Bữa cơm ấm
(Truyện ngắn)
10h45’.
Bà Phụng nhìn đồng hồ và nhanh tay thu xếp đống sắt vụn đang ngổn ngang ở xó cửa. Cứ nhặt được đôi ba cái vỏ lon bà lại ngước lên nhìn đồng hồ - cái đồng hồ cũ kĩ,bụi bặm, số đã mờ và nhiều khi cũng tậm tịt, miệng lẩm nhẩm câu nói: ”Chết rồi, muộn rồi…”. Chiếc lưng còng, đôi tay thoăn thoắt, khuôn mặt hốc hác không biết tự bao giờ lại trở nên quen thuộc trong con mắt của người dân xã Tịnh An đến thế.
Túm gọn xong bốn tải vỏ lon, bà Phụng khóa cửa nhà kho và đạp vội đến quán cơm. Giữa cái nắng chói chang và oi ả của mùa hè, mồ hôi cứ lăn ra như suối, bàn tay cũng ướt át; cảm tưởng nếu có ai đó tự tin điều khiển cái xe đạp của bà Phụng dưới tiết trời như thế này mà vẫn ung dung, thản nhiên thì quả là hiếm có.
“Cô cho tôi suất cơm như mấy hôm nay với”- vừa dựng xe bà Phụng vừa nói với vào.
“Dạo này bác bận gớm nhỉ, sắp thành khách quen của nhà cháu rồi!”- cô Tình chủ quán cơm cười cợt banh đùa.
“Từ hôm kia chẳng biết mấy bà đồng nát đi thu gom ở đâu nhiều thế, nhiều gấp 3-4 lần ngày trước cô Tình ạ, đâm ra tôi phải phân loại, buộc giữ nhiều lắm. Cũng chả có thời gian mà chạy về nhà nấu cơm cho kịp…
Bà Phụng bỗng nghẹn ứ cổ họng, không nói tiếp được nữa. Cô Tình đang chuẩn bị suất cơm nhưng sống lâu ở đây nên chỉ cần nói qua cô cũng hiểu, đành nói gạt ra:
“Thế anh ăn vẫn ngon miệng chứ Bác?”
“Ơn giời nó ăn được cô ạ. Từ ngày nó như vậy đây là lần đầu tiên nó ăn cơm do người khác nấu đấy. Tôi cứ tưởng nó ăn muỗng đầu tiên là đòi đổ bỏ nhưng ơn giời, ơn giời cô Tình ạ!”- lòng bà quặn thắt lại nhưng cũng mừng bởi cô chủ quán cơm này đã cứu sống con bà trong ba ngày vừa qua.
Cô Tình đậy nắp hộp cơm cẩn thận, cho vào túi nilon và đưa cho bà Phụng:
“Bác bận việc thì cứ qua cháu. Anh ăn hợp cơm ở đây thì tốt quá! Cháu nay bán cho anh nhiều một tí. Của bác cũng như hôm qua thôi. 20 ngàn ạ!”
“Cô tốt với mẹ con tôi quá. Thôi tôi đi cô nhé, tôi còn phải đi tìm nó nữa.
“À, vâng vâng. Bác đi luôn đi kẻo muộn giờ ăn trưa của anh.”
Bà Phụng lại thoăn thoắt đôi chân đạp xe đạp rời quán cơm cô Tình. Đã nhiều lần cô Tình định bảo bà thay chiếc xe khác bởi chiếc xe của bà Phụng đã sờn mòn và tàn tạ lắm rồi. Chiếc xe ấy là do bà Phụng được một người thu mua sắt vụn nhượng lại với giá không quá 100 ngàn. Nhưng cái ý nghĩ nói ra điều đó vừa lấp ló trong đầu thì ngay lập tức bị tắt phụt khi cô nhìn vào gia cảnh, cuộc sốngđầy trớ trêu của bà Phụng. Bà sẽ không bao giờ thay đổi, đáng lí hơn là không thể thay đổi.
