Sáng và chiều chủ nhật 13.03.2022, Trường THPT Sơn Tây đã tổ chức cho 100% giáo viên trong toàn trường tham gia tập huấn online kết hợp offline, nghe giới thiệu và đóng góp ý kiến về hai bộ sách giáo khoa theo chương trình mới là Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và Bộ Cánh diều.
Các tổ bộ môn sau khi tập trung tham dự Khai mạc chương trình tập huấn của Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội thì chuyển về từng phòng riêng theo để tập huấn theo phân môn.
Chương trình giáo dục phổ thông mới, áp dụng đối với khối 10 từ năm học 2022-2023 nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy và học trong nhà trường phổ thông qua các cấp học, phát triển năng lực và phẩm chất của người học.
Tổ Văn trường Thpt Sơn Tây tham gia tập huấn và đóng góp ý kiến vào buổi sáng. Cả hai bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống và Bộ Cánh diều đều được biên soạn công phu, khoa học do hai nhóm tác giả thực hiện.
Bộ sách: Kết nối tri thức với cuộc sống - NXB Giáo dục Việt Nam do nhóm tác giả Bùi Mạnh Hùng (Tổng chủ biên); Phan Huy Dũng (Chủ biên). Nội dung sách rõ ràng, dễ hiểu, cập nhật nhiều kiến thức mới trên nền nội dung cũ thuận lợi cho người dạy và người học dễ hiểu để tiếp cận CTGDPT mới. Nội dung đã tách thành các bài học với các chủ đề rò ràng, chi tiết, mạch lạc.Về hình thức: Ngôn ngữ viết rõ ràng, gần gũi, ngắn gọn,d ễ hiểu với HS lớp 10, có nhiều hình ảnh minh họa nội dung bài học. Hệ thống các câu hỏi được sắp xếp theo trình tự và theo từng mức độ nhận thức: các câu hỏi được đặt ở đầu bài học giúp HS khởi động và tạo hứng thú học tập (đa phần là các câu hỏi dễ); các câu hỏi ở từng phần nội dung bài học gắn với nội dung bài nên HS dễ dàng củng cố kiến thức; cuối bài học đều có câu hỏi luyện tập và vận dụng phù hợp khả năng nhận thức của đối tượng HS lớp 10. Phát huy được năng lực tự học, khả năng sáng tạo của HS.
Bộ Cánh diều của NXB Đại học Huế do nhóm tác giả Đỗ Ngọc Thống – Lã Nhâm thìn (đồng Tổng Chủ biên), Vũ Thanh (chủ biên). Cấu trúc mỗi bài học, gồm các phần mục sau:
1. Yêu cầu cần đạt: cụ thể hóa mục tiêu bài học thành các yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói, nghe và tiếng Việt.
2. Kiến thức Ngữ văn: Nếu các kiến thức về văn học, tiếng Việt cơ bản, thiết yếu như là các công cụ để HS vận dụng trong bài học (khác với sách cũ, kiến thức là mục tiêu).
3. Đọc hiểu VB: nêu 2 VB chính và thực hành đọc 1 VB cùng thể loại hoặc kiểu VB.
Trước khi nêu VB, có mục chuẩn bị: nêu các hướng dẫn để HS chuẩn bị bài ở nhà như tìm hiểu thông tin về tác giả, bối cảnh ra đời, các lưu ý về đọc theo thể loại...
Văn bản đọc được trình bày phần bên trái và phần bên phải trang sách có những hướng dẫn về kĩ thuật đọc để lưu ý HS; các chữ khó được chú thích ngay chân trang để HS tiện tra cứu (khác với sách cũ, dồn hết chú thích vào cuối VB).
Phần cuối VB nêu hệ thống câu hỏi đọc hiểu theo một mô hình thống nhất với các yêu cầu và cấp độ khác nhau.
4. Thực hành tiếng Việt: nêu hệ thống bài tập gắn với nội dung TV nêu ở mục Yêu cầu cần đạt, Kiến thức Ngữ văn và tích hợp với đọc, viết, nói-nghe.
5. Viết: nêu Định hướng viết kiểu bài ngắn gọn, có thể có ví dụ minh họa cho các kiểu bài ấy. Nội dung chủ yếu của Viết là phần thực hành, sách nêu bài tập và hướng dẫn thực hành viết theo 4 bước: chuẩn bị, tìm ý và lập dàn ý, viết và kiểm tra, chỉnh sửa.
6. Nói và nghe: có cấu trúc và yêu cầu tương tự như phần viết. Cần chú ý, nội dung phần viết và nói- nghe đều gắn bó với phần đọc và viết để thực hiện tích hợp và giảm tải.
7. Tự đánh giá: nêu lên 1 VB mới có thể loại tương tự các VB đã đọc hiểu, từ đó đưa ra các bài tập, câu hỏi để HS tự thực hiện nhằm đánh giá kết quả học tập của mình.
8. Hướng dẫn tự học: nêu các gợi ý về ngữ liệu cần đọc và địa chỉ các nguồn tư liệu.
Việc sắp xếp như trên nhằm các mục đích.
Một là, đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực của chương trình, nên phải cấu trúc theo trục các kĩ năng giao tiếp: đọc, viết, nói và nghe. Cần hiểu giao tiếp theo nghĩa rộng, theo đó đọc bao hàm nhiều yêu cầu và cấp độ khác nhau, kể cả yêu cầu cảm thụ, thưởng thức, đánh giá...
Hai là, cấu trúc đọc, viết theo thể loại và kiểu VB thực chất là dạy cách đọc, cách viết, cách tạo ra sản phẩm giao tiếp... khác với mục tiêu trang bị nội dung, chạy theo nội dung.
Ba là, cần thực hiện tích hợp cả nội dung và kĩ năng, vì thế phải lấy nội dung đọc làm chính và học trước; sau đó tiếng Việt, viết và nói- nghe gắn với các nội dung đọc . Như thế vừa tích hợp nội dung, vừa góp phần củng cố các phần, các kĩ năng trong 1 bài học.
Bốn là, cấu trúc như thế lấy thực hành làm chính, hạn chế sa vào lí thuyết, nhưng vẫn có lí thuyết, lí thuyết được rút ra qua thực hành, không phải cung cấp lí thuyết hàn lâm.
Năm là, cấu trúc như thế là tôn trọng quy trình dạy học và lý thuyết khoa học sư phạm. Bắt đầu từ mục tiêu, yêu cầu cần đạt, cung cấp công cụ và nội dung thực hành; sau đó tự đánh giá. Việc thực hành đọc hiểu cũng bắt đầu từ đọc có hướng dẫn của GV (học kĩ VB chính); sau đó thực hành đọc ( không kĩ như VB chính nhưng vẫn có hướng dẫn của GV) và cuối cùng HS phải tự đọc VB mới ở phần đánh giá.
Sáu là, cấu trúc như thế nhằm tạo cho GV vận dụng linh hoạt trong việc tổ chức dạy học. Với thời lượng 11 tiết / bài, GV hoàn toàn tự chủ phân phối thời lượng cho từng nội dung và vận dụng linh hoạt. Ví dụ có thể dạy kĩ 1 VB hoặc VB nào có nội dung sâu sắc thì dành nhiều thời gian hơn và bớt ở các VB, các phần khác đi. Ngược lại phần nào không khó, có thể cho qua nhanh, dành giờ cho các phần khác.
Cả hai bộ sách đều giúp giáo viên có thể vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học và đánh giá học sinh để phát triển phẩm chất và năng lực của người học, đáp ứng được yêu cầu đổi mới trong thời đại công nghệ thông tin.