(Đọc truyện “Gái xứ Đoài” của Nguyệt Chu, Văn nghệ số 33/13.8.2016)
Truyện ngắn dự thi Báo Văn nghệ , “Gái xứ Đoài” của Nguyệt Chu là truyện mượn nhân vật và thời điểm lịch sử để dựng hình ảnh “Em là Cầm. Người con gái Sơn Tây”(nhấn ba lần! ). Đúng là có nhân vật như Tiết chế quân vụ Hoàng Kế Viêm (Đúng thời điểm đánh giặc Pháp ở Hà Nội vào 1873, thì phải gọi là Thống đốc quân vụ đại thần kiêm Tư lệnh quân thứ Sơn Tây Hoàng Kế Viêm ) có tướng Cờ đen là Lưu Vĩnh Phúc ( 1837-1917). Có sự kiện giết được viên đại úy Fransis Garnier ở Cầu Giấy…Còn nàng Cầm kia thì, hoàn toàn là tưởng tượng của tác giả . “Người con gái Sơn Tây” có cha bị giặc Phú Lang Sa giết, nhận Hoàng Kế Viêm là “nghĩa phụ”, miệt mài rèn luyện cung kiếm võ nghệ. Rồi đã có ân tình với tướng Lưu…Và cái chết vì nghĩa cử được thăng hoa: “Một viên đạn xuyên thẳng ngực Cầm. Nàng ngã xuống như đóa tầm xuân trong gió bão…”, “Một viên đạn cuối cùng bay ra khỏi nòng, máu vỡ trên khuôn ngực xuân thì của người con gái”; một khúc bi ca hơn là tráng ca! Mối tình của người con gái mang nặng “nợ nước thù nhà” với một viên tướng quân Cờ Đen “Cô độc. Một kẻ vong quốc”.
Không gian và thời gian của vùng Sơn Tây- Xứ Đoài hiện lên bảng lảng hư thực: “Sông Tích hững hờ như một giải khăn tang vắt trên mái tóc xanh của người góa phụ”, “Sông Tích khởi nguồn từ núi Tản, uốn lượn kiêu kì ôm ấp miên man những đồi gò bờ bãi”; Thành Sơn Tây “ thành cao. Lộng gió…Cả một vùng xứ Đoài mênh mang trong cái lặng lẽ của buổi chiều mòn mỏi”, “Thành Sơn Tây. Ánh ỏi nắng trung du. Thời gian vón cục lại giắt trong những phiến đá ong mặt rỗ muôn đời”. Nhiều đoạn say mê đắm chìm cảm quan cảnh sắc vùng quê có nhiều “u uẩn”, những trầm tích văn hóa . Một loài cây được nhấn láy nhiều lần như một biểu tượng về nhân vật: “bụi tầm xuân gai góc quyến rũ”, “muôn triệu cánh tầm xuân đang bay dịu nhẹ”, ‘tiếng những cánh tầm xuân mỏng manh níu giữ vào đài hoa lúc khai mãn”, “Những cánh hoa tầm xuân giăng kín khung cửa sổ lặng thầm thả vào trời đêm những làn hương dịu ngọt”, “Hương tầm xuân thanh sạch”, “Hương tầm xuân vương vấn”…
Truyện kể theo hai cái nhìn: người viết và nhân vật tự bạch. Cảnh và tâm lý đan xen. Truyện không dài, lại được phân ra làm 10 khúc đoạn; mỗi đoạn ngắn dồn nén, những câu văn ngắn… nên có sức gợi. Lại như cài vào một cảm xúc thơ về con người và vùng đất. Một truyện nên đọc. Nhưng nếu xăm soi kĩ có cái gì chưa tới: sự kiện nhân vật lịch sử? Mối tình ‘lạ” này có đơn giản chỉ là “anh hùng” và “mỹ nhân”? Duyên kì ngộ hai dân tộc?...Lại nữa, đó là những câu văn (tả cảnh) đã từng thấy đâu đó: “trong thời khắc của ngày tàn” , “Những cô hàng xén …” (Hai đứa trẻ và Cô hàng xén của Thạch Lam). Vào những năm 1870 ( thời điểm của truyện) làm gì có “Cô hàng xén”! Một chi tiết nhỏ thôi nhưng lại “hiện đại hóa” rồi, lại như câu: “Cổng thành mở, tiễn đoàn binh ra trận. Cây đề trong gió, lá reo như tiếng gươm khua”. Cây đề trên cổng thành thấy hiện giờ chỉ mới có từ 1946- 47 gì đó thôi!
Một tác giả trẻ viết truyện lấy từ lịch sử như thế là giỏi rồi. Chúc mừng! Mong những sáng tác tiếp!