1. Giải thích tên SƠN TÂY
- “Năm 1469, Vua Lê Thánh Tông khi đi qua đây, thấy mảnh đất này có nhiều ngọn núi nên đặt là Sơn Tây thừa tuyên. Từ đó địa danh Sơn Tây xuất hiện trong sử sách” ( trang 21, sách “TẬP BÀI GIẢNG LỊCH SỬ SƠN TÂY”, 2011)
Trong sách ĐẠI NAM NHẤT THỐNG CHÍ ( Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn đời Tự Đức 18 đến 29 (1864 - 1875) chép về tỉnh Sơn Tây có đoạn : “Năm thứ 7, gọi là Quốc Oai thừa tuyên; năm thứ 10 định bản đồ cả nước gọi là Sơn Tây thừa tuyên”. Các đời Đinh, Lê, Lí gọi là “Châu” ( Châu Quốc Oai, Châu Chân Đăng) , đời Trần là “Lộ” sau đổi “Trấn” ( lộ Quốc Oai, lộ Tam Đái; đời Trần Thuận Tông đổi trấn Quốc Oai); thời Minh cai trị thuộc “phủ” ( Giao Châu, Tuyên Hóa, Tam Giang) và “Châu Quảng Oai”. Đầu đời Lê là các “lộ” Quốc Oai ( thượng, trung, hạ) thuộc Tây đạo. Năm thứ 10 Quang Thuận ( 1469) đời Lê Thánh Tông mới đổi là “Sơn Tây thừa tuyên”. Cùng với những “thừa tuyên” khác như: thừa tuyên An Bang , Sơn Nam, Thanh Hoa, Nghệ An…
Không có chuyện “Lê Thánh Tông đi qua đây”, không phải vì “mảnh đất này có nhiều ngọn núi nên đặt là Sơn Tây thừa tuyên”! Đó chỉ là việc tổ chức , sắp đặt địa giới tên gọi hành chính của Lê Thánh Tông mà có tên Sơn Tây mà thôi!
2. Giải thích tên TÙNG THIỆN
- “Một lần Tùng Thiện Vương đi kinh lý Sơn Tây, thấy một số xã thuộc phủ Quảng Oai quá xa tỉnh lỵ, đi lại không thuận tiện, Ông cho tách các xã này thành lập một huyện mới và lấy tước danh của mình đặt tên huyện. Huyện Tùng Thiện có từ ngày đó” ( “MỘT MÁI TRƯỜNG”- Kỷ yếu kỷ niệm 40 năm thành lập trường, 2006)
Theo các sách Địa chí: tên huyện TÙNG THIỆN được đổi từ tên huyện MINH NGHĨA , vào tháng Giêng, năm Giáp Dần (1854) Tự Đức thứ 7. Nói rõ hơn những lần thay đổi tên: Đời Trần và thời thuộc Minh gọi là MA LUNG, đời Lê gọi MA NGHĨA, đời Lê Chiêu tông, niên hiệu Quang Thiệu 7 ( 1522) gọi tên huyện MINH NGHĨA. Đời Gia Long vẫn theo cũ. Minh Mệnh 13 (1832) đặt Phân phủ Quảng Oai, năm Tự Đức 5 (1852) bãi bỏ Phân phủ, năm thứ 7 (1854) đổi là TÙNG THIỆN.
Còn tên vị vương con trai thứ 10 của Vua Minh Mạng là Nguyễn Phúc Miên Thẩm (1819- 1870), có tên “Tùng Thiện”; chỉ là phong tước trùng năm: 1854 được Tự Đức phong tước Tùng Thiện công. Trước đó, năm 1839 ông được phong Tùng Quốc công. Năm 1878, ông được vua Tự Đức gia tặng là “Tùng Thiện Quận Vương”. Năm 1929, vua Bảo Đại mới truy phong ông là “Tùng Thiện Vương”, tước vị mà ngày nay người ta quen gọi.
Một điều cần lưu ý chữ “tùng” - ở tên Tùng Thiện Vương - 松善王; chữ “tùng”: bên chữ “mộc”, bên chữ “công”; nghĩa là “cây thông”- ví người khí tiết. Còn tên huyện Tùng Thiện 從 善 - chữ “tùng” hoặc “tòng” (從) bộ “xích”, nghĩa là “theo”; “thiện” là “lành”, trái với “ác”; “tùng thiện” là ‘theo điều thiện’. Cùng âm “tùng” nhưng viết chữ khác nhau và nghĩa cũng khác hẳn!
Giải thích “Tùng Thiện Vương đi kinh lý qua Sơn Tây và chuyện Ông cho lập huyện” như “Lời nói đầu” ở tập “Kỷ yếu …” là không có cơ sở! Chưa nói việc thời Nguyễn với những chế định ban tước bổng lộc nghiêm ngặt như thế nào. Bản thân ‘Tùng Thiện vương’ còn bị Tự Đức trừ bổng lộc suốt 8 năm vì có con rể là Đoàn Hữu Trưng làm phản (1886), cả nhà phải đến nơi heo hút tự canh tác mà sinh sống, vợ con đem hoa trái ra chợ bán lấy cái ăn hàng ngày !