Cảm nhận bài thơ Điểu minh giản của Vương Duy
鳥鳴澗
人閒桂花落,
夜靜春山空。
月出驚山鳥,
時鳴春澗中。
Phiên âm
Điểu minh giản
Nhân nhàn quế hoa lạc,
Dạ tĩnh xuân sơn không.
Nguyệt xuất kinh sơn điểu,
Thời minh xuân giản trung.
Dịch nghĩa
Khe chim kêu
Người nhàn nhã, hoa quế rụng
Đêm thanh tĩnh, ngọn núi mùa xuân yên
Trăng nhô lên làm kinh động loài chim núi
Ở trong khe núi xuân, hót vang lên.
Dịch thơ
Người nhàn hoa quế lặng rơi
Núi xuân quạnh quẽ, đêm dài vắng tanh
Thấy trăng chim núi giật mình
Tiếng kêu nghe rộn thình lình trong khe
(Trần Trọng Kim dịch)
Vài nét về tác giả
Vương Duy 王維 (701- 761) (duy: buộc), tự: Ma Cật 摩詰 (ma: mài dũa, thuận; cật: hỏi vặn), người đất Kì, Thái Nguyên (nay là huyện Kì, tỉnh Sơn Tây), cha mất sớm, mẹ thờ Phật hơn ba mươi năm (điều này ảnh hưởng đến Vương Duy giai đoạn sau). Ông thạo âm nhạc, hội họa, giỏi văn chương; năm 21 tuổi đỗ Tiến sĩ, được bổ nhiệm quan đại nhạc thừa (nên còn gọi Vương Hữu Thừa). Trải qua nhiều thăng trầm trong đời làm quan. Trong giai đoạn từ năm 740, ông sống yên ổn trong biệt thự Võng Xuyên ở ngoại thành Tràng An. Với hơn 400 bài thơ để lại, thơ ông nhiều nội dung, gắn với từng giai đoạn cuộc đời. Nhưng phần lớn là thơ “sơn thủy, điền viên”, bộ phận thơ này tạo nên một phong cách nghệ thuật riêng của Vương Duy. Điểu minh giản là một bài thơ tiểu biểu của ông cho thể loại này, được người đời nhắc, bình phẩm, và ca tụng.
Đặc điểm bài thơ
Về tên gọi, thể loại. Thể ngũ ngôn tuyệt cú. Về tên bài thơ “Điểu minh giản”, có tư liệu cho là “Điểu Minh Giản” (địa danh ) là khe suối Điểu Minh, biệt thự của Hoàng Phủ Nhạc xây tại đây ( Hoàng Phủ Nhạc có em trai là Hoàng Phủ Bác làm Tể tướng vào đời vua Đường Hiến Tông năm 806- 821), ( Theo tư liệu của Trung Quốc văn học bảo khố , Đường thi tinh hoa phân quyển, trang 224) “Đường thi tinh tuyển” Nxb Dân trí, 1965,do Lương Nam Xương dịch và chú giải)
Về chữ nghĩa. Hầu hết các sách tuyển dịch thơ Đường, câu bốn, chữ thứ ba, là “xuân” (Thì minh xuân giản trung - Đường thi Trần Trọng Kim, Nxb Tân Việt 1950, nxb Hội nhà văn, 2003, tr 365; Đường thi tuyển dịch Lê Nguyên Lưu, nxb Thuận Hóa, 1997, tr 501; Đường thi trích dịch, Đỗ Bằng Đoàn- Bùi Khánh Đản, 2006, nxb Văn học, tr 983; Tuyển dịch thơ Đường Tống, Mai Lăng, nxb Văn học 2008, tr 133; Thơ Thiền Đường Tống, Đỗ Tùng Bách, nxb Đồng Nai, 2000). Chỉ ở Thơ Đường, tập I (lần hai, nxb Văn học, 1987, tr 67) phiên âm là “tại” (Thì minh tại giản trung) - không có bản chữ Hán. SGK in theo sách này. Đây là chữ quan trọng làm thành đặc điểm nghệ thuật bài thơ.
Nội dung nghệ thuật
Sách Giáo viên văn 10 viết: “Bài Điểu minh giản là tác phẩm tiêu biểu của Vương Duy và phái thơ sơn thủy Thịnh Đường. Nó thể hiện sự bình yên của tâm hồn trong khung cảnh thiên nhiên tĩnh lặng”.
