Trên TẠP CHÍ THƠ (Hội nhà văn) có tranh cãi về về một chữ trong bài thơ Nôm “Đánh đu” của Hồ Xuân Hương. Ông Đinh Phạm Thái bàn về chữ “lên” trong câu thơ thứ hai: “Người thì lên đánh kẻ ngồi trông”; ông đoán rằng: Hồ Xuân Hương chắc đã viết: “Người thì Leo đánh kẻ ngồi trông”( bài “Về một chữ trong bài thơ Đánh đu của Hồ Xuân Hương”, số 4/2008). Sau đó ông Nguyễn Tuệ bác bỏ rồi khẳng nhận: “Tôi cho rằng đó đúng là chữ Lên (nếu có chữ nào hay hơn chữ Lên thì là chữ khác) chứ không phải chữ Leo”. Tác giả Nguyễn Tuệ bày tỏ cách hiểu căn cứ vào hoạt động đánh đu, rồi đưa ý kiến về văn bản: “những tác phẩm cách chúng ta hàng mấy thế kỷ, ta không dễ gì có thể tìm được những cứ liệu chính xác để minh chứng ý kiến của mình. Vả lại, Văn đàn bảo giám là do tác giả Trần Trung Viên sưu tập, là cuốn sách đáng tin cậy ấn hành từ đầu thế kỷ trước vừa được tái bản gần đây (NXB Văn học, H.1998) cũng in lại rất rõ: Người thì lên đánh kẻ ngồi trông” (số 1/2009)
Các lời bàn đều khá chông chênh. Cả hai tác giả đều quên một điều khá cơ bản, rằng: Hồ Xuân Hương không sáng tác bằng chữ quốc ngữ. Bà có một bộ phận thơ sáng tác bằng chữ Nôm được lưu truyền và chép thành sách, trong đó có bài “Đánh đu”. Sau mới được sao chép phiên âm ra Quốc ngữ (hệ la tinh). Do vậy muốn xác định về câu chữ phải làm một thao tác văn bản. Trước hết cần căn cứ vào các bản chữ Nôm, sau mới đến các bản Quốc ngữ. Riêng bài Đánh đu, câu chữ không có dị bản, câu thứ hai đều chép: “Người thì lên đánh kẻ ngồi trông”. Xem chữ “lên” trong bản chữ Nôm đúng như cách đọc phiên âm Nôm. Đây là một chữ không phải bàn kể cả văn bản và văn học.
Việc này gợi nhớ lại một trường hợp hiểu chữ “lên” trong câu “Ghé mắt trong lên thấy bảng treo” (bài “Đền Sầm Nghi Đống” của Hồ Xuân Hương). Trong Tạp chí “Nghiên cứu văn học” số 9/ 2007, GS TS Kiều Thu Hoạch đã chỉ ra: “Chẳng hạn như bài Đền Sầm Nghi Đống, chúng tôi chỉ thấy có văn bản Nôm Quan Văn Đường, khắc in năm Khải Định Nhâm Tuất (1922), chữ Nôm in rành rành là chữ lên (trong câu: Ghé mắt trông lên thấy bảng treo). Ấy vậy mà nhà thơ Xuân Diệu cứ tán lấy được: “Chỉ đáng trông ngang bằng nửa con mắt thôi”, bởi theo ông “trông lên thì chiêm ngưỡng”(Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, NXB Văn học, 1987). Và, không ít người đã bình tán quan điểm “phi văn bản học” này của Xuân Diệu…
Từ những điều nói trên cần rút ra là: khi thưởng thức thơ văn cổ phải lưu ý đặc điểm văn bản, không thể bình tán theo ý chủ quan.