Thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học 2024-2025 của trường THPT Sơn Tây. Căn cứ vào kế hoạch của tổ Hóa-Sinh-CNNN, kế hoạch thực hiện chuyên đề nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học của tổ chuyên môn. Vào ngày 21/10/2024 tổ Hóa-Sinh-CNNN đã tiến hành sinh hoạt chuyên đề với nội dung “Sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học”.
Đầu tiên là đại diện môn Hóa học do đồng chí Nguyễn Hoàng Duyên báo cáo với chuyên đề nguyên cứu bài học “Ôn tập chương I” - bài 4; SGK Hóa học 10 – KNTT. Với nội dung cốt lõi của bài học là: Ôn tập, hệ thống hóa kiến thức về thành phần cấu tạo của nguyên tử; kí hiệu nguyên tử, nguyên tố hóa học, đồng vị; AO nguyên tử, lớp electron…. Học sinh phải nêu được mối quan hệ giữa số proton và electron trong nguyên tử; mối quan hệ giữa số thứ tự lớp e, số e tối đa và số AO trong 1 lớp. Thông qua áp dụng kiến thức đã học để giải được các bài tập có liên quan từ đó học sinh có thể vận dụng kiến thức đã học để áp dụng vào cuộc sống tạo ra các sản phẩm hữu ích phục vụ cho bản thân và mọi người xung quanh.
Để tránh sự nhàm chán của các tiết ôn tập và đạt hiệu quả cao trong việc tương tác giữa giáo viên và học sinh, đồng chí Duyên đã áp dụng nhiều phương pháp dạy học như: vấn đáp gợi mở, sử dụng đồ dùng tự chế tạo, cho học sinh quay clip bài tập… đặc biệt là áp dụng trò chơi thi đua xuyên suốt cả tiết học. Thông qua các nội dung thi đua trong các trò chơi như giải đố ô chữ hay Bingo… các em học sinh sẽ cảm thấy hứng thú hơn trong bài ôn tập của mình và đồng thời kiến thức nhận được cũng được các em ghi nhớ tốt hơn. Đây cũng là bài dạy mà đồng chí Duyên đã chọn để đại diện tổ tham gia thi giáo viên giỏi cấp trường và đạt giải. Điều này càng thêm khẳng định chất lượng bài dạy đã đem lại hiệu quả cao cho người học và cần được chia sẻ cho đồng nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Duyên báo cáo chuyên đề môn Hóa học
Nội dung thứ hai được báo cáo trong buổi sinh hoạt chuyên đề là Môn Công nghệ nông nghiệp do đồng chí Nguyễn Thị Thanh thực hiện. Với chuyên đề nguyên cứu bài học “Hoạt động trồng và chăm sóc rừng” - bài 5; SGK Công nghệ 12 – Cánh Diều. Đồng chí Thanh đã nêu được những lợi ích của trồng rừng đối với con người và môi trường; Nêu được vai trò của chăm sóc rừng sau khi trồng; Trình bày được vai trò, nhiệm vụ của việc trồng và chăm sóc rừng; Giải thích được việc bố trí thời vụ và mô tả được kĩ thuật trồng, chăm sóc rừng hiện nay của Việt Nam.
Giáo viên đã áp dụng phương pháp chủ đạo xuyên suốt bài dạy là sử dụng tranh ảnh và video của bộ nông nghiệp và video của lâm nghiệp Việt Nam và trên thế giới. Điều này giúp học sinh có cái nhìn chân thực hơn về thực trạng trồng rừng của nước ta. Học sinh có thể so sánh cách trồng rừng của nước ta với các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Từ đó học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức mới và nhớ kiến thức lâu hơn. Các câu hỏi mở rộng mà giáo viên có thể gợi ý cho học sinh chuẩn bị tại nhà như: Ngoài phương pháp trồng và chăm sóc rừng như trong video còn có phương pháp trồng và chăm sóc nào khác? Đối với rừng trồng mới, việc trồng rừng được thực hiện vào thời điểm nào trong năm? Trồng và chăm sóc rừng như thế nào cho đúng kĩ thuật? Những câu hỏi đó đều được trả lời trong các video mà các em học sinh đã tham khảo.
