Ngòi bút tài hoa của nhà văn Nguyễn Tuân
Một trong những nét độc đáo trong phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân là nhà văn luôn tìm đến những cảm giác mới lạ, những cái phi thường, cái tuyệt mĩ khi miêu tả sự vật, hiện tượng hay con người. Để đạt được điều đó, Nguyễn Tuân luôn tích luỹ kho từ vựng độc đáo với các biện pháp tu từ được nhà văn vận dụng linh hoạt. Dưới ngòi bút Nguyễn Tuân, bất kỳ sự vật hiện tượng hay con người nào đều hiện lên với những nét độc đáo và mới mẻ. Tuỳ bút Người lái đò sông Đà nổi lên là nhân vật con sông Đà với những áng văn so sánh ví von linh hoạt đã đem đến cho người đọc những cảm giác ấy.
Người lái đò sông Đà là tác phẩm mang khá nhiều những so sánh. Nguyễn Tuân sử dụng đối tượng đem ra so sánh bằng nhiều cách, ông thêm danh từ, động từ, tính từ vào B của phép so sánh để khắc hoạ đặc điểm của sự vật, mang đến cho sự vật một đặc điểm riêng biệt. Con sông Đà dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân hiện lên với hai nét tính cách dường như đối lập nhau: Trữ tình và hung bạo. Hai nét tính cách này được nhà văn sử dụng nhiều áng văn so sánh độc đáo để cực tả.
Điều đầu tiên khi đến với sông Đà, nhà văn Nguyễn Tuân đã quan sát vẻ đẹp hai bên bờ sông: “Bờ sông hoang dại như bờ tiền sử, bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”
Cảnh xung quanh dòng sông, bờ sông Đà gợi cảm cho nhà văn, khiến ông liên tưởng sự hoang dại của bờ sông giống như bờ tiền sử, sự hồn nhiên của bờ sông như một nỗi niềm cổ tích. Bờ tiền sử và nỗi niềm cổ tích là hai cụm danh từ. Bản thân chữ “tiền sử” đã gợi lên khoảng cách xa xưa nhất của lịch sử, thời kỳ chưa có sử sách ghi chép. Ví bờ sông hoang dại như bờ tiền sử, nhà văn muốn nhấn mạnh sự hoang sơ của dòng sông, dường như bờ sông chưa hề có dấu chân của con người. Chính vì sự hoang sơ của bờ sông mà khi đến sông Đà, nhà văn Nguyễn Tuân đã phải thốt lên “Chao ôi, thấy thèm được giật mình vì một tiếng còi xúp- lê của một chuyến xe lửa đầu tiên đường sắt Phú Thọ-Yên Bái-Lai Châu”. Bờ sông không chỉ hoang dại mà dưới con mắt của nghệ sĩ ngôn từ Nguyễn Tuân, nó còn mang vẻ hồn nhiên. Vẻ hồn nhiên ấy được so sánh như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa. Nói đến cổ tích là chúng ta nhắc tới những câu chuyện hồn nhiên, lý thú dành cho con trẻ. Do vậy, nói về vẻ hồn nhiên của bờ sông không gì phù hợp bằng ví nó như những câu chuyện cổ tích. Bờ sông cũng giống như con người, cũng mang vẻ hồn nhiên trẻ trung. Đọc những dòng văn này khiến chúng ta liên tưởng đến những câu thơ mà Quang Dũng đã viết trong bài thơ “Tây Tiến” thời kỳ chống Pháp, cũng về những hình ảnh về vùng đất Tây Bắc ấy: “Người đi Châu Mộc chiều sương ấy/ Có thấy hồn lau nẻo bến bờ/ Có nhớ dáng người trên độc mộc/ Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”
Không chỉ hoang dại và có tính cách hồn nhiên như con người mà dòng sông Đà còn được Nguyễn Tuân ví như “áng tóc trữ tình ”: “Con sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban, hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói Mèo đốt nương xuân ’’. Vế A của phép so sánh là dòng sông Đà thông qua từ so sánh như, so sánh với vế B là một sự vật vô hình trừu tượng “áng tóc trữ tình". Nếu áng tóc là sự vật cụ thể thì áng tóc trữ tình lại là một khái niệm trừu tượng. Tác giả đã dùng hình ảnh áng tóc trữ tình để nói lên vẻ đẹp thơ mộng của dòng sông. Nhìn con sông Đà tuôn dài, nhà văn có cảm tưởng đó như một áng tóc. Phép so sánh độc đáo này đã tôn lên vẻ đẹp mềm mại, thơ mộng và hiền hoà của dòng sông. Dòng sông ấy hiền hoà, thơ mộng gợi bao cảm hứng trữ tình với các du khách .
