhất cho thấy hoàn cảnh, tư thế ung dung của nhà thơ, 6 tiếng nhịp 1/5 nhẹ nhàng, thoải mái gợi ra không khí thanh nhàn, nhẹ nhõm. Đây là câu thơ giới thiệu tâm thế của nhà thơ: rảnh rỗi, thư thái và ngắm cảnh trong khí trời mát mẻ, trong lành. Đó là một ngày hiếm hoi của Nguyễn Trãi bởi ông vốn là người thân không nhàn và tâm cũng không nhàn: “Một phút thanh nhàn trong thuở ấy” với ông thật đáng quý. Nhưng có lẽ bởi Nguyễn Trãi – vị công thần khai quốc, con người tài năng đức độ thủa nào giờ đây đang phải gánh chịu sự bon chen, ganh ghét của bọn nịnh thần – vì vậy ông tiếng là làm quan cho triều đình nhưng lại được “rảnh rỗi” cả ngày dài là điều rất đặc biệt, ẩn chứa trong câu thơ có chút bận lòng. Trên hết, nhà thơ đã dành cả ngày dài đó để được “hóng mát” - lắng nghe và cảm nhận sâu sắc một “ngày hè”.
Hoè lục đùn đùn tán rợp giương.
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương.
Bức tranh thiên nhiên được miêu tả bằng đường nét, màu sắc, hình khối cụ thể, sinh động và tràn đầy sức sống. Miêu tả ba loại cây với ba dáng vẻ khác nhau. Hình ảnh cây hòe tán lá xanh tươi xòe ra che rộng cả một vùng là cảnh hè mát mẻ, có bóng cây râm mát, có gió thoảng nhẹ đưa. Màu sắc đặc trưng là màu xanh lục của lá, gợi sự tốt tươi, sức sống sung mãn qua động từ đùn đùn, tán rợp giương… Chữ “giương” cộng với “đùn đùn” như có một cái gì thôi thúc tự bên trong, đang ứa căng, đang tràn đầy. Nguyễn Trãi cũng đã từng viết trong bài “Hòe”: “Có thủa ngày hè trương tán lục/Đùn đùn bóng rợp cửa tam công. Nhà thơ đặc biệt yêu thích động từ “đùn đùn” – sự vận động với sức sống mãnh mẽ từ bên trong. Cây lựu trước hiên nhà đang trổ hoa đỏ rực, màu đỏ đặc trưng của mùa hè; sức sống mãnh liệt qua động từ phun… Nét đột xuất trong câu thơ Nguyễn Trãi là hoa lựu “phun thức đỏ” (phun ra màu đỏ). Màu đỏ của hoa lựu không phải tỏa ra, rực lên mà “phun ra”, dường như sức sống chứa chất, dồn nén phải bật ra vậy. Một từ dùng độc đáo, hiếm có trong thơ văn, một cách nhìn động của một tâm hồn thiết tha yêu cuộc sống. Cảnh vật không tĩnh mà lung linh sức sống. So sánh với câu thơ tả hoa lựu của Nguyễn Du “Dưới trăng quyên đã gọi hè/Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông” (Truyện Kiều) đều cho thấy sự sáng tạo độc đáo trong việc sử dụng từ ngữ “đắt giá” và đặc biệt. Đây là sự gặp nhau của hai tâm hồn lớn ở hai thời đại. Câu thơ có sự phá vỡ tính quy phạm của thơ Đường về cách ngắt nhịp tạo cảm xúc, làm nổi bật cá tính sáng tạo. Nếu câu 2,3 người đọc được cảm nhận bằng thị giác thì câu bốn được cảm nhận qua khứu giác. Sen hồng trong ao đã ngát hương thơm thể hiện qua từ tiễn (dư ra). Hương sen thơm nhẹ nhàng hòa quyện với màu xanh của hòe, màu đỏ của hoa lựu tạo cảm giác thư thái, yên bình. Cách ngắt nhịp 3/4 không theo quy luật của thơ Đường đã tập trung được sự chú ý của người đọc, làm nổi bật hơn cảnh vật trong ngày hè, đưa thơ Đường gẫn gũi với cuộc sống. Qua bức tranh thiên nhiên sinh động và đầy sức sống, chúng ta thấy được sự giao cảm mạnh mẽ nhưng tinh tế của nhà thơ với cảnh vật. Nhà thơ đã đón nhận cảnh hè ở nhiều giác quan: thị giác, thính giác, khứu giác và cả sự liên tưởng. Tác giả biết hòa màu sắc, đường nét theo quy luật của cái đẹp trong hội họa làm cho bức tranh thiên nhiên vừa có hình, vừa có hồn, vừa gợi tả, vừa sâu lắng.
