Ngày 20,21.02.2013, vanvn.net có đăng những ý kiến tranh luận của một số nhà văn xung quanh chi tiết: Huấn Cao cho chữ viên quản ngục, trong truyện “Chữ người tử tù “ của Nguyễn Tuân. Nhà văn Trần Quốc Toàn cho rằng: “Huấn Cao cho chữ gì trong tù thì ngoài Nguyễn Tuân không ai biết”. Còn Thai Sắc nêu thành tiêu đề bài viết “Huấn Cao viết cả một cặp câu đối trên nhiều tấm lụa” và cụ thể hơn: “Huấn Cao cho chữ viên quản ngục cả một câu đối, viết trên nhiều tấm lụa trắng, sau đó theo thứ tự đã đánh dấu mà can lại”. Nguyễn Hoàng Sơn tán đồng: “Về câu hỏi: Huấn Cao viết chữ gì trên tấm lụa trắng kia, tôi tán thành ý của Thai Sắc: có lẽ đôi câu đối được truyền tụng là thích hợp “Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”…”.
Việc bình phẩm suy diễn từ những chi tiết trong tác phẩm văn học của mỗi người đọc là tùy theo cách hiểu và cảm tức thẩm mỹ ở mỗi người, vấn đề là không thoát ly những tình tiết, chi tiết khác trong tác phẩm. Ở đây lại liên quan đến loại hình tác phẩm thư pháp.
Về ý kiến Huấn Cao cho viên quản ngục đôi câu đối “viết trên nhiều tấm lụa” rồi “can lại”, thì phải xem xét. Đọc vào văn bản tác phẩm: “Quản ngục mong mỏi một ngày gần đây ông Huấn sẽ dịu bớt tính nết, thì y sẽ nhờ ông viết, ông viết cho…cho mấy chữ trên chục vuông lụa trắng đã mua sẵn và can lại kia. Thế là y mãn nguyện”, “cái sở nguyện của viên quan coi ngục này là có một ngày kia được treo ở nhà riêng mình một đôi câu đối do tay ông Huấn Cao viết”. Khi thầy thơ lại kể với Huấn Cao về tâm sự ấy Huấn Cao bộc lộ: “…Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ. Đời ta cũng mới viết có hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân của ta thôi…” . Huấn Cao cả đời chưa viết câu đối bao giờ, chẳng lẽ vì quản ngục mà phá lệ? Chi tiết cuối truyện cho người đọc biết thể loại và nội dung tác phẩm: “Ba người nhìn bức châm, rồi lại nhìn nhau”. “Bức châm” là những chữ viết lên giấy, vải, hay khắc gỗ treo quanh chỗ ở để khích lệ ý chí, khuyên răn đạo lý. Như vậy có thể nói Huấn Cao đã viết cho viên quản ngục một bức châm, với hình thức tác phẩm thư pháp, theo thuật ngữ chuyên môn, là bức trung đường ( 中堂 , hình chữ nhật đứng; có thể là Điều phúc (條 幅), kích cỡ lớn vì “chục vuông lụa đã mua sẵn và can lại”). Bức trung đường (hay điều phúc) Huấn Cao cho quản ngục có nhiều hàng chữ. Còn về nội dung, như lời nhân vật này nhắc nhở quản ngục: “…một bức lụa trắng với những nét chữ vuông tươi tắn nó nói lên hoài bão tung hoành của một đời con người”. Suy diễn Huấn Cao viết đôi câu đối trên hai mảnh lụa trắng như Thai Sắc là chưa có cơ sở từ văn bản tác phẩm. Còn cụ thể, Huấn Cao cho những chữ gì trên bức châm là điều người đọc tha hồ mà suy đoán, tùy theo trường liên tưởng của mình.
Về câu đối “Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”… liên quan đến Cao Bá Quát – là nguyên mẫu nhân vật Huấn Cao. Cả hai nhà văn đều biết vấn đề nghi vấn tác giả và “rào đón” nhưng vẫn muốn gắn với Cao Bá Quát: “không câu đối nào phù hợp hơn câu đối trên, trong hàng loạt câu đối của Chu Thần” (Thai Sắc), “Và cũng không quan trọng lắm nếu câu đối ấy là của Cao Bá Quát hay là câu mà Cao đọc được và ngâm nga khi muốn nói chí mình?” (Nguyễn Hoàng Sơn). Nói rằng câu đối này của Huấn Cao viết cho viên quản ngục thì không phải tranh cãi, vì đây là nhân vật hư cấu của nhà văn. Nhưng bảo đó là câu đối của Chu Thần Cao Bá Quát thì cần phải trao đổi lại. Trong chú thích ở bài viết Thai Sắc cho rằng: “Theo tư liệu lưu truyền phổ biến, câu đối này là của Cao Bá Quát, mặc dù gần đây, đã có những ý kiến khác, cho rằng tác giả câu đối là Ngải Tuấn Mỹ (Trung Quốc). Dù sao, với phẩm chất hư cấu của văn chương, không gì hơn cứ coi đây là tác phẩm của Cúc Đường”. Đây là tâm lý của nhiều người mặc nhận, bất chấp giới nghiên cứu đã chỉ rõ căn nguyên. Nên, tôi xin lược thuật các ý kiến của các nhà nghiên cứu về vấn đề tác giả của đôi câu đối này.
