Phạm Ngũ Lão (1255 - 1320), người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào (nay thuộc Ân Thi- Hưng Yên). Ông xuất thân từ nông dân, từ nhỏ ông tỏ ra lanh lợi, có sức khoẻ, giỏi võ nghệ . Trẻ tuổi nhưng đã có chí lớn cứu nước giúp đời. Nên ông đã trở thành một tướng tài dưới quyền Trần Hưng Đạo.
Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tuỳ bút kể chuyện ông ra mắt Trần Hưng Đạo như sau: Hôm ấy Hưng Đạo Vương từ Vạn Kiếp lên kinh sư, tiền hô, hậu ủng, qua Đường Hào thấy một chàng trai ngồi bên vệ đường đang đan sọt, quân tiền đạo kéo đến, dẹp lối đi. Ông vẫn ngồi thản nhiên, như không để ý đến ai cả. Quân lính cầm giáo đâm vào đùi ông, ông vẫn không nhúc nhích, kiệu Trần Hưng Đạo tới, thấy vậy Hưng Đạo Vương dừng lại hỏi, bấy giờ ông mới trả lời rằng đang nghĩ một câu trong binh thư nên không để ý. Biết người có tài, Trần Hưng Đạo cho ông ngồi cùng kiệu đưa về kinh sư, từ đó trở thành môn khách của Trần Hưng Đạo. Sau thấy ông là người văn võ chí khí hơn người, Trần Hưng Đạo yêu mến gả con gái nuôi cho, và tiến cử Ngũ Lão với triều đình. Trong hai lần chống quân Nguyên xâm lược (1285, 1288), Ngũ Lão lập nhiều chiến công.
Dưới triều Trần Nhân Tông, ông cai quản đội quân Hữu vệ thánh dực. Đến triều Anh Tông, năm Hưng Long thứ 2 (1294), ông theo Thượng Hoàng đi đánh Ai Lao ở sông Đào Long được phong Kim phù.
Năm Hưng Long thứ 6 (1298), ông làm Kim Nghiêm đại tướng quân ở hữu vệ, năm thứ 7 (1299) được phong làm Thân Vệ tướng quân, kiêm cai quản quân Thiên Thuộc ở Long Hưng. Năm thứ 9 (1301) lại đại phá quân Ai Lao ở Mường Mai, thăng Thân Vệ Đại tướng quân, được ban Quy phù. Thời Minh Tông, năm Đại Khánh thứ 5 (1318), quân Chiêm Thành đến xâm lược, ông chỉ huy quân đánh tan giặc, được phong Quan Nội hầu và được ban Phi ngư phù. Năm Đại Khánh thứ 7 (1320) ông mất, thọ 66 tuổi. Vua bãi triều năm ngày để tỏ lòng nhớ tiếc ông.
Phạm Ngũ Lão được Hưng Đạo Đại Vương gả con gái cho. Điều này rất hiếm xảy ra trong vương triều Trần. Để làm được điều đó một cách thuận tình đạt lý, Trần Quốc Tuấn đã phải giáng con gái Anh Nguyên xuống làm con nuôi. Chỉ riêng điều đó đã thấy sự nhìn xa trông rộng, phát hiện và trọng dụng hiền tài của Hưng Đạo Vương. Điều đó cũng khẳng định sự tiến bộ vượt bậc trong thuật dùng người hiền xuất thân từ tầng lớp bình dân để phát huy sĩ khí cả nước trong trị quốc và đánh giặc.
Sử gia Phan Huy Chú trong Lịch triều Hiến chương loại chí, phần ghi chép và bàn về các vị tướng tài giỏi đã tôn vinh 16 vị tướng từ thời Lý đến thời Lê sơ, riêng triều Trần có 4 người là Trần Quốc Tuấn, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư và Phạm Ngũ Lão, điều đó cho thấy ngay cả sử quan thời phong kiến luôn bảo vệ tôn thất nhiều khi thiên lệch đã khách quan nhìn nhận tài năng quân sự của ông, xếp ông vào hàng danh tướng bậc nhất, đã khẳng định vai trò vị trí của ông trong các võ công hiển hách của vương triều Trần.
