Bụt không cứu được em vì Bụt ở xa vời
Dẫu có vạn phép màu Bụt cũng đành bất lực
Cạm bẫy giăng vây trùng trùng là có thật
Khi chỉ một mình em biết cậy nhờ ai?
Không thể trông chờ sự cứu giúp xa xôi
Em đành phải đứng lên, phải gồng mình tranh đấu
Khi nước mắt dẫu trong không đẩy lùi kẻ xấu
Thì sự căm hờn phải tự cất lên …
Ai đã giết trong em cô Tấm dịu hiền
Lòng tham của người đời? Sự ghét ghen đố kị?
Thói tàn nhẫn và lòng ích kỉ?
Hay tình yêu nửa chừng và sự buông xuôi ?
Thân xác bị hủy rồi mà lòng vẫn khôn nguôi
Em sống lại để hướng về người đấy
Là chim vàng anh để chui vào tay áo
Làm bóng xoan đào che mát giấc ngủ trưa...
Ai tiếc cho em khi đã lấy nhà vua
Có lắm quân hầu mà không người bảo vệ?
Chỉ tình yêu thoảng qua nhè nhẹ
Và chút buồn nhơ nhớ lúc vắng em ..
Nhà vua ở nơi nào khi người ta hại em?
Nhà vua đã làm gì để cứu em thoát chết?
Không gì cả và không gì hết
Cũng chẳng nói câu gì khi Cám thay em!
Vua nhận ra miếng trầu em têm
Rồi đón em về cung sống cùng với Cám!
Có phải vì tình yêu còn nồng thắm?
(Theo lời Cám thì em xinh đẹp hơn xưa!)
Oán hận ba phần với bảy phần chát chua
Em đã trút cả vào thân Cám
Nỗi khổ đàn bà đem ra tính toán
Dù cộng hay trừ cũng hóa vô biên
Lời bình
Truyện cổ tích luôn phản ánh mơ ước của con người về công bằng, về hạnh phúc, những thứ mà con người khó có được trong cuộc đời hoặc phải chật vật mới giành, giữ được. Vì thế, bên cạnh việc nâng đỡ, gieo niềm tin để đưa con người đến thế giới của mơ ước, khát vọng, truyện cổ tích cũng đem đến cho con người những bài học rất thực, rất đời. Với cảm quan đó khi đọc truyện cổ tích Tấm Cám, Nguyễn Thanh Huyền có những góc nhìn thật mới mẻ trong bài thơ Nỗi lòng nàng Tấm.
Thứ nhất, Tấm phải tự đấu tranh, giành và giữ mới có được hạnh phúc, không thể trông cậy vào ai, ngoài chính bản thân mình, kể cả Bụt với “vạn phép màu”, kể cả người chồng là nhà vua, người có quyền lực tối cao ngay bên cạnh. Những Cạm bẫy giăng vây trùng trùng là có thật nên chỉ có thể trông cậy vào chính mình.
Không thể trông chờ sự cứu giúp xa xôi
Em đành phải đứng lên, phải gồng mình tranh đấu
Khi nước mắt dẫu trong không đẩy lùi kẻ xấu
Thì sự căm hờn phải tự cất lên …
Thứ hai, cô Tấm sau khi trở thành hoàng hậu và bị mẹ con Cám hãm hại đã không thụ động ngồi khóc chờ Bụt cứu giúp như ở phần đầu nữa mà đã kiên cường đứng dậy đấu tranh. Phải chăng không phải chỉ để đối phó với nhưng âm mưu đen tối của sự ghét ghen, đố kị của mẹ con Cám:
Ai đã giết trong em cô Tấm dịu hiền
Lòng tham của người đời? Sự ghét ghen đố kị?
Thói tàn nhẫn và lòng ích kỉ?
Mà còn là sự hụt hẫng, thất vọng khi biết rằng mình không thể trông mong gì vào tình yêu nửa chừng và sự buông xuôi của nhà vua, chồng mình.
Thứ ba, mũi nhọn của sự lên án được chĩa vào nhà vua, một nhân vật nhàn nhạt nhất trong tác phẩm dù có quyền uy tối cao nhưng không bảo vệ người phụ nữ của mình và dễ dàng chấp nhận người thay thế. Tình yêu của nhà vua với Tấm rất nhạt nhẽo, không hương vị, không hết lòng vì người mình yêu:
Nhà vua ở nơi nào khi người ta hại em?
Nhà vua đã làm gì để cứu em thoát chết?
Không gì cả và không gì hết
Cũng chẳng nói câu gì khi Cám thay em!
Hành động trừng trị của Tấm đối với Cám trong cảm nhận từ xưa tới nay là sự trừng trị của cái Thiện đối với cái Ác nhưng ẩn sâu trong đó phải chăng là nỗi oán hận đàn bà với bảy phần chát chua. Đòn trừng phạt đã giáng xuống, kẻ gây tội đã phải đền tội còn nỗi hận đàn bà kia Dù cộng hay trừ cũng hóa vô biên.
Đấy là sự đồng cảm sâu sắc với người đàn bà đã yêu hết mình, cháy hết mình cho tình yêu nhưng đến cuối chặng đường mới nhận ra rằng: Tình yêu ấy dường như đã trao nhầm chỗ, gửi vào một nơi không xứng đáng dù đó là đấng quân vương. Do vậy, kết thúc bài thơ là sự ngậm ngùi cho thân phận đàn bà khi tự ý thức sâu sắc rằng bản chất tình yêu là không thể chia sẻ nhưng vẫn phải san sẻ. Vì trong trái tim đa đoan, nhiều ngăn của người đàn ông mà mình yêu say đắm kia mình chỉ có một ngăn rất nhỏ, rất nhỏ mà thôi. Trót yêu rồi thì đành chấp nhận.