Bà Phụng là con thứ tư trong một gia đình đanh anh em gốc ở Thanh Hóa. Mang trong mình cái tiếng dân bản địa ấy, những ngày đầu mới về làm dâu bà bị mọi người xung quanh khinh miệt, dè bỉu. Người ta bảo bà là “dân nghèo”, “dân kém”,… Dần dần qua năm tháng bà được mọi người công nhận, chấp thuận bởi tính trung thực, thật thà, chịu khó, hay lam hay làm của mình. Bà sinh ra ba người con, hai gái, một trai. Cả hai người con kia đều khỏe mạnh nhưng khốn khổ thay đứa con trai của bà lại bị tâm thần, đầu óc lúc tỉnh lúc mê. Bỏ ngoài tai những lời bàn tán vô bổ, trưa nào bà Phụng cũng đi tìm con và đút cho con những muỗng cơm ngon lành.
“Quý ơi! Quý ơi! Quý…”
Bà Phụng đi vòng quanh công viên cạnh nhà nửa cây số tìm con. Giờ đã là 11h20’. Con trai bà đã trễ giờ ăn gần nửa tiếng đồng hồ rồi. Nét lo âu, sự sỡ hãi, run rẩy hiện lên trên khuôn mặt hốc hác của bà rõ mồn một. Bà nghĩ tới cái viễn cảnh xấu, không, nhiều viễn cảnh xấu nhất mà con trai bà đang gặp phải, mặt lạnh cắt không còn một giọt máu. Khóe mắt bà rưng rưng, đôi chân nặng trịch không bước nổi. Chưa bao giờ bà để con mình lại lâu như hôm nay, chưa bao giờ bà sốt ruột và lo sợ như thế này, mọi lần chỉ tìm 4-5 phút vậy mà bây giờ đã 20 phút trôi qua rồi. Bà cố lê bước chân ra chỗ dựng xe thì thấy thấp thoáng cái đầu trần sau tấm biển bán tạp hóa bên kia đường. Bà hét lớn:
“Quý! Quý!”
Nghe tiếng gọi quen thuộc, người đàn anh đang ngơ ngẩn núp sau tấm biển bỗng ngừng lại, tròn xoe con mắt và cười rạng rỡ khi thấy mẹ lọ mọ đến gần, trên tay bưng hộp cơm, ánh mắt vô hồn của anh Quý lại nhìn chằm chằm vào đó, chờ được mẹ đút cho ăn như một thứ phản xạ có điều kiện duy nhất của mình.
Anh Quý là con trai duy nhất của bà Phụng, mang trong mình chất độc da cam từ nhỏ nên thần trí anh không bình thường. Dù đã bước sang tuổi 40 nhưng tính tình của anh như một đứa trẻ lên ba. Vốn ham chơi và không chịu bị nhốt trong nhà, cứ tinh mơ sáng là anh Quý lại chạy ra phố chơi. Với cái đầu trần, chân đất, tay lều khều, hàm răng sún gần hết và miệng lúc nào cũng chảy dãi, anh lang thang khắp các nẻo đường phố. Anh đặc biệt thích chơi đùa với tụi con nít nhưng với bộ dạng của mình, hễ thấy anh Quý là lũ trẻ con lại khóc thét lên hoặc bỏ chạy mất dép. Và cứ thế, chẳng biết từ bao giờ, mọi người gọi anh là ”Ông Kẹ” hay ”Ông Ôn” và thường dùng để dọa những đứa trẻ biếng ăn , quậy phá. “Ông Kẹ”, ”Ông Ôn”dữ tợn, chuyên đi bắt trẻ em hư trong tưởng tượng thì anh Quý lại rất ít khi nói, cách truyền đạt ngôn ngữ hay ý hiểu của anh chủ yếu là bằng nụ cười. Thỏa mãn, hài lòng và đồng ý.
