Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục của cả nước. Nói đến văn hoá Hà Nội là nói đến văn hoá chốn kinh kỳ với những giá trị vật chất, tinh thần bền vững được lưu truyền và phát triển hàng nghìn năm văn hiến. Đó là lòng tự trọng, nhân ái, bao dung, yêu chuộng hoà bình, giàu nghĩa khí, trọng học thức, chuộng cái đẹp... Đặc biệt là nét thanh lịch, hào hoa của người Tràng An với phong cách lịch lãm, tinh tế trong giao tiếp, ứng xử, trang phục, trong văn hoá ẩm thực… Sự hoà quyện, giao thoa, kết tinh những cái đẹp giữa văn hoá Tràng An và văn hoá xứ Đoài làm phong phú, tô thắm thêm văn hoá thủ đô Hà Nội.
Thanh lịch, văn minh là nét đẹp truyền thống đã được nhiều thế hệ người dân Hà Nội tạo dựng và lưu giữ. Trân trọng, kế thừa và phát huy nét đẹp ấy trong đời sống người Hà Nội hôm nay và mai sau, là trách nhiệm, là niềm tự hào và vinh dự của người dân Thủ đô, trong đó có thế hệ trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường. Tuy vậy trong thời gian qua nhiệm vụ phát triển văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh còn hạn chế, chưa tương xứng với vai trò của Thủ đô. Mặt trái của cơ chế thị trường phần nào làm phong hoá, lu mờ, phai nhạt nhiều nếp sống đẹp của người Tràng An xưa ảnh hưởng tới sự phát triển văn hoá và xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh.
Năm 2010 hướng tới đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xây dựng đề án dạy thí điểm tài liệu chuyên đề “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh” cho học sinh Hà Nội nhằm khơi dậy niềm tự hào của các thế hệ học sinh ngày nay được kế thừa truyền thống thanh lịch, nét văn hoá đặc trưng của người Hà Nội, thông qua đó tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của học sinh trong việc xây dựng nếp sống thanh lịch văn minh ở Thủ đô yêu dấu. Qua việc giảng dạy trong nhà trường nhằm từng bước tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành vi cho học sinh, góp phần đào tạo, xây dựng các thế hệ người Hà Nội mới năng động, sáng tạo, thanh lịch, văn minh, xứng đáng với công dân Thủ đô anh hùng.
Là giáo viên được phân công đi tập huấn, tiếp thu kiến thức, trực tiếp giảng dạy thí điểm bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh” cho học sinh Hà Nội, bộ tài liệu chủ yếu dựa trên các nội dung cơ bản nhất liên quan đến các hoạt động của các em, định hướng chỉ dẫn học sinh có những thái độ và hành vi trong giao tiếp, trong ăn mặc, trong ẩm thực… để trở thành người học sinh thanh lịch. Với trách nhiệm, tâm huyết của nhà giáo, bản thân đã tự nghiên cứu vận dụng tổng hợp kiến thức, để truyền đạt giảng dạy cho học sinh với mong muốn giúp cho các em học sinh có cái nhìn xuyên suốt về văn hoá, về con người Hà Nội từ xưa đến nay để từ đó nhận thức và hành động, xử sự xứng đáng là học sinh Hà Nội thanh lịch, văn minh. Qua giảng dạy thí điểm tôi tự nhận thấy, “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh” cho học sinh Hà Nội chỉ đạt kết quả khi học sinh hứng thú, tích cực, chủ động tham gia vào quá trình dạy học. Do đó phải căn cứ vào điều kiện cụ thể, hoàn cảnh, địa phương mà thiết kế bài giảng phù hợp, tổ chức hướng dẫn học sinh hoạt động, phát huy vốn kinh nghiệm, thói quen trong nếp sống thanh lịch văn minh đã có để tự khám phá. Quá trình lên lớp biết vận dụng kiến thức tổng hợp vào giảng dạy nếp sống thanh lịch văn minh, các nội dung kiến thức sẽ hoà quyện, bổ trợ tác động với nhau giúp cho các em dễ nhớ, dễ hiểu, hứng thú học tập và biết vận dụng tốt kiến thức đã học với cuộc sống thực hàng ngày của học sinh.
