Di sản được sử dụng như tài nguyên trực quan để truyền dạy kiến thức và các kỹ năng cho học sinh. Điều này sẽ khơi dậy niềm hứng thú với lịch sử, văn hóa, thúc đẩy sự tham gia của học sinh vào việc bảo vệ di sản và còn có thể khai mở những tiềm năng của học sinh. Giáo dục di sản là một cách hữu hiệu để dạy về lịch sử và văn hóa, trong đó sử dụng những thông tin, tư liệu về các di sản văn hóa. Trong những năm gần đây quan niệm về giáo dục di sản đã có nhiều đổi mới. Mục tiêu của chức năng giáo dục trên di tích, bảo tàng là sự phát triển và hoàn thiện con người. Bảo tàng, di tích thực hiện chức năng này thông qua các chương trình giáo dục. Phương pháp tiếp cận coi di tích, bảo tàng là “nơi học” giữ vai trò quan trọng trong các chủ đề giáo dục di sản. Phương pháp này coi trọng nguyên tắc cuả bảo tàng học hiện đại là “nhìn qua hiện vật” để tạo cho học sinh cơ hội được tiếp xúc sâu với các hiện vật, cùng tìm hiểu các yếu tố khác của di sản để mở rộng kiến thức và kích thích trí tưởng tượng. Từ góc nhìn và phương pháp coi di tích, bảo tàng là nơi để học tập tích cực với những hoạt động trực quan, gợi mở sẽ tác động đến nhận thức giúp các em hình thành ý thức trân trọng và từ đó có hành vi đúng để bảo vệ các di tích, di sản.
Ngay từ đầu năm học mới 2023-2024, trường THPT Sơn Tây đã xây dựng Kế hoạch số 175/KH-THPTST về việc “Tổ chức các hoạt động giáo dục di sản cho học sinh trong nhà trường”, qua đó góp phần giáo dục cho học sinh nâng cao ý thức trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc. Đoàn thanh niên nhà trường đã tổ chức nhiều sân chơi giới thiệu di sản văn hóa của thị xã Sơn Tây như: lễ hội Đền Và; thành cổ Sơn Tây; Chùa Mía…
Trong tháng 3 năm 2024, trường THPT Sơn Tây đã tổ chức cho học sinh khối 10, 11 tham quan trải nghiệm học tập di sản văn hóa tại Đền Đô (Bắc Ninh), Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội), làng Thái Hải (Thái Nguyên).
Địa danh Đền Đô (Bắc Ninh) hay còn gọi là (Đền Lý Bát Đế, Cổ Pháp Điện) được xây dựng vào thế kỷ XI, ngày nay nằm ở phường Đình Bảng, TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đền được dựng trên nền đất mà khi xưa vua Lý Công Uẩn đăng quang và trở lại thăm quê hương. Theo sử sách, dân làng Đình Bảng đã cho xây dựng một ngôi nhà lớn làm nơi nghênh tiếp nhà vua. Khi vua Lý Công Uẩn băng hà, Lý Thái Tông lên ngôi kế vị vua cha, ông đã cho sửa sang lại ngôi nhà xưa và chọn làm nơi thờ tự vua cha, từ đó Đền trở thành nơi thờ tự các vị vua nhà Lý sau khi băng hà. Đến nay, Đền Đô thờ 8 vị vua nhà Lý gồm: Lý Công Uẩn tức (Lý Thái Tổ), Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông và Lý Huệ Tông. Trải qua thời gian dài cùng chiến tranh tàn phá, Đền Đô đã được tu sửa và mở rộng nhưng vẫn theo đúng hình dáng và kiến trúc ban đầu. Kiến trúc của Đền có sự kế thừa phong cách cung đình và dân gian được kết hợp hài hòa, chạm khắc tinh xảo. Nằm trong khuôn viên rộng hơn 31.000 m2. Cổng vào nội thành đền Đô gọi là Ngũ Long Môn với hai cánh cổng có trạm khắc hình 5 ông rồng. Mỗi khi cánh cổng này mở ra, sẽ như hình dáng rồng bay lên cao vút. Hai bên cổng chính nội thành Đền Đô, phía bên trái ghi bức cuốn thư “Chiếu dời đô” của vua Lý Thái Tổ với đúng 214 chữ, ứng với 214 năm trị vì của 8 đời vua nhà Lý. Phía bên phải là bài thơ hào hùng nổi tiếng – như một bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta "Nam quốc sơn hà