Mẹ bảo, đi cùng người đàn ông đó, chúng tôi mới thoát nghèo.
Thế là mẹ dắt con trâu với cái bụng căng bóng sắp đến ngày sinh bán cho lão lái buôn. Rồi đến những vật dụng trong nhà, cái nào đáng chút tiền, mẹ cũng mang đi bán nốt. Mẹ mải miết ngồi đếm lại từng đồng tiền nhàu nhĩ và lấy dây nịt buộc chặt từng loại theo mệnh giá. Vét sạch đến kiệt cùng. Giờ tôi ngồi trong ngôi nhà rỗng mà tứ phía mưa gió ùa vào. Mới là cơn lạnh đầu đông mà sao gió mưa găm vào lòng tôi lạnh như muôn vàn lưỡi dao. May mà cái chậu đốt than mẹ chưa bán. Tôi ngồi khêu những hòn than đỏ để vùi kín mấy củ khoai vừa đặt vào trong chậu. Mẹ tính trước cả rồi, chỉ chừa lại đúng bốn củ khoai cho ngày hôm nay để chờ người đàn ông đó. Chợt mẹ giục, đi. Tôi hốt hoảng. Mẹ vừa xách túi lên vừa gắt. Tôi ngẩn người, luống cuống bới mấy củ khoai dở sống dở chín đặt vào cái túi vải rồi vội vã chạy theo mẹ.
Chiếc xe xuyên màn mưa nhấp nhô qua những con đường đèo dốc. Từng chùm mưa quất vào cửa sàn sạt. Mọi người đều im lặng. Người đàn ông đó ngồi bên cạnh chúng tôi, thỉnh thoảng hỏi mẹ một vài câu trống không. Mẹ cũng đáp lại nhát gừng. Rồi mẹ ngáp ngủ. Mấy hôm nay mẹ không ngủ. Tôi biết, mẹ đã phải chuẩn bị rất nhiều cho chuyến đi này, đã thu vén và gom nhặt đến những đồng cắc cuối cùng làm hành trang cho một lần ra đi.
Mẹ bảo, đi cùng người đàn ông đó, chúng tôi mới thoát nghèo.
Mẹ có một niềm tin thoát nghèo mơ hồ mà mãnh liệt. Tôi cũng cần phải có một niềm tin như thế. Cũng phải đặt sự cá cược mà không được phép thua vào người đàn ông kia. Người mà tôi mới gặp có vài lần, cũng chỉ nhớ ông ta có một vết sẹo dài trên má. Hôm nay, ngồi trong thùng xe không có một chút ánh sáng nào, giữa đêm tối mênh mông và mưa gió bủa vây, tôi càng chẳng thể nào nhìn rõ khuôn mặt ông ta. Vậy mà tôi vẫn phải đặt niềm tin vào cái tôi không rõ hình hài.
Phải chăng, cả tôi và mẹ đều không còn một lựa chọn nào khác.
Khi tôi mở mắt thì trời đã sáng. Tôi đảo mắt tìm kiếm người đàn ông để nhìn cho thật rõ khuôn mặt ấy thì ông ta không còn ở đó. Mẹ tôi thì đang gào khóc, kể lể. Người trên thùng xe chỉ còn lại mẹ con tôi và một người đàn bà. Lúc này tôi mới hiểu ra, trong khi mẹ con tôi ngủ quên thì người đàn ông kia đã cuỗm luôn cái túi của mẹ, cướp đi cả gia tài và khát vọng thoát nghèo của mẹ con tôi.
Chỉ còn duy nhất trong chiếc túi vải tôi ôm khư khư vào lòng là bốn củ khoai dở sống dở chín.
Mất tất cả, mẹ con tôi đành lê bước quay về ngôi nhà rỗng tuếch nơi đỉnh đèo hút gió. Mẹ chẳng còn tin vào ai và bất cứ điều gì.
***
Tôi cặm cụi ngồi quạt chậu than đỏ, liên tục lật những bắp ngô vàng óng và những củ khoai có vỏ màu nâu đỏ. Mùi thơm ngào ngạt, bùi bùi lan trong lớp sương chiều dày đặc. Cả một khoảng trời nặng trĩu như vỡ ra từng mảng ẩm ướt và xám xịt rồi xếp chồng lên nhau trên khúc cua trước cửa nhà tôi.