Thông qua bài học giáo viên cũng gửi gắm nhiều thông điệp đến cho học sinh để sau này các trò sẽ chính là thế hệ tương lai bảo vệ, trồng rừng và khai thác rừng một cách bền vững và an toàn nhất.
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh báo cáo chuyên đề môn CNNN
Cuối buổi sinh hoạt chuyên đề là báo cáo nghiên cứu bài học của đồng chí Nguyễn Quỳnh Anh đại diện môn Sinh học với bài học “Các phân tử Sinh học” – bài 5; SGK Sinh học 10 – KNTT. Với mong muốn đưa các kiến thức tưởng chừng như phức tạp thành kiến thức đơn giản, hấp dẫn bằng cách cho các em giải quyết các vấn đề trong bài học theo tiến trình logic đi từ cấu tạo rút ra tính chất, từ tính chất suy ra các ứng dụng thực tế. Từ đó các em tiếp thu kiến thức rất vững vàng, linh hoạt mà không kém phần sáng tạo. Giáo viên đã khéo léo vận dụng được kiến thức về thành phần hóa học, cấu trúc của phân tử protein trong tế bào vào giải thích các hiện tượng và ứng dụng trong thực tiễn trong cuộc sống. Bài học có nhiều kiến thức phong phú, sinh động liên quan đến sức khỏe con người, đời sống và sản xuất. Còn học sinh hào hứng tiếp cận kiến thức liên quan đến các môn khoa học tự nhiên vì nó nằm trong các tổ hợp thi tốt nghiệp và đại học nên cũng là một thuận lợi cho giáo viên.
Bài học được thực hiện theo trình tự đầy đủ các bước lên lớp. Sau bài học thì mỗi học sinh đều có thể “Giải thích việc tại sao thịt lợn, thịt bò cùng là protein nhưng có nhiều đặc điểm khác nhau cũng như biết được cấu trúc của các loại phân tử protein khác có trong tế bào và vai trò của chúng để có chế độ ăn uống phù hợp, đảm bảo sức khỏe,…”. Bên cạnh đó học sinh cũng nắm rõ được cấu trúc và chức năng của Protein.
Đồng chí Nguyễn Quỳnh Anh báo cáo chuyên đề môn Sinh học
Sau khi nghe 3 báo viên trình bày chuyên đề nghiên cứu bài học của 3 môn học, tổ đã tiến hành thảo luận và xây dựng bài học một cách khoa học và hợp lý nhất. Trong đó đồng chí Trịnh Đình Hoài đã rất tâm đắc về nghiên cứu bài học môn CNNN cụ thể là chú ý đến vấn đề bảo vệ nguồn tài nguyên rừng đang là một nội dung mà cả đất nước ta và thế giới đang quan tâm khi thiên tai bão lũ năm nào cũng xảy ra trên thế giới và ở Việt Nam gây ra nhiều thiệt hại lớn cho con người. Bên cạnh đó đồng chí Nguyễn Thị Thu Huyền cảm thấy phương pháp dạy học và những kiến thức môn Hóa học đã đem lại rất nhiều cảm hứng cho người học. Tính thực tế của bài học đã được áp dụng thành công trong cuộc sống hàng ngày. Điều này mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống. Đặc biệt là bài Sinh học nghiên cứu về Protein của đồng chí Quỳnh Anh được chú ý bởi tính thực tiễn của môn học. Sự nhấn mạnh về chế độ dinh dưỡng cho học sinh hàng ngày khi các em đang trong độ tuổi mới lớn giúp cho tính hấp dẫn của bài học tăng cao. Khi học sinh hiểu rõ vai trò của protein đối với cơ thể học sinh sẽ chủ động giải thích cho gia đình và người thân hiểu để có chế độ dinh dưỡng phù hợp nhất cho sự phát triển của mọi người.
Với tinh thần trách nhiệm cao và tổ chức khoa học hợp lý buổi sinh hoạt chuyên môn của tổ đã thành công tốt đẹp và đạt được mục đích yêu cầu đề ra. Thông qua buổi sinh hoạt chuyên môn các thành viên trong tổ được nâng cao năng lực sư phạm của bản thân từ đó hoàn thiện hơn giáo án trên lớp của mình. Hoạt động sinh hoạt chuyên môn thực sự đã góp một phần không thể thiếu trong công cuộc đổi mới phương pháp dạy học của mỗi giáo viên trong thời kì mới.