Nam đế cư...” của Lý Thường Kiệt. Trung tâm của Khu nội thành cũng là trung tâm Đền (chính điện). Chính điện gồm Phương đình (nhà vuông) 8 mái 3 gian rộng đến 70 m². Phía sau ngôi chính điện là nhà hậu cung rộng 220 m2, nơi đặt ngai thờ, bài vị và tượng của 8 vị vua nhà Lý. Khu ngoại thất Đền Đô gồm nhà vuông, nhà chủ tế, nhà kho, nhà khách và đền vua Bà (thờ Lý Chiêu Hoàng, còn gọi là đền Rồng). Hai bên tả hữu đền Đô là nhà thờ quan văn và quan võ tiêu biểu nhất trong suốt 216 năm của vương triều nhà Lý. Nhà văn chỉ ba gian chồng diêm rộng nằm bên trái khu nội thành thờ Tô Hiến Thành và Lý Đạo Thành, những quan văn đã có công lớn giúp nhà Lý. Nhà võ chỉ có kiến trúc tương tự nhà văn chỉ, ở bên phải khu nội thành thờ Lê Phụng Hiểu, Lý Thường Kiệt, Đào Cam Mộc là những quan võ tài lược. Phía đông Đền có nhà bia, nơi đặt “Cổ Pháp Điện Tạo Bi”. Tấm bia đá này cao 190 cm, rộng 103 cm và có độ dày 17 cm, được khắc năm Giáp Thìn (1605). Bia được chạm khắc tinh xảo, trán bia có hình lưỡng long chầu nguyệt. Mặt trăng tròn vo được chạm nổi, xung quanh có hình tượng hào quang tỏa chiếu. Lòng bia khắc 35 dòng chữ Hán, có xen kẽ một số chữ Nôm, tổng cộng chừng 1.500 chữ. Ở ngoại thất Đền Đô còn có nhà Thủy đình, Thủy đình rộng 5 gian có kiến trúc chồng diêm 8 mái, 8 đao cong được làm bằng gỗ lim chắc chắn, chạm khắc hoa văn tinh xảo. Nhà Thủy đình nằm trên hồ bán nguyệt, được nối với sân chính bằng chiếc cầu đá. Đền Đô được Chính phủ công nhận là di tích lịch sử – văn hóa theo Quyết định số 154 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 25/1/1991. Năm 2014, nơi đây cùng với các khu lăng mộ của các vua nhà Lý đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Đền Đô với kiến trúc độc đáo có giá trị nghệ thuật, nơi linh thiêng, hội tụ linh khí của đất trời và là nơi nhân dân đến đền cầu phúc. Mang trong mình một giá trị lịch sử văn hóa đậm nét của vương triều Lý nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung.
Đến với Đền Đô các em không chỉ được hiểu về một giai đoạn lịch sử của nước nhà mà còn được nghe những làn điệu quan họ đặc trưng của vùng đất Kinh Bắc với hình ảnh duyên dáng của các liền anh, liền chị và giọng hát ngọt ngào truyền cảm, say đắm lòng người. Những lời ca của bài “Khách đến chơi nhà” hay “Mời trầu” nghe da diết, lưu luyến, mến thương. Trong chốc lát, thầy trò trường THPT Sơn Tây được đắm chìm trong không khí của dân ca, của lễ hội vùng đất giàu truyền thống văn hóa dân tộc.
Chia tay Đền Đô với những câu ca làn nhạc quan họ, thầy trò trường THPT Sơn Tây đến với Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội) – một địa danh có giá trị đặc biệt mà những di sản khác ở Việt Nam không có, đó là giá trị văn hóa, lịch sử của cả một dân tộc. Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di tích quốc gia đặc biệt, đồng thời là Di sản văn hóa thế giới với những giá trị lịch sử, văn hóa nổi bật.
Năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi vua, sáng lập vương triều nhà Lý. Tháng 7 năm Thuận Thiên nguyên niên (1010), Lý Thái Tổ khởi sự dời đô ra thành Đại La. Đoàn dời đô của nhà vua vừa đến đất Đại La, vua trông thấy có hình ảnh rồng vàng bay lên trời, bèn quyết định đặt tên cho vùng đất này là Thăng Long. Tên Hoàng thành Thăng Long xuất hiện như thế. Bắt đầu từ đây, Hoàng thành Thăng Long chính thức trở thành kinh đô của một nhà nước độc lập, thống nhất.
