Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có đoạn: “Ông Đỗ Phủ là người làm thơ rất nổi tiếng ở Trung Quốc đời nhà Đường, có câu rằng “ Nhân sinh thất thập cổ lai hy”, nghĩa là “Người thọ 70 xưa nay hiếm”. Câu thơ trên của Đỗ Phủ trở nên phổ biến, được nhiều người nhắc đến. Khi dẫn câu thơ trên Bác chỉ muốn nói mình “là lớp người “xưa nay hiếm” nhưng tinh thần đầu óc vẫn rất sáng suốt, tuy sức khỏe có kém so với vài năm trước đây”. Bác nêu thành nhận thức khái quát: “Khi người ta đã ngoài 70 xuân, thì tuổi tác càng cao, sức khỏe càng thấp. Điều đó cũng không có gì lạ” (Vì độc lập tự do vì chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật,1970, tr 328). Đây là cách phát triển, mở rộng dẫn chứng thường thấy trong cách nói, cách viết của Bác Hồ.
Câu thơ của Đỗ Phủ được dẫn, có xuất xứ từ đâu, trong hoàn cảnh nào; được người Việt tiếp thu ra sao, là điều cần tìm hiểu; có thể đe, lại thú vị cho người quan tâm. Đỗ Phủ (712-770) để lại hơn một nghìn bài thơ. Được người đời sau tôn là “thi thánh”. Câu thơ “Nhân sinh thất thập cổ lai hy” là trong bài hai của Khúc Giang nhị thủ (Khúc Giang, hai bài ). Khúc Giang, thường gọi là Khúc Giang trì, nằm ở Đông Nam ngoại ô thành Trường An, một cảnh đẹp nổi tiếng vào thời nhà Đường. Có thể xác định thời điểm sáng tác bài thơ: sau một thời gian dài chờ đợi mà chỉ được bổ dụng một chức quan nhỏ - quản lý kho quân giới (Hữu vệ soái phủ trụ tào tham quân) ở kinh đô Trường An.
Bài hai như sau:
Phiên âm
Triệu hồi nhật nhật điển xuân y
Mỗi nhật giang đầu tận túy quy
Tửu trái tầm thường hành xứ hữu
Nhân sinh thất thập cổ lai hy
Xuyên hoa giáp điệp thâm thâm kiến
Điểm thúy thanh đình khoản khoản phi
Truyền ngữ phong quang cộng lưu chuyển
Tạm thời tương thưởng mạc tương vi
Dịch nghĩa
Từ nơi triều đình về ngày ngày ta đắm sắc xuân
Mỗi ngày ở đầu sông say khướt mới về
Nợ rượu là chuyện đi đâu mà chẳng gặp (quán)
Đời người sống đến bảy mươi xưa nay hiếm
Mải mê trong hoa loài bướm nhìn kỹ là thấy
Đuôi chấm xuống nước đám chuồn chuồn lỗ chỗ bay
Gửi lời đẹp trong cảnh sắc ta cùng người chuyển động
Trước cảnh đẹp lúc này ta đâu dám trái lời.
Dịch thơ
Tan chầu đắm đuối cảnh xuân tươi
Say khướt đầu sông tối mới lui
Nợ rượu quán quen đâu chả gặp
Bảy mươi tuổi hiếm ở trên đời
Xuyên hoa lũ bướm nhìn thấy múa
Chấm nước chuồn chuồn lên xuống bay
Lời đẹp gửi vào trong cảnh sắc
Cảnh thế mình đâu dám trái lời
(Thiên gia thi toàn tập, Nxb Hội nhà văn, 1998, tr 181-184)
Đọc bài thơ, thấy một Đỗ Phủ thích nhàn tản đắm mình trong cảnh xuân. Đỗ Phủ như tự nhận mình vào hàng đệ tử Lưu Linh, “Mỗi nhật giang đầu tận túy quy - mỗi ngày say khướt ở đầu sông tối mới về”. Cái say chưa đến độ Lý Bạch; cái say mà sau này ở trời Nam, nhà thơ Nguyễn Khuyến đã hơn một lần ca tụng (Đời trước thánh hiền đều vắng vẻ/ Có người say rượu tiếng còn nay - Uống rượu ở vườn Bùi). Một con người chỉ còn biết uống rượu đến say khướt, coi nợ rượu là thường tình; đâu còn “nợ công danh” của nhà nho từng trọng! Đỗ Phủ đến Trường An năm 34 tuổi (746) gần 10 năm mới được chức quan nhỏ, từ viên quan cần mẫn thành ông quan lười nhác, ngoài 40 đã kêu già. Lúc này vương triều Đường Huyền Tông đã tỏ rõ suy yếu nên xảy ra loạn An Lộc Sơn. Ở bài Khúc Giang kỳ nhất, Đỗ Phủ nói cảnh hoa rơi giảm dần vẻ xuân, chim trả (giống chim hèn) lo làm tổ; kì lân đá lăn lóc trên mộ các danh thần. Nên nhà thơ đúc kết “Tế suy vật lý tu hành lạc/ Hà dụng phù danh bạn thử thân” (Cứ trong vạn vật mà nghĩ, thì chơi là thích/ Lo gì hư danh làm bận đến mình). Vì thế mà Đỗ Phủ khích lệ chơi và say. Một khía cạnh nào đó, ta cũng thấy ở Nguyễn Trãi: “Cầm đuốc chơi đêm mảng tiếc xuân”. Hoàn cảnh tâm trạng ấy nên nhà thơ mới viết “nợ rượu là chuyện thường tình” và “người sống bảy mươi xưa nay hiếm”; khuyến nghị nên vui lạc thú là để quên nỗi đau thời thế. Ta càng hiểu nỗi đau giằng xé trong tâm sự Đỗ Phủ.
