Hiệu ứng Domino là một đề tài được nhiều người biết đến và quan tâm. Nó có ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của con người. Nếu như mỗi người có thể hiểu rõ và ứng dụng thành công hiệu ứng Domino thì có thể đem lại rất nhiều lợi ích trong cả công việc và đời sống. Nhưng chưa có những nghiên cứu cụ thể về tác động của hiệu ứng Domino tới đối tượng là học sinh Trung học phổ thông. Do đó, tôi quyết định nghiên cứu đề tài “Sử dụng hiệu ứng Domino để tạo lập thói quen tốt loại bỏ thói quen xấu cho học sinh của lớp chủ nhiệm” với các lí do sau:
Thứ nhất, có rất nhiều những nghiên cứu khoa học về hiệu ứng Domino nhưng chúng chưa được biết đến và phổ biến rộng rãi trong lứa tuổi học sinh Trung học phổ thông. Hiệu ứng Domino vẫn còn là một khái niệm xa lạ với học sinh. Vì vậy, các em cũng không thể biết tới những lợi ích của hiệu ứng và ứng dụng nó vào cuộc sống.
Thứ hai, xã hội hiện đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, có ảnh hưởng rất lớn tới những thói quen của giới trẻ. Không thể phủ nhận tầm quan trọng của công nghệ thông tin trong cuộc sống hiện đại nhưng đồng thời nó cũng mang lại không ít tác hại xấu. Và học sinh cũng không nằm trong ngoại lệ, học sinh có thể ứng dụng công nghệ thông tin để dễ dàng tiếp thu tri thức, trao đổi với thế giới rộng lớn bên ngoài... nhưng nó cũng dễ dàng sa đà học sinh vào những trò chơi, tiêu tốn thời gian vào những ứng dụng vô bổ... dẫn tới học sinh không thể tập trung vào học tập cũng như không giành nhiều thời gian quan tâm tới gia đình, bạn bè...
Thứ ba, với học sinh ngoài việc học tập tiếp thu tri thức, học sinh cũng cần phải tham gia những hoạt động ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng sống, luyện tập thể thao, vui chơi... Vậy làm thế nào để có thể quản lý thời gian hiệu quả? Việc áp dụng hiệu quả hiệu ứng Domino để tạo lập thói quen tốt, loại bỏ thói quen xấu là điều cần thiết.
Tác giả đã nghiên cứu hiệu ứng Domino để giúp học sinh hiểu được tầm quan trọng của những hành vi, thói quen nhỏ, từ đó luôn hiểu được, ý thức được ý nghĩa của những hành vi nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày và tận dụng lợi ích của chúng.
Nghiên cứu đưa ra giải pháp cụ thể, thiết thực giúp học sinh của lớp chủ nhiệm ý thức được những tác động tốt – xấu của những thói quen nhỏ trong cuộc sống. Đồng thời từ những giải pháp cụ thể mà tôi đề ra, các em có thể tự thành lập cho mình những thói quen tốt và loại trừ những thói quen xấu.
Các nghiên cứu giúp học sinh tự hoàn thiện bản thân và có cho mình một hành trang tốt nhất về cả tri thức và những kỹ năng cần thiết để bước tới tương lai.
Trước hết chúng ta cần hiểu Hiệu ứng Domino là gì?
Hiệu ứng domino là một phản ứng chuỗi xảy ra khi một thay đổi nhỏ tại điểm gốc của hệ có thể gây ra những thay đổi tương tự tại các điểm lân cận, từ đó lan tỏa ra các điểm xa hơn và tạo ra một chuỗi thay đổi tuyến tính. Hiệu ứng này thường được sử dụng trong trò chơi xếp quân Domino.
Khi xếp các quân cờ Domino đứng cạnh nhau với khoảng cách giữa hai quân cờ không quá xa, ta có thể đẩy đổ một quân cờ Domino đầu tiên, quân cờ đó sẽ đổ vào quân cờ đứng cạnh khiến nó đổ theo, quá trình này tiếp diễn đến khi toàn bộ loạt quân cờ Domino đều đổ. Các thay đổi đối với những quân cờ là giống nhau, vì vậy chúng tạo ra một chuỗi thay đổi tuyến tính, điều này có được khi ta coi hệ quân cờ Domino là độc lập và sự thay đổi của hệ chỉ gây ra bởi tác động tới quân cờ đầu tiên. (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)
Hiệu ứng Domino cũng có thể hiểu rằng: Việc thay đổi một hành vi, thói quen nào đó sẽ khởi động chuỗi phản ứng và thay đổi hành vi, thói quen trong nhiều việc khác.