Nhìn con ăn, bà Phụng mới nhẹ nhõm bao nhiêu, ngỡ tất cả những viễn cảnh bà nghĩ ra đều không phải là sự thật, là sự giả dối của trí óc. Con bà đang ngồi đây, đang ăn ngon lành những muỗng cơm bà đút. Bà nay đã bước sang tuổi 78, ngày về với tổ tiên cũng dần đến bởi nhiều bệnh tuổi già đã trở đi trở lại trong người nhưng bà Phụng vẫn day dứt một nỗi lo. Ai sẽ nuôi, sẽ chăm sóc cho đứa con của bà khi bà chết?! Nghĩ đến vậy bà lão nghẹn ngào nhìn con mà mình vừa vỗ về, dỗ dành đút cơm ăn đang tiếp tục chạy lang thang, khuất dần trong khu phố. Đôi mắt mờ đục bởi tháng năm chẳng còn nước mắt!
Lúc xế chiều, sau khi thu dọn xong công việc ngoài cửa hàng sắt vụn, bà Phụng lại đi tìm con và cùng con về nhà. Đường về nhà không quá dài nhưng có một vài đoạn lên dốc. Anh Quý tuy bị tâm thần nhưng đến lúc đó lại biết giúp mẹ đẩy chiếc xe đạp cũ kĩ vượt dốc dễ dàng. Bà Phụng vỗ vai, khen ngợi:
“Quý ta giỏi lắm, thông minh lắm!”
Giống như mọi đứa trẻ con khác, mỗi lần được khen anh Quý vui lắm, miệng không nói nhưng cười rất tươi, gật gật đầu, hai tay cho ra sau lưng tranh vô cùng hãnh diện. Bà Phụng ước rằng đoạn đường về nhà dài hơn thế này để bà được thấy con trai mình giỏi giang, tinh tường khác hẳn cái nhìn mà mọi người thường thấy.
Ngôi nhà nhỏ nhỏ, lụp xụp cuối con hẻm là nơi mẹ con bà Phụng tìm về sau một ngày dài mệt mỏi. Bà Phụng bắt tay ngay vào công việc bếp núc. Bữa cơm hôm nay bà lên lịch gồm có đậu, thịt sốt cà chua và công rau cải. Trời đã sẩm tối, mắt bà đã mờ, tai thì đã nặng, việc nấu nướng trong tích tắc không còn là việc bà có thể đảm đang như hồi đôi mươi nữa. Anh Quý khuôn mặt thẫn thờ đang lả đi vì đói, tay cầm hòn sỏi vạch vạch trên đất. Nhìn con như vậy bà Phụng không ngừng nhắc:
”Sắp có cơm rồi, đợi một tí tẹo thôi!”
Chợt ngoài cổng có tiếng người mở cửa. Là cô Hòa - con gái út của bà Phụng.
“Con chào u!”
Bà Phụng ngước nhìn ra, nheo nheo con mắt, ngạc nhiên:
“Sao lại về bất chừng như thế này?”
“Con theo đoàn công tác tới Quảng Ngãi, tiện thể vào thăm u với anh.” - Cô Hòa đảo mắt sang góc bếp chỗ anh Quý đang ngồi.
“Thế ăn cơm chưa? Ở lại ăn với u bát cơm.”
“Thôi ăn uống gì nữa. Con vào chơi với u một lát rồi về ngay kẻo đoàn người ta đợi.”
Hai người con gái của bà Phụng đều đã lập gia đình và có công việc ổn định. Cô Hòa là nhân viên một công ty du lịch thường xuyên đi rất nhiều nơi để khám phá thị trường, nhu cầu khách hàng… Biết con đầu tắt mặt tối, làm ăn vất vả, bà Phụng cũng không giữ con ở lại lâu, chỉ chê trách cô bận việc mà bỏ bê sức khỏe rồi nhắc nhở ăn uống đầy đủ, không bỏ bữa…
“Anh Quý dạo này thế nào u?”- Cô Hòa hỏi.
“Nó vẫn vậy thôi. Mỗi điều trưa nay u cho nó ăn muộn tìm mãi mới thấy lo quá!