Về các chiến công của ông, theo sử chép thì chủ yếu là trong các lần đánh dẹp Ai Lao và Chiêm Thành, nhưng thực ra, tài năng quân sự của ông đã được thể hiện và khẳng định nổi trội ngay từ khi tham gia cuộc trường chinh đánh quân Nguyên - Mông lần thứ hai.
Tháng 9 năm 1284, để đối phó với tình hình căng thẳng từ sức ép chiêu hàng của triều đình nhà Nguyên và sự lung lay giữa đánh hay hòa của nội bộ triều Trần, Trần Quốc Tuấn cho tổng duyệt các quân tại Đông Bộ Đầu để nâng cao sĩ khí toàn quân, củng cố tinh thần chiến đấu của các vua Trần. Trong cuộc đại duyệt ấy, Trần Quốc Tuấn đã cắt cử bố phòng và điều những tướng tài giỏi nhất lên các mặt trận quân sự quan trọng, Phạm Ngũ Lão được giao trọng trách bố trí quân đội bảo vệ vùng biên giới Đông Bắc, Thượng tướng quân Trần Nhật Duật bảo vệ vùng biên giới Tây Bắc cho thấy sự tin cậy tuyệt đối của Trần Quốc Tuấn cũng như các vua Trần vào vị tướng trẻ không cùng dòng tộc Phạm Ngũ Lão (khi ấy ông mới 30 tuổi).
Bố trí Phạm Ngũ Lão phòng thủ trên mặt trận Đông Bắc, nơi 50 vạn quân do Thoát Hoan dẫn đầu chuẩn bị đánh sang là một tính toán có tính chiến lược cao, xuất sắc của Trần Quốc Tuấn. Bởi nếu là một vị tướng tôn thất khác, trước thanh thế cực lớn của quân xâm lược sẽ rất dễ dao động.
Trên thực tế, những ngày đầu chiến đấu chống lại đội quân xâm lược hùng mạnh, quân ta thất lợi và liên tiếp phải lui binh chiến thuật, bảo toàn lực lượng chờ thời cơ phản kích. Nếu không phải là một tướng giỏi, am tường chiến lược chiến tranh lâu dài (một chủ trương hết sức đúng đắn của Trần Quốc Tuấn) sẽ không thể thực hiện được và khi ấy sự thất bại của cả một vương triều là không thể tránh khỏi (thực tế lịch sử đã chứng minh, nhiều tôn thất nhà Trần thời điểm này đã đầu hàng giặc mà điển hình là Chiêu quốc vương Trần Ích Tắc).
Khi nhận trọng trách phòng thủ hướng chính diện mà tập đoàn quân Thoát Hoan tiến đánh ồ ạt như triều dâng thác đổ, Phạm Ngũ Lão đã bố phòng ở các cửa ải chặn giặc, cùng dân binh đánh những trận đầu tiên khi chúng xâm phạm vào đất đai Tổ quốc, khôn khéo từng bước lui binh theo ý đồ chiến lược đã định. Khi được Trần Hưng Đạo tin tưởng, Phạm Ngũ Lão đã đem hết sở học và tài năng quân sự của mình trong chiến cuộc lui binh thần diệu sau khi hết sức quả cảm đánh giặc tại các cửa ải Nội Bàng, Chi Lăng... và theo kế sách lui binh thành công về Vạn Kiếp.
Trong cuộc lui binh chiến lược có ý nghĩa sống còn này, Phạm Ngũ Lão đã bộc lộ là một tướng tài kiệt xuất. Khi chiến sự tiếp tục bất lợi, Trần Quốc Tuấn phải phò hai vua bỏ Thăng Long, cũng lúc ấy, đạo quân của Toa Đô từ Chiêm Thành đánh ra phía Bắc, phá vỡ ải Nghệ An đang tràn ra Thanh Hóa khiến cục diện chiến tranh thập phần nguy ngập với quân ta. Lúc đó, theo mệnh lệnh của Trần Quốc Tuấn, Phạm Ngũ Lão lập tức đi tiên phong trong đội quân của Thượng tướng Trần Quang Khải tác chiến trên mặt trận mới chống nhau với nguyên soái Toa Đô, một tướng tài lão luyện của quân Nguyên - Mông.