Giáo sư Stanford BJ Fogg cũng từng viết rằng: “Bạn không bao giờ có thể thay đổi một hành vi duy nhất. Tất cả các hành vi của chúng ta đều liên kết chặt chẽ với nhau nên khi bạn thay đổi một hành vi, những hành vi khác cũng sẽ thay đổi theo”
Cách ứng dụng hiệu ứng Domino cho học sinh của lớp chủ nhiệm
Giáo viên chủ nhiệm thường xuyên giáo dục, giảng giải để học sinh hiểu được tác động của hiệu ứng Domino tới hành vi suy nghĩ của học sinh.
Tác động của hiệu ứng Domino tới hành vi suy nghĩ của học sinh Hiệu ứng Domino luôn hiện diện xung quanh cuộc sống của chúng ta, nó ảnh hưởng rất nhiều đến việc thành lập những thói quen của học sinh:
- Thói quen tốt
VD: Thói quen tự học, tập thể dục buổi sáng, kĩ năng quản lý thời gian, thói quen về lòng biết ơn...
- Thói quen xấu
VD: Dùng điện thoại quá nhiều, nghiện game online...
Từ đó học sinh nhận thức được: Mối quan hệ giữa hành vi nhỏ - thành quả lớn. Đôi khi, những chi tiết nhỏ lại tạo ra sự khác biệt lớn SỨC MẠNH CỦA THAY ĐỔI 1% MỖI NGÀY. Nếu mỗi ngày bạn tốt hơn hôm qua 1% thì sau một năm sự thay đổi là: 1,01365. Ngược lại, nếu mỗi ngày bạn kém hơn hôm qua 1% thì sự khác biệt đó là: 0.99365. Rõ ràng 1,01 và 0,99 chẳng khác biệt nhau nhiều lắm. Thế nhưng sau một năm sự khác biệt đó là: 1,01365= 37,78 và 0.99365 = 0,03. Và sự khác biệt nằm ở đây 1,01365/0.99365 = 1260 lần. Điều này có nghĩa là nếu mỗi ngày bạn chăm học Tiếng Anh hơn một chút xíu (1%) so với việc lười hơn một chút xíu (1%) thì sau một năm, bạn giỏi Tiếng Anh gấp 1260 lần. Nếu mỗi ngày bạn tập thể dục khỏe mạnh gấp 1% so với việc lười vận động, không giữ gìn sức khỏe 1% thì sau một năm bạn khỏe mạnh gấp 1260 lần. Đó mới chỉ là 1% sau 1 năm chứ chưa phải là sau 5 năm, 10 năm hay 20 năm, hoặc thậm chí 50 năm.
Mỗi khi bắt đầu một công việc nào đó mọi người thường có xu hướng chỉ muốn nhìn thấy một kết quả tốt đẹp nhưng hầu hết họ lại chán nản, nhụt chí khi nghĩ tới quá trình tạo nên kết quả đó.
Nhưng nếu như mọi người dành một chút thời gian lên kế hoạch thực hiện công việc: điều gì sẽ thực hiện trước, điều gì thực hiện sau... chia nhỏ công việc ra và bắt đầu lần lượt thực hành nó thì tự nhiên mọi người sẽ cảm thấy công việc không còn khó khăn như trước nữa.
Có thể khi thực hiện những hành động nhỏ trong một thời gian mà bạn vẫn không thấy gì thay đổi và muốn bỏ cuộc. Đừng bỏ cuộc vào lúc này bởi nếu bạn bỏ cuộc thì mãi mãi cũng chẳng có gì thay đổi nhưng nếu bạn kiên trì mỗi ngày một hành động nhỏ, mỗi ngày cố gắng thêm một chút và thời gian sẽ cho bạn câu trả lời.
Những thành quả tốt đẹp hôm nay sẽ là thước đo sự cố gắng nỗ lực kiên trì của bạn trong quá khứ. Vậy tại sao mỗi ngày bạn không cố gắng hơn hôm qua một chút để nhận thấy sự trưởng thành, phát triển của mình theo thời gian; để thấy được những điều tuyệt vời mà mình đã tạo nên?
