Tác giả Nguyễn Dữ (?....?) sống vào khoảng thế kỉ XVI, người xã Đỗ Tùng, huyện Trường Tân (này là huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương). Ông xuất thân trong một gia đình khoa bảng (cha đỗ tiến sĩ đời Lê Thánh Tông). Ông thi đỗ và ra làm quan nhưng không lâu sau ông cáo quan về ở ẩn. Tương truyền ông là học trò của Tuyết Giang Phu Tử Nguyễn Bỉnh Khiêm và bạn học của Phùng Khắc Khoan, tức là vào khoảng XVI. Lúc nhỏ Nguyễn Dữ chăm học, đọc rộng, nhớ nhiều, từng ôm ấp lý tưởng lấy văn chương nối nghiệp nhà. Sau khi đậu Hương tiến (tức Cử nhân), ông làm quan với nhà Mạc, rồi về với nhà Lê làm Tri huyện Thanh Tuyền (nay là Bình Xuyên, Vĩnh Phúc); nhưng mới được một năm, vì bất mãn với thời cuộc, lấy cớ nuôi mẹ, xin về ở núi rừng Thanh Hóa. Từ đó trải mấy năm dư, chân không bước đến thị thành rồi mất tại Thanh Hóa.
Tập truyện Truyền kì mạn lục là thể loại văn xuôi tự sự thời trung đại, phản ánh hiện thực qua những yếu tố kì lạ, hoang đường. Truyền kì mạn lục là tác phẩm duy nhất của Nguyễn Dữ, nó chính là những câu chuyện lạ mà ông bắt gặp hoặc nghe được trong cuộc đời của mình gồm 20 truyện được viết bằng chữ Hán và theo thể loại tản văn. Xen lẫn biền văn là thơ ca, được đánh giá là một “thiên cổ kỳ bút”. Nội dung phản ánh hiện thực xã hội phong kiến đầy bất công đương thời. Bằng ngòi bút nhân đạo, tác giả khẳng định quan niệm sống “lánh đục về trong” của bản thân và lớp trí thức ẩn dật cùng thời. Giá trị nhân bản của tác phẩm còn là tinh thần dân tộc, bộc lộ niềm tự hào nhân tài, văn hóa nước Việt.
Theo bản Tân biên truyền kì mạn lục tăng bổ giải âm tập chú được in năm 1763, thì tên của tác giả là Nguyễn Dư. Trong quyển Việt Nam văn học sử yếu (bản in lần thứ nhất, 1944, trang 290), của Dương Quảng Hàm đầu sách in là Nguyễn Dữ, tuy vậy ở cuối sách tác giả có đính chính lại là Nguyễn Dư.
Danh sách 20 truyện trong tác phẩm Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ
STT
|
Tên truyện
|
Chương I
|
Câu chuyện ở đền Hạng Vương
|
Chương II
|
Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu
|
Chương III
|
Chuyện cây gạo
|
Chương IV
|
Chuyện gã trà đồng giáng sinh
|
Chương V
|
Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây
|
Chương VI
|
Chuyện đối tụng ở Long cung
|
Chương VII
|
Chuyện nghiệp oan của Đào Thị
|
Chương VIII
|
Chuyện chức phán sự đền Tản Viên
|
Chương IX
|
Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên
|
Chương X
|
Chuyện Phạm Tử Hư lên chơi thiên tào
|
Chương XI
|
Chuyện yêu quái ở Xương Giang
|
Chương XII
|
Chuyện đối đáp của người tiều phu ở núi Na
|
Chương XIII
|
Chuyện cái chùa hoang ở huyện Đông Triều
|
Chương XIV
|
Chuyện nàng Thúy Tiêu
|
Chương XV
|
Chuyện bữa tiệc đêm ở Đà Giang
|
Chương XVI
|
Chuyện người con gái Nam Xương
|
Chương XVII
|
Chuyện Lý tướng quân
|
Chương XVIII
|
Chuyện Lệ Nương
|
Chương XIX
|
Cuộc nói chuyện thơ ở Kim Hoa
|
Chương XX
|
Chuyện tướng Dạ Xoa
|
Tác phẩm “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” là câu chuyện thứ tám trong tập Truyền kì mạn lục. Bố cục gồm ba phần:
- Mở truyện: Từ đầu đến “… không cần gì cả”: Giới thiệu Tử Văn với hành động đốt đền.
- Thân truyện: Từ “Đốt đền xong… tan tành ra như cám vậy”: Tử Văn đối đầu với hồn ma tên tướng giặc họ Thôi (Tử Văn gặp hồn ma tướng giặc họ Thôi; Tử Văn gặp Thổ công; Tử Văn bị bắt xuống Minh ti).
- Kết truyện: Đoạn còn lại: Tử Văn nhận chức phán sự đền Tản Viên và lời bình của tác giả.