Ngoài sự cầm quân tài giỏi của Trần Quang Khải trên mặt trận này, phải nói đến công lao xuất sắc của Phạm Ngũ Lão. Khi ấy, danh tiếng tướng quân Phạm Ngũ Lão khiến giặc luôn khiếp sợ, uy danh của ông đã vang xa sang cả phía địch quân. Trong những tháng ngày tác chiến gian khổ với đại quân Toa Đô, kinh nghiệm chiến trường cùng với sự dày dạn chiến đấu của binh sĩ đã cho Phạm Ngũ Lão một niềm tin tất thắng. Cục diện chiến tranh khi ấy đã ở vào thế giằng co và quân địch sau thế thượng phong ban đầu đã sinh kiêu ngạo, bê trễ, khinh địch - cái lẽ tồn vong của mọi cuộc chiến tranh.
Thời cơ tổng phản công đã tới, sau chiến thắng Hàm Tử quan trọng đập tan đội hải thuyền hùng hậu của nguyên soái Toa Đô, Trần Quốc Tuấn quyết định tập kích Chương Dương. Phạm Ngũ Lão lĩnh ấn tiên phong dưới sự chỉ huy trực tiếp của thái sư Thượng tướng Trần Quang Khải sử dụng đường thủy tiến đánh Chương Dương, nơi tập trung phần lớn thủy quân và kỵ binh địch. Trận đánh đã diễn ra hết sức khốc liệt, Phạm Ngũ Lão dẫn đầu các tráng sĩ cảm tử trên những chiến thuyền giấu sẵn chất nổ và đồ dẫn lửa xông thẳng vào những hạm thuyền của Nguyên - Mông mặc đại bác bắn như mưa, khói lửa mù mịt trong tiếng Sát Thát vang lên ghê rợn.
Đội cảm tử áp sát đốt thuyền giặc, những tiếng nổ kinh thiên động địa, lửa cháy, đầu rơi, máu chảy, cả một biển lửa bùng lên. Trong ánh lửa, Phạm tướng quân cùng những dũng sĩ xông lên thuyền địch với một thế mạnh không gì ngăn nổi. Sau trận Chương Dương, Trần Quốc Tuấn biết Thoát Hoan tất phải bỏ kinh thành tháo chạy, đã cắt cử Phạm Ngũ Lão, dẫn quân mai phục bên cánh rừng cửa ải Nội Bàng, truy kích tàn quân của Thoát Hoan. Tàn quân Nguyên - Mông lại một phen táng đởm kinh hồn dưới tài bố trận của Phạm Ngũ Lão.
Phạm Ngũ Lão là vị tướng luôn có mặt ở những trận quyết chiến quan trọng và luôn tự mình xông lên giết giặc làm gương cho ba quân tướng sĩ. Cuộc đời ông là cuộc đời gắn liền với chiến trận và những chiến công vang dội. Theo tấm gương của Hưng Đạo Đại Vương, ông luôn yêu lính như con, đồng cam cộng khổ, trên chiến trường thì cực kỳ dũng cảm, khi rèn quân lại hết sức nghiêm minh, tự mình làm gương, biết phát huy các sở trường, địa hình, thời tiết... để giành chiến thắng.
Bàn về ông, Lê Quý Đôn từng nói: "Phạm Ngũ Lão là người trong trẻo, cứng rắn, cao thượng, thanh liêm, có phong độ như kẻ sĩ quân tử đời Tây Hán, thật không phải người tầm thường có thể theo kịp được. Bởi vì nhà Trần đãi ngộ sĩ phu rộng rãi mà không bó buộc, hòa nhã mà có lễ độ, cho nên nhân vật trong một thời có khí tự lập, hào hiệp cao siêu, vững vàng vượt ra ngoài thói thường, làm rạng rỡ trong sử sách, trên không hổ với trời, dưới không thẹn dưới đất".