Nghe thấy vậy cô Hòa nhăn mặt, bực dọc hướng về phía anh Quý:
“Thế anh lại chạy đi đâu hở u? Cái anh này, lần nào con về cũng dặn đi chơi thì ở yên một chỗ mà chẳng nghe gì cả.”
“Thôi đừng trách anh nó, lỗi là tại u, tại u tất.”
“U không cần trách mình gì cả. Để con bảo anh.”
“U xin mày. Nó có biết gì đâu. Mày nói thì lại nặng lời. Thôi con!”
“Thế lỡ u không tìm thấy anh mà u bị làm sao thì làm thế nào? Không được, không được!”- Cô Hòa dứt khoát, hừng hực tiến lại chỗ anh Quý còn đang ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì.
“Thôi! Hòa!” - Bà Phụng hét lên – “Ngày trước mày bảo nó không được, u với thầy mày cho nó chạy chữa bác sĩ bao năm nay cũng không xong. Bây giờ nghe mày nói nó bệnh nặng hơn thì làm sao? Nó điên điên khùng khùng lên thì ai gánh nổi???” - Từng lời nói nhanh, mạnh, cứng rắn và tức giận của bà Phụng thốt ra làm không khí bao trùm nơi đây càng thêm nặng nề và đen tối.
“Nhưng u không thể sống mãi thế này được.”
“Sao tao không sống được? Hơn ba mươi năm nay vắng bóng thầy mày rồi chúng mày đi lấy chồng, tao ở với nó tuy không đầy đủ nhưng chẳng đến túng thiếu phải đi vay mượn, ăn xin của người khác. Chúng mày có cuộc sống riêng của chúng mày, lo lắng cho gia đình, tao đòi hỏi gì chưa? Ngay cả việc chúng mày ít khi về, tao đã kêu gì với chúng mày, đã cằn nhằn kêu khổ điều gì chưa??”
Cô Hòa nín lặng, chạnh lòng. Từng lời bà Phụng nói quá đúng, cô không thể nói được câu nào nữa. Từ ngày cô yên bề gia thất rồi công việc tối mắt tối mũi cô ít về nhà hẳn, 3-4 tháng mới về một lần mà chỉ ở được nửa ngày, hôm sau lại lên đường đi làm. Cô với cô Tâm (con gái cả của bà Phụng) tuy đều đều hàng tháng vẫn gửi tiền cho mẹ nhưng dường như bà Phụng để dành, bà dành dụm cho sau này lúc bà nằm xuống anh Quý không ai săn sóc thì ít nhất còn có tiền đưa vào trại tâm thần… Cô biết bà Phụng nhiều lần đã tính cái nước này nhưng chỉ biết im lặng.
Nặng lời với con, người mẹ già cảm thấy áy náy, canh cánh mãi trong lòng, bản thân như vừa đắc tội gì ghê gớm lắm. Bà để ý mình đang rơi nước mắt trước cái nhìn của hai đứa con, vội vàng lấy tay áo quệt ngang mắt. Bà không biết liệu những lời nói vừa rồi anh Quý có hiểu hết không mà kể cả có hiểu được một phần nhỏ thôi thì anh nghĩ gì? Bà không nghĩ ra được, có cố gắng tìm hiểu cũng đành bất lực trước ánh mắt vô hồn của anh Quý.
Có tiếng chuanh điện thoại, cô Hòa phải rời đi cùng đoàn công tác.
“Con để túi bánh kẹo với mấy bộ quần áo con mua cho u và anh ở đây. Tháng sau công ti con tổ chức sự kiện, Trung thu con không về được. Con đi đây. U với anh ở lại giữ sức khỏe.”- Cô Hòa đặt chiếc túi lên bậc thềm và bước nhanh ra cổng trong sự im lặng của bà Phụng và anh Quý.
Những ngày sau đó không có gì thay đổi , công việc của bà Phụng vẫn đều đều như chiếc đồng hồ đã lên lịch sẵn, chỉ có sự căng thẳng và nặng nề là dày đặc hơn trước. Bà Phụng hay buồn rầu, đôi lúc bần thần; anh Quý cũng trở nên ít tươi cười hơn.
