Thị xã Sơn Tây chính thức được thành lập vào ngày 31 tháng Chạp năm 1924, với Nghị định đổi tỉnh lỵ thành thị xã (của Thống sứ Bắc Kì). Theo sách “Sơn Tây tỉnh địa chí” (1941) của Phạm Xuân Độ, lúc đó Thị xã có diện tích 150 mẫu, với 6.166 dân, chia làm bốn hộ:
Hộ Đông gồm: Lạc Sơn, Hậu Thái, phố và làng Thuần Nghệ (nay là các Phố: Phạm Ngũ Lão, Trưng Vương, Phùng Khắc Khoan)
Hộ Tây có: Hữu Mỹ, Mỹ Hội, Hữu Lợi (nay là phố Phùng Hưng, Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền)
Hộ Nam có: Tiền Túc, Đông Thành, phố Chợ, Đông Tác, Tả Hùng, Đông Hưng ( nay là các phố Quang Trung, Phạm Hồng Thái, Hoàng Diệu, và phần phố Phùng Khắc khoan)
Hộ Bắc có : Hậu Tĩnh, Hậu Ninh, Hậu Bình, Hậu An, Phú Nhi, Bến Tàu, ngõ ngang Hàng Đàn ( nay là phố Lê Lợi, Trạng Trình, Đinh Tiên Hoàng).
Việc gọi tên “hộ” cũng xuất phát từ tên “cửa” Thành Sơn Tây (chữ “hộ” 户: có các nghĩa 1. “cửa ngõ” - cửa có một cánh, cửa có hai cánh là “môn”; 2. “dân cư”)
Việc đặt tên đường phố mới có thể trước hoặc sau năm 1960. Những tên mới là các anh hùng hoặc danh nhân chúng ta đều khá quen thuộc (Lê Lợi, Quang Trung, Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Thái Học…). Có hai tên người là những nhà yêu nước chống thực dân Pháp, cuối thế kỷ XIX, là Đốc Ngữ, và đầu thế kỷ XX Phó Đức Chính, có thể còn ít người biết ( hai phố này đều thuộc phường Lê Lợi). Những người này có “dính” gì đến địa phương mà lại được đặt tên? Trong khi chưa tìm được văn bản của cấp có thẩm quyền về lý do chọn nhân vật đặt tên đường phố, ở thời điểm ra đời, xin được nói vài nét về hai nhân vật Đốc Ngữ và Phó Đức Chính.
1. Phố Đốc Ngữ nối từ phố Lê Lợi sang phố Trưng Vương. Xưa là Phố Hậu An..Phường lê Lợi vẫn giữ tên phố cũ để đặt tên các tổ dân phố.
Đốc Ngữ là một nhà yêu nước người Sơn Tây. Tên ông là Nguyễn Đình Ngữ, sinh khoảng 1844, tại Xuân Vân Đông , xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ. Gia cảnh bần bách nhưng giàu lòng yêu nước, vợ và anh em ông đều tham gia chống Pháp. Ông tham gia chiến đấu chống Pháp do Thống đốc quân vụ Hoàng Tá Viêm chỉ huy, từ 1873. Ông được đề bạt chức Đốc binh. Sau khi quân triều đình hàng Pháp, ông mới tách ra kháng chiến độc lập. Thời gian đầu (1883-88) ông tham gia nghĩa quân của nguyên Tuần phủ, trấn thủ Hưng Hóa Nguyễn Quang Bích, cùng Bố chính Nguyễn Văn Giáp. Sau có đủ lực lượng độc lập tác chiến nghĩa quân của ông đã lập nhiều chiến công. Đó là trận chiến ở Quảng Nạp, Phú Thọ (5.1890) tiêu diệt gọn toán quân do tên đồn trưởng chỉ huy trên đường hành quân. Chưa đầy một tháng sau đội nghĩa quân của ông bẻ gãy trận càn của lính Pháp tại Thạch khoán, Phú Thọ (16.7. 1890). Sau đó ông đưa nghĩa quân về vùng Sơn Đà và Sơn Đông, Sơn Tây. Đốc Ngữ chú trọng tổ chức huấn luyện quân binh, liên hệ với các nghĩa quân khác, như Hoàng Hoa Thám ở Bắc Giang, Tán Thuật ở Hưng Yên, Tống Duy Tân ở Thanh Hóa…Vào năm 1892 số quân của ông đã tới 1200 người, với trang bị súng trường kiểu mới, có cả đại bác. Ông có trận hỏa công, đánh vào nhà tù Sơn Tây ( 10- 1890) giải phóng 174 tù nhân (vợ ông là Hoàng Thị Ba buôn gỗ ở thị xã, có quan hệ với sở công chính, nắm tình hình canh phòng trong thành, báo cho ông, để có kế hoạch tập kích). Lo sợ với sức mạnh của nghĩa quân, vào tháng 3.1891 Pháp tập trung ba binh đoàn đánh vào bản doanh ở Yên Lãng. Sau trận ác chiến kéo dài 7 giờ liền, để bảo toàn lực lượng, nghĩa quân rút khỏi căn cứ. Tháng 2.1892 lợi dụng địch sơ hở nghĩa quân lại tiêu diệt đồn Yên Lãng. Để tăng sức mạnh Đốc Ngữ đã cho quân vượt Sông Mã vào hợp quân với Thanh Hóa, tổ chức phục kích đội quân đi càn của Pháp ở xã Thiết Ống, châu Bá Thước. Sau đó ông lại đưa quân về căn cứ cũ vùng Khả Cửu, Thanh Sơn, Phú Thọ. Pháp vừa bao vậy căn cứ vừa mua chuộc, chia rẽ nghĩa quân cũng như dân tộc Mường và Kinh. Ông bị mưu sát vào 7.8.1892.
