Một trong những tiết học trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12 luôn tạo được sự hứng thú, sáng tạo của học sinh là tiết học “Phát biểu theo chủ đề”. Ở bài học này giáo viên có thể sử dụng nhiều phương pháp tiếp cận, nhưng dù sử dụng phương pháp nào thì mục đích cuối cùng cũng để các em có được sự tự tin hơn, từ đó có khả năng phát biểu trước đám đông, phát biểu hay hơn, hiệu quả hơn. Kĩ năng này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các em trong học tập và trong cuộc sống. Có hai cách để lựa chọn chủ đề phát biểu, một là các chủ đề có sẵn trong sách giáo khoa, học sinh chuẩn bị tại lớp lên phát biểu, có phản biện; hai là giáo viên chia lớp thành hai đội cho học sinh chuẩn bị ở nhà với chủ đề mà các em quan tâm, sau đó trình bày, đội còn lại phản biện.
Tại lớp 12A2 trường THPT Sơn Tây năm 2023, tôi đã cho lớp tự chọn chủ đề phát biểu, vừa phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh, vừa quan sát xem các em đang nhìn nhận, quan tâm đến nhiều vấn đề gì xung quanh cuộc sống của mình. Từ đó, giúp cho giáo viên và học sinh gần gũi để giáo viên hiểu tâm tư, tình cảm của các em nhiều hơn. Nhóm 1 chọn chủ đề “Tình yêu tuổi học trò” với những lập luận, dẫn chứng sát thực tế, nhóm cũng đã chỉ ra mặt tích cực và tiêu cực khi yêu ở tuổi học trò. Học sinh trong lớp phản biện tích cực, sôi nổi, từ đó các em có cách nhìn nhận đúng đắn hơn khi có tình yêu ở lứa tuổi của các em. Nhóm 2 đã chọn chủ đề “Vùng an toàn” với lý do: Chắc hẳn rất nhiều người từng than trách rằng cuộc sống của mình sao quá tù túng, mãi chẳng thăng tiến gì trong khi bạn bè thì đạt được hết thành tích này đến giải thưởng kia, sao họ lúc nào cũng thấy vui vẻ, hưởng thụ cuộc sống. Thực ra, bạn đang không nhận ra, bản thân cũng hoàn toàn có khả năng sở hữu những điều tuyệt vời đó. Nhưng vấn đề là bạn thà “chôn vùi” khả năng của mình để tiếp diễn cái vòng luẩn quẩn được gán mác “ổn định”. Và cái chúng ta cho là “ổn định đó được định nghĩa là “vùng an toàn”. Vậy “vùng an toàn” có thực sự an toàn như bạn nghĩ chúng ta sẽ cùng đến với một câu chuyện.
Mở đầu các em đã trình chiếu đoạn clip với câu chuyện “Con voi và sợi dây thừng” với câu nói cuối cùng của người thương nhân “Sau bao nhiêu năm vẫn bị kìm chân với sợi dây thừng cũ kĩ và nhỏ bé… Quả đúng như vậy, không chỉ có con voi này đâu mà ngay cả con người chúng ta cũng thế”, qua đó, có lẽ mỗi bạn đang tự soi xét lại về cùng an toàn của bản thân, tại sao chúng ta cứ phải nhốt mình trong cái kén của bản thân, trong khi chúng ta giỏi giang và mạnh mẽ hơn chúng ta tưởng rất nhiều và làm thế nào để thoát khỏi cái vỏ bọc “ổn định” đó?
Khái niệm “Vùng an toàn”: Là một trạng thái mà bạn hoàn toàn thoải mái về mặt cảm xúc, bạn cảm thấy an toàn tuyệt đối, quen thuộc với môi trường hiện tại mà không muốn đi ra khỏi đó.
Ảnh hưởng:
Vậy nếu có người suy nghĩ là “thôi tôi không cần bứt phá, tôi chỉ cần ổn định nên tôi không cần phải thay đổi, tôi không được thêm nhưng tôi cũng chả mất gì. Liệu suy nghĩ đó có đúng không? Có thể sẽ đúng trong một vài trường hợp đặc biệt hoặc chỉ đơn giản là bạn chưa nhìn thấy ngay được tác hại của nó thôi, vậy nếu chúng ta cứ ở lì trong vòng tròn thoải mái của mình thì chúng ta sẽ đánh mất đi những gì? Mất động lực, luôn cảm thấy kém cỏi; Không phát triển được hết các tiềm năng; Tụt lùi so với xã hội, lỗi thời; Thiếu trải nghiệm, tư duy hạn hẹp; Thiếu tự tin, kém giao tiếp, bỏ lỡ cơ hội để phát triển.
Góc nhìn đa diện:
Phân biệt Mạo hiểm và Thoát khỏi vùng an toàn?
Mạo hiểm
- Làm điều thích: Trong số chúng ta ai cũng sẽ mong muốn được làm những điều mình thích, tuy nhiên trong một số trường hợp nó vô tình trở thành trở ngại rất lớn: Giả sử nếu trong những bước ngoặt quan trọng của cuộc đời bạn đã chọn sai, bạn quá cảm tính và liệu thực sự bạn có hiểu một chút gì về vẽ, bạn làm sao để phối màu đơn giản, bạn có thể đáp ứng được điều gì khi bắt đầu với bộ môn này.