Tài năng, đức độ, công lao và uy tín của Thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão đã đi vào lịch sử và được nhân dân các thế hệ, nhất là quê hương ông tôn thờ mà đỉnh cao là lễ hội đền Phù Ủng hằng năm tưởng nhớ công đức của ông. Cũng nhiều nơi có thờ ông, đặc biệt trong các đền thờ Hưng Đạo Đại Vương thường có cả tượng thờ ông, một danh tướng xuất sắc được Đức Thánh Trần phát hiện và rèn cặp. Tại đền Phù Ủng ở Thủ đô Hà Nội, nơi vọng thờ Phạm Ngũ Lão có đôi câu đối cổ ca ngợi tài đức và sự nghiệp kỳ vĩ của ông:
Văn thi thao lược, thiên cổ tịnh hiền hào, dược thạch minh bi, hải hồ vịnh sử.
Mông - Thát, Chiêm - Lao, nhất thời giai úy phục, Trần triều kỷ tích, Việt quốc lưu danh.
Tạm dịch:
Văn thơ thao lược, muôn thuở ngợi hùng tài, lời răn khắc đá, biển sông ca vịnh.
Nguyên - Mông, Chiêm - Lào, một thời đều úy phục, triều Trần ghi công, sử Việt lưu danh.
Đó cũng là tấm lòng ngưỡng vọng của nhân dân dành cho ông, vị tướng xuất thân từ nông dân.
Tác phẩm “Thuật hoài”
- Đây là một trong hai tác phẩm còn lại của ông: Thuật Hoài và Vãn Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương.
- Hoàn cảnh ra đời: Trong không khí quyết chiến quyết thắng của quân dân thời Trần khi giặc Nguyên-Mông sang xâm lược nước ta lần thứ 2 (1284).
- Nhan đề: Thuật = kể, bày tỏ; Hoài = nỗi lòng
Bài thơ này nằm trong hệ thống những bài thơ: Cảm hoài, Ngôn hoài thể hiện chí làm trai của người quân tử. Trong quan niệm của xã hội phong kiến: kẻ làm trai phải làm lên sự nghiệp lớn, để lại tên tuổi và tiếng thơm trong sử sách. Đây là tiếng nói của cả một thế hệ thanh niên, một thời đại: Trần Thủ Độ “Nếu bệ hạ hàng xin hãy chém đầu thần trước”; Trần Bình Trọng “Ta thà làm ma nước Nam chứ không làm vương đất Bắc”; Trần Quốc Toản “Phá cường địch, báo hoàng ân”.
- Thể thơ: tứ tuyệt Đường luật, viết bằng chữ Hán
- Bố cục: khai-thừa-chuyển-hợp = 2 phần (2 câu đầu, 2 câu sau)
1. Hai câu thơ đầu: Hình ảnh người tráng sĩ và quân đội nhà Trần
a. Câu 1: Hình tượng người tráng sĩ thời Trần
- Tư thế: Người tráng sĩ thời Trần cắp ngang ngọn giáo để bảo vệ non sông đất nước "hoành sóc" lột tả được nội lực, sức mạnh, tư thế chủ động. Trạng thái “tĩnh”. Hai chữ “múa giáo” trong bản dịch thơ chưa chuyển tải hết được ý nghĩa, như biểu diễn võ thuật có sử dụng cây giáo, thiên về phô diễn tài năng uyển chuyển, điêu luyện. Trạng thái “động”.
- Không gian mở ra theo chiều rộng của non sông còn thời gian kéo dài mấy thu. Thời gian và không gian đã làm nổi bật tầm vóc con người thời đại.
Đây là hình ảnh người tráng sĩ bảo vệ bờ cõi, là điểm tựa cho quốc gia dân tộc, có tầm vóc oai vệ, đĩnh đạc, hiên ngang, sánh ngang tầm vũ trụ. Một tư thế luôn sẵn sàng, chủ động bảo vệ đất nước, không lùi bước trước kẻ thù.
b. Câu 2: Miêu tả sức mạnh của quân và dân nhà Trần.
- “Ba quân”: nghĩa hẹp là quân đội nhà Trần; nghĩa rộng là “dân tộc” - sức mạnh của tập thể, của nhiều người cộng lại.
- Nhấn mạnh khí thế của ba quân qua hình ảnh so sánh: “tam quân tì hổ khí thôn ngưu”- ba quân dũng mãnh như hổ báo, khí thế hùng mạnh xông lên đến trời làm át sao ngưu, đoàn quân uy phong, bất khả chiến bại (bản dịch thơ chỉ là khí thế mạnh mẽ của ba quân chưa lột tả được sức mạnh qua hình ảnh so sánh cụ thể)
- Tác giả cường điệu hoá, so sánh để tô đậm và diễn tả khí thế chiến đấu của dân tộc, khí thế mạnh hơn cả thiên nhiên, vũ trụ.
