Để chuẩn bị vào năm học mới 2023 – 2024, trong hai ngày 17-18/8/2023, hơn 100 giáo viên của trường THPT Sơn Tây đã tham gia lớp tập huấn Module 8 về công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trường THPT theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tại Đại học Quốc gia Hà Nội cơ sở Hoà Lạc, Thạch Thất.
Tại lớp học, các giáo viên đã được tham gia các hoạt động thảo luận, báo cáo kết quả nghiên cứu, tìm hiểu về lợi ích của sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Theo kết quả nghiên cứu, học tập, hoạt động phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh đem lại những lợi ích xã hội và lợi ích giáo dục to lớn:
Phát huy vai trò trung tâm văn hoá của trường học, tạo sự thống nhất đồng thuận giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng trong giáo dục học sinh.
Thực hiện xã hội hoá giáo dục, huy động mọi nguồn lực để giáo dục học sinh nói chung và giáo dục đạo đức, lối sống nói riêng; phát huy tối đa sự đóng góp của các lực lượng giáo dục trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng: “Sự nghiệp giáo dục và sự nghiệp của toàn dân”, huy động toàn dân tha, gia giáo dục với mục tiêu xây dựng môi trường giáo dục an toàn, hạnh phúc cho học sinh.
Tạo môi trường giáo dục khép kín, thống nhất, đồng bộ giữa nhà trường, gia đình và xã hội nhằm giáo dục học sinh ở mọi nơi, mọi chỗ, giúp học sinh phát triển toàn diện hài hoà về năng lực phẩm chất, thể lực.
Xây dựng được mối quan hệ xã hội tốt đẹp giữa nhà trường, gia đình và xã hội thực chất là tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, tạo ra những ảnh hưởng tích cực tự giác tới học sinh và từng bước đẩy lùi, ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực, tự phát tới học sinh.
Thông qua hoạt động phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội giúp nhà trường thu thập thông tin về mức độ hài lòng của cha mẹ học sinh và mức độ hài lòng của xã hội về sản phẩm giáo dục của nhà trường trong bối cảnh xã hội luôn thay đổi, từ đó có những biện pháp điều chỉnh mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục nhằm nâng cao chất lượng của các hoạt động giáo dục học sinh trong nhà trường hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
Sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội giúp nhà trường tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, hạnh phúc, mang tính giáo dục tích cực để hình thành nhân cách học sinh một cách chuẩn mực; đồng thời giúp nhà trường thực hiện quản lý học sinh trong các hoạt động trong và ngoài nhà trường, tạo môi trường hoạt động và giao lưu lành mạnh thu hút học sinh tham gia.
Việc kết nối các lực lượng giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội thực sự mang ý nghĩa quan trọng để giáo dục học sinh trong môi trường giáo dục khép kín, an toàn và hạnh phúc.