Theo kế hoạch hoạt động của thư viện năm học 2020 -2021, sáng thứ 2, ngày 12/04/2018, trong giờ chào cờ đầu tuần, thư viện kết hợp với tổ Văn trường THPT Sơn Tây đã tổ chức thành công buổi giới thiệu sách “Tiếng vọng văn chương” của TS Nguyễn Đức Khuông. Đây là hoạt động thường niên của thư viện và tổ Văn trường THPT Sơn Tây nhằm tuyên truyền, giáo dục và nâng cao “văn hóa đọc” cho học sinh các khối lớp, giúp các em thêm yêu quí, trân trọng sách, hình thành và duy trì thói quen đọc sách.
Đảm nhiệm việc giới thiệu sách là chi đoàn 11 Chuyên Văn. Các em đã rất sáng tạo khi lựa chọn các bài thơ tiêu biểu nhất trong cuốn “Tiếng vọng văn chương” gợi cảm hứng từ các tác phẩm văn học trong nhà trường, xâu chuỗi các tác phẩm ấy theo một chủ đề để tạo nên một tiếng vọng mới về cách cảm nhận. Chủ đề mà các em lựa chọn là bi kịch tình yêu trong các tác phẩm văn học từ văn học dân gian đến văn học hiện đại được gợi cảm hứng trong cuốn “Tiếng vọng văn chương”. Các em lựa chọn ba bi kịch gắn với ba tác phẩm kèm theo tiểu phẩm gắn với ba tác phẩm ấy do chính các em biên kịch dàn dựng, đóng vai.
Đầu tiên là vở chèo “Quan âm Thị Kính” và bi kịch tình yêu của Thị Màu. Trong bài thơ “Thị Màu” của cuốn “Tiếng vọng văn chương” tác giả Anh Ngọc đã viết:
“Người mấy trăm năm làm rung chuyển những sân đình
Làm điên đảo những phông màn khép mở
Người táo bạo
Người không hề biết sợ
Người chưa từng lùi bước trước tình yêu”
Thị Màu trong cách đánh giá “ tứ đức” của người xưa lại bị xem thường vì lẳng lơ, đánh mất hết thuần phong mĩ tục. Dẫu vậy, với cái nhìn ngày nay, ta lại thấy đây là tuýp phụ nữ nổi loạn, dám phá vỡ tất cả, dám yêu, dám sống hết mình, dám nói lên những khát vọng không lời mà không sợ lời ong tiếng ve. Dưới góc nhìn của người hiện đại, các tác giả và tiểu phẩm của các em học sinh 11 chuyên Văn giúp người đọc nhận ra Thị Màu là người yêu đời, căng tràn sức sống. Thị là con người của đời thực với những khát khao nhân bản chính đáng, khát khao về một tình yêu tự nguyện nhưng lại bị kìm nén, cương tỏa dưới “Những xiềng xích phết màu sơn đạo đức”. Không phải người ta không ý thức được những xiềng xích ấy nhưng mấy ai dám phá vỡ tất cả để sống thực với chính mình như Thị Màu, sẵn sàng bất chấp những điều ấy, đi qua tất cả bằng bản lĩnh của mình. Vì vậy, cần lắm cái nhìn cảm thông, bao dung cho lỗi lầm ấy của Thị Màu, vì thị dám sống với khát khao cháy bỏng từ sâu thẳm bên trong mỗi con người.
Tiếp đến là “Truyền thuyết An Dương Vương và Mỵ Châu, Trọng Thủy” gắn với mối tình đẫm nước mắt giữa Mị Châu và Trọng Thủy.Trong văn học dân gian Việt Nam có những mối tình dằn vặt và đau đớn khiến ta phải suy ngẫm, có những nỗi đau không lời, nghìn năm mãi còn khiến con người ta day dứt vô cùng. Pho tượng đá Mỵ Châu cụt đầu là một trọng những điển hình như vậy.
“ Người con gái ngây thơ biết làm sao mưu sâu kế độc
Người con gái ngây thơ chỉ khát khao hạnh phúc
Chỉ muốn được yêu thương, gắn bó, sum vầy.”