- Mơ ước xa vời: Trước khi quyết định thử sức với một điều mới bạn cần xác định được việc bạn có sở trường, sở đoản gì? bạn đang phát triển dần hay cố tình nhảy vọt vào một nơi không có điều gì liên kết với mình. Con cá có thể cố bơi ngược dòng, có thể cố bơi để tìm ra biển lớn nhưng không thể cố để bay. Cuộc đời không giới hạn nhưng bạn cần từng bước một thích ứng và chinh phục nó, chứ không phải tăng tốc rồi thất bại.
- Không có kế hoạch: Động lực đang đưa bạn tới việc khám phá bản thân mình, bạn quyết định và đặt mục tiêu cho bản thân. Nhưng nếu bạn muốn làm mà không có kế hoạch, không tìm hiểu và thay đổi rút kinh nghiệm, để phát triển thì nó sẽ mãi mãi dậm chân tại chỗ, thoát khỏi vùng an toàn đồng nghĩa bạn sẽ trên hành trình khó khăn, có khi lạc đường, thất bại nhưng đó là điều tất yếu, chỉ cần bạn thử lại, cố gắng và cải tiến sai lầm, bạn sẽ có bước tăng trưởng.
Làm sao để biết mình đang ở vùng an toàn?
- Luôn nói không - không thể: Đôi lúc, ta sẽ có phản xạ như thể tự nhiên khi có người đưa ra yêu cầu hay đề xuất một mệnh lệnh với mình. Bạn có thể thuyết trình phần này không? Tôi không thể, tôi sợ là mình sẽ làm không tốt, tôi có thể thử với công việc khác. Điều đầu tiên, lí do vì sao bạn lại nói không, nhiều lần không sẽ là mãi mãi không, nếu bạn nói có, thử sức nó có thể mất một hai lần để bạn trở thành một người diễn thuyết cừ khôi - tại sao vẫn luôn là không? Bạn đang tự đánh mất cơ hội thử thách và khai phá bản thân.
- Không dám làm lại khi thất bại: Một lần ngã bạn thấy rất nhụt chí. Hai lần ngã bạn thấy buồn, tuyệt vọng, có khi có hàng trăm nghìn câu hỏi rằng: mình có đang đi sai đường không? Sao mình lại kém cỏi vậy? Có lẽ nào mình sẽ mãi mãi thất bại. Mọi thứ chỉ thực sự thất bại khi bạn bỏ cuộc, sau mỗi lần thất bại bạn học được càng nhiều, sửa được càng nhiều, hãy thử một lần nữa.
- Không dám vượt qua thử thách: Lúc bắt đầu tập nhảy xà, bạn có sợ không? Không biết có đến bao nhiêu thứ ghìm mình lại không cho mình chạy đà và dậm nhảy: mình sợ sai kĩ thuật. Mình sợ ngã, sợ xà sẽ rơi…
Chúng ta khi trước thử thách sẽ có sợ hãi, có một bên lí trí có níu chúng ta lại, có khi mình sẽ tự giam mình ở đó mãi mãi, đối mặt với sợ hãi nhưng không cách nào vượt qua được.
Cách thoát khỏi vùng an toàn:
Vậy để các bạn có thể xác định mình cần làm những gì để thoát khỏi cùng an toàn, có một vài gợi ý sau:
B1: Xác định vùng ưu tiên (bạn ko thể làm tốt một việc gì khi mà bạn không hiểu rõ và có một kế hoạch cho nó được),
B2: Thực hiện từng bước nhỏ và luôn giữ kỉ luật cho bản thân (động lực có thể khiến bạn hôm nay làm 10 và mai không làm gì cả, nhưng kỉ luật sẽ giúp bạn mỗi ngày làm một và tiếp tục cho đến 100),
B3: Thử thách bản thân (mỗi ngày hãy cố gắng thêm một chút chẳng hạn như thay vì dậy lúc 5h thì mỗi ngày bạn có thể cố dậy sớm thêm 5 phút và đương nhiên đừng đặt mục tiêu quá lớn để tránh bị nản),
B4: Công nhận nỗ lực của bản thân đừng ngần ngại thưởng cho bản thân khi lần đầu tiên đạt được điều gì đó, điều này giúp cho bạn có động lực để bước tiếp.
Vậy nếu hôm nay bạn đã nhìn lại và tự soi xét lại bản thân mình thì đó đã là bước thành công đầu tiên của việc thoát khỏi vùng an toàn.
Bài phát biểu chủ đề của nhóm 2 đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các thành viên của lớp. Nhóm đã rất sáng tạo từ cách chọn chủ đề đến cách trình bày chủ đề một cách khoa học, dễ hiểu. Các nội dung rõ ràng như nói hộ tâm tư của nhiều bạn đồng trang lứa.
Tiết học “Phát biểu theo chủ đề” kết thúc đã đạt được mục tiêu đề ra: hiểu được yêu cầu, cách thức phát biểu theo chủ đề; trình bày được ý kiến của mình trước tập thể phù hợp với chủ đề được nói tới.
Dưới đây là một số hình ảnh của tiết học: