Đó là những từ trong một bài thơ của Chế Lan Viên. Tôi xem nhiều bài viết, từ bài báo đến luận văn, bài nghiên cứu, hầu hết đều chép sai một chữ trong câu đầu bài thơ: “Sương giăng mờ trên ngõ Tạm Thương”( tôi gạch dưới, nhấn mạnh). Có luận văn bàn về “Chất trí tuệ trong thơ Chế Lan Viên”, trích bài thơ, lại không dẫn tên; có trang mạng (thivien) chép đúng chữ, nhưng chép tên bài thơ lại thêm dấu ngoặc: “Chơi chữ về ngõ Tạm Thương (tức Tạm Sương). Lại có những bài in trong một cuốn sách, ngoài dẫn sai chữ câu thơ đầu, còn dẫn tên bài thơ cũng thiếu và sai: “Chơi chữ về ngõ Tạm sương tức Tạm Thương”( Thơ Chế Lan Viên những lời bình, Nxb VH – TT, 2000, tr 233, 237, 382). Từ đó dẫn tới cách hiểu và bình chưa thỏa đáng.
Để có cơ sở, căn cứ chính xác khi hiểu, bình bài thơ, xin nêu các dẫn liệu .
1. Văn bản bài thơ.
CHƠI CHỮ VỀ NGÕ TẠM THƯƠNG TỨC TẠM SƯƠNG
Sương giăng mờ trên ngõ Tạm sương.
Ngõ rất cụt mà lòng xa thẳm
Ngõ bảy thước mà lòng muôn dặm
Thương một đời đâu phải tạm thương.
(tập thơ “Đối thoại mới”, Nxb Văn học, Hà Nội - 1973, tr 22)
Lưu ý: dòng thơ đầu chỉ có chữ “Tạm” viết hoa, và dấu chấm cuối câu; dòng cuối “tạm thương” không viết hoa, có dấu chấm cuối câu. Hai từ: “Tạm Thương” và “Tạm sương” đều xuất hiện hai lần ( ở đề và bài thơ )
2. Hiểu thế nào về cụm từ “ngõ Tạm Thương tức Tạm Sương”? (vì đề chữ in hoa nên tạm cho hai tên đều viết hoa)
Về ngõ Tạm Thương. Theo “Từ điển đường phố Hà Nội” (Nguyễn Loan - Nguyễn Hoài, Nxb Thế giới, 1994): Tạm Thương “Tên một ngõ đi từ giữa phố Yên Thái ở số nhà 23 đến giữa phố Hàng Bông, thuộc quận Hoàn Kiếm. Tên Tạm Thương có từ khoảng đầu đời Nguyễn, nơi này có dựng một cái kho để chứa tạm thóc thuế do dân nộp, trước khi chuyển vào kho chính, gọi là kho Tạm Thương” (tr 235). Trong sách “Hà Nội cũ” của Sở Bảo Doãn Kế Thiện (1894 - 1965) cho biết rõ hơn: “Tạm Thương nghĩa là một kho tạm. Nguyên chính phủ ngày xưa, hàng năm lấy thuế của dân cả tiền lẫn thóc. Dân đem tiền và thóc lên tỉnh nộp gọi là “đăng trường”. Việc nộp ấy rất phiền phức. Nhất là thóc lúa, còn phải do viên giám ty, tức gọi là viên thủ kho, xem xét kỹ càng thóc tốt hay xấu. Thóc của dân nào chưa được đăng trường ngay, phải đem quyền trữ vào các tạm thương trong ít ngày” (Nxb Đời Mới, 1943; Nxb Hà Nội, in lại 1994, tr 61).
Xét về từ chữ, “tạm thương” là từ Hán Việt ( 暫 “tạm”: chốc lát, không lâu; 倉 “thương”: cái bịch thóc). Như vậy, từ “tạm thương” là kho thóc trữ không lâu, từ đó mà có địa danh “ngõ Tạm Thương”. Còn “Tạm sương”? Vì sao Chế Lan Viên viết “ngõ Tạm Thương tức Tạm Sương”, và câu thơ đầu là “Sương giăng mờ trên ngõ Tạm sương.”? Nếu sinh thời có thể nêu thắc mắc này với nhà thơ, sự việc sẽ rõ ràng. Giờ đây phải luận giải về ý định của ông. Có thể Chế Lan Viên đã cho rằng: chữ “sương” là từ “nghĩa sương”. Theo Phan Kế Bính (1875 - 1921 ) “Nghĩa sương là một kho chứa thóc dân thôn đề phòng khi mất mùa đói kém thì đem thóc ấy mà chẩn cấp cho người nghèo. Năm Tự Đức thứ mười ba triều đình chuẩn cho các thôn xã, mỗi làng đặt một nghĩa sương…” (Việt Nam phong tục, Nxb Tổng hợp Đồng Tháp, 1990, tr 189). Xét từ Hán Việt, “nghĩa sương” (義 箱) “nghĩa”: việc làm vì người; “tương”, quen đọc “sương”: cái kho; còn “ nghĩa thương” (義倉) - “thương”: cái kho chung - cai kho thóc làm việc nghĩa. Cách hiểu tên ngõ “Tạm Thương tức Tạm Sương” của nhà thơ có thể là từ ý nghĩa này.
3. Bài thơ có hai chỗ chơi chữ , dựa vào từ đồng âm: “sương” từ Hán Việt, chỉ “cái kho”; với “sương” chỉ hơi nước trong không khí. Câu đầu “Sương giăng mờ trên ngõ Tạm sương”, sương “giăng mờ” là nhiều, lại gọi “tạm sương” - sương ít và qua loa ?! Câu cuối “thương” là kho thóc”, với “thương” là động từ, “ yêu dấu chú ý săn sóc”. Thương yêu cả đời là nhiều dài lâu, lại gọi “tạm thương”. Bài thơ chơi chữ ở những tên gọi, qua những nghịch lý để biểu cảm lòng người. Đó là sự tinh tế, tài hoa trong thơ “tứ tuyệt” của Chế Lan Viên.