Người con gái với trái tim trắng trong và tình yêu chung thủy đậm sâu nhưng lại bị lợi dụng, lừa dối. Những vệt lông ngỗng trắng trên đường chạy giặc như là minh chứng cho tình yêu trong sáng, hết lòng của Mị Châu nhưng nó bị cuốn vào khói lửa ngút trời của cảnh nước mất nhà tan và những âm mưu thâm độc. Máu của Mị Châu đã đổ xuống, đấy là giá đắt mà nàng phải trả. Người ta thường cho rằng, cái chết là sự kết thúc tốt đẹp nhất cho những bi kịch. Nhưng bi kịch này vừa qua đi thì bi kịch khác lại được tiếp nối, Mị Châu chết đi để lại mối oan tình ai oán đến ngàn năm. Khi nàng còn sống, nàng hết lòng tin tưởng Trọng Thủy thì chàng lại phản bội. Còn khi Mị Châu đã ra đi, mang theo sự oán giận, căm thù kẻ lừa dối, người phụ tình thì Trọng Thủy mới hối hận, mới ôm xác nàng trở về trong sự giằng xé cõi lòng, trong sự đau đớn, ân hận đến tột cùng vì đã hi sinh tình yêu cho một những toan tính thấp hèn. Dù cho nước giếng Trọng Thủy có thể rửa sạch ngọc Mị Châu thì tình yêu giữa hai người cũng chẳng thể nào trở lại như xưa. Một khi lòng tin đã tan vỡ, khi Mị Châu đã phải trả giá cho sự mê muội của mình bằng cả tính mạng thì tin chắc rằng nàng chẳng bao giờ còn có thể mù quáng lần thứ hai để hi sinh cuộc đời mình cho một thứ niềm tin vô nghĩa. Đắm say trong tình yêu con người ta trở nên nhẹ dạ cả tin, mù quáng. Mị Châu sẽ là một bài học dành cho chúng ta, trong cuộc đời vốn thật khó để phân định được ai là giặc, ai là bạn, cảnh giác sẽ dẫn lối cho ta không dẫm vào vết xe đổ của Mị Châu …
Cuối cùng là mối tình Chí Phèo và Thị Nở trong. Thị Nở đã trao cho Chí Phèo - con quỷ của làng Vũ Đại – thứ tình yêu cứu rỗi và nhất là tia sáng đưa Chí tìm lại con người thiện lương, thứ luôn ẩn sâu trong tâm hồn của một con người tha hóa. Trong bùn đất lại có quặng quý, trong khổ đau lại có hạnh phúc, và ngược lại. Chỉ từ một đốm sáng. Nhà thơ Quang Huy đã thổi bùng lên thành vầng sáng, đó là mối tình đẹp như mơ giữa Chí Phèo và Thị Nở:
“Người ta cứ bảo dở hơi
Chấp chi miệng thế lắm lời thị phi
Dở hơi nào dở hơi gì
Váy em sắn lệch nhiều khi cũng tình”
Dù xấu ma chê quỷ hờn, đã thế lại còn dở hơi nhưng có ai biết rằng Thị Nở cũng là một con người, cũng có những khát khao, cũng có quyền được yêu và được hưởng hạnh phúc. Và trọng những khoảnh khắc bất chợt, Thị cũng có cái duyên của riêng mình “Váy em xắn lệch nhiều khi cũng tình”. Mối tình giữa Chí Phèo cũng có đủ mọi cung bậc của một tình yêu muôn thủa. Họ nhớ khi xa nhau, thấy đẹp trong mắt nhau, thấy hạnh phúc bên nhau và hơn thế nữa, còn mong muốn được ở bên nhau trọn đời. Thị Nở là người tốt duy nhất gần gũi với Chí, thấy được bản chất lương thiện vẫn luôn ẩn dấu trong hắn. Thị đã chăm sóc Chí vào lúc hắn yếu đuối và cô đơn nhất. Một con người như Thị Nở lại có thể ẩn chứa thứ tình người chân thật, vô cùng quí giá. Vì thế đừng vội đánh giá người ta qua vẻ bề ngoài hay qua những gì người ta thể hiện. Biết đâu rằng bên trong mỗi chúng ta luôn có một Thị Nở như vậy: dẫu cho có những lúc ngốc nghếch, vô tâm nhưng cũng thật chân thành, giản đơn.
