Truyện cổ tích là tác phẩm tự sự dân gian mà cốt truyện và hình tượng được hư cấu có chủ định, kể về số phận con người bình thường trong xã hội, thể hiện tinh thần nhân đạo và lạc quan của nhân nhân lao động, ở đó số phận con người đã được hoàn tất. Truyện cổ tích thần kì là những câu chuyện mà nhân vật được sống trong không gian vừa hiện thực vừa kì ảo. Tấm Cám là một truyện cổ tích thần kì tiêu biểu của Văn học dân gian Việt Nam. Truyện kể về số phận Tấm - cô gái mồ côi, bất hạnh với mơ ước đổi đời và công lý, cùng sự chuyển biến của nhân vật Tấm trên con đường đấu tranh để giành và giữ hạnh phúc trước và sau khi trở thành hoàng hậu.
Tấm bước vào trang truyện với hoàn cảnh xuất thân bất hạnh: Tấm là con vợ cả, Cám là con vợ lẽ. Mẹ Tấm đã chết từ hồi Tấm còn bé. Sau đó mấy năm thì cha Tấm cũng chết. Tấm ở với dì ghẻ là mẹ của Cám. Dì ghẻ là người rất cay nghiệt. Sự cay nghiệt của dì ghẻ đối với con riêng của chồng đã được dân gian đúc kết:
Mấy đời bánh đúc có xương,
Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng.
Dì ghẻ đối xử với Tấm không nằm ngoài cái được gọi là “quy luật” trên. Đây là hoàn cảnh để bắt đầu tạo nên những mâu thuẫn, xung đột không ngừng nghỉ giữa Tấm và mẹ con Cám. Những mâu thuẫn, xung đột ở hai giai đoạn của cuộc đời Tấm là minh chứng cho sự chuyển biến của nhân vật Tấm trên con đường đấu tranh để giành và giữ hạnh phúc trước và sau khi trở thành hoàng hậu.
Cuộc sống của Tấm khi ở nhà cùng mẹ con Cám là một chuỗi những ngày tháng nặng nề, bị đối xử bất công, độc ác, có lẽ các sự việc được kể ra trong truyện chỉ là tiêu biểu cho cách hành xử ghê gớm mà mẹ con Cám gây ra, còn thực tế thì không biết bao nhiêu mà kể. Bắt đầu từ chuyện thi bắt con tôm cái tép với lời hứa tưởng chừng rất công bằng mà mẹ Cám đưa ra “Hễ đứa nào bắt được đầy giỏ thì thưởng cho một cái yếm đỏ!”. Chắc chắn rằng mẹ Cám không thể không biết con gái mình như thế nào nhưng lại vẫn hứa vậy, điều này cho thấy sẽ báo hiệu sự dung túng của người mẹ đối với đứa con lười nhác của mình. Quả là như vậy, một việc làm hàng ngày của Tấm khiến cô không khó khăn gì nên “chỉ một buổi là được đầy giỏ vừa cá vừa tép”. Trong khi đó, Cám quen ăn trắng mặc trơn, được nuông chiều không phải làm việc nặng lại lười nhác nên đến “chiều vẫn không được gì”. Cái yếm đỏ là phần thưởng hấp dẫn bởi hai chị em đã đến tuổi trưởng thành, “cái yếm đỏ” mang giá trị vật chất tuy nhỏ nhưng là biểu tượng của cái đẹp, của người thiếu nữ, đó còn là niềm mơ ước lớn của cô gái suốt ngày quần quật làm lụng, chân lấm tay bùn như Tấm. Với niềm tin, niềm vui sẽ được lĩnh thưởng như lời dì hứa, Tấm đã háo hức và cũng tin luôn lời đứa em xảo quyệt: “Chị Tấm ơi, chị Tấm! Đầu chị lấm, chị hụp cho sâu, kẻo về dì mắng”. Vì quá hi vọng nên Tấm cũng đã hụt hẫng, thất vọng rất nhiều khi lên bờ “chỉ còn giỏ không”, Tấm bưng mặt khóc hu hu. Chi tiết đầu tiên trong truyện đã lột trần bản chất của mẹ con Cám: lười nhác, dối trá, mưu mô. Thêm nữa, những tính cách đó của Cám đã được “vun trồng” từ chính người mẹ đẻ nên sự mưu mô, tính toán đã hình thành từ sớm trong con người Cám – một tín hiệu của sự tàn độc, dã tâm xuyên suốt toàn bộ câu chuyện sau này.