Câu thơ 5,6 là vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua bức tranh cuộc sống:
Lao xao chợ cá làng ngư phủ,
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.
Bức tranh không chỉ có cảnh vật thiên nhiên mà còn có cảnh hoạt động của con người. Đây vẫn là bức tranh hiện thực được mở rộng ra trên một bình diện mới: cảnh chợ cá nhộn nhịp ở làng quê ven sông (hay ven biển), tiếng ve kêu khi bóng chiều đang xuống nhịp nhàng như tiếng đàn của ngày hè quen thuộc. Âm thanh “lao xao” của tiếng chợ cá làng chài hoà cùng âm thanh của tiếng ve“dắng dỏi” tạo thêm hơi ấm và sức sống cho bức tranh thiên nhiên, bức tranh cuộc sống. Phải chăng âm thanh của tiếng chợ cá “lao xao” cũng chính là âm thanh rộn rã của tiếng lòng Nguyễn Trãi trước cảnh “dân giàu đủ”?. Hai câu thơ đi sóng đôi nhau, nhịp 4/3 hài hòa cân xứng, gợi lên hình ảnh một cuộc sống trù phú, thanh bình của làng quê Việt Nam. Những từ ngữ tượng thanh “lao xao”, “dắng dỏi” đứng đầu câu theo phép đặt câu đảo ngữ để nhấn mạnh làm nổi bật ý nghĩa của câu thơ: âm thanh rộn ràng, gần gũi của cuộc sống hiện thực nơi miền quê. Hai câu thơ 5,6 là cái nhìn cuộc sống yên bình xung quanh của thi nhân, không màu mè bóng bẩy trong cách sử dụng từ ngữ miêu tả mà thay vào đó là những âm thanh hiện thực của đời sống thường nhật. Cách nhà thơ tiếp cận, lắng nghe giai điệu cuộc sống quê hương cũng đặc biệt, cũng có “chợ cá làng ngư phủ” theo đề tài quen thuộc “ngư, tiều, canh, mục”, nhưng là một chợ cá nhộn nhịp, đông vui, người người mua bán tấp nập, rộn ràng; tiếng ve kêu âm vang và gần gũi hơn.
Thiên nhiên và cuộc sống hài hòa trong một bức tranh ngày hè. Cảnh vật thì yên bình, con người thì yên vui. Những nét vẽ đơn sơ, giản dị, một vài nốt chấm phá đã mở ra cả 1 khung cảnh mùa hè đẹp nên thơ với sự thanh thản đang xâm chiếm tâm hồn thi nhân. Âm thanh dội tới từ phía làng chài hay chính tác giả đang rộn rã niềm vui trước cảnh “dân giàu đủ”? Tiếng cầm ve hay là khúc nhạc lòng đang được tấu lên?
Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,
Dân giàu đủ khắp đòi phương.
Hai câu thơ cuối là khát vọng của nhà thơ. Từ bức tranh thiên nhiên sinh động, đầy sức sống, chúng ta thấy được một tình yêu thiên nhiên, tình yêu cuộc sống bao la của Nguyễn Trãi. Cảnh thiên nhiên tươi đẹp có cội nguồn sâu xa từ tấm lòng ưu ái với dân, với nước của nhà thơ.