Từ trước đến nay, những bài viết về tác giả, tác phẩm văn học thường ở dạng thức bài nghiên cứu, lí luận phê bình. Bạn đọc ít thấy trường hợp bài viết cảm thụ, bình luận dưới dạng thức thơ. Bởi vậy, cuốn sách “ Tiếng vọng văn chương” như thổi một làn gió mới, mang đến những trải nghiệm thật mới mẻ cho độc giả. Đây là cuốn sách tuyển chọn và giới thiệu những bài thơ tiêu biểu được gợi cảm hứng từ các tác phẩm văn chương trong nhà trường, tác giả của cuốn sách là TS Nguyễn Đức Khuông – Đại học Giáo dục- Đại học Quốc gia Hà Nội , đến từ nhà xuất bản Công an nhân dân.
Cuốn sách dài 264 trang, trình bày nhiều bài thơ được khơi gợi từ các tác phẩm văn chương trong nhà trường và những bài bình về các bài thơ đó. Bìa sách được trang trí khéo léo, chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc. Nét chữ tên sách được in cách điệu mềm mại, nổi bật trên nền hoa văn trống đồng Đông Sơn- nét son đẹp đẽ của Văn hóa Việt Nam, cùng hình ảnh con người lao động trên dòng sông quê hương. Tất cả đã gợi mở một phần nội dung của cuốn sách. Toàn bộ “Tiếng vọng văn chương” là một lăng kính mới, một góc nhìn mới đối với mỗi tác phẩm, mỗi nhân vật trong văn học. Có thể thấy mỗi câu thơ, bài thơ ấy như đem đến cho người đọc nhiều góc cảm nhận mới về các tác phẩm văn chương trong nhà trường chạm tới những tâm hồn nhạy cảm, tạo chất xúc tác, khiến người yêu văn đi tìm ngọn nguồn của tác phẩm đã ánh xạ qua lời thơ. Nhẹ nhàng dung dị nhưng khiến ta phải suy nghĩ, trăn trở, tìm đi tìm lại những chi tiết hiện sinh trong tác phẩm cũng như đời sống thực tại.
Cuốn sách “Tiếng vọng văn chương” của TS. Nguyễn Đức Khuông đã đem đến cho người đọc nhiều góc nhìn, cảm nhận mới mẻ về các nhân vật mà dường như đã quen thuộc trong mỗi tác phẩm văn chương. Đây là một cuốn sách hay và thú vị, hiện đã có ở Thư viện trường THPT Sơn Tây. Vì thế mỗi bạn đọc hãy tìm đến cuốn sách này để có cho mình những góc nhìn mới mẻ về mỗi tác phẩm văn chương và nhiều lối suy nghĩ mới trong cuộc sống
Các tiểu phẩm xen lời giới thiệu về cuốn sách của chi đoàn 11 Văn đều sáng tạo, đặc sắc, có sự đầu tư công phu, kĩ lưỡng về kịch bản, diễn xuất, trang phục, đạo cụ và nhạc nền. Sau mỗi tiểu phẩm đều là những bài học sâu sắc mà các em học sinh tự rút ra cho mình. Tất cả đã đem lại cho Ban giám khảo và người xem những cảm xúc mới mẻ về các tác phẩm văn chương và tiếng vọng ngàn năm từ những tác phẩm ấy.
Buổi giới thiệu sách đã lại nhiều dư âm trong lòng các thầy cô và các bạn học sinh. Đây là hoạt động ngoại khóa bổ ích đã khởi động được tinh thần phấn chấn, hăng say của cả thầy và trò để bắt đầu một tuần làm việc mới đầy hiệu quả, đồng thời giúp các bạn học sinh thêm yêu quí sách, có những cái nhìn mới và yêu mến hơn những tác phẩm văn học, trân trọng những giá trị tinh thần của chúng. Và quan trọng hơn, chúng ta biết thêm một cuốn sách hay để góp vào tủ sách của mình, để luôn có người bạn sách hữu ích song hành trên mọi nẻo đường.