Đặng Trần Côn sống vào đầu thế kỉ XVIII, ngoài tác phẩm chính là Chinh phụ ngâm ông còn làm thơ chữ Hán và viết một số bài phú chữ Hán. Đầu thời Lê Hiển Tông có nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra quanh kinh thành Thăng Long. Triều đình cất quân dẹp loạn, nhiều trai tráng phải từ giã người thân ra trận, cảm động trước nỗi khổ đau mất mát của con người, nhất là người vợ lính. “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” là đoạn trích nói về tình cảm nỗi lòng của người thiếu phụ khi chồng đi đánh trận, sự lo lắng và cô đơn ôm trọn tuổi thanh xuân trông ngóng chồng trở về.
Nhớ và sầu đó là hai trạng thái tình cảm bao trùm toàn bộ khúc ngâm của người chinh phụ, Nỗi nhớ thì hướng về một người Giã nhà đeo bức chiến bào mà nỗi sầu thì chia đều cho đôi lứa Thiếp trong cánh cửa, chàng ngoài chân mây. Đấy là nói toàn bộ khúc ngâm, còn ở đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ thì nỗi nhớ dành cho chàng còn nỗi sầu lại dồn vào mình thiếp nên nỗi nhớ da diết hơn và nỗi sầu cũng sâu sắc hơn.
Trước khi diễn ra khúc đoạn trường tâm trạng này người chinh phụ đã từng sống trong những phút giờ nhớ mong, chờ đợi, hi vọng rồi thất vọng. Nàng nhớ lại lời hẹn ngày về của chồng. Nhớ đến cả thời gian, hỏi ngày về ước nẻo quyên ca, hỏi ngày về chỉ độ đào bông… Nhớ cả địa điểm “Hẹn cùng ta lũng Tây nham ấy”, “Hẹn nơi nào Hán Dương cầu nọ”. Nàng hi vọng vào những lời hẹn ước hết sớm đã trông chiều lại tìm. Nhưng rồi những con sóng mong nhớ ấy dồn đuổi nhau để tan vỡ phũ phàng nơi chân trời vô vọng: Tin thường lại người không thấy lại”, “Thư thường tới người không thấy tới”, “Tới xuân này tin hãy vắng không”,... Có thấy được diễn biến tâm trạng trong đoạn trước mới hiểu sâu sắc sự tiếp nối tâm trạng ở đoạn sau.
Năm khổ thơ chia hai nửa tâm trạng. Nửa nhớ với hai khổ thơ đầu và nửa sầu với ba khổ thơ cuối.
Tám câu thơ đầu mở ra một tâm trạng cô đơn, lẻ bóng của người chinh phụ:
“Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước,
Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen.”
Tâm thế rất an lành, người ta chỉ dạo khi tâm trạng đang cần sự thoải mái, người thiếu phụ dạo từng bước từng bước một, thì thầm đếm từng bước chân đi, từng bước chân như từng ngày người vợ xa người chồng của mình. Từng bước chân bước đi như chất chứa muôn nỗi ưa phiền, sự lo lắng, nhớ thương, bồn chồn dành cho người chồng đang chiến đấu nơi biên ải xa xôi đầy nguy hiểm, bất trắc. Nỗi nhớ được thể hiện qua bút pháp miêu tả trực tiếp nội tâm còn nỗi sầu được thể hiện qua nghệ thuật tả cảnh ngụ tình.
Nỗi nhớ ấy như bao trùm cả không gian thời gian, gửi vào gió đông với niềm mong ước ngọn gió xuân dịu nhẹ thổi từ phương Đông tới mang theo hơi ấm tình thương làm vợi nỗi vất vả, gian lao của người chinh phụ trong cảnh “Lạnh lùng những chỗ sướng phong”, “Xông pha gió bãi trăng ngàn”. Nỗi nhớ trải dài đến non Yên một địa danh cụ thể đã gợi khoảng xa xăm biên ải - núi Yên Nhiên thuộc về địa phận ngoại Mông Cổ, nơi đã từng xảy ra những cuộc kịch chiến. Ở đây non Yên được dùng như một địa danh mang tính ước lệ để chỉ những vùng đất xa xôi lại càng gợi lên sự mịt mùng, không xác định.
Hình tượng thiên nhiên rộng lớn. Không gian có tính chất vĩ mô. Câu thơ “Trời thăm thẳm xa vời” không thấu với hai tính từ làm định ngữ miêu tả đã đẩy đất rộng trời cao đến vô tận “thăm thẳm” - không có đích, “xa vời” - không có giới hạn. Đất trời bao la bát ngát đến vô hạn là khoảng cách chia li giữa chinh phu - chinh phụ và nỗi nhớ của người vợ cũng đo bằng khoảng không gian vô hạn ấy.