Ở Việt Nam, Nguyễn Trãi (1380-1442) ra khỏi quan lộ, khi về ở gần dân làng chài, thưởng nguyệt, ngâm thơ, lại nghe vẳng câu thơ Đỗ Phủ: “Tai thường phỏng dạng câu ai đọc/ Rất nhân sinh bảy tam mươi” (Tự thán, VI). Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) cùng hô ứng với Nguyễn Trãi, trong một bài thơ Nôm: “Rất nhân sinh bảy tám mươi/ Làm chi lảo đảo nhọc lòng người”. Nhưng Bạch Vân cư sĩ lại có cách nghĩ khác, muốn đối thoại cùng Đỗ Phủ: nghĩ mình bước sang tuổi chín mươi mà người ta gọi là tuổi thượng thọ. Xưa kia Đỗ Phủ mới chỉ ca ngợi tuổi bảy mươi… Ông làm chùm thơ Ngụ hứng chữ Hán: trong đó có câu “ Nhân sinh thất thập cổ lai hy / Hà tất lao hình sự quỷ tùy (Người ta đã sống đến cái tuổi bảy mươi / Thì dại gì nhọc thân chạy theo điều dối trá). Trạng Trình đã ngấm đời quan trường “nhọc thân” vì phải “dối trá”, mà bộc bạch, đến cái tuổi bảy mươi phải trở về con người thật, tính thật thà bản thiện của mình. Phải “dửng dưng” trước mọi sự, “Tuổi già mới tám mươi hai/ Mọi của dửng dưng thấy đã ngoài”.
Còn vua Khải Định ban thơ cho Cao Xuân Dục (1843- 1923) khi ông tám mươi (vào 12 tháng 9 năm Nhâm Tuất, Khải Định thứ 7 (1922) chỉ thuần túy khen đến tuổi thọ: “Nhân sinh thọ chí thất thập diệc vân thiểu, hĩ nhi khanh kim bát thập…” (Người ta thọ đến bảy mươi đã là hiếm, thế mà khanh nay đã được tám mươi; Long Cương văn tập, Nxb Lao động- Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2011, tr 198; phần phiên âm là tôi ghi thêm)
Tìm hiểu mở rộng câu “Nhân sinh thất thập…”, trước Đỗ Phủ , Khổng Tử có nói cái tuổi “thất thập”, tổng kết các giai đoạn đời người như sau (trong sách Luận ngữ, ở thiên thứ hai- Vi chính, mục 4): “Ngô thập hữu ngũ nhi chí ư học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ” - Ta mười lăm tuổi để chí vào việc học, đến ba mươi tuổi có thể lập thân xử thế, đến bốn mươi tuổi đã nắm bắt nhiều tri thức nên không bị mê hoặc, đến năm mươi tuổi thì đã hiểu được và làm thuận theo các qui luật tự nhiên, đến sáu mươi tuổi thì thông hiểu những điều tai nghe, đến bảy mươi tuổi thì tùy tâm sở dục nhưng không vượt khỏi chuẩn tắc của lễ” (sách Luận ngữ với người quân tử thời hiện đại, Trần Tiến Khôi, Nxb Từ điển bách khoa, 2008, tr 50; nhân đây cũng xin nhắc lại một sai sót về phiên âm của nhà văn Bùi Bình Thi khi dẫn lời này của Khổng Tử: “Ngô thập hữu ngũ, chi chí vu học;…”, chữ nhi thành chi, ư thành vu , bài “Nói thêm cho rõ”, Văn nghệ trẻ, số 16, ngày 19.4.2009). Như vậy, tuổi bảy mươi là cái mốc quan trọng trong đời người quân tử, đạt tới đỉnh của hành xử: làm đúng một cách tự nhiên, làm theo ý muốn mà không vượt ra ngoài khuôn phép, chuẩn mực. Sự đạt Đạo và Đời là Một. Có thể nói, chính vì đạt tới cách sống đó mà “tuổi bảy mươi” mới là “hiếm”, “xưa nay hiếm”. Một thức nhận chỉ có ở những nhân cách lớn, những con người phi thường. Các bậc văn nhân, nho sĩ đất Việt đã tiếp nhận khía cạnh văn hóa trong cách sống làm người hiền sĩ, xuất xử, hành tàng trong quĩ thời gian hữu hạn của đời người.
Trở lại với Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mặc dù chỉ là trích dẫn lời người xưa, ta vẫn nhận ra cốt cách hạo nhiên ở Bác: hiểu quy luật sinh tồn, sống hết mình, ung dung tự tại và thanh thản đón nhận sự ra đi. Quan trọng hơn, cách nói, lời nói của Bác đã thức nhận về đời sống hữu hạn, truyền nhiệt huyết sống cho những thế hệ người tiếp nối.
Xin được bình điểm đôi ý người xưa, vài lời cảm nhận, nhân đọc lại Di chúc của Bác.