Con sông Đà đối với nhà văn đã trở thành người bạn rất đỗi thân thiết, trở thành cố nhân, nên khi đi xa lâu ngày gặp lại cảm thấy vui: “Chao ôi, trông con sông, vui như thấy nắng giòn tan sau kỳ mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng’’. Tâm trạng vui mừng của nhà văn khi gặp lại sông Đà được diễn tả qua cách nói ví von độc đáo. Cái lạ, cái hay lại được biểu hiện ở vế B với những động từ “thấy nắng giòn tan”, “nối lại chiêm bao”. Nguyễn Tuân có cách liên tưởng độc đáo và có chiều sâu. Động từ “thấy” ở vế B đã được chuyển nghĩa theo phương thức ẩn dụ chuyển đổi cảm giác. Thấy là từ chỉ hoạt động của thị giác, cảm giác thị giác đã đem đến hình ảnh của nắng, đồng thời nhà văn đã kết hợp với tính từ giòn tan tạo nên cảm giác của vị giác. Sự kết hợp giữa cảm giác của thị giác và vị giác đã giúp người đọc hình dung đầy đủ màu sắc, âm thanh và cả tính chất của nắng. Sự kết hợp ấy cũng diễn tả tâm trạng vui sướng của nhà văn sau bao nhiêu ngày xa cách nay gặp lại sông Đà. Không chỉ có vậy mà cảm xúc của nhà văn còn liên tưởng tới một hành động thú vị “vui như nối lại chiêm bao đứt quãng”. Phép so sánh diễn tả cảm giác ngỡ ngàng, niền vui bất ngờ của nhà văn khi gặp lại con sông. Phải là người gắn bó với sông Đà đến mức nào thì mới có cảm giác và tâm trạng như vậy khi gặp lại con sông.
Không chỉ trữ tình và thơ mộng, sông Đà còn mang trong nó tính cách hung bạo. Tính cách này được nhà văn cực tả ở những trang văn miêu tả thác nước của nó: “Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo”.
Câu văn trên miêu tả tiếng nước thác mà khi nhà văn được chứng kiến cận cảnh con sông Đà với tính khí hung bạo và dữ dằn. Thông qua từ so sánh “như là”, âm thanh tiếng nước thác ở vế A được nhà văn liên tưởng giống như là lời oán trách, rồi như van xin, rồi như khiêu khích. Ba động từ trên đều miêu tả trạng thái hoạt động dồn dập, rất phù hợp với tiếng nước thác đang đổ mạnh xuống. Cái hay là ở chỗ, tất cả các động từ trên đều chỉ thuộc tính của con người, là hoạt động chỉ có ở con người. Ba hoạt động ấy lại ở ba cung bậc khác nhau, điều đó chứng tỏ đây là tiếng thác đa âm trong một bản nhạc thác nước độc đáo. Đem gắn những thuộc tính chỉ có ở con người cho thác nước, nhà văn đã biến sự vật vốn vô tri trở thành sinh thể có hồn. Nếu ở đoạn văn trước, sông Đà hồn nhiên như nỗi niềm cổ tích thì ở đoạn văn này, sông Đà giống như con người biết van xin, biết khuất phục nhưng lại có lúc ương bướng, khiêu khích.
Trận địa đá trên sông Đà cũng nói lên vẻ dữ dằn của nó: “Một hòn ấy trông nghiêng thì y như là đang hất hàm hỏi cái thuyền phải xưng tên tuổi trước khi giao chiến ”.
Toàn bộ sông Đà giống như một thạch trận bao vây lấy con người. Đặc biệt là đá ở sông Đà có rất nhiều loại. Mỗi hòn giống như một thuỷ quân đang thách thức con người. Với óc quan sát tinh tế , Nguyễn Tuân đã ví chúng như đang hất hàm đòi mỗi con thuyền phải xưng tên tuổi trước khi giao chiến , thông qua từ so sánh “y như là”. Động từ hất hàm ở vế B đã gánh thêm một chức năng nhân hoá trong kết hợp so sánh- nhân hoá. Chuỗi tu từ kép này khiến động từ hất hàm truyền hồn vào những hòn đá vô tri, rọi một cái nhìn điêu khắc bất ngờ vào thói du côn của thiên nhiên tạo vật. “Thế rồi nó (thác nước sông Đà ) rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng”. Giống như kẻ thù số một, sông Đà khi hiện lên với thạch trận đá, khi hiện lên với tiếng thác nước dữ dội. Tiếng nước thác ở vế A được Nguyễn Tuân liên tưởng tới tiếng của một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu, rừng tre nứa nổ lửa với âm thanh vang rội và dữ dằn. Ví tiếng nước thác như tiếng gầm thét của ngàn con trâu mộng , nhà văn đã khắc hoạ sự hung dữ và nguy hiểm của thác nước. Thác nước như đe doạ, quát tháo con người. Thông thường, một phép so sánh thì hai vế phải có một sự tương đồng nào đó về tính chất. Bởi vậy, người đọc rất ngạc nhiên trước cách ví von của nhà văn. Cái lạ ở đây không phải là cấu trúc phức hợp của phép so sánh mà ở chỗ tác giả đã dùng lửa để diễn tả nước, dùng hình ảnh để diễn tả âm thanh Cách nói thật độc đáo, câu văn sống động hẳn lên với hàng loạt động từ: rống , lồng lộn, nổ lửa, phá tuông, gầm thét , cháy bùng bùng. Tác giả thành công khi sử dựng phép so sánh phức hợp, nhiều tầng bậc: tiếng thác-tiếng trâu mộng- tiếng rừng lửa. Hình ảnh so sánh gợi liên tưởng rất lạ tạo nên sự hung dữ của thác nước sông Đà.
Có thể nói, với cách tạo ra những so sánh, liên tưởng độc đáo, Nguyễn Tuân đã miêu tả thành công nhân vật sông Đà trong tác phẩm với hai nét tính cách dường như trái ngược nhau.