Trải qua hơn 1.000 năm, kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay đã chứng kiến biết bao đổi thay bởi các triều đại phong kiến. Các cuộc chiến tranh cũng đã phá huỷ, chôn vùi nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật, nhưng dấu tích khu Hoàng thành Thăng Long vẫn còn đó. Ở khu trung tâm vẫn hiển hiện bóng dáng của toà thành cổ hình vuông được xây dựng từ thời Nhà Nguyễn vào năm 1835. Các tên gọi cổng thành xưa vẫn được dùng đặt tên cho các con phố xung quanh thành cổ như: Cửa Bắc, cửa Nam, cửa Đông… Dẫu không còn những cung điện song vẫn còn đó một số công trình di tích dọc theo trục trung tâm của khu Hoàng thành cũ như: Cửa Đoan Môn, Điện Kính Thiên, Hậu Lâu. Tại di tích Điện Kính Thiên ở trung tâm Hoàng thành vẫn còn đôi rồng đá nguyên khối có từ thời Nhà Lê (thế kỷ 15). Cổng thành cửa Bắc cùng những đoạn tường thành Hà Nội còn khá nguyên vẹn. Cùng với những di tích kiến trúc độc đáo, hàng chục ngàn hiện vật tiêu biểu cho các tầng văn hóa các thời kỳ được phát hiện đã phần nào tái hiện lại quá trình lịch sử trải dài từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVII, xuyên suốt các triều đại: Lý, Trần, Mạc, Lê và Nguyễn. Khu vực trung tâm Hoàng Thành hiện có một số công trình kiến trúc thời Pháp thuộc và công trình Nhà D67 với các di tích hầm ngầm, phòng họp dưới lòng đất. Nhà D67 chính là Tổng hành dinh, nơi Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Quân ủy Trung ương đã đưa ra những quyết định lịch sử thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những công trình này cho thấy, tất cả các cơ quan quyền lực cao nhất qua nhiều thời kỳ lịch sử đều chọn nơi đây làm trung tâm chính trị, trung tâm quyền lực của đất nước. Giá trị nổi bật nhất của khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội chính là "bộ lịch sử sống" chảy suốt theo cả chiều dài lịch sử hơn 10 thế kỷ của Thăng Long-Hà Nội, kể từ thành Đại La thời tiền Thăng Long đến thời đại ngày nay.
Ngày 12/8/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1272/QĐ-TTg xếp hạng di tích Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội là một trong 10 di tích quốc gia đặc biệt. Tiếp đó, 31/7/2010, tại Brasilia, thủ đô Brazil, kỳ họp lần thứ 34 Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO đã biểu quyết thông qua Nghị quyết công nhận Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới dựa trên 3 tiêu chí: Chiều dài lịch sử văn hóa; tính liên tục của tài sản với tư cách là một trung tâm quyền lực; các tầng di tích, di vật đa dạng, phong phú.
Mang trong mình những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa trong suốt chiều dài hơn một nghìn năm, nơi đây tự bao giờ đã trở thành hiện thân của “đất và hồn thiêng Thăng Long”. Hoàng thành Thăng Long không chỉ là niềm tự hào của người dân Thủ đô mà còn là niềm tự hào của tất cả những người con đang mang trong mình dòng máu Lạc Hồng.
Hành trình đến với di sản của học sinh khối 10 chính là vùng đất Thái Nguyên – làng Thái Hải. Tại đây, các phong tục, tập quán sinh hoạt truyền thống được giữ gần như nguyên vẹn. Với quy mô lên đến 25ha, tại đây có 30 ngôi nhà sàn với tuổi đời lên tới hàng trăm năm. Điều đặc biệt là các ngôi nhà sàn ở đây đều được chuyển từ khu ATK Định Hóa Thái Nguyên về và được phục dựng nguyên bản để giữ gìn và bảo tồn một cách tốt nhất. Bao quanh khu vực nhà sàn là khung cảnh 4 bề đồi núi, người dân Tày, Nùng sống trong lòng chảo này thân thuộc như làng mình và cùng nhau giữ được nét văn hóa đậm bản sắc của dân tộc mình. 30 ngôi nhà sàn ở đây cũng chính là nơi sinh sống của 30 gia đình nhiều thế hệ người dân tộc, chủ yếu là người Tày. Cũng chính họ, trong sắc áo chàm truyền thống, vừa chăn nuôi, trồng trọt, lao động, sản xuất, vừa tham gia phục vụ du khách đến tham quan, nghỉ ngơi, du lịch.
Học sinh khối 10 trường THPT Sơn Tây không chỉ được trải nghiệm một số phong tục tập quán của người Tày, Nùng ở làng Thái Hải mà còn được tham gia các trò chơi bổ ích, gắn với di sản được bảo tồn:
Giáo dục di sản là nhiệm vụ cần thiết để xây dựng nền tảng văn hóa, kiến thức lịch sử cho thế hệ trẻ. Đây là một cách “mềm hóa” bài học lịch sử và gieo mầm tình yêu di sản. Giáo dục di sản ở trường THPT Sơn Tây đã góp phần để văn hóa truyền thống được lưu truyền, từ đó giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc. Những điểm đến trong chương trình đã tạo được không khí phấn khởi, vui tươi cho học sinh, thay đổi cách tiếp cận, tìm hiểu về lịch sử từ những tài liệu, hiện vật được trưng bày một cách thực tế, sinh động hơn. Giúp các em học sinh hiểu về những giá trị lịch sử văn hóa, về mảnh đất, con người; từ đó trau dồi cho các em những kỹ năng, trang bị kiến thức, khơi dậy hứng thú và tình yêu di sản văn hóa tại chính quê hương mình, qua đó phát huy giá trị các giá trị di sản văn hóa.