Ví dụ: Khi ai đó muốn tạo lập thói quen tập thể dục thể thao mỗi ngày. Họ sẽ nghĩ tới thành quả sau khi tạo lập thói quen họ sẽ có một cơ thể khỏe mạnh, tràn đầy năng lượng, tự tin... Nhưng khi nghĩ đến những bài tập luyện khó khăn hay mỗi ngày rời giường sớm thì họ lại bỏ cuộc một cách nhanh chóng. Vậy bạn nghĩ rằng trong trường hợp này bạn sẽ dễ dàng bỏ cuộc hay là ngồi lại lập ra một kế hoạch cho riêng mình và thực hiện chúng kiên trì mỗi ngày?
Cách ứng dụng hiệu ứng Domino. Cách ứng dụng hiệu ứng Domino để tạo lập thói quen tốt
Hiệu ứng Domino là một hiệu ứng xảy ra với cuộc sống của chúng ta, ta hoàn toàn có thể ứng dụng chúng để tạo cho mình những thói quen tốt bằng cách:
- Thực hiện hành động nào đó liên tục hàng ngày: chọn một hành động mà bạn cảm thấy hứng thú và thực hiện nó liên tục, hãy để cho con Domino đầu tiên đổ xuống để khởi động một chuỗi phản ứng của riêng mình.
- Duy trì và chuyển sang hành động khác: một khi đã khởi động chuỗi Domino thì hãy cố gắng giúp cho các con Domino đổ xuống đều đặn
- Chia nhỏ mọi thứ để có thể kiểm soát được: khi mà mọi thứ có xu hướng vượt qua tầm kiểm soát của bạn thì hãy bình tĩnh phân chia công việc đều ra để thực hiện chúng dễ dàng hơn.
- Loại bỏ những hành động không thích hợp trong chuỗi hiệu ứng: chuỗi Domino của bạn có thể đổ theo hướng tốt thì hoàn toàn có thể đổ theo hướng xấu (điện thoại, tin nhắn không cần thiết...) và học sinh thì luôn dành quá nhiều thời gian cho chúng thay vì những con Domino tốt. Hãy học cách từ chối chúng, khiến chúng biến mất trong chuỗi Domino của mình.
Hãy chọn cho mình những con domino phù hợp để xô đổ những con Domino to lớn. Hãy để một hành động nhỏ hôm nay tạo nên một con người thành công của mai sau.
Cách ứng dụng hiệu ứng Domino để loại bỏ những thói quen xấu
Trong chuỗi Domino thói quen hàng ngày của học sinh, luôn xuất hiện những con Domino đổ theo hướng tiêu cực. Đó đều là những thói quen xấu rất khó sửa đổi như: sử dụng điện thoại quá nhiều, chơi game online ... Và các em luôn “hào phóng” thời gian của mình cho những thói quen vô bổ này.
Học sinh hiện nay hầu hết vướng phải vấn đề đó là sử dụng điện thoại quá nhiều và ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống sinh hoạt hàng ngày hay vấn đề học tập. Bản thân họ nhận thức được điều đó nhưng họ lại không thể từ bỏ thói quen xấu này.
Vậy làm thế nào để có thể loại bỏ chúng? Đó là điều không dễ dàng vì đó hầu hết là những thói quen đã ăn sâu vào trong con người các em. Không phải nói loại bỏ là loại bỏ mà nó còn cần một quá trình lâu dài. Nếu không thể khước từ những thói quen xấu nhanh chóng thì hãy thực hiện một quá trình lâu dài. Mỗi ngày các em thực hiện thói quen đó ít đi một chút và kiên trì lâu dài thì tới một thời điểm nhất định nào đó các em sẽ nhận ra mình không còn dành quá nhiều thời gian cho thói quen xấu đó nữa thậm chí học sinh hoàn toàn có thể loại bỏ nó triệt để.
Nếu như thể trực tiếp loại bỏ thói quen dùng điện thoại thì mỗi ngày hãy tự thiết lập cho mình một kỉ luật để thực hiện rút ngắn thời gian dùng điện thoại. Có thể ban đầu các em chỉ cần giảm thời gian dùng điện thoại trong vòng 10 phút và duy trì nó trong vài ngày. Sau khi đã quen với việc dùng điện thoại ít đi 10 phút các em sẽ tăng dần lên ít đi 15 phút, 20 phút... và học sinh dần trở nên không còn quá phụ thuộc vào điện thoại.