Bỗng “rầm”, tôi nghe thấy tiếng động mạnh chợt ngẩng lên. Một chiếc xe gắn máy đổ sầm xuống đường và chiếc xe tải vụt qua, mau chóng tan vào màn sương . Tôi vứt vội chiếc quạt, chạy ra. Người đàn ông đã bị thương ở chân, máu chảy ra nhiều, khuôn mặt tái đi. Tôi vội vã dìu anh vào quán rồi gọi mẹ. Chỗ tôi ở xa trạm y tế, lại thưa dân nên mẹ tôi cũng có ít nhiều bài thuốc phòng thân, hi vọng là mẹ có thể giúp được anh. Mẹ trở ra, khuôn mặt lạnh, không biểu lộ một xúc cảm gì, bảo tôi lấy các vật dụng cần thiết rồi sau đó băng bó cho anh ta. Xong, mẹ trở vào nhà, để mặc tôi với anh ở đó. Anh nhìn theo mẹ, ngẩn ngơ.
Tôi đưa cho anh một bắp ngô nóng hổi, bảo, ăn đi. Anh đón lấy, cố cười cảm ơn nhưng mặt vẫn nhăn lại, nghe chừng còn đau. Tôi thở dài, anh đau như vậy, đi kiểu gì bây giờ, tối rồi, đường khó đi lắm đấy. Anh ngẩng đầu nhìn tôi, đường khó đi lắm sao? Tôi gật đầu, không khéo lại bị tai nạn lần nữa. Anh ngồi thừ người ra, tay mân mê bắp ngô đến nguội ngắt.
Đêm đó, anh thành vị khách trọ bất đắc dĩ ở nhà tôi. Anh trả tiền để được tá túc qua đêm, sáng mai đi sớm. Mẹ không nói không rằng, lùa tôi đi vào buồng, rồi đóng chặt cửa lại. Đã lâu rồi, nhà tôi không có đàn ông ở qua đêm, kể từ khi người đàn ông ấy biến mất. Đêm nay, qua khe cửa, trong ánh sáng bập bùng của ngọn lửa, tôi nhìn ngắm người đàn ông lạ. Anh còn trẻ và đẹp trai. Mẹ gắt bảo, hay hớm gì mà nhìn. Giờ trong mắt mẹ, người đàn ông nào cũng xấu.
***
Khoảng một tháng sau, người đàn ông đó quay trở lại. Tôi ngờ ngợ rồi bỗng reo lên khi nhận ra anh. Thật không ngờ, anh lại là thầy giáo, được phân công lên đây công tác. Lần này anh đến để động viên mẹ cho tôi đi học lại. Từ trước tới giờ, tôi hoang dại như cây cỏ giữa nơi đèo hút gió này, học hành cũng có ý nghĩa chi, cũng đâu có thể mài được con chữ ra mà ăn như bắp ngô, củ khoai, củ sắn.
Con tôi học biết đếm tiền là được rồi.
Mẹ trả lời chắc nịch. Rồi xua thầy giáo về. Con chữ đâu có thể làm no cái bụng. Thầy dạy cái gì để làm no cái bụng ấy. Mẹ nói với theo.
Tôi ngẩn ngơ nhìn bóng thầy đi khuất. Dù con chữ không làm no cái bụng như mẹ nói, nhưng tôi thấy được đến trường cũng rất vui. Tôi được gặp các thầy cô, chơi đùa với bạn bè. Nhưng mẹ bảo, mình nghèo, con ở nhà thôi.
Cả tôi và mẹ đều không còn sự lựa chọn nào khác.
Vậy mà, mấy ngày sau thầy lại đến, bảo, chỉ cần mẹ đồng ý cho tôi đi học lại thì thầy sẽ lo toàn bộ chi phí học tập cho tôi. Tôi nhảy cẫng lên vui sướng. Mẹ bất ngờ, thoáng chút bối rối. Thầy nói hãy để cho thầy trả ơn cứu mạng của mẹ con tôi đối với thầy.
Thế là từ đó, tôi lại được cắp sách tới trường. Càng nghe thầy nói, tôi càng hiểu ra, muốn thoát nghèo là phải có cái chữ, phải theo cái chữ chứ không phải là theo một người đàn ông nào đó như mẹ đã từng lầm tưởng. Mẹ đã phải trả giá cho sự ngộ nhận ngờ nghệch ấy. Tôi không thể đi vào vết xe đổ mà mẹ tôi từng đi. Tôi phải đi tìm cái chữ mặc dù con đường có nhọc nhằn. Điểm trường rất xa, có những ngày tôi cuốc bộ, toàn thân lạnh cóng trong giá rét. Chiều thầy đưa tôi về bằng xe gắn máy. Tôi giữ thầy ở lại ăn cơm. Bây giờ, thầy đã thạo đường rồi, dù trời có tối bưng thì cũng không sợ nữa.