Nỗi nhớ thương còn được trực tiếp được thể hiện trong hai câu thơ:
Nhớ chàng đằng đẵng đường lên bằng trời
Và
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong
Thần sắc của nỗi nhớ thể hiện qua hai từ láy đằng đẵng và đau đáu. Hai từ này có sự giống nhau và khác nhau về giá trị biểu cảm. Chúng cộng hưởng với nhau gợi lên nỗi nhớ nhung da diết, khôn nguôi một nỗi nhớ luôn canh cánh bên lòng. Tuy nhiên trong sự cộng hưởng ấy, mỗi từ mang một âm sắc riêng. Từ đằng đẵng biểu hiện thời gian không gian dài dằng dặc của nỗi nhớ. Nó là trường độ của nỗi nhớ. Từ đau đáu lại biểu hiện sự tập trung của nỗi nhớ sự trăn trở của nỗi nhớ. Nó là mức độ sâu sắc của nỗi nhớ.
Cõi lòng người chinh phụ không chỉ có nhớ. Nỗi nhớ nhói lên nỗi đau. Bởi nỗi nhớ giày vò chà đi xát lại. Từ thiết tha trong trường hợp này - người thiết tha lòng - mang giá trị biểu cảm từ nghĩa gốc Hán - Việt: như cắt, như mài vào xương thịt.
Với hai câu thơ
Cảnh buồn người thiết tha lòng
Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun,
dịch giả Chinh phụ ngâm đã gặp gỡ tác giả Truyện Kiều:
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.
Câu thơ Chinh phụ ngâm và câu thơ Kiều đều đã thể hiện sâu sắc và tinh tế mối quan hệ giữa ngoại cảnh và tâm cảnh, giữa cảnh vật thiên nhiên và tâm trạng con người. Người vui thì tâm chung vui cũng lan tỏa lên cảnh vật, ngắm nhìn cảnh vật cũng đều thấy vui. Người buồn thì tấm lòng sầu muộn cũng thấm vào cảnh vật, cảnh vật cũng trở nên sầu não.
Hai câu bảy và tám nói trên có ý nghĩa chuyển tiếp mạch thơ từ trực tiếp tả tình đi vào tả cảnh ngụ tình. Điều này là phù hợp với logic tâm trạng người chinh phụ từ tâm trạng nhớ nhung nhìn ra cảnh vật rồi từ cảnh vật lại thu lại về với cõi lòng. Ba khổ thơ cuối gợi tả hai khung cảnh thiên nhiên với sự khác nhau về thời gian, không gian và sự khác nhau về tính chất.
Người thiếu phụ cảm nhận được sự tàn tạ của bản thân, nghĩ là không thể sống trong cảnh đó mãi được:
“Hương gượng đốt hồn đà mê mải
Gương gượng soi lệ lại châu chan.
Sắt cầm gượng gảy ngón đàn,
Dây uyên kinh đứt phím loan ngại chùng.”
Nàng đốt hương, soi gương, gảy đàn để quên đi nỗi cô đơn đang bủa vây, nhưng hình như nó càng ôm trọn lấy nàng. Đốt hương nhớ lại ngày tháng hạnh phúc hương lửa đương nồng, soi gương lại tuôn lệ chua xót cho thân phận mình. Gảy đàn sợ đứt dây đàn sẽ gặp điều không may.
Nàng đem toàn bộ nỗi lòng của mình gửi vào người chồng nơi phương xa:
“Lòng này gửi gió đông có tiện?
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên.
Non Yên dù chẳng tới miền,
Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời.
Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu,
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong.”
Nàng gửi vào cơn gió xuân nỗi nhớ chồng, cao quý như nghìn vàng gửi đến nơi chiến trận của người chồng. Nhưng đó chỉ là trong tưởng tượng, núi Yên ở đâu nàng cũng không biết, khoảng cách giữa nàng và chồng quá xa vời, trời cao không thể thấu, nỗi nhớ chồng càng da diết, như khía vào da thịt không yên.
Tâm trạng người thiếu phụ đáng thương, cảnh vật cũng phải xao xuyến:
“Cảnh buồn người thiết tha lòng,
Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun.”
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ, nàng buồn nên xung quanh nàng cảnh vật cũng u sầu, ảm đạm. “Cành cây, sương, tiếng mưa” tất cả đều mang một nỗi buồn khôn tả. Một thiên nhiên với cảnh mùa đông lạnh lẽo có sương sa, tuyết giá. Thiên nhiên khắc nghiệt làm cảnh vật tàn phai:
Sương như búa bổ mòn gốc liễu
Tuyết dường cưa xẻ héo cành ngô
Những hình tượng búa cưa vốn đã gợi lên sự phũ phàng lại kết hợp với những động từ mạnh bổ xẻ càng thể hiện sức tàn phá dữ dội của sương tuyết. Những từ mòn héo gợi sự cảm nhận sức sống cứ mai một dần chết dần. Nỗi đau kéo dài trong sự hủy diệt ghê gớm và quyết liệt. Thân phận liễu ngô bị giằng xé chà xát bởi bổ bởi xẻ. Cảnh vật hiện lên thật thê lương, bi thiết.
