Bài thơ Nôm số 79 (đặt tên là “Nhàn” trong các SGK lớp 10) trong Bạch Vân thi tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm có câu “luận”: “Thu ăn măng trúc đông ăn giá”, được một số tác giả giải thích : “giá” là loại thức ăn làm từ đỗ (giá đỗ); “giá, thứ rau bằng mầm của hột đậu xanh ngâm ủ, mọc lên” (?)
PGS TS Nguyễn Đăng Na có đưa ra văn bản chữ Nôm bài thơ và cho biết:
“Các bản Bạch Vân thi tập đều chép “hoàn toàn giống nhau”, “Đặc biệt, câu năm đều viết chữ cuối cùng là giá 稼 (bộ hòa 禾)”.
Theo Tự điển chữ Nôm có bảy chữ giá , gồm bốn chữ Hán văn ngôn, ba chữ tự tạo. Khi gia nhập vào chữ Việt, chữ Hán văn ngôn mang luôn trường nghĩa gốc Hán vào Việt Nam. Chẳng hạn chữ giá (稼) vừa là động từ (cày cấy, trồng trọt) vừa là danh từ (thóc gạo, ngũ cốc)”, (TC Hán Nôm, số 4.2009). Tùy trường hợp cụ thể chúng có thể giữ chức năng động từ hay giữ chức năng danh từ. “Giá” ở đây phải hiểu là “lúa”, “gạo”.
Như vậy, phải hiểu câu thơ : mùa thu ăn măng trúc (quan niệm người xưa: măng trúc mùa thu là quí nhất, ăn măng trúc sống lâu), mùa đông ăn thóc gạo. Điều đó phù hợp với việc tác giả đã nói ở đầu bài thơ: tự cày cấy trồng trọt (“cuốc”) canh điền, canh tác) để có kết quả (“giá”): thóc gạo, ngũ cốc.
Nếu là “giá” (đỗ), chữ Nôm này phải viết chữ giá 蔗 (bộ thảo艸) – trong nguồn gốc chữ Hán, chữ giá 蔗 này nghĩa là cây mía .