Đặt tên Tự, Hiệu đã thành truyền thống với văn nhân, nho sĩ VN. Những nguyên tắc đặt tự hiệu thì đã rõ, nhưng lý do mà người đặt tự hiệu ấy cho mình là điều không dễ giải thích. Cuốn “Tên tự tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt nam” (của PGS TS Trịnh Khắc Mạnh) tập hợp 1098 tự hiệu, là những chỉ dẫn cần thiết cho người quan tâm về vấn đề này.
Tôi có quen biết và thường trao đổi với Cố PGS TS Nguyễn Đăng Na về vấn đề này. Ông đã chỉ ra những nhầm lẫn của một số học giả đã cắt nghĩa tự hiệu của Nguyễn Đình Chiểu (bài trên chuyên san KHXH &NV Nghệ An, 5/2013). Lược trích như sau:
Khi cụ Nguyễn Đình Chiểu mất năm 1888 thì năm sau - 1889, Trương Vĩnh Kí (1837 - 1898) lập tức in Truyện Lục Vân Tiên trong đó ghi: “Nguyễn Đình Chiểu 阮 廷 炤, tự Mạnh Trạch 孟 擇, hiệu Trọng Phủ 仲 甫, (sau khi bị mù lấy hiệu Hối Trai 晦 齋)...”. 85 năm sau - 1973, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hoàn chú thêm: “Hối Trai (cái nhà tối)”. Từ đó đến nay, người viết đều ghi theo Trương Vĩnh Kí là: Nguyễn Đình Chiểu (阮 廷 炤) tự là Mạnh Trạch (孟 擇), hiệu là Trọng Phủ (仲 甫), sau khi bị mù có thêm hiệu là Hối Trai (晦齋). Ngoài ra, vài người “giặm” theo ông Nguyễn Văn Hoàn: Hối Trai là “cái nhà tối”, hoặc Hối Trai là “cái phòng tối”. Theo Thế phả, cụ Đồ Chiểu là tộc Nguyễn Đình (阮 廷), tên húy là Chiểu (炤), tên húy của thân phụ là Huy (煇). Xin chú ý là, thời trung đại, tên họ và tên người Việt Nam đều viết bằng chữ Hán, đọc theo Hán Việt và tên (Nguyễn Đình) Huy, (Nguyễn Đình) Chiểu thuộc bộ hỏa (火, 灬). Chữ Huy nghĩa là sáng sủa, rực rỡ như mặt trời, còn chữ Chiểu nghĩa là soi sáng con người. Riêng chữ Chiểu có dị thể là chiếu (照).
Vậy tên tự là Mạnh Trạch (孟 擇) lấy từ đâu ra mà vẫn bao trùm nghĩa chữ Chiểu? Ấy là từ câu Tích Mạnh mẫu (昔 孟 母), Trạch lân xử (擇 鄰 處) trong Tam tự kinh do Vương Ứng Lân (1223 - 1296) thời Tống, người Chiết Giang (浙 江) thuộc Bách Việt viết, kể thân mẫu của Mạnh Kha (Tr.CN 372 - 289) nước Lỗ, lao tâm khổ tứ, 3 lần chuyển nhà (bỏ nhà gần nghĩa địa, bỏ nhà gần chợ, bỏ nhà gần trường) để tìm nơi tốt nhất cho con học hành thành người. Nhờ công lao của thân mẫu, Mạnh Kha trở thành Á Thánh sau Tiên Thánh Khổng Khâu và tích đó thành điển Mạnh mẫu trạch lân (孟 母 擇 鄰). Đấy là tại sao cụ Nguyễn Đình Huy muốn đặt tên tự Mạnh Trạch cho con thành hiền tài, sáng soi cuộc đời.
Đặt hiệu thứ nhất: Trọng Phủ
Có lẽ cụ Đồ Chiểu dựa vào 2 cơ sở đặt hiệu Trọng Phủ:
Một là, trước, thân phụ đã đặt cho tên tự là Mạnh Trạch, thì chữ mạnh thuộc dãy số thứ tự: 1 là mạnh (孟), 2 là trọng (仲), 3 là quý (季). Cho nên, sau Mạnh (Trạch) là Trọng (Phủ). Vả chăng, thân mẫu của cụ là bà thứ, sau bà cả; nghĩa là, dù con cả, cụ Đồ Chiểu vẫn hệ thứ - Trọng.
Hai là, chữ phủ (甫) dùng để tôn kính đàn ông, hoặc gọi bậc trượng phu là phủ, như gọi cụ Khổng Tử là Ni Phủ. Đặc biệt, chữ phủ còn chỉ bề tôi hiền tài. Như vậy, đặt hiệu Trọng Phủ vừa nghĩa là Chàng Hai, vừa nghĩa là bề tôi hiền tài, vừa chỉ tên húy Chiểu (炤): soi sáng con người! …
Cụ Nguyễn Đình Huy, người Việt Nam thời Nguyễn đặt tên húy cho con là Chiểu (炤) - chỉ Nguyễn Đình Chiểu, với nghĩa soi sáng con người. Lúc lớn lên, người con thấy tên húy của mình không được khiêm tốn và e rằng đời người chê cười. Vì thế, những người con phải tự nhún mình bằng cách đặt hiệu ngược nghĩa chữ húy. Như cụ Chu Hi, người Giang Nam, Bách Việt, đặt hiệu Hối Am (晦 庵) trong đó chữ đầu có nghĩa ngược chữ Hi: Hối; cụ Đồ Chiểu đặt hiệu Hối Trai trong đó chữ đầu cũng ngược nghĩa chữ Chiểu: Hối. Chữ Trai vốn nghĩa là thân - tâm thanh khiết để chuẩn bị tế lễ. Sau, người ta lấy chữ Trai ghép vào một số khái niệm trang trọng, như Thư trai (phòng sách), Trai ốc (nơi tụng kinh, lễ bái), Dưỡng Tâm trai (nơi nuôi dưỡng tâm linh)...
Mong rằng những kiến giải trên của PGS TS Nguyễn Đăng Na đem đến những hiểu biết thêm cho những người quan tâm đến tên Tự, tên Hiệu, nói chung; và trường hợp tác gia Nguyễn Đình Chiểu nói riêng.