(Yêu nước thương dân đó là điều thường trực trong con người Nguyễn Trãi. Chính lí tưởng cao đẹp đó là mục đích mà ông đã theo đuổi suốt cuộc đời để đem lại nền độc lập cho nước, hạnh phúc cho dân. Ông đã từng trằn trọc vì việc nước:
"Còn có một lòng âu việc nước
Đêm đêm thức nhẵn nẻo sơ chung” (Thuật hứng bài 23)
“Bui một tấc lòng ưu ái cũ
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều Đông” (Thuật hứng bài 5)
“Bui có một lòng trung lẫn hiếu,
Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen”. (Thuật hứng bài 24)
“Tấm lòng cứu nước, vẫn đăm đăm muốn tiến về đông
Cỗ xe cầu hiền, thường chăm chắm còn dành phía tả”
(Bình Ngô đại cáo)
“Đau lòng, nhức óc, chốc đã mười mấy năm trời,
Nếm mật, nằm gai, há phải một hai sớm tối.
Quên ăn vì giận, sách lược thao suy xét đã tinh,
Ngẫm trước đến nay, lẽ hưng phế đắn do càng kĩ”
(Bình Ngô đại cáo)
Nhà thơ vui với cảnh vật, đồng thời ông cũng vui với cuộc sống của người lao động. Chúng ta đã biết, tuy trở về Côn Sơn, Nguyễn Trãi vẫn luôn ôm ấp hoài bão giúp dân có một đời sống no ấm, hạnh phúc, điều này đã trở thành máu thịt trong con người nhà thơ. Ông sống gần gũi với nhân dân, vui với niềm vui của họ, nhà thơ ao ước có cây đàn của vua Thuấn để gảy khúc Nam phong ca ngợi cảnh thái bình, mong ước cho dân được “giàu đủ” ở mọi phương trời. (khúc Nam phong có câu: Gió nam mát mẻ làm cho dân ta bớt ưu phiền/Gió nam thổi đúng lúc làm cho dân ta sống sung túc/thêm nhiều của cải). Tâm thế nhà thơ hướng về cảnh vật nhưng tâm hồn, tình cảm vẫn hướng về nhân dân lao động. Câu thơ cuối chỉ có sáu chữ, ngắn gọn nhưng là sự dồn nén cảm xúc của cả bài thơ. Điểm kết tụ của hồn thơ Nguyễn Trãi không phải ở thiên nhiên mà ở chính con người, ở người dân. Nguyễn Trãi mong ước một cuộc sống ấm no cho dân và đó là hạnh phúc của mọi người ở mọi nơi.
Dường như đang sống nhàn tản cùng cảnh vật cuối hè, bỗng dưng Nguyễn Trãi bộc lộ một nỗi niềm sâu kín, mà thực chất là sự khao khát được hoạt động, vì dân vì nước. Thì ra, sự nhàn tản thể hiện ở những câu thơ phần đầu chỉ là bề ngoài, còn bên trong là cả một tâm trạng u uất của một con người có tài, có đức nhưng bị bè lũ cầm quyền vô hiệu hóa không thực hiện được hoài bão cao đẹp. Lí tưởng “dân giàu đủ khắp đòi phương” của Nguyễn Trãi vẫn có ý nghĩa thẩm mĩ và nhân văn sâu sắc cho tới ngày hôm nay.
Bài thơ thể hiện tâm hồn nghệ sĩ sâu lắng dễ rung cảm trước tạo vật bình thường gần gũi và nỗi đau đời, lo cho đời cùng khát vọng cao đẹp của người anh hùng Nguyễn Trãi. Đây cũng chính là hai yếu tố quan trọng tạo nên vẻ đẹp trong nhiều sáng tác của ông.