Thay vì suy nghĩ việc để mình rời khỏi game online là việc bất khả thi thì sao các em không bắt đầu dành một chút thời gian dùng chơi game online để tận hưởng cuộc sống vui vẻ nhộn nhịp ngoài kia hay dành một chút thời gian ở bên gia đình bạn bè nhiều hơn. Học sinh cũng có thể sử dụng một số phần mềm quản lí thời gian, nhắc nhở thói quen hữu ích:
Từ phong trào ở lớp dẫn đến mỗi học sinh cũng có thể tự xây dựng những chuỗi Domino trong cuộc sống hàng ngày của mình, chuỗi Domino theo phong cách riêng của chính mình để thu được những kết quả tốt. Các em có thể xây dựng cho mình những thói quen như: tự học, thể dục thể thao, rèn luyện những kỹ năng cần thiết hay loại bỏ thói quen xấu như nghiện chơi điện tử hay sử dụng điện thoại nhiều...
Nhóm 1: Học sinh không duy trì được thói quen tập thể dục do các em cảm thấy nhàm chán và không có động lực khi mà luôn phải một mình tập thể dục mỗi ngày, vì vậy các em chán nản và bỏ cuộc.
Nhóm 2: Học sinh có thể duy trì tốt thói quen tập thể dục do khi cùng cả lớp thực hiện thói quen mọi người có nhiều thời gian trao đổi với nhau về chúng, cũng có những buổi tập cùng nhau, chia sẻ với nhau về những bài tập, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn trong bài tập hay cũng có cả những phương pháp để đua nhau trong khi tập thể dục. Các em cảm thấy hào hứng khi hoạt động thể dục mỗi ngày cùng mọi người và còn muốn tiếp tục thói quen này. Từ đó tôi rút ra kết luận là học sinh thường ít khi có thể duy trì một thói quen nào lâu dài mà thường bỏ cuộc. Bởi khi thực hiện riêng rẽ, không có cùng trao đổi, cố gắng, hay nhiều khi là thách thức nhau nên họ không có động lực và dễ chán nản. Vì vậy, tác giả đưa ra giải pháp khi học sinh muốn bắt đầu duy trì một thói quen nào đó hãy tìm những người bạn đồng hành với mình. Những người sẽ cùng chia sẻ, cùng thực hiện, cùng kiên trì đôi khi là sự cạnh tranh với nhau để giúp học sinh có thể bổ sung những thiếu xót của mình và duy trì tốt thói quen mà các em muốn tạo lập. Những người đó không nhất thiết phải là bạn bè mà còn có thể là những người thân trong gia đình các em những người có thể giúp đỡ học sinh trong quá trình hình thành những thói quen tốt. Và khi các em đã hình thành thói quen đó cho mình, các em đã coi nó là một phần trong cuộc sống của mình thì các em cũng có thể tự mình rèn luyện thói quen mà không cần sự đỡ của người khác. Từ thói quen đó nó đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của bản thân.
Hay các em muốn tạo thói quen tự học nhưng học sinh lại không thể kiên trì nó lâu dài thì các em nên rủ một người bạn cùng học với mình cùng giúp đỡ nhau những bài tập khó hay cùng chia sẻ với nhau những quyển sách hay, lý thú hay chỉ đơn giản là cùng nhau tới thư viện mượn sách... Cùng nhau cố gắng để rồi cùng đạt cho mình những kết quả tốt đẹp.
Từ việc tạo lập thói quen tốt như duy trì dậy sớm tập thể dục mỗi sáng, các em đã tạo ra hiệu ứng Domino với nhiều thói quen tốt đi cùng và tạo nên phong trào thi đua lan tỏa trong cả lớp thậm chí hiệu ứng sang học sinh các lớp khác như thi đua học tập, tham gia ngoại khóa hay các phong trào khác mà nhà trường phát động.
Hiệu ứng Domino là hiệu ứng giúp học sinh tạo lập và duy trì thói quen tốt đồng thời ngăn chặn những hành vi thói quen xấu trong cuộc sống.
Không chỉ bản thân mỗi người tạo được thói quen tốt mà mỗi người sẽ lan truyền, tạo kích thích cho những người xung quanh hưởng ứng để giúp cho xã hội ngày càng phát triển và tốt đẹp hơn.
Tác giả rất mong muốn rằng hiệu ứng Domino ngày càng được nhiều người ứng dụng trong cuộc sống cũng như trong công việc của mình.