Câu “Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào”, trong bài Thu vịnh của Nguyễn Khuyến, chú thích: “Ông Đào: Đào Tiềm (365-427) còn gọi là Đào Uyên Minh, một nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc thời Lục Triều”, và chỉ dẫn xem tiếp chú thích bài trích Lục Vân Tiên: “Nguyên Lượng: Đào Uyên Minh (còn gọi Đào Tiềm) tên tự Nguyên Lượng, một người nổi tiếng về thi tài và khí tiết. Đang làm quan, vì không chịu quỵ lụy quan trên, ông đã bỏ quan về ở ẩn. Ông có bài Quy khứ lai từ (Về đi thôi) để tỏ chí mình” (SGK văn 11, tập một)
Để hiểu đầy đủ rõ nét về nhà thơ, từng được Nguyễn Trãi nhắc đến (“Tay còn lựa hái cúc Uyên Minh”- bài Mạn thuật 9). Nguyễn Khuyến ba lần nhắc đến ở thơ Nôm (“Câu Đào cửa miệng đưa câu rượu”- Vịnh mùa hè; “Bành Trạch cầm xoang ngâm trước ghế”- Trở về vườn cũ); năm lần nhắc ở thơ chữ Hán (“Nguyện phóng Uyên Minh tam kính hoàn” - Xin tha cho Uyên Minh về với ba luống cúc- bài Mới đến cửa biển Đà Nẵng; “Đào Tiềm qui khứ thủy tri quân”- Đào Tiềm từ quan về nghỉ mới được biết ngươi- bài Vịnh cúc; “Uyên Minh ngâm hứng đa qui tửu”- Hứng thơ Uyên Minh phần nhiều vì rượu- bài Ngày hè ngẫu hứng; “Bành Trạch qui lai tửu hứng cô”- Bành Trạch về hưu hứng rượu chỉ có một mình- bà Thu tứ; “Sở dĩ độc lưu Bành Trạch tể”- Vì thế chỉ mến quan tể đất Bành Trạch- bài Gửi cho bạn đồng học họ Lê ở Lang xá. Giới thiệu đôi nét về “Ông Đào”.
Đào Uyên Minh 陶淵明 (365-427) có sách nói tên Tiềm (潛), tự Uyên Minh, Nguyên Lượng (元亮 lượng: sáng, thanh cao)
Ông là cháu bốn đời học giả danh tiếng Đại Tư mã Đào Khản, ông cố ông cứ mỗi sáng khiêng chuyển đống gạch sang một chỗ, chiều lại chuyển về chỗ cũ, vận động cơ thể tránh lười nhác. Đời cha mẹ ông nhà nghèo, ông nhận một chức quan nhỏ, được ít lâu từ quan, về làm ruộng vất vả mà mang bệnh. Một hôm ông nói với bạn bè thân thuộc: “Nếu bây giờ tôi đi đàn hát rong để có tiền sửa sang vườn tược có nên không?” Một người bạn tiến cử ông làm chức tri huyện Bành Trạch. Tính ông hay rượu bèn lệnh cho dân trồng lúa nếp hết. Vợ ông can ngăn ông mới cho 1/6 số ruộng trồng loại khác. Có lần viên quan Đốc bưu đi thu thuế, lính trình ông ra đón. Ông than “Ta có thể nào vì năm đấu gạo (số lương được cấp phát) mà khom lưng như vậy. Ông bèn trả mũ áo từ quan. Viết bài “Qui khứ lai từ”.
Nhà nghèo ông thương con, ân hận vì không cho chúng no đủ, chân lấm tay bùn. Có đứa nhỏ ở giúp việc vặt, ông dặn con phải đối xử tử tế vì nó cũng là con cái người ta. Ông có tật ham rượu. Dù ít giao du, nhưng có lúc đi qua tiệc rượu, dù không mời ông vẫn sa vào. Có khi ông là chủ đãi khách, lúc say ông bảo: “Tôi say, buồn ngủ rồi, xin các ông về cho”. Ông có cây đàn cầm đã đứt dây, lúc cao hứng ông ôm đàn, vuốt ve vỗ về, rồi nói: “Hiểu thú chơi cầm thì cần gì phải khó nhọc gẩy lên thành tiếng?” Ông khiêm nhường thận trọng trong kết bạn. Vương Hoàng làm chức phán quan muốn kết giao mà không biết làm cách nào. Bèn nhờ người bạn mời ông đi uống rượu, đi nửa đường ngừng lại uống, Vương Hoàng tiến ra chào nhưng ông vẫn cao hứng chén này chén khác đến tối ngày, quên đến nhà bạn. Vương Hoàng thấy ông không có dép, bảo tả hữu gọi thợ đến đo chân, ông vô tư duỗi chân cho đo. Có lần bạn nấu rượu, ông lột ngay chiếc khăn đang đội lọc rượu, sau lại quấn lên đầu. Hồi ở Lư Sơn có nhóm tu hành Bạch Liên xã mời ông tham dự tiệc. Ông đưa điều kiện phải có rượu, điều này trái với giới điều nhà Phật. Nhưng vị chủ trì vẫn chấp nhận. Một lần ông đến uống rượu với vị Đạo nhân. Như vậy cả đủ cả Tam giáo: Nho, Phật, Lão.
Đời ông vô tư lự, khiêm như, giản phác; là nông dân mà thi sỹ, minh triết mà vui vẻ. Ông có tập thơ nhỏ tả thú uống rượu, thú điền viên, vài thiên tản văn, ba bốn bài văn tế, một bài di chúc… Bài “Quy khứ lai từ” là bài phú nổi tiếng được người đời sau thường nhắc. Nói đến việc “từ quan” dứt khoát để về với đời sống điền viên tuy vất vả nhưng hợp lẽ tự nhiên, vui thú với con cái, bạn bè, làng xóm; thưởng ngoạn cảnh quan đơn sơ nơi đồng ruộng…
Nhà nghiên cứu văn hóa Trung Hoa Lâm Ngữ Đường viết: Đào Uyên Minh được coi là mẫu mực yêu đời, tuy ông phản kháng những dục vọng trần tục nhưng vẫn không lánh đời. Trong con người ông triết học nhập thế mất đi tính cách tự mãn, tự đại; triết học lánh đời mất đi tính cách phản kháng chua chát. Và, lần đầu tiên, sự minh triết của loài người đạt đến mức thành thực hoàn toàn trong một tinh thần trào lộng và khoan hòa. Ông là đại biểu cho cái chất kì dị của văn hóa Trung Hoa, vừa trọng tính dục vừa kiêu hãnh, trọng tâm linh mà không khổ hạnh, trọng vật chất mà không sa đắm vào nhục dục, điều hòa thất tình trong đời sống nội tâm