Trường hợp bình bài thơ Cây chuối của Nguyễn Trãi, Xuân Diệu từng băn khoăn về chữ “buồng” (Đầy buồng lạ màu thâu đêm), không tin chắc nghĩa là “buồng chuối”. Rồi có một người bạn đến chơi với Xuân Diệu bảo rằng: “Buồng đây là cái buồng, cái phòng, chứ không phải buồng chuối đâu”. Từ đó nhà thơ cho : “Đầy phòng, đầy buồng khuê, là một sự “lạ” mầu nhiệm thâu đêm” (Tác phầm văn học trong nhà trường những vấn đề trao đổi”, tập I, nxb ĐHQG, 2000, tr 38-39). GS Bùi Văn Nguyên đã có bài nêu các cách hiểu chữ “buồng” trong bài thơ Nôm, căn cứ vào tự dạng: “Riêng trong thơ quốc âm của Nguyễn Trãi về mặt chữ Nôm, từ “buồng” ở bài thơ tả chuối này (là chữ “bồng” trên thảo đầu, dưới chữ “phùng”) chỉ rõ cái buồng chuối, lại khác với chữ “buồng” trong thuật ngữ “buồng văn” tức phòng văn (“buồng” ở đây viết rõ, bên trái chữ “phong” là buồng cái nhà, bên phải chữ “phùng”) trong câu “Buồng văn khép cửa lọn ngày thu” (Thuật hứng 13). Rõ ràng, chữ “buồng” trong trong bài Cây chuối (Ba tiêu) chỉ cái buồng ở cây, còn chữ “buồng” trong bài Thuật hứng 13 chỉ cái buồng nhà cửa” ( s.đ.d, tr 44)
Trường hợp thứ hai, hiểu chữ “lên” trong câu “Ghé mắt trong lên thấy bảng treo” (Đền Sầm Nghi Đống của Hồ Xuân Hương ). Trong Tạp chí “Nghiên cứu văn học” số 9/ 2007, GS TS Kiều Thu Hoạch đã chỉ ra: “Chẳng hạn như bài Đền Sầm Nghi Đống, chúng tôi chỉ thấy có văn bản Nôm Quan Văn Đường, khắc in năm Khải Định Nhâm Tuất (1922), chữ Nôm in rành rành là chữ lên (trong câu: Ghé mắt trông lên thấy bảng treo). Ấy vậy mà nhà thơ Xuân Diệu cứ tán lấy được: “Chỉ đáng trông ngang bằng nửa con mắt thôi”, bởi theo ông “trông lên thì chiêm ngưỡng”(Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, NXB Văn học, 1987) và, không ít người đã bình tán quan điểm “phi văn bản học” này của Xuân Diệu…”