Còn mẹ thì lạnh như băng, chẳng bao giờ nói với thầy nửa lời. Mẹ bảo không tin sự ngọt ngào. Từ bút sách đến những con búp bê nhỏ nhỏ, xinh xinh mà thầy mua ở chợ huyện về cho tôi, mẹ thường nhìn bằng con mắt khó chịu. Còn thầy lại hay nhìn mẹ bằng ánh mắt buồn buồn, như đang tìm kiếm, thất vọng và hi vọng. Cho đến một ngày, thầy nói chuyện với tôi và bảo tôi mang về tặng mẹ một chiếc khăn thật đẹp thì tôi mới hiểu, thầy đang chờ đợi điều gì ở mẹ. Tôi cầm chiếc khăn trên tay, màu nâu trầm ấm, dịu dàng và mềm mại, như vuốt ve, mơn trớn đôi bàn tay. Chưa bao giờ tôi thấy một chiếc khăn đẹp và ấm áp đến thế. Tôi chắc rằng mẹ sẽ rất thích món quà này. Vậy mà mẹ không lấy và mắng tôi vì tự ý nhận quà của thầy. Mẹ không hiểu hay vờ như không hiểu. Mẹ vẫn còn trẻ, vẫn là một người đàn bà đẹp, má mẹ vẫn chín đỏ rạo rực trong tiết xuân thì. Vậy mà sao mẹ chỉ muốn biến mình lẫn vào đá núi?
Thấm thoắt đã ba năm thầy nhận công tác trên điểm trường này. Lần cuối gặp mẹ con tôi, trước khi rời đi, thầy nắm bàn tay mẹ, ngỏ ý đưa mẹ con tôi đi cùng. Tôi những tưởng mình sẽ được thoát nghèo vậy mà, mẹ lắc đầu, rút tay ra.
Mẹ sợ chính câu nói của mình từng nói.
Mẹ bảo, chúng ta là những kiếp nghèo, bám víu vào đá núi chênh vênh, chỉ như bắp ngô, củ khoai, củ sắn. Chúng ta chẳng thể theo ai để vượt thoát khỏi số phận của mình.
Thế là thầy đi.
Tôi buồn vì tới trường, đã không còn thầy ở đó. Thầy đã mang giấc mơ con chữ của tôi đi xa.
Mỗi đêm, mẹ lại chong đèn ngắm chiếc khăn mà sau ngày thầy đi, tôi mới dám đưa lại cho mẹ. Mẹ quàng khăn vào cổ, vuốt đi vuốt lại những sợi tua rua mềm mại rủ xuống trước ngực rồi bần thần nghe gió hú từng đợt trong những cơn mưa đầu đông.
Đã mấy mùa trôi qua.
Có lẽ thầy đã quên mẹ con tôi. Cũng phải, có gì mà để nhớ? Tôi gói hết bút sách và những con búp bê thầy cho, nhét vào trong hòm.
Nhưng mẹ thì đêm nào cũng vẫn quàng khăn và vuốt những sợi tua rua.
Cho đến một đêm, khi cơn mưa đầu đông sầm sập đổ xuống, có tiếng gõ cửa gấp gáp. Tôi hồi hộp mở cửa. Sững sờ, tôi đứng lặng trong giây phút ấy. Là thầy, ướt sũng và lạnh ngắt trong mưa đêm. Mẹ tôi chạy ra, vẫn chiếc khăn ấm quàng trên cổ và những sợi tua rua bay phất phơ. Mẹ nhìn thầy, mắt ngân ngấn nước.
Tôi vội vã kéo thầy vào nhà.
Ngoài kia, mưa gió tơi bời. Chúng tôi ngồi bên bếp lửa. Tôi tỉ mẩn lật đi lật lại từng bắp ngô. Tiếng lửa nổ tí tách. Tôi nghe rõ từng hơi thở của mẹ. Má mẹ chín đỏ. Thầy cầm lấy tay mẹ và nói, vì mẹ không chịu đi nên thầy phải quay về.
Lần này, mẹ không rút tay ra nữa. Mẹ lặng yên nhìn những bông hoa lửa thoát khỏi hòn than đỏ rồi bay lên khoảng không.