Khi Tấm mất giỏ tôm cá, Bụt đã hiện lên bày cho Tấm nuôi con cá bống còn sót lại trong giỏ. Cá bống đến với Tấm trước hết là phần thưởng tinh thần an ủi Tấm, rồi dần dần cá bống trở thành người bạn tâm tình hàng ngày của Tấm. Tấm sống giữa gia đình với một người em cùng trang lứa, nhưng có lẽ chưa bao giờ Tấm thực sự được mẹ con Cám coi là người thân, mà chỉ coi như đứa ở, cũng chưa bao giờ Tấm được tâm sự, giãi bày nỗi niềm. Tấm trở nên cô đơn ngay ở chính gia đình của mình, sự nín lặng hàng ngày của Tấm đã cho thấy điều đó. Vì vậy, khi bống xuất hiện, Tấm không quản ngại “để dành cơm, giấu đưa ra cho bống” và Tấm gọi bống lên ăn bằng những lời rất thân thương nhưng cũng mang ý nghĩa như một lời dặn dò:
Bống bống, bang bang,
Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta,
Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người.
Mọi chuyện đã không còn bình yên khi mẹ con Cám không để Tấm có được những ngày tháng vui vẻ với “người bạn” của mình. Tấm tiếp tục tin lời dì ghẻ “… Làng đã bắt đầu cấm đồng… Mai con đi chăn trâu, phải chăn đồng xa, chớ chăn đồng nhà, làng bắt mất trâu”. Tấm đi chăn trâu thật xa, đến tận chiều mới trở về, ăn xong vội ra với bống, nhưng “người bạn” duy nhất ấy đã không còn nữa “chỉ thấy một cục máu nổi lên mặt nước” – điềm báo chẳng lành – Tấm òa lên khóc. Tiếng khóc xót thương như mất đi chính người thân yêu. Tấm tiếp tục được Bụt hiện lên bày cách, được con gà tìm xương và Tấm làm theo lời Bụt dặn để nuôi dưỡng niềm hi vọng, sự đổi thay cho phận đời cơ cực này!
Sự kiện nhà vua mở hội là thời điểm hạnh phúc, vui vẻ của muôn dân, mẹ con Cám không nằm ngoài đoàn người đi trẩy hội, chắc chắn Tấm cũng muốn đi, bởi đã là hội thì ai mà không muốn hòa vào trong không khí tưng bừng ấy. Mẹ con Cám hiểu được điều đó và bản chất tàn ác tiếp tục trỗi dậy “mụ lấy một đấu gạo trộn lẫn với một đấu thóc” rồi bắt Tấm nhặt xong mới được đi, còn dọa đánh nếu bỏ dở. Tấm ngồi nhặt, nhưng biết đến bao giờ mới xong để được đi hội. Tấm ngồi khóc một mình, chỉ biết tủi phận, ấm ức mà không có ai giãi bày. Bụt hiện lên, cùng sự giúp đỡ của đàn chim sẻ mà công việc nhanh chóng hoàn thành, rồi Tấm tiếp tục được Bụt giúp khi đào bốn lọ xương cá bống đã chôn ở chân giường. Phần thưởng lớn nhất của cuộc đời Tấm đang đến gần. Tấm trở thành trang tuyệt sắc, là người duy nhất đi vừa chiếc giày thêu và “Tấm bước lên kiệu trước con mắt ngạc nhiên và hằn học của mẹ con Cám”.