Trên Nghiên cứu văn học số 2.1963, nhà nghiên cứu Tảo Trang dựa vào phát hiện của Chu Thiên cung cấp, đã đính chính; sau đó, tháng 2.1972, Hoa Bằng nói lại rất rõ lai lịch sự nhầm lẫn này. Xin dẫn vài dòng:
“Đôi câu đối này, lâu nay vẫn được mặc nhận là của Cao Bá Quát. Ban đầu viên tri phủ Nguyễn Văn Trinh nói với cụ Đỗ Mộng Khương (năm nay 83 tuổi) điều đó là theo gia đình ông ta “truyền ngôn” lại. Tin là câu đối và thủ bút của Chu Thần Cao Bá Quát, nên vào những năm ba mươi, cụ Khương bảo người cháu của Văn Trinh là Lý Tôn đem đôi câu đối khắc gỗ ấy đến chỗ mình làm việc ở phủ lỵ Gia Lâm, rồi bảo rập thành thác bản, giới thiệu với ông Đoàn Như Khuê. Ông Khuê bèn chụp ảnh, làm bản kẽm, in vào cuốn Việt - nam cổ mặc (Chữ cổ nước Nam), đề rõ là câu đối và thủ bút của Cao Bá Quát. Dựa vào nguồn tài liệu này, từ đó, nhiều người đã rập lại, trân trọng giữ lấy câu đối và bút tích của nhà thơ trác việt và thủ lãnh nghĩa quân “Châu chấu”. Tôi, ngoài việc tin theo xuất xứ của Việt - nam cổ mặc, lại còn tìm gặp và trao đổi trực tiếp với cụ Đỗ Mộng Khương về vấn đề này, vào ngày 31-1-1969. Cho nên tôi hoàn toàn không nghi ngờ gì về tác giả của nó, và gần đây, đã làm bản kẽm trình bày trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử (số 121; tháng 4-1969; trang 31). Nhưng mới rồi, nghiên cứu và giám định kỹ lại, tôi mới biết mình đã lầm. Vậy nay xin trình bày như sau để nhận khuyết điểm của mình và để phá cái nghi án trên đàn văn cận đại. (Một vài tìm tòi về đôi câu đối tương truyền là của Cao Bá Quát và về bài thơ “Thú Hương Sơn”, Tạp chí văn học số 2.1972, trang 61-62). Hoa Bằng còn cho biết đôi câu đối trên là của tri phủ Hán Dương, nhà Thanh, là Ngải Tuấn Mỹ, tặng Nguyễn Tư Giản (1823-1890, làm giáp phó sứ sang nhà Thanh; chánh sứ Lê Tuấn và ất phó sứ Hoàng Tịnh đều được tặng đôi câu đối) vào ngày 9 tháng 12 năm Kỷ Tị, Tự Đức thứ 22 (1869). Câu đối được ghi trong tập Yên thiều bút lục của Nguyễn Tư Giản. Như vậy đôi câu đối “…bái mai hoa” xuất hiện sau khi Cao Bá Quát mất 15 năm (1854); được ghi chép phổ biến ở Việt Nam cổ mặc năm 1937.
Nhà nghiên cứu văn học Hồng Diệu, trong bài “Cao Bá Quát với thiên nhiên, thiên nhiên với Cao Bá Quát” (Nghiên cứu văn học, số 2.2005) có dành hơn một trang nói đến các trường hợp nhầm lẫn về đôi câu đối này, và đưa ra lời kết: “Kể ra câu đối “Thập tải luân giao…” không phải của Cao Bá Quát như nhiều người tưởng lâu nay, cũng tiếc thật. Nhưng có đâu vì yêu ông, vì kính trọng ông mà ta cứ muốn coi nó là của ông, bất chấp sự thật?”.
Nhân chuyện bàn về chi tiết “cho chữ” trong truyện Chữ người tử tù, tôi muốn cung cấp vài thông tin xung quanh vấn đề nhầm lẫn tác giả đôi câu đối (tôi đã có lần in bài trên báo Văn nghệ - Về đôi câu đối tương truyền của Cao Bá Quát, số 9/ 03.03.2007).
|