- Tác giả đặt hình ảnh tráng sĩ bên cạnh ba quân với khí thế át sao ngưu khiến cho hình ảnh tráng sĩ đã kì vĩ lại thêm kì vĩ. Ba quân đặt bên cạnh cái kì vĩ của tráng sĩ đã mạnh mẽ lại càng thêm mạnh mẽ.
Đó là hào khí Đông A (hào khí nhà Trần): Tâm hồn, khí phách dân tộc thời Trần (ý thức độc lập tự chủ tự cường; Tinh thần quyết chiến, quyết thắng...)
=> Ngợi ca, tự hào về sức mạnh của quân đội nhà Trần – sức mạnh của dân tộc. Hai câu thơ là vóc dáng hùng dũng của con người thời Trần, biểu thị niềm tự hào, niềm tin chiến thắng, ngợi ca sức mạnh vô song của quân đội nhà Trần.
2. Hai câu sau
a. Câu 3: Quan niệm về chí nam nhi (nợ công danh)
- “Chí” ở đây là chí làm trai mang tinh thần, tư tưởng tích cực: lập công (để lại sự nghiệp), lập danh (để lại tiếng thơm). Quan niệm lập công danh đã trở thành lí tưởng sống của trang nam nhi thời phong kiến - nợ công danh của kẻ làm trai, của người quân tử. Điều này cũng liên quan tới quan niệm “trọng nam khinh nữ” trong xã hội xưa. Nguyễn Công Trứ cũng từng viết: "Đã mang tiếng ở trong trời đất/Phải có danh gì với núi sông”. Chí làm trai .... bốn bể. (Phan Bội Châu trong bài Lưu biệt khi xuất dương: “Làm trai phải lạ ở trên đời/Há để càn khôn tự chuyển rời).
- Công danh được coi là món nợ đời phải trả của kẻ làm trai. Trả xong nợ công danh có nghĩa là đã hoàn thành nghĩa vụ với đời, với dân, với nước. Chí làm trai ở thời bấy giờ có tác dụng cổ vũ con người từ bỏ lối sống tầm thường, ích kỉ, sẵn sàng hi sinh chiến đấu cho sự nghiệp lớn lao – sự nghiệp cứu nước, cứu dân để cùng trời đất “muôn đời bất hủ”. Trong hoàn cảnh lịch sử xã hội khi đó thì chí làm trai có nội dung tích cực và có tác dụng to lớn.
+ Từ trái vừa có nghĩa là nợ vừa có nghĩa là trách, thể hiện tinh thần gánh vác trọng trách, ý thức trách nhiệm của Phạm Ngũ Lão với giang sơn, đất nước.
b. Câu thơ cuối
- Câu thơ nói tới nhân vật Vũ Hầu - Gia Cát Lượng, đây là người có tài mưu lược, lập nhiều chiến công giúp Lưu Bị thống nhất nhà Hán. Phạm Ngũ Lão thẹn vì chưa có tài mưu lược, chưa lập được công lớn như Vũ Hầu.
- Xét trên thực tế về công lao của Phạm Ngũ Lão với nhà Trần thì đây là nỗi thẹn cao cả, không làm con người trở nên thấp hèn mà trái lại càng nâng cao nhân cách con người.
- Với người anh hùng, chí làm trai gắn liền với sự xả thân ích lợi nhất, nhiều nhất cho dân tộc, đất nước. Chính nỗi niềm canh cánh ấy đã khiến con người vươn tới cái đẹp, cái anh hùng.
Hai câu thơ mang vẻ đẹp của khát vọng lập công, khát vọng hi sinh cho đất nước.
Bài thơ xây dựng thành công hình tượng trang nam nhi đời Trần mang chí lớn lập công danh, tự thấy “thẹn” khi chưa thực hiện được hoài bão, chưa giúp đời, giúp nước. Bài thơ là một biểu hiện khác của hào khí Đông A. Đó chính là tinh thần yêu nước.