Nhìn lại giai đoạn ở nhà của Tấm chúng ta thấy rất rõ hoàn cảnh vô cùng đáng thương mà Tấm phải chịu đựng, không chỉ làm lụng vất vả, bị hành hạ về thể xác mà tinh thần Tấm không lúc nào được yên. Tấm chỉ biết khóc (ngồi khóc hu hu, òa khóc, khóc một mình, nức nở khóc), những tiếng khóc chứng tỏ cô đã phần nào ý thức được về nỗi khổ của mình. Đó cũng là những phản ứng mang tính chịu đựng, cả tin, mềm yếu của cô gái hiền lành, thụ động, tiếng khóc của Tấm là sự bất lực trước số phận hẩm hiu, nỗi đau khổ, cơ cực, sự cô đơn buồn tủi, không có ai sẻ chia. Đây là giai đoạn Tấm chưa có ý thức đấu tranh chống lại cái ác, cũng vì vậy mà các nhân vật thần kì luôn hiện lên sẵn sàng giúp đỡ Tấm (Bụt, cá bống, con gà, đàn chim sẻ). Tấm đại diện cho cái thiện, được nhân dân ủng hộ, trước hết đã chiến thắng cái ác (mẹ con Cám) ở chặng đường đầu tiên của cuộc đời.
Tấm trở thành hoàng hậu – phần thưởng xứng đáng sau những tháng ngày khốn khổ. Nếu như câu chuyện dừng lại ở đó thì nghĩa là quẩn quanh trong mâu thuẫn gia đình phụ quyền thời phong kiến xưa. Nhưng không, mẹ con Cám rắp tâm tận diệt Tấm đã đẩy mâu thuẫn lên thành xung đột một mất, một còn.
Sau khi trở thành hoàng hậu, được sống trong nhung lụa, kẻ hầu người hạ nhưng Tấm không quên quê hương, gia đình – nơi chôn rau cắt rốn – Tấm trở về nhà trong ngày giỗ cha cùng với niềm vui được đoàn tụ người thân (dù sao mẹ con Cám vẫn là gia đình, người nhà của Tấm). Tấm đã quên đi những nhọc nhằn, cơ cực ở nơi được gọi là gia đình ấy. Tấm ngày nào vẫn giữ được nét đẹp trong tâm hồn, chân thật, tin người, nghe lời dì ghẻ trèo cây cau hái quả cúng cha. Khi gốc cau rung lên Tấm tiếp tục tin rằng dì đang đuổi kiến cho mình. Sự dối trá, độc ác của dì ghẻ không thể đong đếm được. Tấm ngã xuống ao chết hóa thành chim vàng anh – loài chim nhỏ màu vàng, hót hay – nhưng kì lạ thay, sau khi hóa thành chim vàng anh đã “bay một mạch về kinh, đến vườn ngự”, tìm đến niềm vui, sự sống, không dám vấn vương nơi này thêm phút giây nào nữa, tất cả như thế đã quá đủ để Tấm phải bản lĩnh mà nhận ra sự thật về mẹ con Cám. Cám được dì ghẻ đưa vào cung làm hoàng hậu thay chị, nói dối vua về việc Tấm bị ngã xuống ao chết đuối. Chim vàng anh nhìn thấy Cám đã nhắc nhở Cám cho thấy sự trưởng thành trong Tấm: “Phơi áo chồng tao, phơi lao phơi sào, chớ phơi bờ rào, rách áo chồng tao”, cách lên tiếng và xưng “tao” khác hẳn với cô Tấm hiền lành chỉ khóc hoặc nín lặng khi bị đè nén. Với Cám thì như vậy nhưng với vua chim vàng anh lại vui vẻ, quyến luyến không muốn rời. Chính điều này đã trở thành cái gai trong mắt Cám, nó mách mẹ và lập mưu giết chim vàng anh ăn thịt, tiếp tục nói dối vua. Một lần nữa, từ chỗ lông chim vàng anh hóa ra hai cây xoan đào tỏa bóng mát mỗi khi vua đi chơi vườn ngự. Như có sợi dây vô hình gắn kết tình vợ chồng, vua thấy thoải mái tới mức cho người mắc võng vào hai cái cây để nằm chơi hóng mát. Cám tiếp tục cùng mẹ tận diệt Tấm, dối vua chặt cây đóng làm khung cửi, tiếng kêu của khung cửi nghe rờn rợn:
Cót ca cót két,
Lấy tranh chồng chị,
Chị khoét mắt ra.