Đối lập với khung cảnh trên là một thiên nhiên khác, có đêm trăng có tiếng dế có hàng chuối có gió mạnh có hoa thắm nguyệt trong. Thiên nhiên tuy gợi chút não nùng nhưng vẫn đẹp một cách lộng lẫy với màu sắc đường nét sinh động
Lá màn lay ngọn gió xuyên
Bóng hoa theo bóng nguyệt lên trước rèm
Hoa giãi nguyệt nguyện in một tấm
Nguyệt lồng hoa hoa thắm từng bông
Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng
Cảnh vật hiện lên đầy sức sống. Sức sống dạt dào thành những chuyển động: nguyệt soi, gió thốc, màn lay, gió xuyên. Sức sống tràn trề đến phải giãi phải lồng. Xuân sắc ấy làm cho nguyệt phải sáng in một tâm, hoa phải thắm từng bông. Hoa và nguyệt được gợi tả trong sự quấn quýt, giao hòa. Ở khổ thơ cuối có tới sáu từ hoa, sáu từ nguyệt được lặp đi lặp lại. Nghệ thuật điệp từ theo lối sóng đôi kết hợp với các động từ theo giãi lồng càng gợi lên sự bện quyện xoắn xuýt giữa hoa và nguyệt. Vừa sóng đôi vừa đồng nhất, hoa và nguyệt còn ánh chiếu lẫn nhau để cùng tỏa sắc, lên hương. Nhờ có hoa giãi nguyệt mà nguyệt in một tấm nhờ có nguyệt lồng hoa hoa càng thắm từng bông. Cảnh không chỉ có vui có trùng trùng mà còn tràn trề xuân tình xuân sắc.
Ở một thời điểm mà đã diễn ra hai khung cảnh thiên nhiên khác nhau đến mức đối lập. Tác giả khúc ngâm chinh phụ đã phá vỡ logic ngoại cảnh để tuân theo logic tâm cảnh. Cùng một lúc người chinh phụ sống trong hai trạng thái tình cảm. Nỗi lòng khắc khoải, sầu muộn, cô đơn gợi lên hình ảnh thiên nhiên khắc nghiệt, lãnh lẽo, tàn phai. Niềm khao khát hạnh phúc lứa đôi dẫn đến sự nhập cuộc đắm say trong cảnh thiên nhiên lộng lẫy, quấn quýt, giao hòa.
Tuy nhiên, cái nền tâm trạng vẫn là nhớ và sầu. Mọi biểu hiện tinh vi, đa dạng của đời sống tình cảm đều dựng trên cái nền tâm trạng ấy. Vì vậy trong cả khúc ngâm luôn xuất hiện sự so sánh cảnh vật có đôi, có duyên, có tình, có hạnh phúc còn con người thì lẻ loi, cô quạnh:
Kìa loài sâu hai đầu cùng sánh
Nọ loại chim chắp cánh cùng bay
Liễu sen là thức cỏ cây
Đôi hoa cùng sánh đôi dây cùng liền
Ấy loài vật tình duyên còn thế
Sao kiếp người nỡ để đấy đây
Đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” này cũng không ngoài quy luật ấy. Từ cảnh vật quay về tâm trạng. Cảnh vật càng quấn quýt giao hoa thì lòng người càng cô đơn, tan nát: "Trước hoa dưới nguyệt lòng xiết đau"
Bốn câu thơ cuối, nhịp thơ đã chậm đi rất nhiều, như thấm vào lòng người đọc, như tiếng vọng ai oán, đượm vào từng nhánh cây, ngọn cỏ. Như câu thơ: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.
Người chinh phụ dám sống thật với những khát vọng chân thực của lòng mình, hơn nữa lại dám nói lên những nhu cầu về hạnh phúc lứa đôi, đó là một tư tưởng nhân văn cao đẹp.
Những biểu hiện tinh tế và phức tạp nhất của đời sống tâm hồn lại được khắc hóa bằng nghệ thuật cổ điển “tả cảnh ngụ tình” quen thuộc, đó là thành công đặc sắc của bút pháp miêu tả nội tâm trong đoạn trích
Giờ đây, người chinh phụ đã không còn niềm vui nào nữa, dường như mọi vật xung quanh cũng ảnh hưởng bởi tâm tư và tình cảm của nàng vậy, như nỗi nhớ “đau đáu” của nàng dành cho người chồng bị cuốn vào cuộc chiến tranh phi nghĩa.
Tóm lại, đoạn trích đã nói lên tình cảm da diết của người vợ dành cho người chồng, ca ngợi tình yêu chung thủy của hai người. Nhưng cũng đồng thời lên án chiến tranh phi nghĩa đã làm bao gia đình phải tan nát, làm vợ phải xa chồng, con phải xa cha, cha mẹ xa con,… Mặt khác, tác phẩm cũng đã phản ánh lên ý thức về cuộc sống, niềm khao khát bảo vệ hạnh phúc gia đình. Đoạn trích chính là lời sự cảm thông sâu sắc dành cho người phụ nữ trong xã hội cũ, căm ghét chiến tranh phi nghĩa, mong ước về tình yêu lứa đôi và hạnh phúc gia đình đầm ấm. Đó cũng là các lí do mà “Chinh phụ ngâm khúc” đã tạo dấu ấn rất riêng biệt trong nên văn học của thế kỉ XVIII mà vẫn còn có giá trị to lớn cho tới bây giờ.