Nhân vật Ngô Tử Văn được giới thiệu ngay từ đầu câu chuyện. Tác giả giới thiệu nhân vật một cách trực tiếp từ tên họ, nguồn gốc xuất thân đến tính cách (giới thiệu theo lối truyền thống của các tác phẩm tự sự trung đại xưa) đã tạo yếu tố chính xác, chân thực cho truyện, định hướng tính cách nhân vật và bối cảnh xã hội cho người đọc. Ví dụ, trong Chuyện người con gái Nam Xương được Nguyễn Dữ viết: Vũ Thị Thiết, người con gái quê ở Nam Xương, tính đã thuỳ mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp. Trong làng có chàng Trương Sinh, mến vì dung hạnh, xin với mẹ đem trăm lạng vàng cưới về. Song Trương Sinh có tính đa nghi, đối với vợ phòng ngừa quá sức. Nàng cũng giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hoà.
Tính cách Ngô Tử Văn thể hiện qua lời kể của tác giả: “Chàng vốn khảng khái, nóng nảy, thấy sự tà gian thì không thể chịu được, vùng Bắc người ta vẫn khen là một người cương trực”. Tính tình cương trực, dũng cảm đấu tranh vì chính nghĩa. Hành động đốt đền tà được chuẩn bị kĩ càng: tắm gội sạch sẽ để tẩy trần làm việc thiêng; khấn trời cầu mong được sự ủng hộ của trời đất, đó là thái độ tôn kính, nghiêm túc, công khai việc làm của mình. Tử Văn châm lửa đốt đền: Người dân “lắc đầu, lè lưỡi” lo sợ, nể ngầm. Tử Văn vung tay không cần gì cả, dứt khoát, mạnh mẽ, tin vào hành động chính nghĩa - hành động dũng cảm với niềm tin sắt đá vào chính sẽ thắng tà. Sau khi đốt đền Tử Văn đối mặt với hồn ma bách hộ họ Thôi nhưng không hề tỏ ra sợ hãi dù bị hồn ma tên giặc đe dọa, bản lĩnh cứng cỏi của chàng trước hết đã chiến thắng kẻ gian tà; Tử Văn gặp Thổ công và được nghe những chuyện ở thế giới bên kia, từ chuyện Thổ công bị tranh đền thờ, đến những chuyện dối lừa, bon chen, đền miếu xung quanh tham của đút lót,... tưởng chỉ có trong thế giới hiện thực mà chàng đang sống. Câu chuyện của Thổ công chính là sự phản ánh hiện thực mà tác giả Nguyễn Dữ muốn gửi gắm. Khi Tử Văn bị bắt xuống Minh ti, ở chốn âm cung, do chỉ nghe bên nguyên, Diêm Vương - vị quan toà xử kiện, người cầm cán cân công lí - cũng đã có lúc tỏ ra hồ đồ, trách mắng Tử Văn. Tử Văn gan dạ trước bọn quỷ Dạ Xoa nanh ác và quang cảnh đáng sợ nơi cõi âm. Chàng luôn tỏ thái độ cứng cỏi, bất khuất trước Diêm Vương đầy quyền lực. Tử Văn không chỉ “kêu to”, khẳng định: “Ngô Soạn này là một kẻ sĩ ngay thẳng ở trần gian”, mà còn dũng cảm vạch mặt tên bại tướng gian tà với lời lẽ “rất cứng cỏi, không chịu nhún nhường chút nào”. Chàng chiến đấu đến cùng vì lẽ phải. Cứ từng bước, Ngô Tử Văn đã đánh lui tất cả sự phản công, kháng cự của kẻ thù, cuối cùng đánh gục hoàn toàn viên tướng giặc. Ngô Tử Văn với sự kiên định chính nghĩa của mình đã chiến thắng gian tà mang lại ý nghĩa: Giải trừ được hậu họa, đem lại an lành cho nhân dân; Diệt từ tận gốc thế lực xâm lược tàn ác, làm sáng tỏ nỗi oan khuất và phục hồi danh vị cho Thổ thần nước Việt. Tử Văn được tiến cử vào chức phán sự đền Tản Viên, đảm đương nhiệm vụ giữ gìn công lí.
Chuyện chức phán sự đền Tản Viên mang nghĩa tư tưởng lớn: Vạch trần bộ mặt gian tà của không ít kẻ đương quyền “quen dùng chước dối lừa, thích làm trò thảm ngược”; Tác giả đề cao phẩm chất người quân tử: Ngô Tử Văn là hình tượng tiêu biểu cho kẻ sĩ cương trực, khảng khái, kiên quyết chống gian tà; Nguyễn Dữ đã thể hiện sâu sắc tinh thần tự hào dân tộc; Câu chuyện kết thúc với thắng lợi thuộc về Ngô Tử Văn: cội nguồn truyền thống nhân đạo và yêu nước của dân tộc Việt Nam chính nghĩa thắng gian tà, tinh thần dân tộc thắng ngoại xâm. Đây là niềm tin tất yếu cần có ở mỗi chúng ta, thể hiện niềm tự hào về những người trí thức Việt, những con người kiên định, dũng cảm luôn đứng về lẽ phải và công lí. Tố cáo hiện thực về xã hội đương thời với nhiều thủ đoạn, nhiều mánh khoé,… Tác phẩm sử dụng thành công yếu tố “kì” và yếu tố “thực”: Câu chuyện li kì, nhiều chi tiết khác thường thu hút người đọc; những xung đột ngày càng căng thẳng, dẫn đến cao trào, kết thúc có hậu, kẻ ác đền tội, người thiện được phục hồi và đền đáp.