Như chúng ta đều biết, đối với một người giáo viên, bên cạnh nhiệm vụ chính là giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho học sinh thì công tác chủ nhiệm cũng là một nhiệm vụ quan trọng không kém. Giáo viên chủ nhiệm là cầu nối giữa nhà trường và phụ huynh học sinh, là người quản lí trực tiếp, có trách nhiệm giáo dục đánh giá đạo đức học sinh lớp mình chủ nhiệm. Giáo viên chủ nhiệm có khi là người cha, người mẹ, người thầy, là người anh, người chị, và cũng có những lúc còn là người bạn của các em. Để hoàn thành nhiệm vụ khó khăn đó, người giáo viên chủ nhiệm ngoài việc yêu nghề, mến trẻ và dành nhiều tâm sức, thời gian, thì việc biết phối hợp giữa gia đình và nhà trường là vấn đề quan trọng nhất.
Bản thân tôi đã có 20 năm đứng trên mục giảng, 15 năm làm công tác chủ nhiệm, với 5 khóa chủ nhiệm đã ra trường, tôi tự nhận thấy kinh nghiệm chưa nhiều, song tôi mạnh dạn chia sẻ những việc làm thực tế trong công tác chủ nhiệm lớp mà tôi đã áp dụng với các khóa chủ nhiệm, nhất là khóa chủ nhiệm vừa ra trường.
Thứ nhất, giáo viên chủ nhiệm cần nắm rõ các chủ trương, kế hoạch của nhà trường, thực hiện theo đúng sự chỉ đạo của Ban giám hiệu. Có vấn đề gì vượt quá khả năng giải quyết thì kịp thời báo cáo ban giám hiệu và xin ý kiến chỉ đạo.
Thứ hai, giáo viên chủ nhiệm tìm hiểu sơ yếu lí lịch học sinh đầu cấp, những trường hợp học sinh đặc biệt thì đến nhà tìm hiểu cụ thể để nắm bắt tình hình. Quan sát sự thay đổi ở các em nếu gia đình gặp biến cố.
Thứ ba, lập nhóm zalo phụ huynh học sinh để thông báo, trao đổi công việc. Với những học sinh đặc biệt thì thường xuyên gọi điện, nhắn tin trao đổi với cha mẹ học sinh để thông báo kịp thời và tìm cách giải quyết. Thực tế tôi nhận thấy: một khi phụ huynh học sinh đã tin tưởng thì việc gì giáo viên chủ nhiệm triển khai sẽ được phụ huynh học sinh ủng hộ, đồng thuận. Đặc biệt là việc phối hợp giữa giáo viên chủ nhiệm với với ban chi hội lớp để ban chi hội hỗ trợ công việc cho giáo viên chủ nhiệm, nhất là trong các hoạt động tập thể của lớp như thi thể thao, văn nghệ, hội trại, các hoạt động vui chơi, dã ngoại hay công tác ủng hộ, xã hội hóa ở một số hoạt động khác về ôn luyện đội tuyển, thi học sinh giỏi, thi khoa học kỹ thuật.
Thứ tư, thường xuyên trao đổi với giáo viên bộ môn, bộ phận giám thị và đoàn thanh niên để nắm bắt tình hình của lớp, nhất là những học sinh chưa ngoan, chưa tiến bộ.
Nhưng điều mà tôi tâm đắc nhất muốn chia sẻ là cách tôi lựa chọn giáo dục bằng tình yêu thương. Một lớp học không thể tốt nếu không có kỷ luật tốt. Nhưng để có một lớp học hạnh phúc thì cần hơn nhiều sự chia sẻ, thấu hiểu, đoàn kết, yêu thương giữa thầy cô và học trò, giữa học trò với học trò, giữa cha mẹ và con cái. Có nhiều cách để xử lí học sinh vi phạm nội quy như phê bình, nhắc nhở, đưa ra hình phạt như: trực nhật, bê ghế chào cờ, viết bản kiểm điểm, gửi lên hội nghị giáo dục đạo đức học sinh, cao nhất là nhà trường mời phụ huynh và học sinh đến trao đổi. Nhưng tôi cũng nhận ra là các biện pháp ấy sau khi áp dụng cũng có hiệu quả tức thời, nhưng lâu dài thì học sinh của tôi vẫn mắc lỗi, tái phạm lỗi. Phụ huynh thì bất lực thậm chí bao che cho con, ký sẵn vào bản kiểm điểm của con, thậm chí chiều theo những mong muốn của con… Tôi cũng hiểu tâm lí của các con là đang ở tuổi trưởng thành, muốn khẳng định cái tôi, có khi bố mẹ, thầy cô nói không nghe, nhưng người yêu nói lại nghe, Vì thế, có lúc tôi cũng phải dùng cách lạt mềm buộc chặt, vừa thủ thỉ, chia sẻ vừa kiên trì nhắc nhở, động viên, khích lệ học sinh. Tôi cũng đã từng viết tâm thư gửi đến từng học sinh trước khi các con bước vào kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời. Tôi cũng nhắc nhở các con phải biết nói lời cảm ơn sau khi được nhận tình yêu thương từ bố mẹ, thầy cô. Tôi gợi ý các con làm một video thay lời tri ân gửi đến các thầy cô sau khi kết thúc năm học 12. Đến cuối chặng đường lớp chủ nhiệm cũng đã làm được điều tôi mong muốn và không làm tôi thất vọng. Hôm nay nhìn lại hành trình 20 năm dạy học đã qua, tôi tự thấy bằng lòng, thấy hạnh phúc với những gì tôi đã trao đi và những gì tôi được nhận lại từ học sinh và phụ huynh.
Tóm lại, tôi nhận thấy công việc chủ nhiệm đã là công việc khó và để hoàn thành tốt nhiệm vụ lại càng khó hơn. Bởi vì gần đây, giáo viên chủ nhiệm phải thực hiện thêm nhiều nghiệp vụ, vì cha mẹ học sinh đặt nhiều kỳ vọng vào giáo viên, vào kết quả học tập của con nên làm giáo viên chủ nhiệm thêm nhiều áp lực. Nhưng dù khó khăn là thế, tôi vẫn thấy được làm giáo viên chủ nhiệm là một hạnh phúc, là một công việc tôi yêu. Tôi cũng tin tưởng rằng một khi người giáo viên chủ nhiệm dành tình yêu cho nghề, dành nhiều tâm sức, thời gian và biết cách nâng cao công tác phối hợp giữa gia đình và nhà trường thì chắc chắn sẽ thành công.