Trong chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, Giáo dục địa phương là một trong nhưng nội dung bắt buộc. Việc kiểm tra đánh giá đối với nội dung này theo hướng dẫn chuyên môn cũng rất linh hoạt, có thể sử dụng hình thức tự luận hoặc kết hợp trắc nghiệm và tự luận; khuyến khích thực hiện kiểm tra đánh giá định kì thông qua bài thực hành, dự án học tập. Các hình thức này không chỉ nhằm kiểm tra đánh giá mức độ nhận biết, thông hiểu của học sinh mà còn hướng rèn luyện những năng lực, phẩm chất của học sinh, trong đó có năng lực tự học và sáng tạo của các em.
Căn cứ hướng dẫn chuyên môn và kế hoạch kiểm tra đánh giá, giáo viên giảng dạy nội dung Giáo dục địa phương lớp 10 đã mạnh dạn đổi mới hình thức kiểm tra đánh giá bằng bài thực hành sáng tạo: yêu cầu học sinh thiết kế áp phích tuyên truyền về phòng chống tệ nạn xã hội. Đây là nội dung học tập của chủ đề 4 trong nội dung Giáo dục địa phương học kì 1 lớp 10. Sau 4 tiết học nghiên cứu tìm hiểu về các tệ nạn xã hội thường gặp và trao đổi thảo luận về ý thức trách nhiệm của học sinh thủ đô Hà Nội trong việc tham gia phòng, chống tệ nạn xã hội, học sinh được giáo viên giao nhiệm vụ thiết kế áp phích tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội với yêu cầu:
- Ý tưởng thiết kế độc đáo, ấn tượng và sáng tạo. Không chỉ giới thiệu nội dung tuyên tuyền, tấm áp phích còn truyền tải nhiều thông điệp đến xã hội. Vì vậy ý tưởng cần mới lạ và hiện đại, hấp dẫn.
- Thông tin, thông điệp trên áp phích cần ngắn gọn, súc tích, dễ ghi nhớ
- Màu sắc hài hòa, đẹp mắt, thiết kế bố cục cần cân nhắc kĩ lưỡng, tạo điểm nhấn thu hút sự chú ý. Font chữ, cỡ chữ phù hợp với cách bố trí bố cục tấm áp phích.
- Hình ảnh cần sống động, sắc nét.
- Kích thước: khổ ngang (vẽ tay A3 hoặc thiết kế file ảnh JPG)
Sau một tuần thực hiện bài tập thực hành, học sinh đã nộp kết quả và thuyết trình về ý tưởng, thông điệp của sản phẩm. Đa số các sản phẩm đã đảm bảo các yêu cầu của bài tập. Mặc dù trình độ của các em còn hạn chế, song nhiều sản phẩm đã thể hiện ý tưởng độc đáo, màu sắc hài hoà, thông điệp rõ ràng có giá trị tuyên truyền cao.
Đây là một hình thức kiểm tra hiệu quả để gia tăng mức độ nhận thức của học sinh về vấn đề tệ nạn xã hội. Qua thực hành bài tập, các em sẽ ý thức sâu sắc hơn về hậu quả nghiêm trọng của các tệ nạn xã hội, từ đó có ý thức tránh xa tệ nạn, đồng thời có trách nhiệm phát hiện, cảnh báo tới bạn bè hoặc báo cáo với thầy cô những trường hợp có dấu hiệu sa vào tệ nạn trong lớp, trong trường. Mặt khác, hình thức kiểm tra, đánh giá này còn tạo điều kiện để các em phát huy hết trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của mình, cũng như nâng cao trình độ công nghệ thông tin của các em. Đây đều là những năng lực, kĩ năng mà các em cần có trong bối cảnh thời đại công nghệ đang không ngừng phát triển đòi hỏi mỗi con người đều phải có trình độ đáp ứng tốt những yêu cầu của xã hội.
Dưới đây là một số hình ảnh sản phẩm của các em trong buổi báo cáo thuyết trình:
Hình ảnh học sinh thuyết trình về sản phẩm