Một hôm trời mưa to, nặng hạt. Đang sắp đống giấy vụn lên xe chuẩn bị đi bán, chợt có người trong xóm đến gọi thất thanh:
“Bác Phụng, bác Phụng… Anh Quý… anh Quý bị tai nạn rồi!”
Bà Phụng trố mắt, tay chân run run: ”Nó… nó bị làm sao cơ?”
“Cháu không biết. Mọi người kêu cháu đến báo tin cho bác. Anh Quý đang thở gấp lắm. Nhanh lên đi bác!...”
Toàn thân bà Phụng cứng đờ, tai bà ù ù không nghe rõ những lời anh thanh niên kia nói sau đó nữa. Bà muốn bước thật nhanh đến chỗ con nhưng chân bà đã hóa đá, không làm nào cử động được. Những viễn cảnh xấu trước đây bà nghĩ ra lúc để đói anh Quý bỗng quay trở lại sống động, rõ nét hơn bao giờ hết. Bà túm lấy tấm áo giữa lồng ngực, dằn lòng mình không nghĩ nữa. Bỏ mặc đống sắt vụn đang dang dở trên xe, bà bảo anh thanh niên ngay lập tức chở tới chỗ anh Quý.
Trời mưa đám đanh vẫn tụ họp lại đanh như kiến, tiếng xì xào không ngớt. Bà Phụng lách qua đám đanh khá chật vật. Bà có lẽ sẽ chen qua nhanh hơn nếu bà kêu mọi người tránh đường nhưng cổ họng bà đã nghẹn ứ từ lúc nào. Bà không tài nào cất tiếng lên được. Nhìn người con nằm trên nền đất lạnh lẽo, bà khuỵu xuống, rang cắn chặt, nước mắt trào ra không ngớt.
“Quý! Quý ơi! Đừng bỏ u con ơi! Đừng con ơi!!!” - Bà vuốt mặt con trai, giọng nấc lên đến khổ sở.
Nhận ra gương mặt quen thuộc, anh Quý nở một nụ cười rạng rỡ, lòng bàn tay mở ra một cái gì đó. Là một bông hoa… một bông hoa hồng đỏ. Thì ra anh Quý đi sang tận khu vườn nhà bác Ba cách nhà hơn một cây số để hái trộm hoa hồng. Bị phát hiện, anh chạy nhanh đến nỗi trượt ngã trên con dốc vào thôn Bảng, đầu đập xuống đất. Đau đớn, anh vẫn giữ khư khư bông hoa trong tay bởi… anh đã chờ đợi giây phút này, giây phút anh trao tận tay bông hoa mà anh hái được cho người mẹ đã khổ cả một cuộc đời vì anh. Thực ra anh hiểu hết tất cả những gì mà cô Hòa và bà Phụng nói với nhau buổi tối hôm ấy. Anh muốn tặng cho bà Phụng một món quà dịp Trung thu như cô Hòa đã mua quần áo. Anh muốn chứng minh mình không phải là một gánh nặng, anh hoàn toàn có thể đem lại niềm vui cho người khác.
Nhìn bông hoa trong bàn tay anh Quý, mắt bà Phụng đẫm nước. Bà ôm lấy bàn tay người con đang rỉ máu vì gai, áp bàn tay đó lên mặt mình:
“U có bắt mày đi kiếm hoa tặng u đâu, sao khổ thế này? Khổ thế con ơi… Đừng bỏ u con nghe!!!”
Anh quý vẫn cười, vẫn là nụ cười tươi rói với người mẹ của mình, là nụ cười mỗi khi anh được bà Phụng đút cho ăn, là nụ cười hài lòng, thỏa mãn.
