Trên tạp chí Nhà văn (số 9-2006), trong bài “Đôi điều về bài thơ Tây Tiến”, nhà thơ Lê Đình Cánh có chép 2 văn bản bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng: bản A, in trên tạp chí Văn nghệ, Hội nhà văn Việt Nam số 11-12 tháng Tư, tháng Năm 1949; bản B, in trên báo Người Hà Nội cuối tuần, ngày 27.7.2006, mục sổ tay thơ in bài bình của Đặng Huy Giang. Rồi kê ra những điểm khác nhau về: tên bài thơ, số khổ, số câu thơ, địa danh và địa điểm sáng tác bài thơ. Cuối bài viết, nhà thơ Lê Đình Cánh có đề nghị: “Hai địa danh Mường Hịch, Phù Lưu Chanh chưa biết ở đâu. Kính mong bạn đọc tìm giúp”.
Đây là những điểm đã có nhiều người quan tâm bàn đến, nhất là Bài thơ này đã có mặt trong chương trình văn học nhà trường (lớp 12) từ lâu. Tôi xin trao đổi vài điểm sau.
Trong bản in lần đầu, bài thơ có tên “Nhớ Tây Tiến”, trong lần in vào tập Rừng biển quê hương (Nxb Hội nhà văn, 1957, tập thơ in chung Quang Dũng và Trần Lê Văn) tên bài chỉ còn “Tây Tiến”. Có người đoán “Quang Dũng bỏ chữ “nhớ” có lẽ vì cho là “thừa” (Văn học12, tập một, ban Khoa học xã hội, Nxb GD, 1997, tr217).
Về 8 câu thơ dôi ra (từ câu 17) ở các bản in sau (26 câu thành 34 câu), từ câu “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa/.../ Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”, theo nhà lý luận phê bình Lại Nguyên Ân: “nảy ra 8 câu chưa từng thấy có ít ra là từ trước 1954”, “Không rõ 8 câu không có trong bản in Văn nghệ 1949 xuất hiện từ đâu, bởi tác giả hay bè bạn? Nhưng dù thế nào, đây cũng là trường hợp có dị bản” (Công việc văn bản học đối với văn học quốc ngữ, tạp chí Văn học, số 1.1999). Do chưa so sánh triệt để các văn bản: từ, chữ và dấu câu, nên có một chữ khác nhau không được nói đến; đó là “đoàn binh” và “đoàn quân” (câu Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc). Tôi đọc nhiều bản in bài thơ này, nhưng chưa thấy chỗ nào là “đoàn quân”.
Về các địa danh trong bài thơ mà nhà thơ Lê Đình Cánh “chưa biết ở đâu”, theo tôi biết:
- “Mường Hịch”, có người chú thích là “thuộc tỉnh Sơn La” (Ngữ văn 12, nâng cao, tập một, Nxb Gd, 2008, tr68). Nhà thơ Vân Long cho biết cụ thể hơn: “Mường Hịch nay tôi đến đã sáng xanh ánh điện nê ông... Đó là một bản người Thái Mai Châu...” (bài Quang Dũng nhà thơ xứ Đoài, báo Văn nghệ số 46, 12.11.1988). “Mường Hịch “cọp trêu người” trong thơ Quang Dũng chính là nơi đặt chi huy sở của mặt trận Tây Tiến do hai đồng chí Hoàng Sâm, Hiến Mai làm tư lệnh và chính uỷ” (Báo Giáo dục thời đại, số 59, 23.7.1996; in lại trong Tác phẩm văn học trong nhà trường những vấn đề trao đổi, tập II, Nxb Đại học quốc gia, 2000, tr225).
- Địa điểm viết bài thơ: “Phù Lưu Chanh”, đây là tên làng cũ thuộc xã Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông cũ.
Xin góp đôi điều, là dịp để hiểu thêm về một bài thơ “tuyệt tác” của Quang Dũng.