Trong không khí thi đua sôi nổi lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) và 94 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10. Thực hiện Kế hoạch chuyên môn của Tổ, chiều ngày 07 tháng 10 năm 2024, tổ Lí - Tin - CN trường THPT Sơn Tây đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên môn tháng 10 năm 2024. Buổi sinh hoạt chuyên môn được tổ chức theo các nhóm nhỏ bằng hình thức trực tiếp và online. Tham gia buổi sinh hoạt chuyên môn có đông đủ các thầy cô giáo trong tổ.
Nhóm Công nghệ tổ chức sinh hoạt bằng hình thức trực tiếp để cho ý kiến đóng góp vào nội dung Bài 5: Các cuộc cách mạng công nghiệp – SGK Công nghệ Lớp 10 – Cánh Diều. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hiền biên soạn bài giảng và trình bày nội dung bài giảng. Đây là bài giảng được nhóm chọn để tham dự hội giảng chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Ngành giáo dục Thủ đô, 65 năm ngày thành lập Trường THPT Sơn Tây. Ngay sau khi thực hiện tiết giảng các thầy cô trong nhóm chuyên môn đã trao đổi, rút kinh nghiệm. Qua thảo luận đa số các thầy cô đã khẳng định bài giảng thể hiện được kĩ năng ứng dụng CNTT, nhất là sử dụng phương pháp dạy học STEM và kĩ năng sư phạm trong thiết kế kế hoạch bài dạy. Bài giảng có nhiều đổi mới, sáng tạo, nhiều câu hỏi tương tác giúp các em học sinh có thể tự học một cách dễ dàng. Bài giảng đã đảm bảo được tính khoa học, thẩm mỹ và sư phạm đồng thời phù hợp với các hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về mục tiêu, yêu cầu, nội dung và phương pháp dạy học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Nhóm Tin tổ chức sinh hoạt bằng hình thức online để cho ý kiến đóng góp vào nội dung Bài 5: Thực hành chia sẻ tài nguyên trên mạng – SGK Tin học Lớp 12 - Kết nối tri thức. Đồng chí Vũ Thanh Hiền đảm nhiệm biên soạn bài giảng và trình bày nội dung bài giảng. Bài giảng nhằm giúp học sinh sử dụng được các chức năng mạng của hệ điều hành (HĐH) chia sẻ tài nguyên. Là bài giảng có tính ứng dụng thực tiễn cao. Tuy nhiên, quá trình giảng dạy, nhất là nội dung thực hành HĐH trên một số phòng Thực hành khác so với SGK, chưa có máy in ở phòng thực hành. Để khắc phục khó khăn trên nhóm đã đề xuất nhà trường cài đặt hệ điều hành và bổ sung thiết bị máy in.
Nhóm Lí tổ chức sinh hoạt bằng hình thức online. Đồng chí Trần Thị Hà, tổ trưởng chuyên môn, chủ trì buổi sinh hoạt.
Đồng chí Nguyễn Thị Nhung trình bày phương án ma trận kiểm tra Lớp 10
Đồng chí Chu Thị Toàn Năng trình bày phương án ma trận kiểm tra Lớp 12
Năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, số lượng môn thi và định dạng cấu trúc đề thi có sự thay đổi lớn theo hướng đánh giá năng lực. Để giúp học sinh từng bước làm quen với việc kiểm tra, đánh giá theo định hướng cấu trúc đề thi tốt nghiệp năm 2025, nhóm Lí đã tích cực triển khai đổi mới phương pháp dạy học, ra đề, kiểm tra đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh. Nhóm Lí đã phân công 03 giáo viên: Đồng chí Nguyễn Thị Nhung xây dựng ma trận đề Lớp 10; đồng chí Hoàng Thị Khánh Giang xây dựng ma trận đề Lớp 11; đồng chí Chu Thị Toàn Năng xây dựng mà trận đề lớp 12. Các ma trận đề đã bám sát nội dung tập huấn giáo vụ đầu năm học 2024 - 2025 của Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội. Theo đó, cấu trúc ma trận đề được thiết kế gồm 3 phần trong đó phần 1 gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn, cho 4 phương án chọn 1 đáp án đúng. Mỗi câu trả lời đúng thí sinh được 0,25 điểm. Phần 2 gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm dạng Đúng/Sai. Mỗi câu hỏi có 4 ý, tại mỗi ý thí sinh lựa chọn Đúng hoặc Sai. Thí sinh chỉ lựa chọn chính xác 1 ý trong 1 câu hỏi sẽ được 0,1 điểm; lựa chọn chính xác 2 ý trong 1 câu hỏi được 0,25 điểm; lựa chọn chính xác 3 ý trong 1 câu hỏi được 0,5 điểm; lựa chọn chính xác cả 4 ý trong 1 câu hỏi được 1 điểm. Phần 3, gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm trả lời ngắn. Thí sinh tô vào các ô tương ứng với đáp án của mình, mỗi câu trả lời đúng được 0,25 điểm. Với tinh thần đổi mới, không ngừng học hỏi và sáng tạo các thầy cô giáo, trong nhóm Lý đã thống nhất xây dựng ma trận đề kiểm tra, đánh giá theo định hướng cấu trúc thi tốt nghiệp năm 2025 cụ thể: Lớp 10: Trắc nghiệm khách quan: 10 câu (5 điểm); Trắc nghiệm đúng sai: 2 câu (2 điểm); Trả lời ngắn: 2 câu (3 điểm - trình bày tự luận). Lớp 11,12 giống nhau: Trắc nghiệm khách quan: 18 câu (5 điểm); Trắc nghiệm đúng sai: 3 câu (2 điểm); Trả lời ngắn: 4 câu (3 điểm)
Trong buổi sinh hoạt chuyên môn, đồng chí Trần Thị Hà, tổ trưởng chuyên môn triển khai đăng ký thi đua năm học 2024 -2025. Về tập thể Tổ phấn đấu đạt tập thể lao động tiên tiến, tập thể lao động xuất sắc. Cá nhân có 16/20 đồng chí đăng kí danh hiệu CSTĐ cấp cơ sở; 16/20 đồng chí đăng kí viết sáng kiến kinh nghiệm trong năm học. Các thành viên của tổ đã phát biểu ý kiến, phân tích làm rõ các ý kiến của tập thể và cá nhân và nhất trí với chỉ tiêu, số lượng đăng kí thi đua trên.
Các thành viên nhóm Lí đăng ký thi đua năm học 2024- 2025
Buổi sinh hoạt chuyên môn của tổ khép lại trong tinh thần cởi mở đoàn kết, tin tưởng rằng kết quả của buổi sinh hoạt chuyên môn sẽ lan toả, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của tổ, giúp các thầy cô nắm vững hơn nội dung, phương pháp, hình thức xây dựng ma trận đề kiểm tra, đánh giá theo định hướng cấu trúc thi tốt nghiệp năm 2025.