Thực tế, giáo dục Thanh lịch, văn minh cho học sinh không phải là một đề tài mới mẻ, từ trước tới nay đã được nói đến và dạy cho học sinh nhiều nhưng ở các bộ môn khác nhau (Giáo dục công dân, Lịch sử… ) dạy đan xen trong các bài giảng chưa có tài liệu chính thống, chi tiết. Do đó sự ra đời của cuốn tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh” cho học sinh Hà Nội, là một nội dung mới được triển khai giảng dạy đã đáp ứng được mong muốn của các em, đặc biệt là các phụ huynh học sinh.
Khi giảng bài cần gợi mở nhiều vấn đề thực tiễn, đưa ra những kiến thức cụ thể để định hướng cho các em từ lời ăn tiếng nói, trang phục và cả các hành vi mang tính xã hội như tham gia giao thông, bảo vệ môi trường, chống bạo lực học đường giúp các em không chỉ tiếp nhận kiến thức mà mong muốn làm theo những điều đã học. Cách triển khai vấn đề nhẹ nhàng, đơn giản đi vào những vấn đề đời thường, khắc phục được những nhược điểm hiện nay nặng về truyền đạt xuôi chiều và hạn chế yếu tố lý luận tràn lan. kiến thức vẫn được truyền đạt một cách có hệ thống dễ nghe, dễ tiếp thu, dễ thực hiện. Đối với các tiết học thực hành cần phân công cụ thể chi tiết các chủ đề các em chuẩn bị, mỗi nhóm học sinh làm làm một loại hình khác nhau (video clip, ảnh, kịch, tranh vẽ) nhằm phát huy tinh sáng tạo, ý tưởng mới. Khi học sinh báo cáo, nội dung thực hành được phong phú đa dạng tạo sự hứng thú vui vẻ, hiệu quả trong tiết học.
Qua nhiều năm giảng dạy tôi thấy tài liệu chuyên đề ‘‘Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội’’ là sự cụ thể hóa sâu sắc các cuộc vận động lớn của ngành như : ‘‘Xây dựng nhà trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch’’, ‘‘Trường học thân thiện, học sinh tích cực’’ đáp ứng được mong muốn của nhân dân Thủ đô trong việc giáo dục con em mình trong giai đoạn hiện nay khi mà đạo đức học đường, lối sống của học sinh đang là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Kết quả toàn diện trên tất cả các mặt thì cần có sự tổng kết đánh giá của các cơ quan ban ngành Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và các trường. Nhưng tôi nhận thấy nhận thức, ứng xử của học sinh có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực, tình trạng học sinh vi phạm các quy định của nhà trường giảm. Các em rất hào hứng tích cực, thích học, nó làm tiêu tan sự căng thẳng mệt mỏi của các tiết học chính khóa. Có nhiều em đã yêu các môn học xã hội (Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân) hơn, các hoạt động xã hội, các cuộc vận động do đoàn thanh niên và Công đoàn tổ chức phát động được các em hưởng ứng nhiệt tình, hiệu quả cao. Cảnh quan, môi trường văn hóa của nhà trường có nhiều chuyển biến tốt. Ngoài ra nó còn làm chuyển biến cả các thầy cô giáo trong nhà trường. Đây là môn học đã góp phần cùng với gia đình giáo dục nhân cách, sự gắn kết của học sinh sau mỗi buổi học nhất là các tiết thực hành khi học sinh cùng làm việc nhóm.
Nếp sống thanh lịch, văn minh mang cốt cách tinh thần của người Hà Nội. Xây dựng nếp sống thanh lịch văn minh vừa là trách nhiệm, vừa là niềm tự hào và cũng là khát vọng của người Hà Nội. Đối với học sinh phổ thông - những chủ nhân tương lai của đất nước, được học và nắm những kiến thức cơ bản về thanh lịch, văn minh là hành trang, là cẩm nang quý giá để xây dựng người Hà Nội đẹp, mãi xứng đáng là công dân của Thành phố vì hòa bình mà UNESCO đã tôn vinh.