Ca dao là lời thơ trữ tình dân gian diễn tả đời sống tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của nhân dân trong các quan hệ lứa đôi, gia đình, quê hương, đất nước,… Ra đời trong xã hội cũ, ca dao trữ tình là những tiếng hát than thân cất lên từ cuộc đời còn nhiều xót xa, cay đắng nhưng đằm thắm ân tình của người bình dân Việt Nam sau lũy tre xanh, bên giếng nước, gốc đa, sân đình,…
“Thân em như tấm lụa đào,
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.” (1)
Hình thức mở đầu: Thân em như… là lời than thân, trách phận, gợi âm điệu xót xa, ngậm ngùi, có tác dụng nhấn mạnh, gây sự chú ý đối với người nghe, người đọc. Mô thức trên phổ biến trong ca dao:
“Thân em như trái bần trôi
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu.”
“Thân em cúc mọc bờ rào,
Kẻ qua ngắt nhụy, người vào bẻ bông.”
“Thân em như miếng cau khô,
Kẻ thanh tham mỏng, người thô tham dày.”
“Thân em như giếng giữa đàng,
Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân.”
“Thân em như hạt mưa rào
Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa.
Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các hạt ra ruộng cày.”
“Thân em như ớt chín cây
Càng tươi ngoài vỏ càng cay trong lòng.”
“Thân em như quế giữa rừng
Thơm tho ai biết ngát lừng ai hay.”
……
Vì sao lại xuất hiện cả 1 mô thức “Thân em như…” vậy? Phải chăng trong xã hội xưa đó cũng là “lời chung” như tác giả Nguyễn Du từng nói “Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung?”. Lời mở đầu đã khẳng định họ - những người phụ nữ là những người chịu nhiều bất hạnh nhất.
Ở bài ca dao số (1), tác giả dân gian đã sử dụng hình ảnh so sánh, ẩn dụ: “Thân em - tấm lụa đào”: Tấm lụa đào là lụa quý, đẹp. So sánh “em” như “tấm lụa đào” là sự ý thức về sắc đẹp, tuổi xuân, giá trị của người phụ nữ (đây là cách nói khẳng định, ý thức được phẩm chất cao quý của mình nhưng lại hàm chứa sự chua chát, xót xa). Khi ví mình với “tấm lụa đào” người con gái ấy bước đầu đã có ý thức về sự phản kháng bởi cô không giống những định kiến cũ về người phụ nữ lúc nào cũng gắn với những vật nhỏ bé, vô tri, hèn mọn: miếng cau khô, ớt, trái bần, hạt mưa, quế, củ ấu gai,… Mặc dù có ý thức về sự phản kháng nhưng ở câu miêu tả bổ sung “Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai” - người đọc thấy ngay câu hỏi tu từ mang nỗi niềm cho số phận chông chênh, đầy may rủi. Người thiếu nữ đáng quý ấy lại giống món hàng để trao đổi, mua bán, nỗi đau khổ vì thân phận bị phụ thuộc, giá trị không được ai biết đến. Lời than thân đầy chua xót của nhân vật trữ tình: khi bước vào thời kì đẹp nhất, rực rỡ nhất thì lại phấp phỏng nỗi lo âu về thân phận. Hai câu ca dao còn là nỗi niềm khao khát được sống cuộc sống tự do, được tự mình quyết định hạnh phúc.
Chỉ với hai dòng thơ nhưng tác giả dân gian đã mang đến cả nỗi niềm, tâm tư lớn của người thiếu nữ đang ở thời kì xuân sắc. Người con gái ấy cũng chỉ là một trong vô vàn cô gái phải sống trong thời đại “trọng nam khinh nữ”, “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu”. Đối với họ dường như xã hội bên ngoài là một thế giới hoàn toàn xa lạ, cả đời họ chỉ biết cam chịu, sống phụ thuộc, mong muốn được nâng niu, trân trọng. Dù sao họ cũng vẫn là con người có quyền được yêu, ghét, giận hờn - huống chi đây lại là những người phụ nữ chân yếu tay mềm, tâm hồn luôn nhạy cảm, yếu đuối, rất cần được cảm thông và chia sẻ. Vì vậy, lời than thân cất lên như một tiếng kêu than ngậm ngùi đáng thương.
Hai dòng thơ lục bát sử dụng hình ảnh so sánh (như), ẩn dụ (tấm lụa đào, phất phơ giữa chợ) đã tạo nên những câu thơ mang ý nghĩa nhấn mạnh, thấm thía về nỗi khổ của người phụ nữ xưa.