Bài thơ Nôm số 79 trong “Bạch Vân quốc ngữ thi tập” của Nguyễn Bỉnh Khiêm, khi đưa vào Sách giáo khoa “Ngữ văn 10” được đặt tên là “Nhàn”.
Về câu thơ đầu “Một mai, một cuốc, một cần câu”, khi “Hướng dẫn HS cảm nhận”, Người biên soạn đã viết: “Cụ Trạng về sống giữa thôn quê như một “lão nông tri điền”, với những công cụ lao động: mai để đào đất, cuốc để xới đất, cần để câu cá…” (Ngữ văn 10, Sách Giáo viên, tập I, Nxb GD, 2006, tr 167)
Có phải cụ Trạng Nguyễn Bỉnh Khiêm muốn về làm một “nông dân” thực sự không?
Sự lánh đời về với thiên nhiên, sống với thú vui cảnh điền viên; có “Am Bạch Vân”, có quán “Trung Tân”…Không phải là làm “ông nông dân” thế tục !
Thơ cổ thường lấy từ điển tích. Theo bài viết của PGS TS Nguyễn Đăng Na: Nguyễn Bỉnh Khiêm lấy từ bài ca Kích nhưỡng trong Nhạc phủ: “Tạc tỉnh nhi ẩm, canh điền nhi thực”, nghĩa là : “đào giếng mà uống, cày ruộng mà ăn”. Bài ca từ thời Nghiêu - Thuấn. Sang đến thời Hán, Hàn Phi (280- 233 TCN) đề cao ý chí: “Ngô bất thần thiên tử, bất hữu chư hầu, canh tác nhi thực chi, quật tỉnh nhi âm chi” (Ta không làm bề tôi thiên tử, không làm bạn với các nước chư hầu, , cày ruộng mà ăn thứ đó, đào giếng mà mà lấy nước đó). Nguyễn Bỉnh Khiêm làm quan triều Mạc, đỗ Trạng nguyên, làm quan 7 năm rồi từ quan. Ông cũng không chầu vê nhà Lê trung hưng. Việc chọn “một mai, một cuốc” là việc tự ‘đào xới cày cuốc’ lo cuộc sống, không sống vào bổng lộc triều đình !
Còn “một cần câu” là điển về Lã Vọng, một công thần nhà Chu: suốt đời đến 80 tuổi cứ ngồi bên giòng sông Vị thủy , buông lưỡi câu thẳng , chẳng có mồi thơm; chờ thời phù tá Văn Vương và Vũ Vương diệt Thương Trụ lập nên triều đại nhà Chu. Cần câu ở đây đâu có phải là nói về “dụng cụ bắt cá” !?
Câu thơ nhắc sự việc, gợi các “điển tích” là biểu thị sự chọn lựa cách sống lánh xa thế tục, chờ thời. Sự “nhàn” đâu là chơi bời du ngoạn, không phải là “không làm gì”!
Để hiểu đầy đủ tư tưởng con người Nguyễn Bỉnh Khiêm còn cần xem cả các tên hiệu, tự của ông.
Nguyễn Bỉnh Khiêm tự là Hanh Phủ - “Hanh. Chữ “hanh” được trích từ Kinh Dịch, quẻ Khiêm, “lời kinh” nói rằng: “Khiêm hanh, quân tử hữu chung” (dịch nghĩa: Quẻ Khiêm: hanh thông , quân tử có sau chót”). Như vậy, tên tự ở đây là từ Kinh Dịch, lấy ra chữ “Hanh”, có liên hệ với tên “Khiêm”, kết hợp với chữ “ phủ” làm thành tự: Hanh Phủ 亨甫- “Người hiển đạt học vấn rộng” ( “Hanh thông” (亨通 ), có nghĩa : hiển đạt, học vấn rộng; thanh thản, trôi chảy) Từ đây có thể dễ dàng suy ra ý nghĩa tên tự của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ngoài tên chính, ông có tên húy ( tên đặt lúc nhỏ) là Văn Đạt, tự là Hanh Phủ, hiệu Bạch Vân cư sĩ, biệt hiệu Tuyết Giang, sau khi chết học trò suy tôn Tuyết Giang phu tử. Riêng hiệu Bạch Vân cư sĩ, ông lấy hiệu từ Bạch Vân am. Theo Gs Bùi Văn Nguyên, trong sách Nguyễn Bỉnh Khiêm, tên này là tên có sẵn, trong dòng Thiền phương Bắc có chi phái Bạch Vân động, người tu thiền dựng Bạch Vân am. Đời Trần, sư Pháp Loa và Huyền Quang dựng Bạch Vân am ở Côn Sơn ( Chí Linh, Hải Dương), rồi Trần Nguyên Đán và Nguyễn Trãi đều ở đó ( cả Thiền sư, hiền sĩ ). Nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải người tu thiền ẩn dật, trong hai chữ Bạch Vân, thì “bạch” là chính. “Bạch” màu trắng thuộc quẻ “tốn”( Bát quái) tượng gió; gió thổi mới sạch bụi, thì đời mới trắng và sáng ra. Bạch Vân am chính là Bạch ốc- Nhà trắng, nơi Chu Công Đán phụ chính Thành Vương từng ở. Chu biết dùng Bạch đạo, tức Minh đạo mà thành công ( Nxb Hải Phòng, 1986 ). Nguyễn Bỉnh Khiêm muốn thâu tóm nhiều ý trong đặt tên am, để lấy tên hiệu cho mình. Bạch Vân am là nơi ở để lánh việc triều đình, làm nghề dạy học, đem đạo sáng tỏa khắp cho đời, giúp vua trị nước yên dân.
Để khai thác hình ảnh trong bài thơ, nhất là từ câu “phá đề” trong thơ Nôm luật Đường, ta phải tiếp cận từ nhiều hướng, mới mong “giải mã” các từ khóa, từ đó hiểu được căn cốt tư tưởng thẩm mỹ của nhà thơ !