Một giáo viên có nêu câu hỏi : vì sao Sách Ngữ văn 10, tập hai , bài “Phú sông Bạch Đằng”, ở phần Tiểu dẫn không nói về chiến thắng của Lê Hoàn trên sông Bạch Đằng ?”.
Đúng là trong sách giáo khoa (SGK) đã viết: “Bạch Đằng là một nhánh sông đổ ra biển thuộc Quảng Ninh… Đáng nhớ nhất là các trận thủy chiến: năm 938, Ngô Quyền phá tan quân Nam Hán, giết Lưu Hoàng Thao; năm 1288, Trần Quốc Tuấn đánh tan quân Mông – Nguyên, bắt sống Ô Mã Nhi.”(Nxb GD, 2006, trang 3).
Đối chiếu các SGK cũ , phần Tiểu dẫn đều ghi chiến thắng của nhà Tiền Lê: “Bạch Đằng là một nhánh sông đổ ra biển thuộc tỉnh Quảng Ninh…, nơi đã từng ghi dấu chiến công của Ngô Quyền chống quân Nam Hán, chiến công của Lê Hoàn chống quân Tống, chiến công của Trần Hưng Đạo chống quân Nguyên – Mông”(Văn 10, Nxb GD, 1998, tr 81; Ngữ văn 10, tập một (Sách chỉnh lý hợp nhất), Nxb GD, 2000, tr 97).
Như vậy, ngoài sự khác về cách diễn đạt, nghe cụ thể hơn (giết Lưu Hoàng Thao), đảo từ (“Mông – Nguyên), thì Ngữ văn 10, tập hai, đã bỏ qua chiến công của nhà Tiền Lê (Lê Hoàn). Chẳng nhẽ sự kiện này của Lê Hoàn không đáng kể!? Trong các Sách lịch sử mới đều ghi nhận, như : “Lê Hoàn trực tiếp tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến. Phát huy sáng tạo chiến thuật của Ngô Quyền hơn bốn mươi năm trước, ông sai quân sĩ đóng cọc ở sông Bạch Đằng để ngăn chặn chiến thuyền địch…” (Lịch sử Việt Nam, tập I, Nxb KHXH, 1971, tr 148); “Ông đã tái tạo một Bạch Đằng, sáng tạo một Chi Lăng, thắng lớn cả trên hai mặt trận thủy bộ, giết tướng giặc Hầu Nhân Bảo…”( Quỳnh Cư- Đỗ Đức Hùng, Các triều đại Việt Nam, Nxb Thanh niên, 1999, tr 73). Từ điển bách khoa đất nước con người Việt Nam, mục Bạch Đằng ghi: “Trong lịch sử , nổi tiếng về những chiến thắng của quân dân Việt nam đã diễn ra ở đây: Ngô Quyền phá quân Nam Hán (938), Lê Hoàn đẩy lùi quân Tống( 981), Trần Hưng Đạo đại thắng quân Nguyên (1288) (Nxb Từ điển bách khoa, 2010, tr 49). Sách cũ xưa, như Đại Việt sử kí toàn thư đánh giá: “Vua trừ gian mà lấy được nước, đuổi giặc ngoài để yên dân, trong nước thanh bình, Bắc Nam vô sự”(Nxb KHXH, 1998, tập I, trang 220). Việt sử lược cũng ghi nhận: “Vua tự làm tướng đi chống Tống, sai người cắm cọc ngăn sông… Quân Tống bị thua ta chém được Nhân Bảo” (Nxb Văn Sử Địa, 1960, tr 56). Trong Lịch triều hiến chương loại chí, phần Nhân vật chí luận đàm: “Vua chống quân Tống, bình nước Chiêm, chốn hoa hạ và man di đều sợ hãi. Trung Quốc mấy lần sách phong khen ngợi. Tiếng tăm vua lừng lẫy”(tập I , Nxb Sử học, 1960, tr 159). Tuy phần Dư địa chí, Phan Huy Chú nhắc đến địa danh Sông Bạch Đằng chỉ kể về chiến thắng của Ngô Quyền và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn ( sđd, tr 100). Hay Chú thích Thơ văn Lê Thánh Tông ( Nxb KHXH, 1986), người soạn cũng không nói về chiến thắng của Lê Hoàn (bài “Quá Bạch Đằng giang”, tr 258).
Xét kĩ, Lê Hoàn có hai trận đánh quân Tống trên sông Bạch Đằng, trận đầu vào ngày 24 tháng 1 năm 981, quân ta thua; trận sau vào ngày 28 tháng 4 năm 981, quân của Lê Hoàn dụ quân Tống vào trận mai phục, giết được tướng giặc Hầu Nhân Bảo. Chiến thắng trên sông Bạch Đằng quyết định thế và lực quân Đại Cồ Việt, dẫn tới chiến thắng Tây Kết, đánh đuổi quân Tống, buộc chúng phải thừa nhận triều chính của Lê Hoàn (986). Tại sao một chiến thắng trên sông Bạch Đằng như thế lại không được kể đến?
Theo học giả Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố (1889- 1947) “sử Tàu …chép hơi khác”, các sách chỉ nhấn mạnh đến việc “phá được giặc ở sông Bạch Đằng, bắt hai trăm chiến hạm” (Đại Nam dật sử, Nxb KHLS VN, 1997, tr 238-239). Như vậy, họ chỉ nhấn vào chiến thắng đầu năm 891, mà “lờ” đi trận thất bại sau ! Cũng giống như chuyện mấy trang “Tống sử” chép về Lý Thường Kiệt tiến đánh quân Tống ở châu Ung, châu Khâm bị xé bỏ. Học giả Hoàng Xuân Hãn (1908-1996) trong lời Dẫn cho biết: “Đáng lẽ Giao Chỉ truyện cho ta biết khá đầy đủ về đoạn sử này. Nhưng không may cho ta, chính đoạn “Lý –Tống chiến tranh” lại bị khuyết. Sự khuyết ấy có từ lâu, có lẽ từ thời Tống . Sách Sử vĩ nói: “Bản của Nhị Ung đã thiếu đoạn ấy rồi”. Có lẽ người Tống đọc đoạn này cho là nhục quốc thể mà xé đi chăng. Tôi nói “xé” vì câu văn còn lại sau khoảng khuyết đã thiếu đâu”(Hoàng Xuân Hãn tuyển tập, tập II, Nxb GD,2010 tr 262; Lý Thường Kiệt- Lịch sử ngoại giao và tôn giáo triều Lý , Nxb Hà Nội, 2010, tr 20)
Đề nghị tác giả SGK giải thích một nội dung tưởng là “nhỏ bé” đã bị lược bỏ trong Tiểu dẫn! Để các giáo viên và học sinh khỏi thắc mắc.