Khung cảnh trong bài thơ có đủ người, vật, cây hoa, núi, khe, trăng. Có cả Tĩnh - Động; tĩnh mà không im, động mà không ồn ào. Người nhàn là người không vướng bận về thế tục, đắm mình suy tư về vũ trụ. Hoa quế nhỏ nhẹ rơi, loài hoa quí có hương kín đáo. Sự sống cứ luân chuyển hoạt động tự nhiên. Đêm yên tĩnh, núi mùa xuân như trống không. Thơ Vương Duy có một danh hiệu “Thơ Phật” (Lý Bạch “thi tiên”, Đỗ Phủ “thi thánh”,…). Bài này thường được viện dẫn khi bàn về thơ Thiền. Nó không thuyết lý về “sắc” , “không”, “tĩnh”, “định”… mà là các trải nghiệm chứng sinh trong đời sống. Hai câu thơ có nói “nhân nhàn”, “dạ tĩnh”, “hoa rụng”, “núi không”, là những cảnh giới của người tu Thiền, chứng Phật “ngộ” ra. Có nhà phê bình đời Thanh đã nói: “Thơ Vương Hữu Thừa (chức vị của Vương Duy) chẳng dùng Thiền ngữ lại nói được Thiền lý”. Cảnh giới ở đây thật sống động, vì tất cả trong khung cảnh có sức sống: “xuân”- núi xuân, khe xuân. Đêm có trăng mới chỉ nhô lên, mà đã kinh động chim núi. Sự thức tỉnh, giật mình không phải hoảng sợ, mà là phát hiện sự sống đang về, đang lên, đang dậy. Nên có vui mừng tràn ngập trong tiếng reo ca - “thời minh xuân giản trung” (hót vang trong khe núi xuân). Diễn ý thơ như vậy chưa nói hết được chất và tài thơ Vương Duy. Thơ Đường mô tả thế giới bằng các quan hệ: Trong thơ ông có nhạc, nhịp điệu, có “họa”. Mỗi câu thơ đặt ra các tương quan: Người/ hoa; đêm yên/ núi không; trăng lên/ chim núi. Những tính chất hoạt động tương ứng: lạc- tĩnh - kinh - minh (rơi- yên- kinh động- kêu). Những thanh bằng (b) – trắc (t) luân phiên: b-b-t-b-t/ t-t-b-b-b/t-t- b-b-t/ b-b-b-t-b; những âm vang từ ngữ như luyến láy: quế hoa lạc/ xuân sơn không/ kinh sơn điểu/ xuân giản trung. Nguyên tắc thơ Đường là dùng từ ít nhất mà nói được nhiều nhất. Bài thơ 20 chữ mà có hai từ lặp lại: “xuân”, “sơn”. 18 từ diễn tả cảnh và nội tâm, cả con người cảnh vật, không gian, thời gian; hoạt động, âm thanh. Tương quan con người trong không gian, thời gian; biến đổi, chuyển động và đứng im. Đó là sự sinh tồn trong kiếp nhân sinh. Lắng đọng những thanh âm của cây cỏ, hoa lá, chim muông. Thấy kiếp người hữu hạn trong cái vũ trụ vô hạn.
Người đọc được chữ Hán còn nhận ra những ‘chữ’, ‘bộ chữ’ trình bày như trong bức thư pháp. Chữ “nhân” 人 (xuất hiện ở các chữ: “hoa” 花, “dạ” 夜); chữ “nhật” 日( ở các chữ “xuân” 春, “thời” 時, “giản” 澗); chữ “nguyệt” 月 (trong chữ “nhàn” 閒); rồi những chữ “thổ” 土, “thảo” 艹, “sơn” 山, “thủy” 氵 đều xuất hiện . Nói thế để thấy thơ Vương Duy có ‘họa”, thư pháp là vậy!
Để hiểu nội dung bài thơ cần liên hệ, mở rộng sang các bài khác. Thơ tả cảnh , ngày nhàn tản, bình yên trong cảnh sắc thu, như bài “Qua nhà Lý Tiếp”: Cửa nhàn cỏ sắc thu. Cả ngày không xe ngựa. Khách theo ngõ hẹp quanh. Chó sủa dưới rừng sâu (“Nhàn môn thu thảo sắc. Chung nhật vô xa mã. Khách lai thâm hạng trung. Khuyển phệ hàn lâm hạ” (Qua Lý Tiếp trạch). Bài Thanh khê gần như tả cảnh sông núi, nước chảy, cây lá, cỏ lau có âm thanh đường nét vừa kì lạ, vừa duyên dáng vừa ẩn vừa hiện: “Nói vào suối Thanh Khê len lỏi. Dọc Thanh Khê một lối đến cùng. Quanh co theo núi trập chùng. Độ chừng trăm dặm đến vùng tươi xanh. Tiếng huyên náo nước quanh đá chảy. Dưới bóng tùng hết thảy lặng im. Chồng chềnh rau cỏ êm đềm. Sậy lau ánh nước bóng chìm miên man. …” (Trần Trọng Kim dịch)
(Ngôn nhập Hoàng Hoa xuyên- Mỗi trục Thanh khê thủy - Tùy sơn tương vạn chuyển- Thú đồ vô bách lý- Thanh huyên loạn thạch trung- Sắc tĩnh thâm tùng lý-Dạng dạng phiếm lăng hạnh- Trừng trừng cách giả vĩ…”. Ở bài “Trúc Lý quán”, gần với bài “Điểu minh giản”, con người cô độc ngồi lặng ngắm thiên nhiên: “Một mình trong lùm tre. Dạo đàn lại huýt gió. Rừng thẳm chẳng ai hay. Rọi nhau có trăng tỏ” (Độc tọa u hoàng lý. Đàn cầm phục trường khiếu. Thâm lâm nhân bất trí. Minh nguyệt lai tương chiếu”) (Tương Như dịch).
Nói cho đúng thơ Vương Duy, hay thơ Đường nói chung, không tả như thể “phú”, mà là “biểu hiện” tâm trạng con người trong tự nhiên, qua các mối quan hệ. Phải nhìn nhận như thế mới thấy cái riêng, cái hay, sự hàm súc, triết lý trong thơ Đường nói chung, thơ Vương Duy nói riêng.