Nghề nghiệp là một yếu tố quan trọng quyết định đến tương lai của mỗi cá nhân. Theo các nhà tâm lý học hướng nghiệp thì: Chọn được một nghề là điểm khởi đầu. Trở thành một người giỏi trong nghề là điều tuyệt vời. Thành công trong nghề là đích. Và điểm khởi đầu của thành công là phải chọn được một nghề đúng: đó là nghề sẽ phát huy được thế mạnh của bản thân, đáp ứng yêu cầu của xã hội và thời gian ngắn nhất để thành công.
Tuy nhiên thực tế ở Việt Nam những năm gần đây thì “Thất nghiệp” đang là vấn đề nan giải và là một cụm từ đã và đang rất ám ảnh với các bạn trẻ. Theo Tổng cục Thống kê, số lao động thiếu việc làm trong độ tuổi lao động năm 2022 được ghi nhận với gần 1,07 triệu người, trong đó số thanh niên từ 15-24 tuổi là khoảng 409.000 người và có gần 200.000 người là cử nhân. Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trên là do sự thụ động từ chính một bộ phận học sinh. Việc định hướng nghề nghiệp không rõ lộ trình phát triển bản thân, chạy theo những ngành nghề “hot” chỉ được hướng dẫn lí thuyết mà thiếu thực hành đã dẫn đến tình trạng: “Dù đã được đào tạo nhưng sau khi ra trường lại không biết làm gì”. Tỉ lệ học sinh chọn sai ngành học chiếm khoảng 60%; Chỉ 5% học sinh có hiểu biết về ngành mình học. Những con số trên cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc hiểu đúng năng lực của mình, từ đó chọn được ngành nghề phù hợp với sở thích của bản thân và nhu cầu xã hội. Hay nói cách khác là tầm quan trọng của công tác giáo dục hướng nghiệp cho đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trong các nhà trường THPT.
Hướng nghiệp được hiểu là những hoạt động định hướng việc làm nhằm hỗ trợ các cá nhân lựa chọn và phát triển nghề nghiệp phù hợp với khả năng của bản thân. Ngoài ra, hướng nghiệp còn là một trong những phương pháp giúp học sinh, sinh viên có những hiểu biết và trải nghiệm thực tế với nghề nghiệp mà mình mong muốn. Hiện nay, hướng nghiệp đã trở thành một xu hướng có tác động tích cực tới tâm lí và có vai trò vô cùng quan trọng đối với đoàn viên, thanh niên.
1. Thứ nhất: Hướng nghiệp giúp ĐVTN hiểu rõ mình: Hiểu rõ sở thích, đam mê, có năng lực ở công việc nào, muốn làm việc gì và trở thành kiểu người như thế nào trong tương lai. Hơn nữa, việc hiểu rõ bản thân giúp học sinh có động lực vượt qua các áp lực xã hội, có cơ sở để không theo số đông, theo ý muốn người khác trong việc lựa chọn nghề.
2. Thứ hai: Hướng nghiệp giúp ĐVTN xác định thế mạnh và sở thích bản thân: Đây là bước quan trọng trong hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông bởi thế mạnh và sở thích là hai yếu tố song hành cùng nhau khi chọn ngành nghề. Xác định đúng thế mạnh và sở thích giúp học sinh chọn đúng nghề giúp mang lại hứng thú, đam mê khi học, từ đó phát huy được thế mạnh của mình.
3. Thứ ba: Hướng nghiệp giúp ĐVTN xác định điều kiện bản thân có phù hợp ngành nghề: Trong hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông, các em cần xác định các yếu tố liên quan đến nghề mình lựa chọn: điều kiện kinh tế của gia đình có phù hợp, ngoại hình có phù hợp với đặc thù của ngành. Đây là bước vô cùng quan trọng vì khi có đủ tài năng, đam mê nhưng lại không đáp ứng được các yếu tố khác, học sinh sẽ phải đối diện với áp lực rất lớn để theo ngành nghề đó.
4. Thứ tư: Hướng nghiệp giúp ĐVTN hiểu về nghề mà mình sẽ lựa chọn: Bước tiếp theo trong kế hoạch hướng cho học sinh thpt là học sinh tìm hiểu, nghiên cứu về ngành nghề mình dự định chọn. Với sự phát triển xã hội như ngày nay, có rất nhiều ngành nghề có khả năng bị loại bỏ. Do đó, học sinh cần tìm hiểu trong những năm tới, ngành nghề mình theo đuổi có nguy cơ bị bão hòa không, thị trường lao động và xu hướng việc làm như thế nào.