Đó không phải tiếng kêu cót két bình thường mà là tiếng rủa, đe dọa, xưng “chị” nhưng kết án đanh thép khiến Cám sợ hãi. Lần đầu tiên Cám cảm thấy sợ hãi sau khi đã làm bao điều ác với Tấm. Nhưng Cám chưa dừng, nó tiếp tục diệt Tấm bằng cách đốt khung cửi rồi đổ tro thật xa hoàng cung. Cám bắt đầu có sự đề phòng, bất an về sự hiện diện của Tấm trong cuộc sống của nó. Từ đống tro ấy mọc lên một cây thị cao lớn, cành lá sum sê. Cây thị có một quả thị nhưng mùi thơm ngát tỏa ra khắp nơi. Tấm bước ra từ quả thị làm những công việc gia đình rất chăm chỉ, gọn gàng, sạch sẽ xong lại chui vào vỏ quả thị. Sự hiện diện lần này của Tấm có lẽ đặc biệt hơn tất cả khi Tấm không phải ở hoàn toàn trong hình hài khác mà Tấm đang bước dần đến việc trở lại làm người thực sự - Tấm trở về để kết thúc cuộc đời đau khổ và cũng để trừng trị kẻ đã liên tiếp hãm hại mình. Bà lão hàng nước lúc này không khác “bà tiên” kết nối Tấm với cuộc đời, bà góp phần đưa Tấm về cuộc sống đời thường cùng chi tiết “miếng trầu têm cánh phượng” – tín hiệu giao duyên của lứa đôi - đã một lần nữa dựng xây hạnh phúc của Tấm. Tấm được vua đưa kiệu rước về cung, được vua yêu thương, nhìn Tấm còn trẻ đẹp hơn xưa. Tấm trừng trị Cám là hành động tất yếu, để đòi lại hạnh phúc, quyền sống, quyền làm người, để tồn tại.
Ở giai đoạn này không còn thấy tiếng khóc yếu đuối, bất lực của Tấm, thay vào đó Tấm đã hóa thân từ sự vật này đến sự vật khác. Những lần hóa thân của Tấm phản ánh tính chất quyết liệt của cuộc chiến đấu giữa cái thiện với cái ác, sự phát triển từ mâu thuẫn trong gia đình ở giai đoạn đầu chuyển thành những xung đột gay gắt ở giai đoạn sau. Cuộc đấu tranh của Tấm còn thể hiện sức trỗi dậy mãnh liệt của con người trước sự vùi dập của các thế lực tàn bạo.
Tấm trở về với cuộc đời, sống cuộc sống của hoàng hậu đã phản ánh quan niệm của nhân dân ta: “Ở hiền gặp lành”, mẹ con Cám bị trừng trị thích đáng thể hiện quan điểm “Ác giả ác báo”. Sự chuyển biến của Tấm từ yếu đuối thụ động đến kiên quyết đấu tranh giành sự sống và hạnh phúc thể hiện quan niệm và ước mơ của người lao động về một xã hội công bằng, về hạnh phúc; người lương thiện không thể bị vùi dập, bị chết oan, phải được hưởng hạnh phúc, kẻ ác nhất định phải bị trừng phạt. Con người phải tự mình đấu tranh bảo vệ sự sống và hạnh phúc của mình, không tìm hạnh phúc ở cõi nào khác mà tìm hạnh phúc thực sự ngay ở cõi đời này.
Truyện cổ thần kì Tấm Cám kể lại số phận long đong của Tấm kể từ ngày mồ côi cha mẹ và phải sống với dì ghẻ cùng đứa em gái cay nghiệt độc ác. Qua nghệ thuật hư cấu truyện với những chi tiết thần kì, sự chuyển biến hình tượng của Tấm chính là sự đấu tranh giữa cái thiện với cái ác. Tấm đã tự mình vươn lên khẳng định sức sống mãnh liệt, đúng với niềm mơ ước của nhân dân lao động: cái thiện, cái đẹp sẽ luôn chiến thắng cái ác, cái xấu.
Không thể trông chờ sự cứu giúp xa xôi
Em đành phải đứng lên, phải gồng mình tranh đấu
Khi nước mắt dẫu trong, không đẩy lùi kẻ xấu
Thì sự căm hờn phải cất tiếng lên…
(Nỗi lòng nàng Tấm – Nguyễn Thanh Huyền)