“Khóc…” - anh xua xua tay trước mặt bà Phụng - ”Yêu……”
Từng lời nói đứt quãng, không ra hơi của anh Quý sau bao tháng ngày cuối cùng đã được bộc lộ. Bà Phụng không tin vào mắt mình. Anh Quý đang nói yêu bà ư? Bà có đang nghe lầm không? Không. Không. Là thật. Là lời yêu thương chân thành của anh Quý. Bao nhiêu năm nay bà vất vả chạy chữa bác sĩ để anh Quý lấy lại khả năng nói nhưng anh chỉ nói được những lời cầm chừng như ”Ừ”, ”À” vậy mà giờ anh đang nói yêu lại còn bảo bà đừng khóc nữa? Anh Quý đã trưởng thành thật sự rồi! Nhưng tia hi vọng ấy vừa lóe lên thì bà Phụng lại phải đối mặt với một thực trạng khủng khiếp: anh Quý đang thở rất gấp, người co giật liên hồi. Vẫn nắm chặt bàn tay con, bà cầu trời, cầu đất và hơn hết bà năn nỉ đứa con bà:
“Đừng, Quý! U xin con ở lại với u! Ở lại với u, con!!!”
Anh Quý không còn nhận thức được gì nữa. Bàn tay anh tuột khỏi tay bà Phụng. Mắt nhắm tịt.
“Không… Không… Không! Quý ơi! Quý!...” - Bà Phụng gào lên trong hư không giữa trời mưa tầm tã. Bà cứ thế gào thét không thôi, át hẳn cả tiếng xe cứu thương từ xa tới, bà ngất đi trong vô vọng.
Đứa con trai duy nhất của bà đã chết…
Đứa con trai nói tiếng yêu lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng của bà đã không còn…
Quãng thời gian hơn ba mươi năm bất kể mưa nắng, trở trưa hay xế chiều cần mẫn xách giỏ đựng cơm đi khắp nơi tìm con giờ cũng đã hết…
Bà thấy cuộc đời này sao bất công đến thế! Thân bà ốm yếu, bệnh tật, vô tích sự, sao ông giời không bắt mà lại mang con bà đi, đứa con dẫu có thần kinh nhưng vẫn luôn đáng yêu, hết mực yêu thương bà.
Bà nghĩ đến cái ngày chồng bà bỏ bà và ba đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn chỉ vì đứa con trai của bà không bình thường, điên điên, kì quặc; nghĩ đến cái ngày bà bị đánh khi đi bán sắt vụn, vì bị tình nghi là bắt cóc trẻ em.
Ngỡ như tất cả đều là phù du, chúng nào thấm vào đâu, chúng nào khổ sở, đau đớn bằng lúc này. Bà đã mất con!
Một tháng sau cái chết của anh Quý, bà Phụng vẫn chưa lấy lại tinh thần. Thi thoảng bà giật mình, nhìn lên đồng hồ rồi đứng phắt dậy đi về phía bếp. Trong thâm tâm bà anh Quý vẫn ở đâu đó ngoài kia, đang đợi bà mang cơm đến. Chuẩn bị xong xuôi thức ăn, đặt lên giỏ bà bước ra ngoài cửa nhưng bỗng đứng sững lại. Bà đứng yên bất động như thế, mắt vô hồn nhìn ra con hẻm. Mấy bữa nay không còn nghe thấy người gọi ”Ông Ôn”, ”Ông Kẹ”nữa. Tất cả đã trở thành dĩ vãng, là những mảnh ghép nhỏ bé tồn tại của kí ức.
Ngoài đường cái, tiếng trống Trung thu dồn dập. Trẻ con, người lớn nô nức kéo nhau đi xem múa sư tử, múa lân, phá cỗ,… Năm nay bà có một mình, không còn phải dắt một ai đó háo hức đi xem nữa. Bà nhìn di ảnh anh Quý, bức ảnh anh Quý cười tươi, rạng rỡ như ánh mặt trời, dưới đó có banh hoa hồng đỏ đã héo nhưng chưa hẳn tàn lụi. Bà Phụng thoáng nhẹ một nụ cười trên môi, nhanh chóng và tỏa sáng.
Tác giả: Du Thị Thanh Hoa (12 Văn)oafHoaf hHKJ gh