2. Phố Phó Đức Chính
Đây là con phố chạy quanh bờ hào thành cổ Sơn Tây, từ phòng Tài chính thị xã đến trụ sở Công an thị xã (có thời mang tên phố Phờrăngsít Gácniê -Prancis Garnier - nay là Phó Đức Chính – Phan Chu Trinh)
Phó Đức Chính (1907 - 1930) là nhà cách mạng Việt Nam, sáng lập viên, một trong những lãnh tụ của Việt Nam Quốc Dân Đảng, cánh tay phải của Đảng trưởng Nguyễn Thái Học.
Phó Đức Chính sinh năm 1907 trong một gia đình nho học tại làng Đa Ngưu (nay thuộc xã Tân Tiến) huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, Việt Nam. Ông là con út trong gia đình có 4 anh chị em, cha là cụ Duy Chân. Cụ còn có tên khác là Đức Chân và Đức Tường. Cụ Duy Chân có bốn người con: Phó Đức Chỉ, Phó Đức Ước, Phó Thị Quy, và Phó Đức Chính.
Tháng 12 năm 1927, Phó Đức Chính tham gia thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng, phụ trách công tác tổ chức và phát triển Đảng.
Sau khi tốt nghiệp trường Công chính, Phó Đức Chính được bổ nhiệm sang Lào làm việc.
Từ ngày 9 tháng 12 năm 1928, Phó Đức Chính giữ chức phó chủ tịch Việt Nam Quốc Dân Đảng.
Sau cuộc ám sát viên Bazin, Việt Nam Quốc Dân Đảng bị thực dân Pháp khủng bố ở khắp mọi nơi. Phó Đức Chính bị bắt ở Lào, kết án tù treo và bị bãi chức tham tá công chính.
Sau khi về nước ông trả hết những món đồ kỷ niệm cho vị hôn thê là cô Thắm ở Thanh Hóa. Ông tích cự hoạt động sát cánh cùng Nguyễn Thái Học. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại, sau khi thoát vòng vây, ông liên lạc với những đồng chí của mình tập hợp lực lượng, định đánh thành Sơn Tây. Nhưng ngày 13.2.1930, bao nhiêu bom, dao để ở Quang Húc (xã Đông Quang, Ba Vì) bị địch khám xét đem đi. Ngày 15 (2.1930) ông cùng Cai Tân, Nguyễn Văn Khôi đang bàn kế hoạch tại nhà Quản Thanh, làng Nam An, xã Cam Thượng thì bị bắt rồi giải về Hà Nội. Khi bị kết án tử hình, viên đề hình còn hỏi ông có chống án không, ông cười mà đáp: “Đời con người ta làm có một việc, hỏng cả rồi, sống làm chi?” (theo sách “Nguyễn Thái Học, 1902 -1930” của Nhượng Tống)
Lúc 5 giờ 30 phút sáng ngày 17 tháng 06 năm 1930, tại Yên Bái, thực dân Pháp dùng máy chém chặt đầu ông và 12 đồng chí khác, trong số đó có Nguyễn Thái Học. Phó Đức Chính là người thứ 12 bước lên máy chém. Ông là người duy nhất đã yêu cầu được nằm ngửa để xem lưỡi dao rơi xuống như thế nào.
Tuy ở đời chừng 21 năm, nhưng linh hồn ông đã hòa hợp với Quốc hồn mà còn mãi với non sông (Lời nhận xét của Nhượng Tống, trong sđd)