5. Thứ năm: Hướng nghiệp giúp ĐVTN xây dựng hồ sơ học tập: Sau khi đã định hướng được ngành nghề phù hợp với bản thân, học sinh cần lên kế hoạch học tập cẩn thận để đạt được kết quả tốt nhất đáp ứng yêu cầu đầu vào của ngành. Ngoài ra, các em cũng cần có kế hoạch tham gia cuộc thi về học tập, các hoạt động ngoại khóa,… Những việc này góp phần xây dựng hồ sơ học tập trở nên nổi bật, đáp ứng yêu cầu đầu vào của các trường.
6. Thứ sáu: Hướng nghiệp tạo cơ hội cho ĐVTN trải nghiệm thực tế trước khi đưa ra lựa chọn chính thức. Việc tự trải nghiệm, tham gia các hoạt động liên quan đến ngành nghề của mình giúp học sinh làm quen và có cái nhìn thực tiễn về công việc tương lai. Từ đó, các em sẽ hình dung chính xác hơn về công việc, môi trường nghề mình chọn. Ngoài ra, học sinh cũng sẽ rút ra được các kinh nghiệm, đánh giá bản thân có phù hợp với nghề. Học sinh có thể tham gia trải nghiệm tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp được tổ chức thường niên tại các trường đại học.
Đó là những lợi ích rõ ràng của công tác hướng nghiệp đối với ĐVTN trong nhà trường. Hiểu rõ những lợi ích đó, trong năm học vừa qua, đoàn trường đã tích cực triển khai các hoạt động hướng nghiệp cho đoàn viên, thanh niên, cụ thể:
- Tổ chức các buổi tư vấn hướng nghiệp cho đoàn viên thanh niên khối 12.
- Phối hợp với thị đoàn Sơn Tây tổ chức cho ĐVTN tham gia Ngày hội khởi nghiệp hướng nghiệp tại Trung tâm Văn hóa thể thao thị xã Sơn Tây với sự tham gia của hơn 40 trường ĐH trên phạm vi TP HN.
- Xây dựng các nội dung sinh hoạt chuyên đề với chủ đề: Thanh niên với vấn đề lập thân, lập nghiệp.
- Phối hợp với trường ĐH FPT tổ chức ngày hội Tư vấn hướng nghiệp với chủ đề: Đại học – Đừng học đại cho HS khối 12.
- Phối hợp với ĐH VINUNI, FPT tổ chức cho ĐVTN khối 12 tham gia các hoạt động TNHN.
Tuy nhiên, để công tác hướng nghiệp cho ĐVTN đạt hiệu quả cao và có ý nghĩa thiết thực thì cần có sự chung tay của tất cả các cá nhân cũng như tổ chức đoàn thể trong nhà trường. Để đẩy mạnh công tác hướng nghiệp cho ĐVTN trong nhà trường cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất: Hàng năm nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động hướng nghiệp cho ĐVTN dưới nhiều hình thức đa dạng qua đó giúp ĐVTN hiểu rõ mình, rõ nghề và hiểu rõ nhu cầu của xã hội.
Thứ hai: Nhà trường mời các chuyên gia về tư vấn hướng nghiệp để tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng và nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên chủ nhiệm và những giáo viên được phân công giảng dạy bộ môn TNHN.
Thứ ba: Giaos viên được phân công thực hiện nhiệm vụ hướng nghiệp cho học sinh cũng cần chủ động tìm hiểu, trang bị cho mình những kiến thức về tâm lý học hướng nghiệp và các thông tin về nghề nghề, nhu cầu của xã hội để từ đó cung cấp cho học sinh những thông tin ngành nghề chính xác, định hướng nghề chuẩn xác nhất, tư vấn nghề đúng đắn và linh hoạt.
Thứ tư: Về phía Đoàn trường cần tăng cường công tác phối hợp, kết nối với các trung tâm tư vấn hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp để tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi, tư vấn cho ĐVTN đặc biệt là các ĐVTN khối 12.
Thứ năm: Đoàn trường có thể phối hợp với các trường Đại học, cao đẳng tổ chức cho ĐVTN tham gia các hoạt động trải nghiệm qua đó giúp ĐVTN có cái nhìn khách quan về các ngành nghề sẽ lựa chọn.